Vành tai nổi giận
Vụ Snowden
NHỮNG VÀNH TAI NỔI GIẬN
Nguyễn Quang
Vành tai đây không phải là đôi tai vểnh của tổng thống Barack Obama (mà chính đương sự cũng vẫn thường mang ra tự giễu mình) mà là hệ thống tình báo điện tử mà cơ quan NSA Hoa Kì (Cục An ninh Quốc gia) đã triển khai một cách có hệ thống trên toàn thế giới, nhất là chuyện chương trình Prism (Lăng kính, mã số chính thức là chương trình US-984XN) mà chuyên viên tin học Edward Snowden mới tiết lộ cho báo chí. Trong khi vụ xìcăngđan này đang lắng chìm trong cái nóng của mùa hè, có lẽ cũng nên xem xét thực chất vụ việc này. Vì nó đặt ra một cách hai năm rõ mười vấn đề cân bằng, trong một chính thể dân chủ, giữa lãnh vực công cộng và lãnh vực riêng tư, giữa các quyền của công dân và quyền hành của Nhà nước, mà nhiệm vụ chính là bảo vệ dân quyền.
NSA, Echelon, Prism
Trong ba cơ quan tình báo của nước Mĩ – FBI, CIA, NSA – thì cơ quan sau cùng (sinh sau đẻ muộn) ít được biết nhất. Kín đáo đến mức ba chữ cái NSA (National Security Agency / Cục An ninh Quốc gia) thường được gọi chệch là « Never Say Anything » (Câm Như Hến) hay « No Such Agency » (Làm Gì Có). NSA được tổng thống Truman thành lập trong thập niên 1950 để nghe, chặn và giải mã những trao đổi (vô tuyến và điện thoại) của đối phương. Khi Chiến tranh lạnh chấm dứt, nó bị đưa ra rìa, nhưng sau sự kiện 11 tháng Chín, nó giành lại thế thượng phong nhờ cuộc « chiến tranh chống khủng bố ». Phạm vi hoạt động điều tra của nó được mở rộng bởi « đạo luật Ái quốc » năm 2001 (xem chi tiết ở dưới), đồng thời nó được cung cấp những phương tiện khổng lồ để thực hiện nhiệm vụ chính thức là giám sát điện tử bốn phương tám hướng (điện thoại di động, điện thoại vệ tinh, nhắn tin internet). Xin đơn cử vài con số : Bộ tư lệnh của NSA ở Fort Meade (Maryland) đồ sộ không thua Lầu năm góc của Bộ quốc phòng, với 1 300 tòa nhà, nơi làm việc của hơn 20 000 nhân viên ; trung tâm đang xây dựng của NSA ở Bluffdale (bang Utah), với danh nghĩa chính thức là « hạ tầng cơ sở tương tế », nhằm tập hợp và xử lý thông tin của 7 đơn vị chuyên biệt đặt rải rác trên lãnh thổ Bắc Mĩ, sẽ là một pháo đài diện tích tổng cộng 130 000 m2, trong đó 10 000 m2 dùng để đặt hệ thống máy tính siêu đại – riêng bộ máy tính này tiêu thụ điện tương đương với mức tiêu thụ của một thành phố 30 000 cư dân, và có thể lưu trữ 5 zettaoctet dữ liệu (tức là 5 tỉ gigaoctet, tương đương với dung lượng của 250 tỉ đĩa DVD), nghĩa là có thể lưu trữ hơn một thế kỉ lưu lượng viễn thông toàn cầu (tính theo nhịp độ hiện thời). Tất nhiên, nếu chỉ ghi chép vào bộ nhớ cả một thế kỉ thông tin « thô », thì làm sao các « sĩ quan cơ yếu » của NSA có thể khai thác và xử lí được. Cho nên, bộ nhớ khổng lồ này đã được thiết kế để lưu trữ những dữ liệu đã được chọn lọc, định hướng thông qua một tập hợp những « từ khóa », nhờ đó các dữ liệu được sắp xếp một cách nhất quán : ngôn ngữ toán học gọi đó là một « hệ thống xạ ảnh ». Vậy là chương trình tình báo điện tử của NSA không phải là chồng chất thông tin như một kho chứa đồ cổ, nó thật sự là một công trình khoa học, hệ thống, « phủ sóng » toàn bộ hành tinh, mỗi ngày « nắm bắt » 1,7 tỉ tư liệu. Nhờ sự tiết lộ của « những người báo động » (xem ở dưới), công chúng mới được nghe nói tới ít nhất hai chương trình : Echelon (Cấp bậc) và Prism (Lăng kính).
