30 Tháng Tư
30 THÁNG TƯ
Nguyễn Thanh Việt
Hôm nay là ngày mà nhiều người Việt Nam di tản gọi là “ Tháng Tư Đen ”. Đối với họ, đấy là kỷ niệm ngày Sài Gòn thất thủ. Tôi thấu hiểu cảm nghĩ đó của họ. Lớn lên trong một cộng đồng người Việt ở San Jose, tôi nhập tâm hồi ức và nỗi chấn thương không nói ra lời của họ. Bản thân gia đình tôi cũng mang dấu ấn của li tan và chia rẽ, của người thân và gia tài để lại đằng sau. Song tôi không thể nào chia sẻ sâu sắc tình cảm mất mát và đau thương ấy, và cũng không tài nào nói « Tháng Tư Đen » được (bởi nhiều lẽ, trong đó có cái lẽ đơn giản là : nói đến tang thương, lẽ ra phải nói « Tháng Tư Trắng », mà nói thế ở nước Mỹ trắng này lại không hợp). Cũng như nhân vật kể chuyện trong The Sympathizer, tôi nhìn mọi vấn đề từ cả hai phía, và tôi thấy đối với một số người Việt, 30 Tháng Tư không phải là ngày tang mà là ngày vui. Thất thủ của người này là Giải phóng của người kia.
Một ngày tuy nhiên đáng ghi nhớ, vì đó là thời điểm biểu tượng khi biết bao người Việt Nam đã trở thành người tị nạn. Không ít người coi tôi là người nhập cư, coi cuốn tiểu thuyết của tôi là truyện người nhập cư. Không, tôi là người tị nạn, The Sympathiszer là tiểu thuyết chiến tranh. Tôi sang Hoa Kỳ là do cuộc chiến tranh mà Hoa Kỳ đã tiến hành ở Việt Nam, một cuộc chiến tranh giữa người Việt Nam với nhau, một cuộc chiến tranh có sự can dự của Trung Quốc và Liên Xô, một cuộc chiến tranh mà người Việt Nam đã đưa sang cả Lào và Campuchia, một cuộc chiến tranh đến năm 1975 vẫn chưa chấm dứt, mà còn tiếp tục đối với nhiều người, thuộc nhiều quốc tịch và văn hoá khác nhau. Người Mỹ gọi tôi là người nhập cư, gọi tiểu thuyết của tôi là truyện nhập cư, tức là phủ nhận một sự kiện cơ bản của lịch sử Hoa Kỳ : đó là việc nhiều người nhập cư vào đất nước này là do những cuộc chiến tranh Mỹ ở Philippines, Triều Tiên, Lào, Campuchia, Việt Nam. Người nhập cư là chuyện « Giấc mơ Mỹ », là « biệt lệ Mỹ ». Người tị nạn là dư chấn của cơn ác mộng Mỹ, là chuyện bao nhiêu người chịu bom đạn Mỹ đã nghiệm sinh trên đất Hoa Kỳ như thế nào.
Cũng như người Mỹ sợ người tị nạn và muốn biến họ thành những người nhập cư mong tưởng thực hiện Giấc Mơ Mỹ, người Việt Nam ở Việt Nam rất khó hiểu những đồng bào tị nạn của họ. Tôi có dịp ăn sáng ở Hà Nội với một cựu đại sứ Việt Nam, bà ấy khẳng định « thuyền nhân » là những người tị nạn kinh tế chứ không phải tị nạn chính trị. Có lẽ không người Việt Nam tị nạn nào đồng ý, và những người Hoa bị đàn áp, cướp bóc và o ép sẽ nói rằng giữa tị nạn kinh tế và tị nạn chính trị, lằn ranh rất mỏng manh.
