Bản nhỏ ba lần đánh thắng quân xâm lược Trung Quốc
Bản
nhỏ ba lần đánh thắng
quân Trung Quốc xâm lược
thanh thảo
Xã bản Tả Ván (gọi theo đơn vị hành chính là xã Tả Ván) thuộc huyện Quản Bạ tỉnh Hà Giang. Xã có hơn 400 hộ dân với hơn 2000 nhân khẩu, 99 % là người dân tộc H’Mông.
Vào giữa tháng 7 năm 2012, lần đầu tiên tôi có dịp lên cao nguyên đá Quản Bạ - Đồng Văn thuộc Hà Giang. Và như một tình cờ tất định, tôi đã tới Tả Ván.
Bắt đầu từ một ước muốn… ẩm thực : được ăn món bột ngô đồ danh tiếng của người H’Mông mà lâu nay tôi mới nghe tên chứ chưa biết mặt. Nhưng rồi tôi đã được “ ăn ” một món còn ngon hơn cả mèn mén ở cái bản nhỏ bé ấy.
“ Ăn chuyện ” còn ngon hơn ăn mèn mén
Từ thành phố Hà Giang, sau khi vượt qua Cổng trời Quản Bạ nổi tiếng, trên đường đi Yên Minh – Đồng Văn, xe chúng tôi đã rẽ theo một con đường nhỏ, khoảng 20 km, dẫn về xã Tả Ván, theo lời mời của anh Ly Thanh Hùng, chủ nhiệm HTX.Về ăn một bữa cơm trưa của người H’Mông. Rất thú vị với lời mời này, tôi nhắc anh Tuấn, Phó chủ nhiệm Liên minh HTX tỉnh Hà Giang : “ Tuấn nói với Hùng là cho bọn mình ăn một bữa mèn mén “ nhà giồng được ” nhé ! Anh Tuấn gật đầu : chắc chắn rồi ! Vì ở đây, mèn mén là món ăn chưa bán ngoài quán, chưa “ thị trường ”.
Nhà chủ nhiệm Hùng ở một bản nhỏ nằm gọn trong lòng thung lũng, vài chục nóc nhà được bảo bọc bởi những ngọn núi đá, trong đó có dãy núi là đường biên giới. Người H’Mông ở đây chủ yếu trồng ngô và dưa nương, họ có một đời sống đạm bạc nhưng tự do và vô cùng hiếu khách.
Cả nhà Ly Thanh Hùng vồn vã đón chúng tôi. Người H’Mông ít nói, nhưng nhìn gương mặt rạng rỡ của họ khi khách “ được mời ” tới nhà, có thể đọc rõ những tình cảm anh em thật nồng ấm. Hùng từng đi bộ đội, giờ phục viên làm chủ nhiệm HTX. Nhà của Hùng được dùng luôn làm trụ sở hợp tác xã cho… tiện. Chàng trai H’Mông 30 tuổi này có gương mặt thật sáng, mũi cao và thẳng. Một người trong đoàn chúng tôi nói riêng : Hùng có gương mặt khá “ Tây ”. Tôi nghĩ đó là nhận xét cảm tính thôi. Cho tới khi được một người bạn Hà Giang – người từng công tác ở Tả Ván 12 năm, cho biết : Tổ tiên của người H’Mông có xuất xứ từ châu Âu, họ di cư tới vùng Sibérie lạnh lẽo, rồi từ đó xuôi xuống phương Nam, định cư ở Trung Quốc. Nhưng ở đó người H’Mông luôn bị kỳ thị, bị cuốn vào những cuộc chiến tranh sắc tộc với người Hán, tới mức họ phải băng rừng vượt núi sang Việt Nam, Lào và Myanmar để tìm đất sống. Người H’Mông chọn Việt Nam làm quê hương từ 300 năm nay, và dân số H’Mông tại Việt Nam hiện đã tới gần 900.000 người.
Theo đúng yêu cầu của chúng tôi, vợ chồng Hùng đã đồ sẵn một chõ mèn mén, kèm dưa nương mới hái, kèm… một nồi canh thịt ngan (vịt xiêm). Theo Hùng nói, thì mèn mén phải ăn kèm dưa nương cho mát và dễ nuốt, còn để “ trôi chảy ” hơn, thì ăn kèm canh, ngon nhất là canh thịt ngan. Dĩ nhiên tôi hiểu, bữa ăn hàng ngày của người H’Mông thường chỉ có mèn mén với dưa nương, làm sao có canh thịt ngan trong “ thực đơn ” được. Canh thịt ngan là món đặc biệt mà người H’Mông “ nhịn miệng đãi khách ”, dù yêu cầu tha thiết của một khách xa như tôi chỉ là mèn mén và dưa nương.
