Bạn đang ở: Trang chủ / Thế giới / Khi văn hóa cản trở phát triển

Khi văn hóa cản trở phát triển

- Oscar Arias — published 25/04/2011 15:27, cập nhật lần cuối 25/04/2011 23:46
Người cộng tác: Từ Khiêm (dịch)
<< Chán nản với những tuyên bố sáo rỗng, những hứa hẹn vô nghĩa, dân chúng tại đây đã đánh mất niềm tin vào chính trị nói chung (...) Chìa khóa nằm ở chỗ chấp nhận rằng bốn đặc tính văn hóa bản địa sau đây đang là chướng ngại vật trên đường phát triển: Tâm lý ngại thay đổi, sự thiếu lòng tin, các quy phạm dân chủ non yếu, và khuynh hướng quân phiệt. >> Trông người mà ngẫm đến ta...


Khi văn hóa cản trở phát triển
Những trở ngại đích thực cản trở
Châu Mỹ La Tinh phát triển.


Bài đăng trên Foreign Affairs số tháng 1 & 2, 2011


Oscar Arias (*)


Bản dịch : Từ Khiêm



Gần hai thế kỷ đã trôi qua kể từ khi Châu Mỹ La Tinh giành được độc lập từ Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, nhưng không một nước nào tại đây thực sự phát triển. Sai lầm nằm ở đâu? Tại sao nhiều nước ở các khu vực khác, từng thua kém rất xa, lại có cách đạt được tương đối nhanh chóng những thành quả mà các nước Châu Mỹ La Tinh bao lâu nay vẫn chỉ dám mơ ước?

Nhiều người tại đây trả lời câu hỏi này bằng cách đổ lỗi cho âm mưu phá hoại, hoặc bằng những biện minh dễ dãi với chính mình. Họ trách đế quốc Tây Ban Nha trong quá khứ đã vơ vét bao nhiêu của cải từ đây, hoặc họ trách đế quốc Mỹ đã và vẫn đang bóc lột họ đến cạn kiệt. Họ bảo rằng các định chế tài chính quốc tế đã âm mưu kềm hãm sự phát triển của vùng đất này, rằng toàn cầu hóa được thiết kế để cố ý giam hãm nó trong tăm tối. Tóm lại, họ đổ lỗi cho các thế lực bên ngoài đã khiến Châu Mỹ La Tinh chậm phát triển, nhưng không hề đổ lỗi cho bản thân mình.

Sự thật là thời gian từ ngày giành được độc lập đến nay đã quá đủ lâu để Châu Mỹ La Tinh không còn có quyền đổ lỗi cho bên ngoài về những thất bại của mình nữa. Đúng là có nhiều thế lực bên ngoài ảnh hưởng tới số phận của vùng đất này, nhưng các khu vực khác trên thế giới cũng thế thôi. Các nước Châu Mỹ La Tinh không phải là nơi duy nhất vướng vào những trận đấu không cân sức trong lịch sử. Châu Mỹ La Tinh đã bắt đầu cuộc tranh đua này với những điều kiện ngang bằng, thậm chí còn tốt hơn ở nơi khác. Và họ – chúng ta – là những người bị bỏ lại đàng sau.

Khi Đại Học Harvard mở cửa vào năm 1636 thì đã có các đại học bề thế ở Argentina, Bolivia, Chile, Colombia, Cộng Hòa Dominican, Ecuador, Mexico, và Peru. Năm 1820, tổng sản lượng nội địa GDP toàn Châu Mỹ La Tinh lớn hơn GDP của Mỹ tới 12,5 phần trăm. Nhưng hiện nay, với dân số 560 triệu dân – hơn dân số Mỹ tới 250 triệu người – khu vực này chỉ có GDP bằng 29 phần trăm so với anh láng giềng phía bắc. Châu Mỹ La Tinh giành được độc lập 150 năm trước các nước như Nam Hàn và Singapore, nhưng, bất kể quá khứ bị thực dân bóc lột và đất nước thiếu những tài nguyên quan trọng, thu nhập bình quân đầu người ở các nước này hiện cao hơn ở Châu Mỹ La tinh gấp mấy lần.

Sự né tránh không dám đối diện vói những so sánh khác biệt rõ ràng như vừa kể của Châu Mỹ La Tinh tạo ra hố sâu ngăn cách giữa ngôn từ và thực tế. Chán nản với những tuyên bố sáo rỗng, những hứa hẹn vô nghĩa, dân chúng tại đây đã đánh mất niềm tin vào chính trị nói chung. Tuy nhiên, việc nhận thức phần trách nhiệm của chính mình trước tình trạng hiện nay có lẽ sẽ là bước đầu để viết lại lịch sử. Chìa khóa nằm ở chỗ chấp nhận rằng bốn đặc tính văn hóa bản địa sau đây đang là chướng ngại vật trên đường phát triển: Tâm lý ngại thay đổi, sự thiếu lòng tin, các quy phạm dân chủ non yếu, và khuynh hướng quân phiệt.