Một người thầy dạy Việt ngữ của tôi bảo rằng các trại học tập cải tạo là điều cần thiết nhằm ngăn ngừa những cuộc bạo loạn hậu chiến. Có thể bạo loạn đang âm ỉ, nhưng dang rộng tay hoà bình và hoà giải chắc có tác động tốt hơn để hàn gắn đất nước. Người Việt hải ngoại coi các trại học tập cải tạo là trò đạo đức giả cùng cực của cách mạng Việt Nam, đồng thời là sự thất bại của tình anh em một nhà. Đó cũng là lí do tại sao nhiều người đi tị nạn, tại sao nhiều người thấy không thể hoà giải với một đất nước Việt Nam không chịu thừa nhận những tội ác đã gây ra cho chính nhân dân mình, trong khi lúc nào cũng sẵn sàng nói tới những tội ác của Nam Việt Nam, Mỹ, Pháp và Trung Quốc. Thật không có gì khó hơn là soi gương và phán xét chính mình. Tội lỗi của những người thắng cuộc là ở đó. Của những người thua cuộc cũng ở đó.
Hơn một lần, những sinh viên Việt Nam sang du học ở Hoa Kỳ nói với tôi rằng quá khứ đã qua rồi, rằng người Việt Nam trong nước thông cảm với nỗi đau của người Việt Nam ở hải ngoại, rằng chúng ta phải hoà giải với nhau và tiến tới. Nói như vậy là họ chưa hiểu tâm tư của người Việt hải ngoại – tâm tư mất nước. Khi thắng cuộc thì người ta dễ rộng lượng. Nhưng ít nhất họ cũng muốn rộng lượng. Ít nhất họ cũng đã chìa bàn tay hữu nghị, không như nhiều người thế hệ trước.
Người Mỹ gốc Việt trẻ tuổi cũng cần chìa tay ra, dù rằng họ nặng lòng với chữ hiếu. Họ muốn thừa nhận những khổ đau khốn khó của cha mẹ và ông bà. Nếu họ không làm, thử hỏi ai sẽ làm ? Họ sống trong một đất nước mà phần đông người Mỹ không biết gì về người Việt Nam hay người Mỹ gốc Việt, người Mỹ chẳng mấy nhớ tới những người miền Nam Việt Nam mà Mỹ giả định là đã tham chiến để ủng hộ. Vì vậy mà thanh niên Mỹ gốc Việt cảm thấy phải mang nặng hồi ức về cha ông. Có thể một ngày kia họ sẽ trút bỏ được gánh nặng trên vai, nhưng điều ấy sẽ dễ dàng hơn nhiều nếu Việt Nam chủ động chia sẻ gánh nặng bằng cách công khai thừa nhận rằng trong cuộc chiến tranh, mỗi bên đều có cái lý của mình, bên nào cũng có những người yêu nước, và chúng ta không thể cắt đôi quá khứ, một nửa là anh hùng, nửa kia là Việt gian.
Về phần tôi, tôi vẫn là người tị nạn. Hồi ức của tôi bắt đầu khi đặt chân lên đất Mỹ năm tôi lên bốn và bị tách khỏi cha mẹ tôi để sống với một gia đình da trắng. Đó là điều kiện để được ra khỏi trại tị nạn ở Fort Indiantown, bang Pennsylvania. Trải nghiệm ấy sẽ ghi khắc mãi giữa hai xương vai của tôi như một dấu ấn vô hình. Suốt đời, tôi đã vạch tìm nó, tạo ý nghĩa cho nó, nhào nặn nó thành chữ nghĩa để tôi có thể tự nói với mình, để tôi có thể chia sẻ với người khác. Trải nghiệm đó dù đau đớn tới đâu, bài học mà tôi rút ra được là không nên ngừng lại ở đau khổ của riêng mình. Tôi thấy cần phải nhận thức cả những đau khổ của người khác, tìm hiểu thế giới quan của người khác nữa. Vì vậy tôi không thể nói « Tháng Tư Đen », đó chỉ là một câu chuyện của một bên, mà tôi muốn thấu hiểu mọi câu chuyện của tất cả các bên.
Nguyễn Thanh Việt
Kiến Văn dịch từ bản tiếng Anh đăng trên trang diaCRITICS của tác giả
Nguyễn
Thanh Việt, sinh năm 1975, sang Mỹ năm 1979. Giáo sư văn học
trường Đại học Nam California, nhà văn. Tác phẩm : The Sympathizer,
tiểu thuyết
(giải văn học Pulitzer 2016), RACE and RESISTANCE /
Literature and Politics
in Ásian America
(2002), Nothing
Ever Dies (2016).
Các thao tác trên Tài liệu