Bạn đang ở: Trang chủ / Thế giới / Trung Quốc và Châu Phi

Trung Quốc và Châu Phi

- Ngô Vĩnh Long — published 17/11/2006 12:24, cập nhật lần cuối 14/03/2007 14:48
Quan hệ kinh tế và chính trị giữa Trung Quốc và châu Phi không ngừng phát triển trong 5 năm qua. Mặt sáng và mặt tối của nó dưới ngòi bút của một nhà Trung Quốc học (Trường Đại học Maine)


Quan hệ Trung Quốc và Phi Châu

     
Ngô Vĩnh Long


Vừa qua tại Bắc Kinh có một cuộc họp thượng đỉnh trong ba ngày liền (3-5 tháng 11 năm 2006) giữa Trung Quốc và Châu Phi để kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao của Trung Quốc với Phi Châu và 6 năm ngày thành lập Diễn Đàn Hợp Tác Trung-Phi (FOCAC, Forum on China-Africa Co-operation). Ngoài lãnh tụ của 48 nước Châu Phi đã thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, trong tổng số 53 nước, còn có hơn 1500 các chính khách, các nhà doanh nghiệp, và các kí giả từ các nước Châu Phi đến dự.

Trong diễn văn khai mạc buổi họp Phó thủ tướng Ngô Nghi (Wu Yi) tuyên bố là Trung Quốc rất hãnh diện về “tình hữu nghị mãnh liệt và nồng nhiệt với Châu Phi” của Trung Quốc. Ông ta nói tiếp là: “Để tạo thêm những phát triển mới, chúng ta phải tận dụng khả năng hợp tác và dựa lên sức mạnh của hai bên để mở rộng và nâng cao sự hợp tác.”i

Thế thì sự hợp tác Trung-Phi đã được thể hiện ra sao? Trung Quốc có những mục đích gì?

Walter Kansteiner, người mà gần đây là thứ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ và hiện nay là thành viên của hãng tư vấn Scowcroft Group, nói rằng trong những thập kỷ 1960 và 1970 quan hệ giữa Trung Quốc và Châu Phi chủ yếu là chính trị, là “ủng hộ các bằng hữu trong vấn đề giải phóng dân tộc.” Nhưng hiện nay quan hệ Trung-Phi chủ yếu là vì lợi ích thương mại. Ông ta nói tiếp là đối với Trung Quốc vấn đề chính là thu hút được nguyên liệu và nhiên liệu để tiếp tục nuôi sống các hạ tầng công nghiệp trong nước.ii

Phần lớn các nhà bình luận và các bài báo thường nhấn mạnh quan hệ kinh tế và thương mại giữa Trung Quốc và Châu Phi. Nhưng thật ra những quan hệ nầy có liên quan mật thiết đến các mục tiêu chính trị, ngoại giao và chiến lược của Trung Quốc.

Quan hệ kinh tế và thương mại:


Mậu dịch hai chiều giữa Trung Quốc và Châu Phi tăng rất nhanh trong những năm vừa qua: từ 10 tỉ Mĩ kim năm 2000 đến khoảng 50 tỉ cuối năm 2006 và, theo dự tính, đến năm 2010 sẽ tăng hơn 100 tỉ.iii Trung Quốc hiện nay là bạn hàng lớn thứ 3 của Châu Phi, sau Mĩ và Liên Hiệp Châu Âu. Châu Phi chủ yếu xuất khẩu nguyên liệu và nhiên liệu và nhập các hàng tiêu dùng và chế biến từ Trung Quốc. Trong khi đó, các hàng chế biến của Châu Phi chưa vào Trung Quốc được bao nhiêu.iv