* Mạng lưới Echelon do nhà báo Duncan Campbell (người Scotland) tiết lộ vào năm 1988. Nó đã được triển khai từ những năm đầu của Chiến tranh lạnh, khi năm nước thuộc « thế giới Anh-Mỹ » (Hoa Kì, Vương quốc Anh, Canada, Úc, New Zealand), trong khuôn khổ hiệp ước UKUSA, quyết định thành lập một hệ thống ngăn chặn (nôm na là nghe trộm) những trao đổi công cộng hay riêng tư (tên chính thức là SIGINT). Chủ yếu đây là một mạng lưới toàn cầu, bao gồm những trung tâm nghe lén đặt tại năm nước, và những trạm nghe lén đặt tại đại sứ quán của năm nước ấy ở các nước khác, sau đó, nhờ những tiến bộ kĩ thuật mới, là những vệ tinh nhân tạo và cả những tàu ngầm có thể nghe lén những đường dây cáp viễn thông đặt ở dưới đáy biển. Echelon là điển hình hoàn chỉnh các phương pháp của NSA : « ghi chép các bản viễn sao, những cuộc điện đàm, thư tín điện tử, và nhờ mạng lưới máy tính cực mạnh, có thể chọn lọc các văn bản thông qua những từ khóa, và những bản ghi âm lời nói thông qua âm điệu » (Wikipédia). Khi các cuộc thương lượng nhằm chuyển GATT thành WTO, cũng nhà báo Campbell nói trên đã trao cho Nghị viện Châu Âu một bản báo cáo trong đó ông nêu rõ nguy cơ là Echelon (mà nhiệm vụ là tình báo quốc phòng) sẽ bị sử dụng trong lãnh vực tình báo kinh tế. Y như rằng, điều này đã xảy ra : Wikipédia đã liệt kê những vụ việc, từ 1994 đến 2002, mà nhờ Echelon, Hoa Kì đã giành được ưu thế trong các hợp đồng thương mại (công nghệ hàng không, chế tạo vũ khí) và trong các cuộc thương lượng quốc tế (GATT).
* Chương trình Prism (Lăng kính), mà Snowden đã tố giác trên mặt báo Guardian và Washington Post hồi tháng sáu vừa qua, nhằm mở rộng phạm vi dọ thám của Echelon ra toàn bộ xã hội dân sự. Kích thước tiểu thuyết « 1984 » của Orwell trong hoạt động Prism đồng thời với những tố cáo của báo Der Spiegel về việc NSA do thám cả những cơ quan « đồng minh » Âu Châu khiến cho các nước Âu Châu đồng thanh phản đối. Nhưng phải nói là, trong chuyện này, chính quyền và công luận Châu Âu đều chóng quên. Vì từ khi chương trình Echelon bị tiết lộ, người ta đều biết rằng Chú Sam vẫn vểnh tai nghe lóm cơ quan đại diện ngoại giao Âu Châu trên lãnh thổ Mĩ (các sứ quán cũng như cơ quan đại điện của các nước Châu Âu tại Liên Hợp Quốc) và các định chế Châu Âu ở chính Châu Âu (trụ sở Hội đồng Liên hiệp Châu Âu, bộ tư lệnh NATO). Đó là không nói tới Anh, « con ngựa thành Troy » của chú Sam : chính GCH (cơ quan của Anh, tương đương với NSA) khoe đã nghe được hội nghị thượng đỉnh G20 họp năm 2009 tại London ; còn Desmond Perkins, người Anh, sếp phòng giải mã của Ủy ban Châu Âu, năm 2001 đã trao toàn bộ hệ thống cho NSA « để kiểm nghiệm », mà không hề bị khiển trách… Prism là hóa thân của « chương trình chống khủng bố » thành lập sau vụ 11-9, rồi được « tân trang » đôi chút cho « hợp hiến ». Prism được chính thức hóa năm 2007 dưới thời Bush, đến năm 2009 được Obama tiếp tục tiến hành. Nhiệm vụ của nó là thu thập thông tin tình báo thông qua mạng internet và những nhà cung cấp dịch vụ điện tử. Thực chất công việc này là một « đặc vụ tận nguồn », bởi vì muốn « nắm bắt » thư tín điện tử, trao đổi điện thoại, SMS, diện mạo cá nhân, dữ liệu định vị…, thì Prism phải dựa vào nguồn ngoài, tức là 10 công ti đầu sỏ của nền kinh tế số (Apple, AOL, Dropbox, Facebook, Google, You Tube, Microsoft, Skype, Paltalk, Yahoo !) và Verizon, công ti khổng lồ về điện thoại viễn liên. Dựa vào những tư liệu do Snowden cung cấp, một vài nhà phân tích cho rằng con số những công ti tư nhân đã hợp tác với chương trình Prism lên tới bốn chục.
