Bạn đang ở: Trang chủ / Việt Nam / 40 năm sau

40 năm sau

- Nguyễn Ngọc Giao — published 10/02/2015 18:50, cập nhật lần cuối 12/02/2015 05:23



40 năm sau


Nguyễn Ngọc Giao


Ất Mùi 2015 là năm kỷ niệm nhiều sự kiện lịch sử.


Cách đây 70 năm, nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời, một trong những nhà nước đầu tiên của các nước thuộc địa xuất hiện trên vũ đài thế giới ngay sau ngày kết thúc Thế chiến lần thứ hai.


Lịch sử VNDCCH gắn liền với sự ra đời của Đảng cộng sản Việt Nam cách đây 85 năm. Vai trò hiển nhiên và quyết định của ĐCSVN trong vận mệnh dân tộc suốt gần một thế kỷ vừa qua, cũng vẫn còn nhiều vấn đề tranh luận. Chỉ lấy một chi tiết làm ví dụ : cách đây vài ngày, ngày mồng 3 tháng 2, vẫn còn được coi là ngày thành lập đảng. Quyết định này thực ra được chính thức hoá vào năm 1960, khi có cuộc tranh luận giữa hai ngày 3-2 và 6-1. Hơn 50 năm trôi qua, các tài liệu lưu trữ tìm thấy ở văn khố Quốc tế Cộng sản (như báo cáo của Nguyễn Ái Quốc gửi Quốc tế Cộng sản ngày 18-11-1930), không thể tranh cãi, ngày 6-1-1930 mới là ngày đúng 1. Minh chính một ngày tháng lịch sử như vậy lẽ ra là điều bình thường, như sáng tối đánh răng rửa mặt. Vậy mà cho đến nay, bộ máy quan liêu Việt Nam vẫn khư khư giữ chặt một sai lầm ngày tháng, dường như họ sợ bứt dây động rừng. Nói chi tới lịch sử Đảng những năm 1930, khi đường lối giáo điều tả khuynh của « luận cương chính trị Trần Phú » (tháng 10-1930) ngự trị, chụp mũ và thủ tiêu « chính cương và sách lược » (tháng 2.1930) của Nguyễn Ái Quốc, coi đó là “sai lầm”, “chỉ lo đến việc phản đế, mà quên mất lợi ích giai cấp tranh đấu”, “ấy là một sự rất nguy hiểm”...


Năm 2015 này, công cuộc đấu tranh giành độc lập và thống nhất đất nước đã hoàn thành đúng 40 năm tròn.


Đất nước đã thu về một mối, những tiếng súng cuối cùng ở biên cương cũng đã tắt từ một phần tư thế kỷ. Nhưng lòng người vẫn phân tán, dường như còn phân tán hơn, bức xúc hơn nếu tính từ ngày « đổi mới » đến nay. Đã đành là ở nước ngoài, những người còn mang nỗi u hoài, uất hận quá khứ, tìm thấy ở tình hình hiện nay của đất nước một cơ hội mới để tính sổ – ít nhất là tinh thần – với chế độ hiện hữu. Những bài bình luận hùng hồn « nếu không có Đảng cộng sản thì »... là sự biểu hiện của não trạng tâm thần vẫn ngồi chờ phương pháp trị liệu. Có ý nghĩa, và quan trọng hơn cả là tâm trạng của người trong nước, của nhân dân bị trị và của đẳng cấp nắm trọn quyền lực chính trị, vũ trang và đại bộ phận kinh tế.


Hơn 80 triệu người dân bình thường không có tiếng nói, đương nhiên trên báo chí và các phương tiện truyền thông do bộ máy tuyên giáo và an ninh tư tưởng khống chế, mà ngay trong cả những cuộc hội họp hoàn toàn có tính chất hình thức, ở đấy, trước khi « các đồng chí lãnh đạo » đọc phát biểu bổn cũ soạn lại, hay khôn ranh hơn một nấc, tung ra vài câu nói cởi mở « người dân có quyền làm những gì pháp luật không cấm, còn cán bộ chỉ được làm những gì pháp luật cho phép » (để báo chí tưng bừng kỉ niệm một năm, rồi hai năm... những lời tuyên bố tốt đẹp đó), thì chỉ nghe thấy những « tâm tư nguyện vọng » của những « đại biểu nhân dân », « đại biểu cử tri ». Thể chế kéo dài hai chục năm ở miền Bắc (cũng nên nhắc lại, cho khách quan, trong hoàn cảnh chiến tranh tàn khốc), rồi hai chục năm trên cả nước. Nó tương ứng với não trạng cái xe đạp phải có biển số, cái máy chữ cũng phải đăng ký.