Hiện nay khoảng 30% tổng số dầu mỏ Trung Quốc nhập là từ Châu Phi, chủ yếu từ Sudan, Angola, và Congo-Brazaville. Năm 2005 Trung Quốc nhập 2,6 triệu thùng dầu mỗi ngày, trong đó khoảng 800 ngàn thùng là từ 3 nước nói trên. Theo Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF), xuất khẩu độc nhất của Angola là dầu và 99% xuất khẩu của Sudan cũng là dầu. Trung Quốc hiện nay mua 35% tổng số dầu xuất khẩu của Angola và 65% tổng số dầu xuất khẩu của Sudan. Lượng dầu Trung Quốc mua từ Sudan tương đương 7% tổng lượng dầu Trung Quốc cần dùng. Hiện nay khoảng 40% các xí nghiệp dầu mỏ tại Châu Phi là của Trung Quốc.v

Ba xí nghiệp dầu mỏ lớn nhất của Trung Quốc bắt đầu mua các trữ lượng dầu Châu Phi từ năm 1993. Năm 1995 xí nghiệp quốc doanh CNOOC (China National Offshore Oil Corporation) thắng một cuộc đấu thầu dầu mỏ ở Sudan. Hai năm sau, sau khi Washington cắt bang giao với Sudan vì lý do vi phạm nhân quyền và sau khi các hãng dầu phương Tây rút ra khỏi Sudan, thì CNOOC và các xí nghiệp khác của Trung Quốc tràn vào. Các công ti nầy phát triển các mỏ dầu, xây dựng các nhà máy lọc dầu, và thiết lập các đường ống dẫn dầu. Trung Quốc đã đầu tư hơn 8 tỉ Mĩ kim trong việc thăm dò dầu và thiết lập một đường ống dẫn dầu từ các mỏ dầu miền nam Sudan đến Biển Đỏ (Red Sea) để đổ dầu vào các thuyền chở dầu tại cảng Sudan (Port Sudan). Hiện nay có khoảng 10 ngàn người Trung Quốc làm việc trong các xí nghiệp dầu mỏ tại Sudan. Trung Quốc cũng đã chiếm khoảng 40% cổ phần của công ti liên kết (consortium) Greater Nile Petroleum Operating Company, tức công ti khoan dầu mỏ lớn nhất ở Sudan. Năm 2005, mặc dầu có loạn lạc và tàn sát rất lớn trong nước, mỗi ngày Sudan sản xuất 500 ngàn thùng dầu thô loại nhẹ và ngọt (light, sweet crude), tức là loại đắt tiền nhất vì dễ lọc. Sudan có một trữ lượng đã biết được là 563 triệu thùng, với khả năng là trữ lượng trong các vùng hiện nay có chiến tranh còn lớn hơn gấp nhiều lần trữ lượng đã biết được. Ngày 9 tháng giêng năm 2006 công ti CNOOC tuyên bố là đã mua 45% toàn bộ các mỏ dầu tại Nigeria với giá 2,27 tỉ Mĩ kim. Nigeria là nước sản xuất dầu lớn nhất ở Châu Phi và là nước sản xuất dầu lớn thứ 11 trên thế giới. Nigeria sản xuất khoảng 2,5 triệu thùng dầu mỗi ngày. Trữ lượng đã biết được của nước nầy là 35,2 tỉ thùng dầu, và chính phủ Nigeria đang có kế hoạch mở rộng trữ lượng nầy dến 40 tỉ thùng vào năm 2010. Vào đầu tháng 5 năm 2006 Nigeria đồng ý cấp cho Trung Quốc 4 giấy phép thăm dò dầu mỏ sau khi Trung Quốc chịu đầu tư 4 tỉ Mĩ kim vào việc xây dựng nhà máy lọc dầu và nhà máy điện tại nước nầy. Đây là một trong 7 hợp đồng ông Hồ Cẩm Đào (Hu Jintao) kí với Tổng Thống Olusegun Obasanjo trong cuộc viếng thăm Nigeria của chủ tịch Trung Quốc. Kinh tế Nigeria chủ yếu là dựa vào tiền bán dầu, và 80% thu hoạch của chính phủ là từ dầu. Mặc dầu nhiên liệu và nguyên liệu của Nigeria rất nhiều, hơn 70% dân chúng Nigeria sống trong nghèo đói.

