Vài nét về kinh tế & chính trị Myanmar
Ký sự Myanmar 2013 (1)
Vài nét về
kinh tế chính trị MYANMAR
Vũ Quang Việt
Sau Hội thảo Hè ở Singapore (12&13 tháng 8.2013), một số anh chị
em chúng tôi bay sang Yangon, bắt đầu cuộc hành trình 12 ngày đưa chúng
tôi đi thăm mấy vùng đất Myanmar : Bagan, Mandalay, Hồ Inle... Trừ anh
Vũ Quang Việt đã tới đây nhiều lần với cương vị tư vấn của chính
quyền Miến Điện về xây dựng hệ thống thống kê kinh tế theo tiêu chuẩn LHQ, chúng tôi đặt chân tới xứ sở của "vạn tháp" lần đầu
tiên. Một cuộc "phi ngựa xem hoa", cốt để ngắm những ngôi chùa đồ sộ,
nguy nga, làm quen với một dân tộc đa dạng, hiếu khách, những cảnh quan
kỳ vĩ, hít thở bầu không khí của một nước đang bước đầu dân chủ hóa sau
mấy chục năm độc tài, đàn áp...
Việc Miến Điện cải cách theo hướng dân chủ hóa đã đi được đoạn đầu tốt đẹp. Quyết định hợp tác hòa bình của Bà Suu Kyi, lãnh tụ đối lập bị giam tại gia 20 năm sau khi thắng cử với hơn 80% phiếu, bỏ qua việc Hiến pháp cải cách năm 2008 vẫn dành 1/3 ghế nghị viện cho quân đội đã tạo ra bước ngoặt trong chính trị Miến Điện. Các nước phương Tây đã nhanh chóng mở cửa tiếp nhận Miến vì nhu cầu ngăn cản ảnh hưởng của Trung Quốc. Tuy vậy tính ổn định chính trị và từ đó ổn định kinh tế của Miến cũng vẫn còn là vấn đề đáng quan tâm.
Chính trị Miến Điện
Miến Điện có 62 triệu dân. Đây thật ra chỉ là con số ước lượng thống kê vì hơn 30 năm nay Miến Điện đã không có một cuộc điều tra dân số nào. Miến Điện chia làm 7 bang (state) của người thiểu số và 7 khu (region) có đa số dân là người Miến (coi Hình 1 ở dưới). Theo điều tra mới nhất trong chương trình trợ giúp Miến Điện của LHQ, bảy khu vực người Miến chiếm 76 % dân số, trong khi các thống kê khác cho thấy số dân gốc Miến chiếm 68 % dân số. Như thế so với nhiều nước lân bang, người thiểu số chiếm tới 32 % dân số và khu vực địa lý người thiểu số chiếm đa số chiếm 23,5 % dân số.
Sắc tộc là vấn đề lớn ở Miến Điện vì tỷ lệ dân thiểu số lớn hơn ở Việt Nam nhiều (VN chỉ có 14% và không có dân tộc nào chiếm tỷ trọng lớn). Không những thế có tộc người có tỷ lệ và số dân rất lớn như người Shan có dân số 5,6 triệu, người Karen 4,3 triệu, có chủng tộc đã từng là vương quốc và lại có quá trình vận động độc lập bằng bạo lực ngay từ khi Miến Điện được Anh trao trả độc lập năm 1948. Trước khi độc lập, Aung San (thân phụ bà Suu Kyi) đã cố gắng thiết lập một đất nước thống nhất bằng hiệp ước công nhận quyền tự trị về hành chính, lập pháp và tư pháp của các dân tộc thiểu số như Chin, Kachin, Shan trong một liên bang kiểu Mỹ nhưng sau đó Aung San bị ám sát, ý tưởng liên bang bị xóa bỏ và Burma trải qua nội chiến 50 năm, cho đến nay những vùng ở phía bắc và phía đông khu vực đồng bằng (Mandalay, Inle, Bagan) vẫn là những vùng bất an, muốn đến phải có giấy phép của chính phủ. U Nu khi lên cầm quyền còn tuyên bố Miến Điện là một nước Chủ nghĩa xã hội Phật giáo, coi Phật giáo là quốc giáo. Đến năm 2009 chiến tranh với người Shan và Kachin đã đẩy cả trăm ngàn người chạy sang Vân Nam.