Tôi đã có một “ bữa trưa mèn mén ” có lẽ là đặc biệt nhất trong đời mình. Bởi ở đây, tôi không chỉ được ăn mèn mén với dưa nương và canh thịt ngan, dù những món ăn này hoà quyện với nhau tạo nên một hương vị thật đậm đà, quyến rũ. Ở nhà Hùng, giữa những chén rượu ngô H’Mông “ đặc chủng ”, tôi đã được gặp và hầu chuyện một người đặc biệt : ông bác (bên mẹ, trong Nam gọi là cậu) của Ly Thanh Hùng, ông Vàng Xín Dư. Ông Dư nguyên là phó ban tổ chức tỉnh ủy Hà Giang, mới về hưu. Một ông cựu quan chức, thì cũng không có gì đặc biệt. Nhưng qua lời giới thiệu của Tuấn và lời kể của ông Dư, tôi biết ông Dư từng là người chỉ huy của đội du kích xã Tả Ván đã lập nên một kỳ tích : ba lần đánh thắng quân xâm lược tràn qua từ bên kia biên giới. Tả Ván là xã có 13,5 km đường biên giới với Trung Quốc, lại là một xã thuộc diện đặc biệt khó khăn. Ông Dư nói đùa : xã tôi chỉ có 2 người “ dân tộc thiểu số ” – là hai bà chị người Kinh lấy chồng người H’Mông ở Tả Ván, khi họ cùng đi thanh niên xung phong với nhau. Hai bà chị này, một quê Nam Định, một quê Thanh Hóa, nói sõi tiếng H’Mông như tiếng Kinh. Nếu tình cờ gặp họ, anh sẽ nghĩ họ là phụ nữ H’Mông thôi. Rồi ông Dư kể chuyện.
Chuyện rằng : Vào những năm đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước, Tả Ván không lúc nào được yên ổn. Phía bên kia biên giới người ta luôn khiêu khích, gây chuyện. Và từ năm 1980 tới 1984, đã ba lần họ xua quân tràn qua biên giới thuộc địa phận Tả Ván.
Bởi đường sang Tả Ván là đường độc đạo xuyên núi, Tả Ván lại là xã nhỏ bé nghèo nàn, nên quân xâm lược nghĩ chỉ cần vài ba tiểu đoàn đột kích cùng pháo binh yểm trợ dọn đường là có thể “ nuốt trôi ” những bản làng heo hút của người H’Mông ở đây.
Họ nhầm !
Đội du kích Tả Ván, chỉ được trang bị súng trường K44, súng kíp, và lựu đạn chày (của Trung Quốc viện trợ ngày chiến tranh chống Mỹ), dưới sự chỉ huy của thư ký uỷ ban xã Vàng Xín Dư, đã bình tĩnh đón tiếp những “ vị khách không mời ” này.
Người H’Mông là những nhà leo núi bẩm sinh. Trong chiến trận, họ là những chiến binh thiện nghệ rất giỏi đánh vận động chiến trên địa hình núi đá hiểm trở. Theo con đường độc đạo dẫn vào bản Tả Ván, quân xâm lược liên tục bị phục kích bởi những “ con đại bàng H’Mông ” thoắt ẩn thoắt hiện trên những ngọn núi và hẽm núi. Chỉ có súng trường K44 và súng kíp bắn phát một, lựu đạn chày Trung Quốc viện trợ thì ném mười quả tịt cả mười, nhưng với sự nhanh nhẹn và thông minh, với lòng quả cảm, những du kích H’Mông Tả Ván đã bình tĩnh đẩy lùi mấy tiểu đoàn quân chính quy Trung Quốc. Và đẩy lùi tới… ba lần. Bên họ thiệt hại bao nhiêu thì dân Tả Ván không biết rõ, nhưng bên ta, cả xã chỉ thiệt hại mất… 3 con trâu, do đạn pháo Trung Quốc bắn trúng. Ông Vàng Xín Dư kể : “ Thung lũng mình đây bị pháo kích không biết bao nhiêu trận. Có lúc, họ bắn pháo suốt cả ngày, dân phải bồng bế đi sơ tán hết. Cơ cực lắm.”