Ngoài các nước trên, CNOOC và các xí nghiệp dầu khác của Trung Quốc cũng đang rất năng động tại Angola, Equatorial Guinea, Gabon, và Chad.

Angola là nước sản xuất dầu lớn thứ hai sau Nigeria ở khu vực phía nam sa mạc Sahara. Đến năm 2008 Angola mỗi ngày sẽ sản xuất 2 triệu thùng dầu. Angola cũng có những mỏ khí đốt lớn ngoài khơi. Kĩ nghệ dầu mỏ và khí đốt của Angola có tiềm năng rất lớn. Vì thế từ năm 2003 đến năm 2005 kĩ nghệ nầy đã thu hút trên 20 tỉ Mĩ kim đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI). Kĩ nghệ dầu của Angola tương đương với hơn 40% tổng thu hoạch quốc nội (GDP) của nước nầy; và hơn 90% thu hoạch của chính phủ là từ kĩ nghệ dầu khí.

Equatorial Guinea là một nước nhỏ ở miền tây Châu Phi. Nhưng nước nầy có một trữ lượng dầu đã biết được là 1,28 tỉ thùng. Năm 2004 Equatorial Guinea sản xuất trung bình khoảng 372 ngàn tấn mỗi ngày; và xuất khẩu dầu năm 2003 tương đương với khoảng 90% tổng giá trị xuất của nước nầy.

Gabon có một trữ lượng dầu đã biết được là 2,5 tỉ thùng và mỗi ngày nước nầy sản xuất khoảng 230 ngàn thùng. So với mức sản xuất cao nhất vào năm 1997 thì sản lượng hiện nay đã tụt khoảng 37%. Xuất khẩu dầu thô tương đương với 40% tổng sản lượng quốc nội và khoảng 60% ngân sách nhà nước là từ dầu.

Ngoài các công ti dầu, hiện nay có trên 700 xí nghiệp quốc doanh Trung Quốc đang hoạt động ở Châu Phi, đặc biệt là trong các lãnh vực nguyên liệu hay trong những lãnh vực mà các công ti Âu Mĩ rút khỏi vì cho là ít lãi như khu vực chế biến nông phẩm hay sản xuất bông vải (cô tông). Ngoài ra, Trung Quốc cũng đã đi vào các khu vực khác như là viễn thông và xây dựng. Trong khu vực xây dựng đường sắt thì tháng 5 năm 2006 Trung Quốc cho Nigeria mượn 1 tỉ Mĩ kim để hiện đại hoá hệ thống đường sắt, với công nhân chủ yếu là từ Trung Quốc. Trước đó một tuần công ti Xây dựng Đường sắt Trung Quốc đã thắng cuộc đấu thầu (Mĩ, Đức và Nhật thua) xây dựng 528 cây số đường sắt của hệ thống đường sắt đông-tây dài 1216 cây số của Algeria. Gần đây một công ti liên hợp của Trung Quốc đã kí một hợp đồng trị giá 3 tỉ Mĩ kim với Gabon để phát triển mỏ sắt, phát triển hệ thống đường sắt, và xây dựng một cảng nước sâu cho các tàu chở thùng (containers) và các tàu lớn chở nguyên liệu và nhiên liệu có thể cập bến.vi


Tác động chính trị và xã hội:

Vì nguyên liệu và nhiên liệu và các lợi ích kinh tế khác Trung Quốc đã sẵn sàng ủng hộ các chính quyền độc tài và tàn bạo mà nhiều nước trên thế giới đã lên án.vii