« Đạo luật Ái quốc » và những « người báo động »
Vụ bê bối Echelon và Prism đặt ra những vấn đề chính trị và đạo lí đáng chú ý ở nhiều cấp độ khác nhau :
* Ở cấp độ tương quan lực lượng, nó lột trần quan niệm của Hoa Kì về những liên minh gọi là « lịch sử » : mặc dầu các nước thuộc thế giới Anh-Mỹ (tham gia UKUSA) được coi là « đáng tin cậy » -- Anh đã chẳng được xếp là bang thứ 51 của liên bang đó sao ? – nhưng vẫn bị NSA đối xử như là những « đối tác hạng nhì » ; khoảng ba mươi nước khác, trong đó có tất cả các đồng minh Châu Âu, được xếp là « đối tác hạng ba » và « có thể xâm nhập » ; riêng nước Đức (chắc do quá khứ cộng sản của bộ phận Đông Đức), một nước tự nhận là đồng minh trung thành nhất của Hoa Kì, đã được NSA đặc biệt chiếu cố ; mỗi ngày được « nắm bắt » về điện tử 15 triệu lần, trong khi nước Pháp « chỉ » bị 2 triệu lần thôi. Khi giới cầm quyền Châu Âu công phẫn phản đối, đòi hỏi giải thích, đe dọa trả đũa (chẳng hạn như trì hoãn cuộc đàm phán về tự do mậu dịch), thì tân ngoại trưởng John Kerry chỉ cần tỉnh bơ trả lời : « Tôi xin nói là nước nào cũng thế thôi, đã tham gia vào bang giao quốc tế, thì muốn bảo vệ an ninh quốc gia, tất phải tiến hành đủ loại hoạt động để tự vệ, và các hoạt động này cần có đủ loại thông tin » (tuyên bố tại Brunei ngày 2.7.2013). Lại còn bồi thêm một câu : « Tôi biết rất rõ là đối với nhiều nước, điều này chẳng có gì lạ ». Thật vậy : bản thân nước Pháp cũng có một chương trình « Frenchechelon » tí hon, và công ti Amesys, chi nhánh của Bull, dường như đã cung cấp cho chế độ Kadhafi những thiết bị điện tử để theo dõi phe đối lập Lybia ; còn cơ quan mật vụ Đức (BND) thì có tin là ngay từ năm 2011, họ đã nghe nói tới Prism, thậm chí họ đã có dịp nhờ vả chương trình này nữa kìa… Thật ra, trong lãnh vực tình báo, làm gì còn đồng minh, bạn hay thù, chỉ có tương quan lực lượng. Điều đó, các nhà lãnh đạo Châu Âu biết lắm chứ, xem như họ cam phận « thằng lùn chính trị » của Châu Âu. Tính chất giả đạo đức của những lời phản đối ầm ĩ càng biểu lộ khi các vị nhất trí từ chối không cho Snowden tị nạn chính trị. Xuất sắc hơn nữa, nước Pháp còn cấm cả phi cơ của tổng thống Bolivia (Morales) bay qua không phận chỉ vì nghi ngờ rằng chuyên cơ này muốn giải thoát Snowden từ phi trường Moskva.