NHÌN LẠI QUÁ KHỨ


Châu Mỹ La Tinh thần thánh hóa quá khứ liên tục đến mức gần như không thể lên tiếng kêu gọi thay đổi. Thay vì cổ xúy văn-hóa-cải-tiến, họ lại thúc đẩy văn-hóa-bảo-tồn-hiện-trạng. Họ không thích những cải cách tiệm tiến, kiên nhẫn, vốn là loại cải cách đặc trưng của một thể chế dân chủ ổn định, mà chấp nhận những gì hiện có, trong khi lại trông chờ nổ ra những cuộc cách mạng hoành tráng có thể làm dân giàu nước mạnh chỉ sau một cuộc nổi dậy.

Thái độ như vậy có thể hiểu được nếu là thái độ của người Canada hay Na Uy, những nước đã đạt mức độ đáng ao ước trên nấc thang phát triển con người. Nhưng Guatemala hoặc Nicaragua có gì trong quá khứ để họ tự hào quá mức đến thế? Trong những trường hợp này, tính bảo thủ xuất phát từ ước muốn bảo tồn hiện trạng một phần, nhưng phần lớn là từ toan tính bảo vệ đặc quyền đặc lợi và từ nỗi sợ hãi những gì mình chưa biết. Người dân Châu Mỹ La Tinh thà cắn răng chịu đựng ngay cả đớn đau khổ ải, chấp nhận một hiện tại ổn định đang có, hơn là phải đương đầu với một tương lai bất định. Tâm lý này cũng tự nhiên, thậm chí rất người. Nhưng sự sợ hãi không chỉ khiến chúng ta hoang mang lo lắng, mà còn làm chúng ta tê liệt.

Tình hình còn tệ hơn vì các lãnh tụ chính trị tại đây hiếm khi có sự kiên nhẫn hoặc tài năng để thận trọng đưa dân chúng đi trên con đường cải cách. Trong một nền dân chủ, người lãnh đạo có thể ví như một giáo viên chủ nhiệm, luôn sốt sắng giải đáp các nghi ngờ, thắc mắc, và giảng giải về sự cần thiết của một đường lối mới, và tại sao nó sẽ mang lại lợi ích. Ngược lại, ở Châu Mỹ La Tinh, các lãnh tụ có thói quen giải thích chỉ bằng một câu “bới vì ý tôi là thế!”

Điều này trùng khớp với toan tính bảo vệ đặc quyền đặc lợi, một hiện tượng rõ mồn một không chỉ trong giới giàu có và nhiều quyền lực, mà còn trong toàn xã hội. Các nghiệp đoàn giáo viên tự quyết định giáo viên sẽ làm việc bao nhiêu là đủ và họ cần dạy học sinh những gì. Điều tương tự cũng xảy ra trong giới chủ doanh nghiệp và các nhà thầu trong khu vực tư nhân, họ quen cung cấp những dịch vụ chất lượng thấp trong mấy chục năm qua mà không sợ ai cạnh tranh, nhờ vào việc buôn quan bán chức và các đổi chác trái phép. Giới công chức cũng bất động tương tự: các cơ quan nhà nước tưởng thưởng cho những ai không làm gì hết, ngoài việc ngồi yên tại bàn giấy và nói không.

Thái độ này mang lại nhiều hậu quả, nhất là cho tinh thần khai phá của nhà doanh nghiệp. Châu Mỹ La Tinh có số thanh tra nhiều gấp bội số người-khai-phá-kinh-doanh. Vùng đất này nghi ngờ những ý tưởng mới và thiếu những guồng máy hiệu quả để hỗ trợ các dự án có tính sáng tạo. Ai muốn mở một doanh nghiệp mới thì phải lặn lội qua lớp lớp giấy tờ hành chánh phiền hà và những đòi hỏi phi lý. Những nhà doanh nghiệp rất ít được coi trọng hoặc hỗ trợ về văn hóa, họ cũng chỉ được luật pháp bảo vệ sơ sài và giới khoa bảng ủng hộ chiếu lệ.

