Từ tai họa bùn đỏ ở Hungary
Học được
gì từ
tai họa bùn đỏ ở Hungary
Nguyễn Quang A
Ngày 4-10-2010 đập hồ chứa bùn đỏ tại mỏ khai thác và chế biến bauxite ở Ajka Hungary đã bị vỡ. Gần một triệu mét khối bùn đỏ đã tràn xuống phủ một diện tính 40 kilomet vuông và làm tan hoang nhiều khu dân cư. Có nơi lũ bùn đỏ với độ dày tới 2 mét đã nhấn chìm mọi thứ. Báo chí Hungary cho biết, đến ngày 7-10, đã có 4 người chết, 123 người bị thương và còn 5 người được coi là mất tích. Ba tỉnh của Hungary đã bị đặt trong tình trạng báo động môi trường, ba con sông bị đe dọa, bùn đỏ đã lan xuống sông Rába và đe dọa sông Duna. Đây thảm họa môi trường lớn nhất ở Hungary.
Nhà máy bauxite Ajka thuộc công ty cổ phần Nhôm Hungary (MAL). Báo chí Hungary cũng đưa tin cựu Thủ tướng Gyurcsány Ferenc có lợi ích trong MAL trước khi lên làm thủ tướng và công ty này ngày nay vẫn do các bạn đầu tư của ông vận hành.
MAL đã rất tự hào về tính an toàn của hệ thống chứa bùn đỏ của mình. Họ nói “các hồ chứa bùn đỏ được cách ly, được xây dựng rất hiện đại với hệ thống giám sát tiên tiến đảm bảo chắc chắn việc chứa bùn đỏ”. MAL cũng rất lưu ý đến việc “hoàn thổ”, khôi phục lại mặt bằng, liên tục bằng san lấp và trồng cây tạo ra thảm thực vật phong phú. Nhưng khi xảy ra tai họa, họ nói đấy là tai họa thiên nhiên và từ chối trách nhiệm. Họ còn nói mới gần 2 tuần trước cơ quan Thủy lợi đã kiểm tra đập và không thấy có vấn đề gì. Khi tai họa xảy ra họ nói bùn đỏ không độc hại, trong khi nhiều người bị bỏng đến 70% do bị ngập trong bùn đỏ có tính kiềm nặng!
Lập luận của MAL nghe rất quen với người Việt Nam. Trong các tranh luận về khai thác bauxite ở Tây Nguyên, Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) cũng đưa ra các lời hứa tương tự về hệ thống chứa bùn đỏ của mình sẽ và đang được xây dựng. Thực ra, ở đâu cũng vậy những người vận hành hồ chứa bùn (bùn đỏ của nhà máy bauxite hay bùn đen của các mỏ than hay các loại mỏ khác, thậm chí cả với các hồ nước sạch cho thủy điện) luôn tìm cách thoái thác trách nhiệm khi có sự cố xảy ra.
Các tổ chức bảo vệ môi trường, người dân và chính phủ Hungary (mới thắng cử đầu năm nay và kình địch với chính phủ của cựu thủ tướng), thì cho rằng không phải do các nguyên nhân tự nhiên, tức là ám chỉ đến các sự sao lãng con người đã gây ra tai họa. Theo Thủ tướng Orbán Viktor, “ Chúng ta không biết dấu hiệu cho thấy các nguyên nhân tự nhiên gây tai họa. Chúng ta có thể nghi rằng có sự sao nhãng của con người ở đây. Cả nước đang muốn biết, ai chịu trách nhiệm về tai họa này ”.
Các nhà khoa học thì thận trọng hơn và chỉ có thể đưa ra kết luận về nguyên nhân của tai họa sau khi khảo sát và nghiên cứu kỹ lưỡng. Có thể đập đã được xây thấp hơn mức bùn được đưa vào hồ; có thể đập đã già và bị nước kiềm mạnh làm yếu đi.