Trường hợp được thế giới để ý đến nhiều nhất là Sudan. Khi Hội Đồng An Ninh của Liên Hiệp Quốc đưa ra một nghị quyết vào tháng 9 năm 2006 để trừng trị Sudan về việc không chịu ngưng những vụ thảm sát tại khu vực phía tây Dafur, Trung Quốc doạ là sẽ phủ quyết. Hội Đồng An Ninh bắt buộc phải thảo nghị quyết lại cho nhẹ nhàng hơn, nhưng nghị quyết nầy được thông qua với phiếu thuận là 11-0 vì Trung Quốc, Nga, Pakistan và Algeria đã bỏ phiếu trắng. Và vì Trung Quốc cũng không chịu thúc đẩy Khartoum chấp nhận biểu quyết của Hội Đồng An Ninh đưa một đoàn quân của Liên Hiệp Quốc vào Dafur để đem lại an ninh và trật tự, trên thực tế Trung Quốc đã dung túng các vụ thảm sát ở Dafur và vì thế để cho bạo lực và người tị nạn lan tràn sang Chad. Thêm vào đó là đã bán cho Khartoum nhiều loại vũ khí như trực thăng tác chiến dùng vào việc đàn áp và tàn sát thường dân ở Darfur. Riêng về máy bay phản lực tác chiến Trung Quốc đã bán cho chính quyền Sudan 100 triệu Mĩ kim máy bay Shenyang (Thẩm Dương) và 12 chiếc phản lực siêu âm F-7 không rõ với giá bao nhiêu.

Một trường hợp khác là Zimbabwe. Sau khi các nước Âu Châu và Mĩ rút ra khỏi nước nầy vì ảnh hưởng rất tiêu cực của chính sách điền địa và vì việc vi phạm nhân quyền rất trầm trọng, Trung Quốc lập tức nhảy vào ủng hộ chính quyền Mugabe với mục đích là thu hút tài nguyên của nước nầy. Vì thế, mặc dầu Âu Châu và Mĩ có chính sách cấm vận vũ khí đối với Zimbabwe, cuối năm Trung Quốc đã bán 12 máy bay phản lực tác chiến FC-1 100 và xe quân sự cho chính quyền Mugabe với giá 200 triệu Mĩ kim. Trước đó, vào tháng 5 năm 2000, đã gởi một lô vũ khí nhẹ sang Zimbabwe để đổi 8 tấn ngà voi. Sự ủng hộ của Trung Quốc trên bình diện chính trị, kinh tế và quân sự không những đã giúp chính quyền Mugabe tồn tại nhưng đã gây thêm các vấn đề dân tị nạn cho Mozambique và Nam Phi.

Trường hợp thứ 3 là Angola. Chính phủ Angola có thành thích tham nhũng rất lớn và đã sử dụng thu nhập từ dầu mỏ cũng như những khoản viện trợ một cách mờ ám cho các cá nhân trong chính quyền. Vì thế các nước cho vay trên thế giới cũng như Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế đặt điều kiện là chính quyền Luanda phải có những đề án minh bạch và những chính sách sáng tỏ. Trung Quốc lập tức nhảy vào cho chính quyền nầy mượn 2 tỉ Mĩ kim để tu chỉnh các hệ thống hạ tầng đã bị chiến tranh phá huỷ. Mặc dầu Trung Quốc nói rằng số tiền cho vay nầy không có điều kiện tiên quyết, Trung Quốc đặt vấn đề là 70% các công trình xây dựng là phải dành riêng cho các công ti của Trung Quốc và tiền vay nợ sẽ được trả dần bằng nhiên liệu và nguyên liệu. Tuy nhiên, đối với chính quyền Angola điều kiện của Trung Quốc dễ thi hành hơn là những điều kiện của Âu Mĩ và của các tổ chức quốc tế về chính sách minh bạch, về giải quyết các vấn đề tham nhũng, về việc không dùng phương pháp đàn áp tàn bạo để duy trì an ninh hay để củng cố chính quyền, và về cải thiện phương pháp cai trị. Đây là những lí do tại sao đến năm 2004 Trung Quốc đã vượt Mĩ để trở thành nước mua dầu nhiều nhất của Angola. Trung bình năm 2004 Angola bán 323 ngàn thùng dầu cho Trung Quốc và 306 ngàn thùng dầu cho Mĩ. Từ đó đến nay, quan hệ giữa Angola và Trung Quốc càng ngày càng tăng cường.