* Ngay sau sự kiện 11-9, mấy ai đủ minh mẫn để nhận ra rằng thành công lớn của Al Quaeda không phải là đã đánh sập Tháp Đôi một cách hơn cả ngoạn mục, mà là nó đã đẩy lùi một cách âm hiểm pháp luật và các quyền tự do tại quốc gia dân chủ số một của phương Tây. Đứng về mặt pháp chế, đạo luật chống khủng bố mang tên « Luật Ái quốc » (thông qua và ban hành ngay từ tháng mười 2001) đã tăng cường mạnh mẽ quyền hành của các cục tình báo (FBI, CIA, NSA), cụ thể là « xóa bỏ sự phân biệt pháp lý giữa các cuộc điều tra của những cơ quan tình báo đối ngoại (CIA) và những cơ quan liên bang phụ trách điều tra tội phạm (FBI) ngay khi đối tượng điều tra là những phần tử khủng bố người nước ngoài » (Wikipédia). « Luật Ái quốc » đã cho phép chính quyền tránh né được Tu chính án thứ 4 mà mục đích là bảo vệ quyền riêng tư của công dân Hoa Kì. Theo người phát ngôn của Obama, « đã thiết lập được sự cân đối giữa lợi ích của an ninh quốc gia và sự bảo vệ cuộc sống riêng tư ». Vậy ta thử xem xét sự cân đối ấy thực sự ra sao. Trước tiên, như Michael Hayden, nguyên giám đốc CIA và NSA, đã huỵch toẹt nhắc lại, « tu chính án thứ 4 không phải là một hiệp ước quốc tế », do đó chỉ áp dụng cho công dân Mĩ mà thôi. Hệ quả là, về mặt « pháp lý », Hoa Kì có « quyền » do thám toàn bộ thế giới, kể cả các nước đồng minh. Còn việc chương trình Prism « nghe trộm » ngay trên lãnh thổ Hoa Kì, một tòa án liên bang gọi là tòa án FISA (lấy tên từ đạo luật về Giám sát Tình báo Đối ngoại / Foreign Intelligence Surveillance Act) đã thừa nhận việc này là phù hợp với hiến pháp – xem trên. Nhưng bản thân tòa án FISA lại là một cơ chế bất bình thường, con đẻ của Chiến tranh lạnh, như Giáo sư luật khoa Theodore Rutger (Trường đại học Pennsylvania) đã chỉ rõ (xem báo Libération, ngày 14.7.2013). « Sự bất bình thường xuyên suốt sự vận hành của tòa án này : trái nghịch với nguyên tắc cơ bản của luật pháp Hoa Kì là những phát biểu ở tòa án phải được công bố, thì ở đây, tòa án xét xử trong vòng bí mật, vì liên quan tới tình báo ». Một tòa án bình thường bao giờ cũng lắng nghe luận cứ của đôi bên, ở đây chỉ có một bên được trình bày luận điểm của mình, là chính phủ. « Cuối cùng, tất cả 11 thẩm phán của Tòa án FISA, mà nhiệm kì là 7 năm, đều do một người duy nhất bổ nhiệm, đó là thẩm phán trưởng Hoa Kì, chức vị tối cao của hệ thống tư pháp liên bang. Không có gì ngăn cấm ông ta bổ nhiệm toàn những người cùng quan điểm. Và không ai có quyền xía vào chuyện này » (hiện thời, trong 11 thẩm phán, thì 10 người là đảng viên Đảng cộng hòa). (Tệ) Hơn nữa, năm 2007, Quốc hội Mĩ đã thông qua một tu chính án, làm thay đổi hẳn chức năng của Tòa án FISA : « Tòa FISA không còn phải chuẩn y đơn xin theo dõi một cá nhân, mà chỉ việc thông qua những chỉ thị cho phép NSA truy cập những trạm dịch vụ tin học, những dữ liệu điện thoại… Chỉ có một việc thôi : nhận định là thích đáng hay không, việc nghe lén liên quan tới những ngoại nhân sống ở ngoài nước Mỹ, và những thông tin thu thập được có « thích đáng » hay không. Bất kể có liên quan tới nguy cơ khủng bố gì nữa ». Theo báo New York Times, nội trong năm 2012, tòa FISA đã chuẩn y 1800 sắc lệnh theo dõi theo yêu cầu của hành pháp.
