Bạn đang ở: Trang chủ / Việt Nam / Ai gửi côn đồ tới cướp phá "Quán Cụ Hồ" ?

Ai gửi côn đồ tới cướp phá "Quán Cụ Hồ" ?

- Phóng Viên — published 13/11/2011 20:54, cập nhật lần cuối 13/11/2011 21:21

Sáng thứ bảy 12.11.11
ở trung tâm Paris



Ai gửi côn đồ tới
cướp phá "Quán Cụ Hồ" ?



Phóng Viên



Khoảng 8 giờ sáng ngày thứ bảy 12.11.2011, một nhóm khoảng 10 người, hầu hết là người Pháp đã tới Foyer Việt Nam, ở số 80, rue Monge (quận 5, Paris). Họ đập vỡ một ô kính ở cổng vào, bẻ khóa, đột nhập vào quán ăn. Sau đó, toán người này triển khai như một đội biệt động đã được chuẩn bị và tập dượt khá kỹ càng : ba bốn người leo ngay lên lầu, đánh thức những người ở tầng lầu, xô đẩy họ vào trong một căn phòng, không cho họ mặc áo ấm, cấm họ đi tiểu, dùng một tấm ván đã chuẩn bị sẵn, bịt ngay cánh cửa dẫn ra cầu thang xuống nhà ; sáu bảy người còn lại, ở tầng trệt, chia nhau công việc : người thì dán kín tất cả các khung cửa kính nhìn ra hai mặt đường (phố Monge và phố Pestalozzi) khiến cho người qua lại không trông thấy gì diễn ra bên trong. Chỉ thấy mấy tấm áp phích mới toanh, nói "Foyer đóng cửa để sửa sang".

congkhoa

Kẻ lạ đập vỡ ô kính, bẻ khóa, đột nhập, bít hai cánh cửa kính và khóa chặt ở bên trong, cho đến khi công an hình sự, được lệnh Công tố viện, buộc hỏ phải mở cửa.

Bốn giờ sau, khi Foyer được giải tỏa, người nào có dịp bước vào nhà, đứng từ phía cái quầy, nơi có treo bức ảnh chủ tịch Hồ Chí Minh, nhìn bao quát hai gian phòng xếp theo hình thước thợ, sẽ không thể nào nhận ra quán ăn quen thuộc : tất cả đã đảo lộn, bộn bề, tung tóe. Nhân viên (những sinh viên phục vụ quán ăn) đi tìm ngay vật dụng thiết thân nhất của họ : hai cái máy tính xách tay (laptop) đã không cánh mà bay. Một cái laptop thứ ba cũng biến mất, cùng với hồ sơ tư liệu của một nhà báo Việt Nam, ông Hồ Nhật Thảo (đài truyền hình Quảng Ngãi) và tư liệu kinh doanh của chủ nhân chiếc máy : ông Hồ Nhật Chung (1).  Hai anh em Thảo & Chung là con trai nhà thơ Thanh Thảo, được mời sang dự Liên hoan phim tài liệu truyền hình ở Milano (Ý), trên đường về, ghé qua thăm "chú Thận" và ngủ đêm để ngày mai chủ nhật, bay về Thành phố Hồ Chí Minh. Chính hai anh, sáng nay, đang ngủ ở trên căn phòng nhỏ trên lầu, đã bị kẻ lạ xông vào phòng, dựng dậy, và xô đẩy sang phòng "chú Thận". Đó là căn phòng của vợ chồng ông Võ Văn Thận, người phụ trách quán Monge từ 11 năm nay (xem bài Quán Cụ Hồ và nhà thơ chủ quán). Thế là hai anh em Thảo & Chung sẽ bị giam lỏng trong phòng này gần ba tiếng đồng hồ, cùng hai cháu gái 8 tuổi và 5 tuổi, con gái ông Thận, trong khi cha mẹ hai cháu tìm cách đi xuống nhà để kêu cứu. Giờ chúng tôi viết bài này, chủ nhà chưa kiểm kê xong những vật dụng bị cướp đi, những bức tranh (Quán Monge đã tổ chức nhiều cuộc triển lãm, và chủ quán cũng là một nhà sưu tầm tranh) đã biến mất... Cũng nên thêm : lục trong đống giấy tờ tung tóe dưới đất, nhà báo Hồ Nhật Thảo vui mừng nhặt lên chiếc phong bì màu đỏ, trong đó một "chú", bạn của nhà thơ Thanh Thảo, đã để 600 Euros nhờ mang về cho gia đình ở Đà Nẵng. Niềm vui không dài quá vài giây : phong bì rỗng không...