Những trường hợp vừa kể trên dạy cho các nước Châu Phi khác một bài học là nếu các nước Âu Mĩ không chịu có quan hệ kinh tế và ngoại giao vì bất cứ lí do gì đi nữa thì Trung Quốc cũng sẵn sàng làm ăn với họ. Khi các kí giả quốc tế hỏi tại sao Trung Quốc lại làm ăn và ủng hộ một chính quyền như Sudan mà thế giới đã tố cáo là có chính sách diệt chủng đối với dân chúng nước nầy thì Thứ trưởng Ngoại giao Châu Văn Trọng (Zhou Wenzhong) trả lời rằng: “Kinh doanh là kinh doanh. Chúng tôi cố gắng tách rời chính trị với kinh doanh.” (Nguyên văn tiếng Anh: “Business is business. We try to separate politics from business.”) Nhưng trên thực tế thì Trung Quốc đã sử dụng quan hệ thương mại và kinh tế của mình để tác động chính sách đối nội và đối ngoại của nhiều nước Châu Phi. Một ví dụ là đầu năm 2006 là tại Zambia có một cuộc bầu cử tổng thống. Lãnh tụ đảng đối lập Michael Sata rõ ràng dẫn đầu và rất được cử tri ái mộ, một phần là vì ông ấy nêu lên vấn đề nước nầy bị sự can dự của ngoại bang (“foreign interference.”) Trung Quốc cho là ông Sata chống Trung Quốc và ủng hộ Đài Loan cho nên đại sứ Lí Bảo Đông (Li Baodong) của Trung Quốc cảnh cáo rằng nếu ông Sata thắng cử thì Trung Quốc sẽ cắt hết tất cả đầu tư của Trung Quốc ở Zambia và sẽ cắt quan hệ ngoại giao với Zambia . Chỉ trong vài ngày sau thì ông Sata thất cử.viii

Trên thực tế thì một trong những điều kiện chính trị Trung Quốc đặt ra cho các nước Châu Phi là để có được đầu tư của Trung Quốc các nước nầy phải chấp nhận chính sách một nước Trung Quốc và phải từ khước Đài Loan. Hiện nay chỉ có 5 nước còn quan hệ với Đài Loan: Gambia, Burkina Faso, Sao Tome, Swaziland, và Malawi. Nhưng Trung Quốc mong rằng với những hứa hẹn về viện trợ và đầu tư các nước nầy sẽ dần dần cắt đứt các quan hệ với Đài Loan.

Quan hệ của Trung Quốc với các nước Châu Phi cũng đã giúp Trung Quốc rất lớn trên mặt trận ngoại giao trên thế giới vì các nước Châu Phi thường bỏ phiếu như là một khối trong các cơ quan quốc tế. Các nước Châu Phi đã ủng hộ Trung Quốc rất mạnh mẽ trong việc chống lại các nghị quyết tại Liên Hiệp Quốc của một số nước phương Tây tố cáo Trung Quốc về vấn đề vi phạm nhân quyền. Các nước Châu Phi cũng đã giúp Trung Quốc đánh bại hết tất cả mọi yêu cầu của Đài Loan gia nhập Tổ Chức Y Tế Thế Giới và các tổ chức quốc tế khác. Ngoài ra, các nước Châu Phi đã giúp Trung Quốc thắng cuộc đấu thầu đăng cai Thế Vận Hội năm 2008 và Hội Chợ Thế Giới (World Expo) năm 2010.

Thành quả và hậu quả:


Cho đến nay quan hệ Trung-Phi đã đem lại nhiều thành quả tích cực nhưng cũng đã tạo ra nhiều vấn đề, nếu không khéo giải quyết kịp thời, sẽ đưa đến nhiều hậu quả tiêu cực dài hạn.