Bố cháu nói ông nghe trộm nhà cháu
-- Này, ông í không phải là bố đẻ của cháu đâu
* Một khi mà pháp luật thoái bộ, thì các quyền tự do, dù là tự do công cộng hay tự do riêng tư, cũng lùi bước. NSA tất nhiên không phải là « Big Brother » (Anh Cả) trong tiểu thuyết của Orwell, và 2013 không phải là « 1984 », người công dân bình thường có thể tự nhủ là mình có thể ngủ yên, mũ ni che tai, mặc cho Prism vểnh tai nghe ngóng. Nhưng khốn nỗi, thế nào là « bình thường ». Ta hãy nghe Snowden cảnh báo : « Cho dù anh chẳng làm gì nghiêm trọng cả, nhưng anh vẫn bị theo dõi, vẫn bị ghi âm. Và tới khi anh dính dấp vào một nghi vấn nào đó, thì họ có thể đi ngược dòng thời gian, soi mói mọi quyết định trước đây của anh, xem anh đã bàn luận gì với bạn bè anh, và dựa vào đó mà đập anh ». Chúng ta chỉ có thể nhận thức được mối nguy này khi đo lường được cả một hệ thống tổng thể cho phép bộ máy tình báo điện tử thâm nhập vào lãnh vực đời tư của mọi người. Chúng tôi muốn nói tới những công ti khổng lồ quản lý các « mạng xã hội », những « trang trại dữ liệu tích tụ những khối lượng thông tin to lớn như những dãy núi Hi Mã Lạp Sơn về các cư dân mạng, các công ti đó tàng trữ và khai thác những thông tin riêng tư của khách hàng với mục đích kinh doanh » *. Các cơ quan tình báo chỉ cần vào đây đi chợ. Đối với các hệ thống nhắn tin, như báo Guardian vừa tiết lộ, NSA đã có một chương trình chuyên biệt XKeystore, với « hệ thống xạ ảnh » quét rộng tới mức không cần « căn cước rõ ràng » (thí dụ : địa chỉ email) cũng tìm ra nhân thân người gửi tin nhắn, và nghiêm trọng hơn cả, các nhân viên phân tích của NSA có thể lục lọi mà không cần được phép trước. Đối với các mạng xã hội, có lẽ ít ai biết rằng Facebook (ra đời năm 2005-2006), theo Guardian, đã khởi nghiệp với sự tài trợ (khoảng 40 triệu đôla) của CIA thông qua một công ti « ma » mang tên In-Q-Tel, và đến cuối năm 2012, Facebook « khoe có thể nhận dạng 500 triệu khuôn mặt nhờ chương trình xử lý liên tục hàng tỉ tấm ảnh mà cư dân mạng đã lưu trữ hay chuyển tải cho nhau trên mạng, một bộ hồ sơ nhân trắc học về dân cư của hàng chục quốc gia, mà không có cơ quan công an và tình báo nước nào không thèm muốn » (sách đã dẫn). Có lẽ « phức hợp quân sự - công nghiệp » con đẻ của chiến tranh lạnh đang có một phức hợp đàn em, ra đời trong « chiến tranh chống khủng bố », đang đợi người nào đặt tên cúng cơm cho nó. Các doanh nghiệp tư (bên trong cũng như ở ngoài mạng internet) đều không muốn gì hơn là cộng tác với các cơ quan tình báo, một mặt vì nhờ tu chính án FISA, họ không còn sợ bị truy tố, mặt khác đây là một thị trường béo bở.
Người ta ước tính rằng NSA thực hiện nhiều công đoạn (chiếm khoảng 70% ngân sách) thông qua hợp đồng kí kết với hơn 1 900 doanh nghiệp gia công – trong đó phải kể Booz Allen Hamilton (là nơi Snowden gần đây còn làm tư vấn), riêng công ti này có tới 25 000 nhân viên.