Đội "biệt động" đó là ai ? Tại sao họ dám ngang nhiên làm việc này giữa thanh thiên bạch nhật, giữa Khu Latinh, trung tâm thủ đô nước Pháp ? Vẫn biết đây là sáng thứ bảy, vào đúng dịp người Pháp nghỉ bắc cầu ba ngày (từ thứ sáu 11.11 kỉ niệm ngày đại thắng Thế chiến lần thứ nhất, đến tối chủ nhật), thành phố vắng hẳn đi, nhiều người (trong đó có quan chức trách nhiệm) đi nghỉ xa. Đứng đầu là một người tự xưng là được đại sứ quán Việt Nam ủy quyền "quản lý" Foyer Việt Nam, nhưng không phải là nhân viên ngoại giao. Người này, theo chủ quán, mấy tuần trước đã đe dọa "Fais attention à tes enfants" (Coi chừng mấy đứa con của mày), khiến ông Thận đã phải thông báo cho công an quận  5 ghi nhận sự cố. Dù là nhà ngoại giao (với những đặc quyền miễn trừ kèm theo) hay không, thì tại một nước dân chủ pháp quyền, không ai có quyền đột nhập vào một căn nhà, xô đẩy (nghĩa là bạo hành) người trong nhà. Chỉ có nhân viên công lực, thi hành lệnh của tòa án, mới có quyền đột nhập như vậy. Đằng này, dù có mang một luật sư (tập sự chăng ?) đi theo, người đó không hề có trong tay một quyết định của tòa án, vì vụ việc tranh chấp ở quán Monge kéo dài từ hai năm nay, chưa ngã ngũ, chưa hề được đưa ra tòa, kéo dài vì phía "chủ" (đại sứ quán Việt Nam và trong một thời gian dài, Hội người Việt Nam tại Pháp) chỉ một mực đòi sa thải ông Thận và nhân viên mà không chịu gặp và thương lượng với luật sư của ông Thận về các điều khoản bồi thường.

ngonngang
Một góc hiện trường sau khi được giải tỏa : ngổn ngang đồ nghề thợ mộc, cửa xẻ để bít cửa ra vào

Khó hiểu thật, nhưng 8g, 9g, 10g... điều "khó hiểu" xem ra đã gần thành sự thật : gian hàng quán ăn được che kín đã được "đội biệt động" làm chủ hoàn toàn, gia đình ông Thận (trong đó có hai cháu gái nhỏ đang gào khóc) bị giam lỏng trên lầu. Vợ chồng ông Thận gọi điện thoại cho ông luật sư, luật sư Hirbod Dehghani-Azar đang ở xa, sớm nhất một giờ nữa mới tới nơi. Họ gọi công an quận 5. Công an tới nơi, không can thiệp, đi về. Nghe đâu họ được thông báo trước là sáng nay, sứ quán sẽ gửi người tới sửa sang quán hàng, vậy thôi. Kịch bản được chuẩn bị kỹ càng dường như đã gần tới thời điểm hoàn thành : chiếm lĩnh bằng bạo lực, đặt trước sự đã rồi, từ đó có kiện cáo gì, sẽ hạ hồi phân giải, quan hệ ngoại giao Pháp-Việt đang phát triển tốt đẹp, lẽ nào chính phủ Pháp lại quan tâm tới cái chuyện "nhỏ như con thỏ", nhỏ hơn cả cú đạp bên bờ hồ Hoàn Kiếm hôm nào.