Sang đến thời đại internet (bắt đầu ở Việt Nam từ năm 1997) và của những FaceBook, Twitter, điện thoại di động + máy ảnh + camera thì sự bất cập của nó kéo theo sự bất lực. Lòng dân ra sao, thì những điều luật 88, 258..., thì việc bắt giam, xử tù Trương Duy Nhất, Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh, Bọ Lập Nguyễn Quang Lập, « Người lót gạch » Hồng Lê Thọ... cũng không bịt kín được hoàn toàn.


Bằng chứng hùng hồn của lòng dân ngán ngẩm chế độ, nếu còn ai chưa muốn thấy, thì chỉ cần nhìn vào khẩu hiệu « còn Đảng, còn mình » của công an và quân đội, thay thế cho khẩu hiệu « trung với nước, hiếu với dân » đã một thời không phải chỉ là khẩu hiệu. Công an (kể cả lực lượng công an được phân công làm côn đồ, và những phần tử xã hội đen được vào biên chế « dân phòng ») và quân đội (hai ngành mà số tướng tá tràn ngập trong ngõ ngoài đường như lá rụng mùa thu) đã trở thành hai lá chắn trần trụi nhất, thô bạo nhất của một chế độ mất niềm tin ở chính mình. « Chân trời 90 » (thế kỷ XX) của tổng bí thư Lê Duẩn đã nhảy cóc một trăm năm đến cuối thế XXI ở điểm hẹn « chưa chắc đã có » với tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Chân trời càng đến gần càng lùi xa đó, gia đình của các quan chức Việt Nam, từ cấp huyện, tỉnh lên cấp Trung ương và Bộ chính trị, đã thận trọng thay thế bằng chân trời địa lý khi họ thu xếp cho con cái dâu rể du học, lập nghiệp ở Mỹ, Úc, Tây Âu với đầy đủ nhà cửa, xe cộ thứ « xịn ». Thế hệ « thuyền nhân » của thập niên 80 thế kỷ trước nay được bổ sung quân số bằng thế hệ « phi nhân » JetSet.


Chúng tôi liên hệ hai làn sóng xuất ngoại này, chắc sẽ gây phản cảm từ mọi phía. Nhưng vẫn xin nhấn mạnh điều đó, với tất cả tình thần trách nhiệm của một người Việt Nam. Bởi vì có một điều trớ trêu, mà rất có ý nghĩa : vượt hẳn thảm cảnh trên biển Đông hay Vịnh Thái Lan với những mất mát và đau thương không ai được quên, sự quyết định ra đi của hai thời kỳ đều có một mẫu số chung. Đó là ước mong cho con cái được ăn học tử tế, tránh khỏi những cạm bẫy của môi trường sống, tương lại được bảo đảm.


Bởi vì, không ai chối cãi nữa rồi, ngoài hiểm hoạ của chủ nghĩa Đại Hán, những vấn nạn to lớn đang đè nặng lên xã hội Việt Nam : một nền giáo dục ngu dân và bất cập, một nền y tế kỳ thị đẳng cấp và xuống cấp nghiêm trọng, một nền đạo đức xã hội băng hoại... trong trường hợp lạc quan nhất, cũng phải hàng chục năm mới có thể thanh toán hậu quả.


Một bài ngắn, viết cho một số báo Xuân, không phải là chỗ để phân tích các vấn đề Việt Nam, và tờ báo – một tiếng nói từ xã hội dân sự – lại càng không đủ tư cách – và khả năng – đề ra một chương trình hành động.


Trước thềm Xuân mới, hồi tưởng lại đường đi gian nan của dân tộc từ một thế kỷ nay, và trong bốn mươi năm qua, nhìn về phía trước, chúng tôi chỉ xin tâm nguyện hai điều cơ bản :


Một là, đất nước Việt Nam chỉ có thể vượt qua những thử thách của thế kỷ XXI nếu nó thực sự có nội lực – mà nội lực trước hết là lòng dân – để tận dụng những vận hội quốc tế.


Hai là, bất luận những thay đổi chính trị tất yếu xảy ra dưới hình thái nào, theo tiến trình nào (sụp đổ, tự diễn biến hoà bình...), tương lai Việt Nam và sự bền vững của chế độ dân chủ tương lai tuỳ thuộc vào sự phát triển và sức sống của xã hội dân sự. Phát triển tới đâu, năng động chừng nào, điều đó hoàn toàn do tự thân xã hội, do ý thức và ý chí dấn thân của các thành viên, chứ không do ai ban phát hay nơi nào viện trợ.