* Trong cuộc « chiến tranh chống khủng bố », cả vấn đề là làm sao tạo dựng được sự cân bằng giữa yêu cầu bảo vệ công dân và những phương pháp nhòm ngó của Nhà nước. Mối quan hệ giữa một bên là các quyền công dân và bên kia là quyền hành Nhà nước (là người bảo hộ quyền công dân) là một bài toán cổ xưa, không thể giải quyết bằng ý thức hệ trắng đen lưỡng phân cứng nhắc, với những luận điểm mà ta thường nghe trong cuộc tranh luận về những « người báo động » : đối với người này, đó là những « hiệp sĩ trung trinh », anh hùng thời đại, đối với người nọ đó là những tên phản bội, bất khả dung thứ. Hiện tượng « người báo động » là một đặc sản của các chính thể dân chủ Tây phương, đặc biệt là nền dân chủ Mỹ. Nó hoàn toàn xa lạ đối với những chế độ độc tài. Không thể nào liệt kê danh sách toàn bộ những « người báo động » mà Snowden là hậu duệ, nhưng xin đơn cử : Daniel Ellsberg mà « Hồ sơ Lầu năm góc » đã lập lại sự thật về « sự kiện Vịnh Bắc Bộ » (mà chính quyền Johnson đã vin vào đó để leo thang chiến tranh ở Việt Nam) ; nhân vật « Deep Throat » (Cuống họng sâu thẳm) đã tiết lộ vụ bê bối Watergate khiến cho Nixon cuối cùng phải từ chức ; và gần đây là quân nhân Bradley Manning, người đã chuyển 700 000 tài liệu mật cho mạng Wikileaks để tố cáo những bạo hành của quân đội Mỹ tại Irak và Afghanistan ; Hervé Falciani, nhân viên tin học của ngân hàng HSBC, người đã phát tán 130 000 hồ sơ trốn thuế. Mặc dầu một số cơ quan chính thức (báo cáo viên đặc biệt của LHQ, của Tổ chức vì An ninh và Hợp tác ở Châu Âu, của Tổ chức các nước Châu Mỹ năm 2004 ; Nghị viện Hội đồng Châu Âu năm 2010) đã tìm cách thông qua một quy chế nhằm bảo vệ « những người báo động trong các lãnh vực công cộng và riêng tư, kể cả những quân nhân và nhân viên cơ quan tình báo », những « người báo động » đã trải qua những thăng trầm đa dạng : Ellsberg cuối cùng năm 2006 đã được trao giải Nobel « thay thế », còn Manning đang đứng trước tòa và có thể bị kết án tù chung thân ; Falciani bị tư pháp Thụy Sĩ truy nã nhưng được Bộ nội vụ Pháp bảo hộ ; còn Snowden sau mấy ngày ở Hương Cảng và mấy tuần liền phải ở trong khu vực quá cảnh của phi trường Moskva, nay vừa được Nga nhận cho tị nạn tạm thời… Các nước độc tài thường hay tìm cách triệt hạ uy tín của « người báo động » bằng cách soi mói động cơ hành động của họ, và cũng phải nói là đó cũng là chỗ yếu cuả một vài người : Falciani trước tiên đã tìm cách rao bán hồ sơ ; Snowden cũng đi theo một con đường ngoắt ngoéo, khởi đầu là xin gia nhập lực lượng đặc biệt, rồi làm thuê tạm thời cho CIA, cho NSA, trước khi làm tham vấn « mà chẳng làm gì đáng kể » cho công ti Booz Allen Hamilton với mức lương 200 000 USD/năm… Dù sao đi nữa thì cuối cùng, đơn thân độc mã, họ đã quyết định hành động theo niềm tin của mình, chấp nhận đứt đoạn con đường tiến thân và hy sinh tự do của mình. Khi mà Snowden tự nhận « tôi không phải là kẻ phản quốc và cũng chẳng phải là anh hùng, tôi chỉ là một người Mỹ », đó là lời ca ngợi tốt đẹp nhất đối với nền dân chủ Hoa Kỳ chứ sao ?
Nguyễn Quang
Kiến Văn
dịch từ bản
tiếng Pháp
** Franck Leroy : Réseaux sociaux et
cie. Le commerce des données personnelles (Các mạng xã hội &
Cti. Buôn bán các dữ liệu cá nhân), nhà xuất bản Actes
Sud, 2013.
Các thao tác trên Tài liệu