Mới đây việc người theo đạo Phật ở bang Rakhine (người dân tộc ở đây được gọi là Arakane) bạo loạn do vụ việc một người Hồi hiếp một người đàn bà theo đạo Phật đã làm chết 78 người Hồi và đưa đến gần 90 ngàn người Hồi Rohingya bỏ xứ chạy nạn, rồi sau đó một nhà sư có uy tín cũng kêu gọi bài người Hồi, gây bạo loạn ở ngay Yangon. Chính việc bà Suu Kyi không lên tiếng kịp thời lên án bạo động đã làm cho giới quan sát quốc tế nghi ngờ về khả năng ổn định chính trị ở Miến Điện. Chỉ cần hỏi qua chuyện với người Miến bình thường cũng thấy vấn đề xung đột dân tộc như nồi nước sôi âm ỉ. Người gốc Miến vẫn bị ám ảnh bởi truyền thống một đất nước, một tiếng nói, một ngôn ngữ, một tôn giáo (Phật giáo) của thời U Nu và sau đó là của tướng Ne Win. Hiện nay, ở phía bắc giáp TQ là bang Kachin vẫn có Quân đội giải phóng Kachin, tuy vậy dân tộc này theo đạo Thiên chúa giáo nên không rơi vào tầm kiểm soát của Trung Quốc. Ở phía Đông giáp Thái Lan là bang Shan (nói tiếng Thái) chiếm 7.7% dân số hiện vẫn còn mặt trận giải phóng dân tộc. Cũng ở phía Đông, giáp Thái về phía Nam là bang Kayin có dân đa số là gốc Karen đã chống đối người Miến đòi độc lập từ năm 1949. Còn ở phía tây có bang Rakhine, có dân số lên đến 6.1% dân Miến Điện, chỉ đứng sau bang Shan, có lúc đã là một vương quốc, từng bao gồm cả tỉnh lớn Chittagong của Bangladesh, theo đạo Phật, nhưng dân số theo đạo Hồi gọi là Rohingya ngày càng tăng hiện chiếm tới 40 % dân số, và là nguyên nhân đưa người theo đạo Phật bạo loạn đã nói ở trên. Điều may mắn cho Miến Điện là các nước lân bang như TQ hay Thái Lan đã không thể hay không muốn dùng vấn đề xung đột dân tộc để hưởng lợi.
Dù sao ý tưởng cơ sở để thống nhất dân tộc đã có từ thời ông Aung San, thậm chí Hiến pháp mới ra năm 2008 đã chấp nhận sự hiện diện của các bang tự trị nhưng nội dung như thế nào còn là điều bàn cãi.
Kinh tế Miến Điện
Kinh tế Miến Điện có tiềm lực lớn. Diện tích gấp đôi Việt Nam, với diện tích đất nông nghiệp lớn có khả năng dẫn đầu về nông nghiệp ở Đông Nam Á trong tương lai nếu như được đầu tư thủy lợi, nhưng hiện nay dù đất sử dụng trồng lúa đã nhỉnh hơn Việt Nam một chút, nhưng sản lượng lúa chỉ bằng một nửa Việt Nam, vì năng suất thấp hơn 30 %. Tài nguyên rừng còn phong phú chưa được khai thác vì nội chiến. BP ước tính là Miến có trữ lượng khí đốt có thể khai thác là 7.8 tỉ cubic feet (1,4 tỉ thùng barril). Ngoài ra còn có dầu lửa chưa được thăm dò kỹ. Hiện Miến sản xuất 90 % ngọc bích (jade) của thế giới và đứng đầu về sản xuất hồng ngọc (rubies) và lam ngọc (sapphires). Tuy nhiên lợi thế lớn nhất của Miến Điện so với Việt Nam là khả năng nói tiếng Anh và trình độ học vấn cao của những người lãnh đạo và nhiều công chức đã từng qua các trường lớp theo tiêu chuẩn của Anh.