Là những người sống ở xa quê hương, lời chúc đầu năm của chúng tôi là lời chúc hướng về xã hội dân sự Việt Nam đang hình thành và tự khẳng định. Kèm theo lời chúc, tất nhiên là lời cam kết dấn thân và ủng hộ.


Nguyễn Ngọc Giao

Irvine, 10.02.2015







1 Có thể xem Vũ Quang Hin, So sánh ngun s liu trong nghiên cu lch s Đng Cng sn Vit Nam, trên mng VĂN THƯ LƯU TR ca TS. Lê Thị Nhung.


Bài viết của TS. Vũ Quang Hiển tóm tắt rất rõ : `


« Căn cứ vào Báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản của Nguyễn Ái Quốc (18-11-1930), thời gian bắt đầu họp Hội nghị là ngày 6-1-1930. Thời gian kết thúc Hội nghị không ghi rõ, mà chỉ biết ngày 8-2-1930 các đại biểu dự Hội nghị về nước. Thành phần dự Hội nghị ngoài Nguyễn Ái Quốc, có đại biểu của hai tổ chức Đông Dương Cộng sản đảng và An Nam Cộng sản đảng. Theo đó, Nguyễn Ái Quốc là người chủ động triệu tập và chủ trì Hội nghị, chứ không phải là “theo chỉ thị của Quốc tế Cộng sản”, hoặc “được sự ủy nhiệm của Quốc tế Cộng sản”. Tuy nhiên, vào thời điểm họp Đại hội lần thứ ba của Đảng (9-1960), các nhà nghiên cứu chưa được tiếp cận với Báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản của Nguyễn Ái Quốc. Khi đó, phía Liên Xô cung cấp cho Việt Nam bài viết Kỷ niệm ba năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương của Hà Huy Tập với bút danh Hồng Thế Công đăng trên báo Bolsévick. Theo bài báo này, Hội nghị thành lập Đảng họp từ ngày 3 đến ngày 7-2-1930. Trong khi một số đại biểu dự Hội nghị thành lập Đảng (Trịnh Đình Cửu và Nguyễn Thiệu) lại không nhớ chính xác thời gian họp Hội nghị, Đại hội lần thứ III của Đảng đã ra Nghị quyết lấy ngày 3-2 dương lịch hàng năm “làm ngày kỷ niệm thành lập Đảng”. Từ đó, các sách đều viết Hội nghị thành lập Đảng họp từ ngày 3 đến ngày 7-2-1930. Điều đáng chú ý là, chính Hà Huy Tập, trong tác phẩm Sơ thảo lịch sử phong trào cộng sản ở Đông Dương, có một mục riêng với tiêu đề “Hội nghị hợp nhất ngày 6-1-1930”, và cuối trang, ông có ghi chú thích, cải chính rằng Hội nghị hợp nhất họp ngày 6-1-1930. »


Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Xuân Ất Mùi
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
Odéon Théâtre de l'Europe - En janvier à l'Odéon 09/01/2025 - 07/02/2025 — Berthier 17e, Odéon 6e
Nguyễn Hồng Anh: Saigon Kiss 24/01/2025 - 25/04/2025 — Arte
LES LARMES D'ASTYANAX - Olivier Dhénin Hữu 31/01/2025 - 02/02/2025 — Théâtre du lycée Jacques Decour | 12 Avenue Trudaine | 75009 Paris
Festival cinéma - Si loin si proche 2025 06/02/2025 - 09/02/2025 — La Ferme du Buisson, allée de la ferme, 77186 Noisiel - (RER A - Noisiel)
France-Vietnam : un portail entre les cultures - La mémoire vietnamienne en filigrane. Étude de Paris, qu’as-tu fait de nous ? de Pham Van Ky 06/02/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
Inalco : L'économie vietnamienne en 2024 et ses perspectives 06/02/2025 18:00 - 20:00 — 65 Rue des Grands Moulins, 75013 Paris | Amphi 2
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Le développement d’une culture de contestation anti-coloniale publique à Saigon par le moyen d’une presse autonome (1900-1930) 13/03/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - La génération des néologismes sino-vietnamiens dans la circulation culturelle de la sphère sino-graphique sous l’influence de l’Occident au tournant du XXe siècle 03/04/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Sujets et séjournants. Une nouvelle histoire des indochinois en France 15/05/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Transferts du modèle français à la description de la grammaire vietnamienne 05/06/2025 16:30 - 18:00 — BnF site François-Mitterrand | Salle 70 ou via ZOOM
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us