Trong khi đó, các đại học tại đây cũng không cho ra lò những chuyên gia mà công cuộc phát triển đang cần. Ở Châu Mỹ La Tinh, trung bình cứ sáu chuyên gia ngành khoa học xã hội tốt nghiệp thì chỉ có hai kỹ sư và một chuyên gia ngành khoa học chính xác. Đến thăm một đại học ở Châu Mỹ La Tinh giống như đi ngược về quá khứ, tới thời kỳ mà Bức Tường Bá Linh còn chưa sụp đổ, Nga và Trung Quốc chưa đi theo chủ nghĩa tư bản. Thay vì trang bị cho sinh viên những kỹ năng thực tế – như kỹ năng về kỹ thuật và ngôn ngữ – để giúp họ thành công trong thế giới toàn cầu hóa, rất nhiều trường lại dành thời gian để dạy sinh viên về những tác giả chẳng còn ai đọc, và giảng đi giảng lại những giáo điều chẳng còn ai tin.

Để có thể phát triển, phải thay đổi tình trạng này. Châu Mỹ La Tinh phải bắt đầu tưởng thưởng cho những người có khả năng phát minh và sáng tạo. Đại học của họ phải cải cách nội dung giảng dạy cũng như đầu tư vào khoa học và kỹ thuật. Họ phải giảm luật lệ phiền hà, thu hút đầu tư và đẩy mạnh chuyển giao tri thức. Nói cách khác, họ phải hiểu rằng chủ nghĩa thực dụng chính là ý thức hệ mới của loài người, rằng, như Đặng Tiểu Bình từng tuyên bố, mèo trắng mèo đen không quan trọng, miễn bắt được chuột.


BIẾT TIN CẬY


Chướng ngại thứ hai là sự mất lòng tin. Không dự án phát triển nào có thể tiến hành được ở nơi mà sự nghi ngờ lẫn nhau bao trùm, ở nơi mà thành công được nhìn bằng cặp mắt hoài nghi, sáng tạo và đam mê chỉ gặp sự cảnh giác, đề phòng. Người Châu Mỹ La Tinh nằm trong số những giống dân khó tin nhau nhất trên thế giới. Cuộc Thăm Dò Giá Trị Thế Giới (World Values Survey) trong năm 2000 đặt câu hỏi “Hầu hết mọi người có đáng tin không?”; 55-56 phần trăm người được hỏi tại bốn nước Bắc Âu – Đan Mạch, Phần Lan, Na Uy, và Thụy Điển – trả lời có; trong khi chỉ có 16 phần trăm tại Châu Mỹ La Tinh trả lời có, và chỉ có ba phần trăm trả lời có ở Brazil.

Người Châu Mỹ La Tinh nghi ngờ ý định thật của tất cả mọi người họ gặp trong đời, từ chính khách đến bạn bè. Chúng ta tin rằng mọi người đều có những kế hoạch bí mật riêng, và tốt hơn không nên tham dự quá sâu vào công việc chung. Chúng ta bị kẹt trong một song đề của tù nhân1 khổng lồ trong đó mỗi người đóng góp cho lợi ích chung ở mức tối thiểu nhất có thể làm.

Tuy nhiên, trong thế giới toàn cầu hóa, tin cậy nhau là điều không thể thiếu. Những nước sẵn sàng cho sự tin cậy nhau là những nước sẵn sàng nhất để phát triển, vì công dân của họ có thể hành động dựa trên dự đoán hợp lý về cách ứng xử có thể có của người khác. Sự mất an toàn về luật pháp là một vấn đề đặc biệt nghiêm trọng. Có một hiện tượng ngày càng phổ biến hơn, đến mức báo động, là công dân Châu Mỹ La Tinh không biết việc mình làm sẽ gây ra hậu quả pháp lý nào, hoặc nhà nước sẽ phản ứng ra sao với những dự án của mình. Tại một số nước, nhiều doanh nghiệp bị sung công mà không có bất cứ lý do chính đáng nào, giấy phép bị hủy bỏ vì áp lực chính trị, phán quyết của tòa trắng trợn đi ngược luật pháp, và tình trạng luật lệ nay thế này mai thế khác cản trở việc đạt được những mục tiêu dài hạn. Mới đây, cựu tổng thống Ecuador, Osvaldo Hurtado viết trên báo The American Interest rằng:

“Người dân Châu Mỹ La Tinh không tin vào các định chế luật pháp hoặc vào những người thực thi luật pháp... dù đó là các tòa án nhà nước hay luật sư tư. Thực vậy, thói quen coi thường luật pháp, vốn cắm rễ sâu hàng thế kỷ, có sức ảnh hưởng mạnh mẽ với lục địa này hơn vô số luật lệ được thông qua trong nhiều thế kỷ để điều tiết các quan hệ kinh tế, xã hội, hay chính trị. Lập pháp của Châu Mỹ La Tinh, trong 175 năm qua, dường như đã thông qua nhiều luật lệ hơn đồng nghiệp của họ ở bất cứ đâu trên địa cầu, vậy mà chưa bao giờ lại có quá nhiều luật lệ bị xem thường bởi quá nhiều người, trong thời gian quá lâu như vậy.”