Chỉ có một điều : chính phủ Pháp sẽ nghĩ sao, không biết, nhưng chính phủ Pháp chỉ là cơ quan hành pháp. Tại một nước pháp quyền, còn có lập pháp, và tư pháp. Tư pháp là những quan tòa, thẩm phán, công tố viên..., là những luật sư, là pháp luật. Ở cạnh quán Monge, có một người nhỏ nhắn, đến ăn ở đây từ mười năm nay, trở thành thân thiện với chủ quán. Cách đây một tuần, ông khách hàng xóm thấy bản kiến nghị (xem bài của nhà thơ Thanh Thảo), hỏi chuyện, ký tên, và tự giới thiệu : "Tôi là thẩm phán Pascal L. Có chuyện gì cần, ông bà cứ gọi tôi". Thế là sáng nay, nhận được điện thoại cầu cứu, ông thẩm phán đã bỏ ngày nghỉ cuối tuần, chạy tới ngay. Hỏi rõ sự tình, ông đã điện thoại ngay cho Viện công tố. Cuối cùng, cảnh sát hình sự và công an Quận 5 đã được lệnh của Viện công tố Paris, đến ngay quán Monge, buộc nhóm người đột nhập phải mở cửa, trình giấy tờ căn cước, và ra về  tay không, phải để lại hiện trường mọi thứ đồ nghề lỉnh kỉnh, người chủ xướng phải đưa về quận công an để "giải trình". Vợ chồng ông Võ Văn Thận và nhân viên, hai anh em Thảo & Chung đã trở vào quán ăn. 13g00. Quá muộn để mở cửa buổi trưa, khiến cho nhiều khách quen phải sững sờ. Họ đứng ngoài, trò chuyện với bà hàng hoa, ông hiệu sách.. hàng xóm. "Chuyện gì mà quái đản thế". "Họ tưởng họ đang ở nước nào vậy ?"...

Tối nay, chúng tôi tới quán Monge : đèn nến sáng trưng, khách quen khách lạ ngồi ăn phở, nem, bún bò... Như bình thường, nhưng bên ngoài, còn mấy tấm ván gỗ đầy đinh 10 phân nhọn hoắt, dấu tích của mấy "cánh cửa" mà mấy vị khách không mời đã mang tới buổi sáng, đóng vội vào mấy khung cửa để "nội bất xuất ngoại bất nhập".

Ở trên đã nói, tám chín người đột nhập bị cảnh sát rà soát trước khi cho phép ra khỏi quán Monge. Vậy tại sao ba cái laptop, không biết bao nhiêu bức tranh, vật dụng đã không cánh mà bay ? Theo một người hàng xóm : trước khi cảnh sát tới, người ta đã ra vào, chất đồ lên môt chiếc xe thùng đỗ leo lên hè đường, bên hông quán Monge. Đỗ trái luật, nên một nhân viên trật tự đã làm biên bản phạt. Nghĩa là công an hoàn toàn có thể xác định số đăng ký và chủ của chiếc xe ...

Nhưng đó không phải là công việc của phóng viên. Công việc của phóng viên đến đây vẫn chưa hết : tại sao có câu chuyện phi pháp quái đản này ? Ai đã gửi côn đồ đến cướp phá quán Cụ Hồ ? Trách nhiệm của sứ quán Việt Nam, của Hội người Việt Nam tại Pháp như thế nào ? Ông đại sứ vừa chân ướt chân ráo trình quốc thư có được báo cáo gì về "kế hoạch tốc chiến tốc thắng" này ? Làm sao giải quyết một vấn đề lẽ ra khá đơn giản nếu người ta biết trọng công bằng và sòng phẳng, nay đột nhiên trở thành rối rắm, tác hại khôn lường tới lòng người, tới thanh danh của đất nước Việt Nam ? Những câu hỏi ấy, chúng tôi sẽ cố gắng điều tra để mang lại câu trả lời trong một kỳ tới.

12.11.2011

Phóng Viên


(1) Tin giờ chót (trưa chủ nhật 13.11.11), hai anh em Thảo & Chung và nhân viên Foyer Việt Nam đã tìm lại được 3 cái laptop được người lạ gói kín và cất giấu kỹ lưỡng dưới một đống đồ vật.  Thế là Hồ Nhật Thảo và Hồ Nhật Chung đêm nay có thể cất cánh trở về. Tuy trong lòng còn dằn vặt vì số tiền 600 € không cánh mà bay, số tiền mà họ nhận mang về cho người thân của một Việt kiều.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Indochine: 70 ans après les Accords de Genève 21/11/2024 16:00 - 18:00 — BnF site François-Mitterrand, Quai François Mauriac, 75706 Paris Cedex 13 | Zoom
Yda: Un court-métrage Hanoi - Warszawa 29/11/2024 19:00 - 21:00 — Médiathèque Jean-Pierre Melville, 79 rue Nationale, Paris 75013, M° Olympiades
Les Accords de Genève, espoirs et désillusions au cœur de la guerre froide. De l’indépendance à la division du Vietnam 11/12/2024 16:30 - 18:00 — Bibliothèque François-Mitterrand, Quai François Mauriac - 75706 Paris Cedex 13
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us