Về mặt tích cực thì trên lãnh vực kinh tế quan hệ kinh tế và thương mại với Trung Quốc đã giúp GDP của các nước Châu Phi khu vực phía dưới sa mạc Sahara tăng rất nhanh. Trong những năm 1997-2000 GDP của các nước trong khu vực nầy chỉ tăng trung bình 2,6% một năm. Nhưng vì Trung Quốc có yêu cầu về nhiên liệu và nguyên liệu ngày càng lớn, giá trên thế giới càng ngày càng lên. Việc nầy đã giúp cho GDP của các nước nầy tăng trung bình là 4,4% một năm trong giai đoạn 2001-2004.ix Một phần vì do dầu tư của Trung Quốc năm 2005 GDP của các nước Châu Phi tăng với tỉ số cao nhất từ trước đến nay, khoảng 5,2%. Các nước Châu Phi rất hoan hỉ vì Trung Quốc đẩy giá nguyên liệu và nhiên liệu lên cao và vì các đường sá, cầu cống, và các đập nước Trung Quốc xây có chất lượng cao nhưng với giá thành thấp so với các công trình của các nước phương Tây.x

Theo số liệu của Trung Quốc, đến cuối năm 2005 Trung Quốc đã giúp xây dựng hơn 720 công trình ở Châu Phi, cho hơn 18 ngàn học bổng của chính phủ, gởi hơn 15 ngàn nhân viên y tế sang Châu Phi để chữa bệnh cho 170 triệu bệnh nhân. Thêm vào đó là Trung Quốc hứa là đến cuối năm 2006 sẽ giúp Châu Phi đào tạo thêm 10 ngàn chuyên viên. Nhưng trên thực tế thì các chính phủ Châu Phi chỉ thích lấy tiền của Trung Quốc càng nhanh càng tốt thay vì học hỏi những hiểu biết của Trung Quốc để có thể phát triển lâu dài như Trung Quốc.xi

Mặc dầu có những lợi ích trước mắt, đầu tư của Trung Quốc cũng sẽ mang đến nhiều hậu quả tiêu cực về xa về dài. Theo một bản tường trình gần đây của Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển (Organization for Economic Cooperation and Development) thì việc tăng cầu rất nhanh và rất lớn của Trung Quốc về nguyên liệu và nhiên liệu đã làm cho các nước Châu Phi bớt chú trọng vào việc đa dạng hoá các nền kinh tế của họ. Vì thế, các nước nầy sẽ gặp rất nhiều rủi ro khi giá nguyên liệu và nhiên liệu trên thị trường thế giới thay đổi bất ngờ. Thêm vào đó là các kĩ nghệ khoáng chất trên thực chất tạo ra rất ít công ăn việc làm cho người dân các nước sở tại. Trong trường hợp Angola thì hình như không có công ăn việc làm mới cho người dân bản xứ vì Trung Quốc đưa công nhân của mình sang Angola để làm việc trong các công trình xây dựng. Một điểm đáng ngại nữa là việc xuất khẩu dầu của Angola và Nigeria đã đẩy giá hối đoái của các nước nầy lên cao và vì thế đã làm các hàng xuất khẩu của các công nghiệp cần nhiều công nhân của các nước Châu Phi mất thế cạnh tranh.xii

Theo một số báo cáo thì chiến lược của Trung Quốc và cung cách làm việc của các công ti Trung Quốc đã gây nhiều lo ngại cho người dân bản xứ Châu Phi.xiii Trước hết là có khoảng vài trăm ngàn công nhân Trung Quốc đã tràn vào các nước Châu Phi, hợp pháp và bất hợp pháp, để làm việc trong các công trình xây dựng, các kĩ nghệ khoáng chất và dầu mỏ, và các công nghiệp chế biến. Do đó, nhiều người dân các nước Châu Phi đã kêu ca là công nhân Trung Quốc đã lấy việc làm của công nhân bản xứ. Tại Nam Phi có khoảng 200 ngàn người Trung Quốc trong khu vực bán sỉ và bán lẻ đồ may mặc. Vì thế, các công đoàn nước nầy đã thúc đẩy chính phủ Pretoria phải đặt cô-ta trên các hàng may mặc và hàng dệt nhập từ Trung Quốc để bảo vệ công nghiệp và việc làm tại bản xứ.