Có thể nói rằng ổn định luật pháp chính là để bảo vệ niềm tin. Để có thể phát triển kinh tế thành công, người dân Châu Mỹ La Tinh phải có thể tin rằng nhà nước sẽ hành xử hợp lý và có thể dự đoán được. Họ cần có khả năng tiên đoán hậu quả pháp lý của việc mình làm. Và họ cũng cần có thể tin được rằng cả những người khác nữa, cũng sẽ hành xử theo đúng luật chơi.


THỰC THI DÂN CHỦ


Chướng ngại thứ ba cản trở sự phát triển là sự mong manh của nỗ lực dân chủ hóa tại Châu Mỹ La Tinh. Chắc hẳn, xét theo mức độ nào đó thì ngày nay toàn vùng này, ngoại trừ Cuba, có thể được xem như những thể chế dân chủ. Sau nhiều thế kỷ nội chiến, đảo chính và chế độ độc tài, thể chế dân chủ quả đã đạt được những bước tiến đáng kể trong vài thập niên vừa qua. Nhưng sự thật là chiến thắng ấy không trọn vẹn. Dù có những hiến pháp soạn thảo cẩn thận, những tuyên bố hùng hồn, những thỏa thuận cao thượng, Châu Mỹ La Tinh vẫn còn xu hướng nghiêng về chủ nghĩa độc tài.

Fidel Castro và Raul Castro tại Cuba ứng xử như những lãnh tụ truyền thống của Châu Mỹ La Tinh – nhưng các lãnh tụ như Hugo Chávez tại Venezuela và Daniel Ortega ở Nicaragua cũng thế, họ cũng dùng những quy chế và cơ cấu dân chủ để làm biến chất hệ thống dân chủ của chính nước mình. Sau khi được bầu lên, họ biến hóa quyền hạn của mình thành một thứ quyền lực tối thượng, để làm bất cứ điều gì họ muốn, kể cả đàn áp đối thủ, đeo gông báo chí, và ra sức bẻ cong hệ thống để họ có thể giữ vững quyền lực bằng bất cứ giá nào. Trong khi đó thì lại có quá đông quần chúng các nước này lại bằng lòng cho phép lãnh tụ của họ tiếp tục cầm quyền, có lẽ vì xem rằng mệnh trời và sức thuyết phục đầy ma lực của các lãnh tụ này như một lối thoát khỏi mê hồn trận chậm phát triển đang bao trùm khu vực.

Nếu các nền dân chủ Châu Mỹ La Tinh không đáp ứng được những hứa hẹn về chính trị và kinh tế, nếu niềm hy vọng của công dân cứ tiếp tục là những giấc mơ xa vời thì chủ nghĩa độc tài sẽ xuất hiện trở lại. Cách tránh điều này là cho quần chúng thấy thể chế dân chủ có giá trị thực, rằng dân chủ có thể xây dựng những xã hội thịnh vượng và công bằng. Vượt qua sự xơ cứng chính trị, biết đáp ứng nhanh nhạy với yêu cầu của công dân, và tạo nên các nguồn tài chánh bằng cách đánh thuế người giàu là những bước cần thiết để tiến tới một nền văn-hóa-của-tự-do-và-tiến-bộ.


YÊU CHUỘNG HOÀ BÌNH


Làm tăng thu nhập công là cần thiết, nhưng chưa đủ. Cần phải sử dụng khôn ngoan những ngân sách này. Các nước Châu Mỹ La Tinh đã tiêu tốn rất nhiều trong quá khứ, mắc những món nợ khổng lồ, nhưng họ thường phí phạm tài nguyên vào những ưu tiên không thích hợp. Họ đã phung phí tiền bạc cho quân đội thay vì rộng rãi chi tiêu vì con dân nước mình.

Ngoại trừ Columbia, không nước nào tại Châu Mỹ La Tinh đang hoặc sắp phải đối đầu với một cuộc chiến vũ trang. Tuy vậy, khu vực này vẫn chi ra 60 tỉ đô la Mỹ cho vũ khí và quân đội – nhiều gấp đôi số chi cách đây năm năm. Tại sao? Ai sẽ tấn công ai? Kẻ thù của dân chúng tại khu vực này là giặc đói, giặc dốt, giặc bất công, là bệnh tật, tội phạm, và hủy hoại môi trường. Đó là những kẻ nội thù, và chỉ có thể bị đánh bại bởi những chính sách công khôn ngoan, chứ không bởi những cuộc chạy đua vũ trang mới.