Cùng trong thời gian năm 1984, vào ngày 12/7, tại mặt trận Vị Xuyên – Hà Giang, quân chính quy Việt Nam đã đụng độ dữ dội với quân chính quy Trung Quốc xâm lược. Thanh Thủy – vùng núi hiểm trở dọc biên giới đã thành chiến địa, nơi những người chiến sĩ của chúng ta đã phải trần lưng chịu pháo, chống những trận tập kích ác liệt, và hy sinh để giữ từng điểm cao, từng hốc núi. Mấy nghìn chiến sĩ Việt Nam đã hy sinh ở mặt trận Thanh Thủy – Vị Xuyên, những người lính rất trẻ từ 30 tỉnh thành trong cả nước đã góp mặt chiến đấu ở đây.
Trong bối cảnh ấy, kỳ tích “ ba lần đánh thắng quân xâm lược ” của những người du kích H’Mông bản Tả Ván thực sự là một điểm son chói lọi tiêu biểu cho cuộc chiến tranh nhân dân, được tiến hành bởi nhân dân và nhằm bảo vệ nhân dân. Ngay sau lần thứ ba đánh thắng quân xâm lược, quân và dân Tả Ván đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu “ Anh hùng lực lượng vũ trang ”. Riêng ông Vàng Xín Dư được “ lên chức ”, được giao nhiều trọng trách, cho tới khi về hưu là phó ban tổ chức tỉnh ủy. Ông Dư cười khà khà : “ Từ đó, mình được đi xe ô tô tới…mỏi đít thì thôi ! ”
Gặp những người cựu du kích
Câu chuyện của ông Vàng Xín Dư đã kéo tôi trở lại Tả Ván chỉ hai tháng sau. Lần này, tôi đi cùng anh chị em Công đoàn ngành Dệt-May Việt Nam, cùng anh Lê Quốc Ân, nguyên Chủ tịch Tập đoàn Dệt-May VN, mang theo những món quà thơm thảo của 2 triệu đoàn viên công đoàn ngành Dệt-May đến với trẻ em hai xã Tả Ván và Tùng Vài, hai xã biên giới nghèo khó của huyện Quản Bạ – Hà Giang.
800 chiếc áo ấm mới cáu cạnh “ nhà giồng được ”, cùng nhiều món quà khác đã được Công đoàn ngành Dệt-May VN trao tới tận tay các em nhỏ mầm non, tiểu học và trung học cơ sở ở hai xã này. Buổi sáng trao áo ấm, gặp lúc Quản Bạ đón những cơn gió bấc đầu mùa, vừa đủ lạnh cho các em nhỏ người H’Mông, người Dao, người Tày xúng xính trong những chiếc áo ấm nghĩa tình của ngành Dệt-May. Anh Lê Quốc Ân đi lại như con thoi, bấm máy ảnh liên tục. Cứ ngỡ anh muốn “ chuyển ngành ” sang làm nhà báo, tôi tính đùa thì anh đã nói : “ Mình chụp cho mỗi cháu một kiểu ảnh chân dung. Khi về Sài Gòn, mình sẽ in và gửi lên Tả Ván, Tùng Vài cho gia đình các cháu giữ làm kỷ niệm.” Một ý tưởng đẹp bất ngờ khiến cả đoàn rất vui. Các cháu nhỏ ở đây, mấy khi được chụp ảnh, nhất là ảnh chân dung riêng từng cháu. Món quà này của anh Ân chắc chắn khiến gia đình các cháu cảm thấy ấm áp hơn trong mùa Đông này.
Buổi trưa, theo yêu cầu, tôi đã được gặp những người cựu du kích đã góp phần làm nên “ hattrich - chiến thắng ” của Tả Ván. Họ mộc mạc như đá núi, kiệm lời như đá núi, nhưng có những nụ cười lành sạch tin cậy như… mèn mén. Mỗi người góp vài câu, họ kể thêm cho tôi nghe về những trận đánh cách đây ngót 30 năm. Khi ấy, họ còn rất trẻ. Bây giờ, người nào cũng đã có cháu nội cháu ngoại. Các cháu của họ đã có mặt ở sân trường buổi sáng để nhận những tấm áo ấm nghĩa tình. Rồi các cháu sẽ lớn lên, sẽ thành những công dân quả cảm giữ gìn phên dậu của Tổ quốc, như ông nội ông ngoại các cháu đã làm. Mỗi tấm áo chống rét, mỗi món quà nhỏ đến với các cháu Tả Ván, Tùng Vài hôm nay chính là sự trao gửi niềm tin của chúng ta vào thế hệ tương lai sẽ bảo vệ từng tấc đất nơi địa đầu cực Bắc của Tổ quốc.
Quảng Ngãi, 23/11/2012
thanh thảo
Đọc thêm : RƯỢU
THIÊNG cùng tác giả
Các thao tác trên Tài liệu