Thêm vào đó là các công ti Trung Quốc ở Châu Phi, có lẽ vì quen với cung cách làm việc trong nước, đã có những hành động không tốt như là hối lộ các quan chức các nước sở tại, trả tiền công nhân bản xứ chậm hay thiếu, hà hiếp công nhân, và phá hoại môi trường. Nhưng chính phủ Trung Quốc nhất định không chịu can thiệp mặc dầu phần lớn những công ti nầy là công ti quốc doanh của Trung Quốc. Trong cuộc viếng thăm các nước Châu Phi hè vừa qua, Thủ tướng Ôn Gia Bảo (Wen Jiabao) nói đây là những việc nội bộ của các nước Châu Phi và Trung Quốc “tin tưởng hoàn toàn” là nhân dân các nước Châu Phi “có thể tự dàn xếp các công việc riêng của chính mình.” Vì không có sự can thiệp của chính quyền Trung Quốc, tháng 10 vừa qua chính phủ Gabon đã phải bắt công ti dầu quốc doanh lớn nhất của Trung Quốc, Sinopec, ngưng hoạt động vì công ti nầy không những không có giấy phép hoạt động tại khu rừng cấm Loango nhưng đã phá hoại môi trường ở đấy. Tại Zambia các công nhân mỏ của một công ti hầm mỏ Trung Quốc đã biểu tình bạo động vì môi trường làm việc rất tệ hại và vì công ti không chịu trả lương cho họ.

Nói chung thì hiện nay quan hệ giữa Trung Quốc và các nước Châu Phi chưa bình đẳng và minh bạch. Mặc dầu Trung Quốc đã viện trợ cho nhiều nước Châu Phi và tha nợ cho nhiều nước khác, mục đích chủ yếu của Trung Quốc là vơ vét nhiên liệu và nguyên liệu và bán đổ bán tháo các hàng chế biến và tiêu dùng của Trung Quốc sang các nước Châu Phi. Theo một nghiên cứu, các hàng chế biến của Trung Quốc, từ hàng dệt và may mặc đến sắt thép, đã tràn ngập hầu hết các nước Châu Phi. Việc nầy không những đã đe doạ sự tồn tại của công nghiệp các nước Châu Phi, mà đã gây mất cân đối mậu dịch trầm trọng giữa các nước nầy và Trung Quốc. Nhập siêu của Nam Phi đối với Trung Quốc, chẳn hạn, đã tăng từ 24 triệu Mĩ kim năm 1992 đến 400 triệu Mĩ kim năm 2001. Một trong những lí do chính cho sự mất cân đối nầy là vì Trung Quốc bao cấp các mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang các nước Châu Phi và gây nhiều cản trở cho các mặt hàng chế biến của Châu Phi sang Trung Quốc. Tác giả kết luận là các nước Châu Phi phải học những kinh nghiệm của Trung Quốc như biết nói “không” với Trung Quốc như Trung Quốc đã nói “không” với các nước lớn khác. Thêm vào đó là các nước Châu Phi nên tận dụng các tổ chức quốc tế hiện có, như kinh nghiệm của các nước Châu Mĩ La Tinh, để bắt Trung Quốc phải đối xử với các nước Châu Phi một cách công bằng và minh bạch hơn. Trên phương diện nầy thì việc sử dụng Diễn đàn Hợp tác Trung-Phi để áp lực Trung Quốc hợp tác tốt với tổ chức “Đối tác mới cho việc Phát triển Châu Phi” (New Partnership for Africa’s Development, NEPAD) là bước đi có nhiều khả quan.xiv