Ba ngày sau tai họa, chưa ai có thể đưa ra kết luận thỏa đáng về nguyên nhân của tai họa. Nguyên nhân là gì ? Những ai phải chịu trách nhiệm ? Chắc còn cần thời gian để làm rõ. Nhưng có thể học được nhiều điều từ tai họa này (và các tai họa tương tự khác, như vụ vỡ đập, Buffalo creek, làm tràn bùn xám ở mỏ than tại Mỹ ngày 26-2-1972 làm 124 người thiệt mạng phá hủy hàng ngàn xe cộ và gần cả ngàn ngôi nhà, hay các vụ vỡ đập khác,...). Đấy là các tai nạn xảy ra ở các nước phát triển hơn ta rất nhiều và có kinh nghiệm khai thác và quản lý nhiều hơn chúng ta rất nhiều. Với kinh nghiệm ít ỏi, tính kỷ luật lỏng lẻo và quản lý yếu kém thì nguy cơ tai họa ở ta có vẻ còn nặng hơn.
Tai họa vỡ đập gây ra lũ bùn đỏ ở Hungary phải là một lời cảnh báo rất nghiêm túc với việc tiếp tục chủ trương khai thác bauxite của Việt Nam. Đã có rất nhiều ý kiến về các dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên. Người ta cũng nói đến sự chắc chắn, vững chãi của các hồ chứa bùn đỏ. Từ trên nóc nhà của Đông Dương nếu có sự cố vỡ đập như ở Hungary, thì tai họa sẽ rất thảm khốc.
Trên Tây Nguyên vấn đề chuyên chở không những là vấn đề khó khăn về kinh tế mà cũng hàm chứa những rủi ro môi trường khó lường. TKV lập dự án nhưng bỏ chuyện làm đường chuyên chở ra ngoài (và yêu cầu nhà nước phát triển đường sắt cho TKV), tính kiểu ấy là ăn bớt chi phí đầu tư để cho dự án có vẻ khả thi hơn về kinh tế. Nếu tính hết (kể cả đầu tư cho chuyên chở) và nhất là phải có chi phí thỏa đáng cho khắc phục môi trường (trong hoạt động bình thường của các nhà máy cũng như trong trường hợp có tai họa) thì dự án khai thác bauxite không khả thi về mặt kinh tế. Tác hại về môi trường khó có thể lường. Đó là chưa nói đến các khía cạnh an ninh khác. Chính vì thế nên xem xét lại kỹ lưỡng việc khai thác bauxite, nên để tài nguyên này cho các thế hệ sau, chứ không nên khai thác như hiện đang làm. Vấn đề này, khai thác bauxite, cũng được khẳng định lại trong các dự thảo văn kiện của Đại hội XI của Đảng cộng sản Việt Nam. Rất nên suy ngẫm lại chủ trương này và nên loại bỏ khỏi các dự thảo văn kiện và dừng toàn bộ chủ trương khai thác bauxite ở Tây nguyên.
Chúng ta có thể học được từ người khác không chỉ về các tấm gương tốt, mà cả về những sai lầm của họ nữa. Trong số các sai lầm có lẽ đáng lưu ý là những vấn đề gắn với các nhóm lợi ích. Tuy hình thức có vẻ khá khác nhau nhưng có thể thấy cách ứng xử của các nhóm lợi ích là khá giống nhau. Và đó, cùng các nguyên nhân khác, có thể có vai trò không nhỏ trong thảm họa bùn đỏ kinh hoàng này.
Không chỉ nguy có cơ về lũ bùn đỏ. Người dân miền trung đã than phiền về lũ (nước sạch chứ không phải bùn độc) do thủy điện gây ra. Lãnh đạo các nhà máy thủy điện thoái thác trách nhiệm. Cách ứng xử cũng giống nhau. Hãy ngó dãy núi đất thải (xít) do TKV tạo ra khi khai thác than ở Quảng Ninh đã cao hơn cả núi Bài Thơ! Hãy cảnh giác với các nhóm lợi ích, với các lời hứa bùi tai của chúng và đừng để con cháu chúng ta phải lãnh đủ.
Nguyễn Quang A
Các thao tác trên Tài liệu