Chỗ bắt đầu của Miến cũng không thấp nếu so với Việt Nam năm 1989. GDP đầu người năm 2012 là 1013 USD (theo nguyên tắc tính của LHQ mà người viết thực hiện), không phải là nhỏ so với Việt Nam hiện nay là 1.755 USD. Kể từ khi viết lại Hiến pháp năm 2008 nhằm cải cách chính trị và kinh tế, kinh tế đã ổn định trở lại và có phần khởi sắc. Lạm phát giảm hẳn, từ 22% năm 2008 xuống 4-5% rồi 1,5% năm 2012. Đồng kyats lên giá, USD từ 1057 năm 2009 xuống 820 năm 2012. Tuy nhiên vào năm 2013 do thiếu hụt cán cân thanh toán tăng giá USD lên trở lại ở mức 970. GDP từ năm 2004-2008 tăng khoảng 4.5% (theo tính toán của tác giả do yêu cầu của chính phủ Miến và khắc hẳn số liệu chính thức của chính phủ cũng như của các tổ chức quốc tế) nhưng đã tăng tốc sau đó và đạt trên 7% năm 2012.
Có thể khẳng định trước khi quyết định cải cách với Hiến pháp mới năm 2008, Miến Điện đã không lệ thuộc Trung Quốc về mặt kinh tế. Điều này ngược lại với những đánh giá cho đến mới đây của báo giới phương Tây không hiểu biết gì về Miến Điện. Trước năm 2008, tổng đầu tư của TQ vào Miến chỉ có 1 tỷ USD. Đầu tư này tăng vọt lên 13 tỷ USD vào năm 2011 bởi hai đầu tư lớn là đường ống dẫn dầu và khí từ vịnh Bengal lên Côn Minh (Vân Nam) và Nam Ninh (Quảng Tây) (coi hình 2). Cho đến nay tổng đầu tư của TQ vào Miến lên đến 14 tỷ USD, cũng chỉ bằng 35% tổng đầu tư nước ngoài vào Miến. Nước đầu tư lớn thứ hai là Thái Lan (10 tỷ USD) và thứ ba là Hồng Kông (6.4 tỷ USD). Thái Lan là nước mua đến 75 % khí đốt của Miến nhưng trong tương lai có thể khác vì nhu cầu của TQ. Đầu tư của TQ vào Miến hiện đang gặp khó khăn. Chính sách đi gần phương Tây của Miến Điện đã đưa đến quyết định năm 2010 tạm dừng dự án thủy điện Myitsone cho đến hết nhiệm kỳ của Tổng thống Thein Sein. Dự án này có ảnh hưởng lớn đến môi trường và đòi hỏi di dời số dân lớn nhưng chỉ với mục đích duy nhất là cung cấp điện cho TQ. Hiện nay đầu tư của TQ vào mỏ đồng Monywa cũng đang gặp khó khăn vì sự chống đối của dân địa phương vì tranh chấp về đền bù giải tỏa. Mới đây, năm 2103, TQ cũng đã phải rút lui trong cuộc chạy đua đấu thầu vào điên thoại di động vì thái độ không mặn mà của chính phủ Miến Điện. Dự án đường sắt nối liền Côn Minh TQ với cảng ở vịnh Bengal coi như xếp xó (coi hình 3). Tất nhiên chính phủ Miến vẫn khuyến khích đầu tư của TQ vào Miến Điện nhưng thái độ của TQ chỉ cần đi đêm với giới lãnh đạo trung ương, bất chấp quyền lợi của dân chúng địa phương đã đưa đến việc bài Hoa ở Phi châu và rồi ở Miến Điện.
Dư luận nói chung ở Miến từ vài năm nay đang rộ lên tin tức về việc người Hoa ồ ạt sang Mandalay làm ăn, mua thẻ căn cước mất khoảng 1000 USD để thành người Miến, rồi sau khi nói được tiếng Miến thì chuyển đi nơi khác. Ở Miến, chỉ cần tấm thẻ căn cước là có thể thành người Miến mà không cần chứng minh sinh đẻ ở đó. Không biết sau này tình hình sẽ ra sao nhưng đó là thông tin mà anh Zaw Hein, một người Miến hướng dẫn du lịch, đã kể cho chúng tôi.
Yangon & New York
Vũ Quang Việt
Các thao tác trên Tài liệu