Costa Rica là nước đầu tiên trong lịch sử bãi bỏ quân đội và tuyên bố hòa bình với cả thế giới. Công dân nước này chưa bao giờ biết nghĩa vụ quân sự là gì. Họ cũng chưa hề thấy bóng dáng máy bay trực thăng vũ trang hoặc vết xích xe tăng. Và từ khi bãi bỏ các lực lượng vũ trang cách đây 62 năm, Costa Rica chưa từng gặp một cuộc đảo chính nào. Tôi rất muốn nghĩ rằng toàn thể Châu Mỹ La Tinh có thể làm theo Costa Rica, nhưng tôi biết rằng ước mơ không tưởng này sẽ không thể thực hiện được trong đời mình. Tuy vậy, tôi cũng biết rằng, một sự giảm thiểu, có tránh nhiệm và từng phần, chi phí quân sự, không chỉ khả thi, mà còn khẩn thiết. Cần làm điều đó vì chúng ta đang mang nợ những nạn nhân của chế độ độc tài, những người trong thế kỷ hai mươi đã đổ máu để viết những trang buồn đau nhất của lịch sử Châu Mỹ La Tinh. Chúng ta mắc nợ những người còn sót lại sau những trận đàn áp và tra tấn. Chúng ta mắc nợ những người mà chỉ cần thấy mặt một người lính là họ đủ hoảng loạn vì sợ hãi.

Loại bỏ văn hóa võ biền cũng cần thiết vì quân đội có mặt ngày càng nhiều tại các đô thị đã làm gia tăng thêm kiểu ứng xử gầm gừ nhau, không có lợi cho công cuộc phát triển. Kiểu ứng xử này ám chỉ rằng cách giải quyết vấn đề tốt nhất là đánh bại kẻ thù, thay vì giải quyết bằng việc xây dựng sự đồng thuận giữa những người bạn và láng giềng của nhau. Nó dạy rằng việc chinh phục chỉ có thể được thực hiện bằng vũ khí, gào thét, và đe dọa, thay vì có thể đạt được bằng lời nói, sự tôn trọng và bao dung. Chủ nghĩa quân phiệt trong văn hóa khu vực là một bước lùi, có sức phá hoại và cần được thay thế bằng một văn-hóa-hòa-bình.

Người dân Châu Mỹ La Tinh cần phải nhìn mình trong gương và đối đầu với thực tế là nhiều vấn đề của mình không bắt nguồn từ số phận đã được an bài, mà từ trong chính bản thân mình. Chúng ta phải vượt qua nỗi sợ thay đổi. Chúng ta phải thấm nhuần tinh thần khai phá. Chúng ta cần học cách tin nhau. Chúng ta cần đẩy mạnh việc thực thi dân chủ và pháp quyền. Và chúng ta cần bãi bỏ thói quen võ biền vốn đang tiếp tục xát muối vào vết thương quá khứ. Chỉ khi đó, khu vực Châu Mỹ La Tinh mới có thể đạt được sự phát triển mà họ tìm kiếm lâu nay.


Oscar Arias



Chú thích (Diễn Đàn):


(*) Tổng thống Costa Rica từ 1986 đến 1990 và từ 2006 đến 2010, giải Nobel Hòa Bình năm 1987.

1 “song đề của tù nhân, prisoner's dilemma” là một “tình huống mẫu” của lý thuyết trò chơi; trong đó hai tù nhân nếu thực lòng hợp tác (để khai gian đánh lừa cai ngục) thì cả hai đều được lợi; nhưng lại khó tin nhau vì nếu một trong hai phản bội thì sẽ được lợi nhiều hơn. Kết quả là không cộng tác được với nhau.


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Indochine: 70 ans après les Accords de Genève 21/11/2024 16:00 - 18:00 — BnF site François-Mitterrand, Quai François Mauriac, 75706 Paris Cedex 13 | Zoom
Yda: Un court-métrage Hanoi - Warszawa 29/11/2024 19:00 - 21:00 — Médiathèque Jean-Pierre Melville, 79 rue Nationale, Paris 75013, M° Olympiades
Les Accords de Genève, espoirs et désillusions au cœur de la guerre froide. De l’indépendance à la division du Vietnam 11/12/2024 16:30 - 18:00 — Bibliothèque François-Mitterrand, Quai François Mauriac - 75706 Paris Cedex 13
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us