Ngô Vĩnh Long


i Trích trong “China dangles carrots for Africa”. Bài nầy có thể tải về từ: http://english.aljazeera.net/NR/exeres/336805CA-8286-4428-9650-679146FFEE25.htm.

ii Stephanie Ho, “Experts Warn China Forging Ties with Africa's Pariah States.” Bài nầy có thể tải về từ: http://www.voanews.com/english/2006-11-02-voa57.cfm?renderforprint=1.

iii Simon Elegant, “Beijing Hosts Africa's Leaders: Just Don't Mention Darfur.” Time Magazine, ngày 3 tháng 11 năm 2006. Có thể tải về từ: http://www.time.com/time/world/printout/0,8816,1554386,00.html.

iv Charles Onunaiju, “Problems of Africa-China Co-Operation,” Daily Trust (Abuja), ngày 8 tháng 11 năm 2006. Có thể tải về từ: http://allafrica.com/stories/printable/200611080439.html.

v Các thông tin về dầu mỏ và đầu tư về dầu mỏ của Trung Quốc trong bài nầy là từ: Simon Roughneen, “Influence anxiety: China's role in Africa,” ISN Securiti Watch, ngày 14 tháng 5 năm 2006. Có thể tải về từ: http://www.isn.ethz.ch/news/sw/details_print.cfm?id=15837. Gavin Stamp, “China defends its African relations,” BBC News, ngày 3 tháng 11 năm 2006. Bài nầy có thể tải về từ: http://news.bbc.co.uk/go/pr/fr/-/2/hi/business/5114980.stm. Esther Pan, “China, Africa, and Oil”, Council on Foreign Relations, ngày 12 tháng giêng năm 2006. Bài nầy có thể tải về từ: http://www.cfr.org/publication/9557.

vi Ben Blanchard, “China dangles trade, aid before Africa.” Bài của Reuters, ngày 3 tháng 11 năm 2006, đăng cùng ngày trong washingtonpost.com. Bài nầy có thể tải về từ: http://www.washingtonpost.com/wp-dyn/content/article/2006/11/03/AR2006110300065.

vii Xem bài của Simon Roughneen và bài của Esther Pan, như trên. Hai bài sau đây cho nhiều chi tiết cụ thể: Elizabeth Economy, “The perils of Beijing's Africa strategy,” Council on Foreign Relations, đăng lại trong International Herald Tribune ngày 2 tháng 11 năm 2006. Bài nầy có thể tải về từ: http://www.cfr.org/publication/11886/perils_of_beijings_africa_strategy.html. Venkatesan Vembu, “Africa comes to China,” Daily News & Analysis, ngày 2 tháng 11 năm 2006. Bài nầy có thể tải về từ: http://www.dnaindia.com/dnaPrint.asp?NewsID=1061783&CatID=9.

viii Venkatesan Vembu, “Africa comes to China,” như trên. Xem thêm chi tiết trong bài: “Africa and China,” đăng trên Economist.com ngày 3 tháng 11 năm 2006. Bài nầy có thể tải về từ: http://www.economist.com/agenda/PrinterFriendly.cfm?story_id=8126261.

ix “Africa and China,” như trên.

x Esther Pan, “China, Africa, and Oil”, như trên.

xi Charles Onunaiju, “Problems of Africa-China Co-Operation,” như trên.

xii “Africa and China,” như trên.

xiii “Africa and China”; Elizabeth Economy, “The perils of Beijing's Africa strategy”; Charles Onunaiju, “Problems of Africa-China Co-Operation”; và Simon Roughneen, “Influence anxiety: China's role in Africa.” Như trên.

xiv Chris Alden, “Leveraging he Dragon: Toward ‘An Africa that can say No,’” Bài nầy đã đăng trong eAfrica, cơ quan ngôn luận của The South African Institute of International Affairs, ngày 1 tháng 3 năm 2005. Sau đó bài nầy được đăng lại toàn bộ trên YaleGlobal Online của đại học Yale và có thể tải về từ: http://yaleglobal.yale.edu/article.print?id=5336.


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us