Báo chí chính thống và tin nhà văn Bùi Ngọc Tấn qua đời
Báo chí trong nước
và tin nhà văn Bùi Ngọc Tấn qua đời
Sau khi đã đưa tin nhà văn Bùi Ngọc Tấn qua đời trên Diễn Đàn (bài đầu tiên mượn từ Facebook của Phạm Xuân Nguyên), tôi tò mò muốn biết báo chí chính thống trong nước đưa tin ra sao. Gú-gần "Nhà văn Bùi Ngọc Tấn qua đời", người ta có thể thấy một số thông tin sau (chỉ kể những báo chính thống trong nước):
- Tờ Thanh Niên đưa tin đầu tiên, vào lúc 9g30 sáng (tất cả giờ giấc trong bài này là giờ Việt Nam GMT+7), theo tin từ nhà văn Phạm Xuân Nguyên, chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội.
- Tiếp theo là các tờ VnExpress (9g45), Một Thế giới (10g07), VietnamNet (10g27), Tuổi Trẻ (10g49), Đời sống&Pháp luật (10g49), Lao Động (11g49) đưa theo VnExpress, Thời báo Kinh tế Sài Gòn (16g06), Tập chí Sông Hương (17g28) v.v.
Đi vào nội dung, hai vấn đề nổi cộm là tiểu sử và danh mục các tác phẩm của nhà văn. Trong tiểu sử, "chi tiết" về những năm ông bị bắt (1968-1973) vì bị coi là có liên quan đến "vụ án xét lại, chống đảng" - dĩ nhiên, không có một phiên toà xét xử nào - cũng như khoảng thời gian hơn 20 năm sau đó, ông "ẩn dật với văn chương", tổng cộng hơn 27 năm gác bút. Với sự động viên của bạn bè thân thiết, ông chỉ cầm bút trở lại để cho ra đời tác phẩm "Một thời để mất", hồi ký về nhà văn Nguyên Hồng, vào năm 1995, và mấy năm sau là tác phẩm để đời "Chuyện kể năm 2000" (CKN2000), tiểu thuyết tự thuật, với "cuộc sống" truân chuyên như chính tác giả của nó : bị tich thu, nghiền nát ngay sau khi vừa in xong, chỉ tới được tay bạn đọc từ các bản in ở ngoài nước hoặc in lậu trong nước - số bán thì nhiều nhưng vì là in lậu, dĩ nhiên tác giả không nhận được một xu nhuận bút nào !
Tưởng cũng có ích cho những người muốn tìm hiểu cái gọi là "nền báo chí VN" khi ghi lại dưới đây, các báo tiêu biểu kể trên viết - và không viết - những gì chung quanh hai nội dung ấy.
1/ VnExpress có hai câu trong tiểu sử của ông: "Giai đoạn từ tháng 11/1968 đến tháng 3/1973 ông vướng vào lao lý. Bùi Ngọc Tấn có một thời gian "ẩn dật" với văn chương, ngừng viết từ 1974 tới 1994", nhưng lại "quên" CKN2000 trong danh mục các tác phẩm của Bùi Ngọc Tấn. Nhưng chuyện này cũng khá ly kỳ. Khi trên FB một người đưa tin dẫn bài báo của VnE với địa chỉ của nó, người đọc sẽ thấy như sau:
(hình chụp lúc 23g30 ngày 18.12.2014, giờ Paris)
Nhưng khi bấm vào dòng địa chỉ để mở bài ra, thì lại thấy câu đầu là: "Tác giả của "Biển và chim bói cá" tạ thế lúc 6h15 sáng nay, ngày 18/12...". Vậy là thế nào? Đơn giản: tác giả bài báo đã nêu ra trong câu viết của mình, nhà văn là "tác giả của CKN2000", nhưng bài đưa lên rồi thì bị rút xuống để sửa, CKN2000 "được" xoá đi, như nó đã bị nghiền nát trong thực tế. Không còn tồn tại ! Một thủ thuật quen thuộc của ban Tuyên giáo, nhưng cũng không loại trừ khả năng tự kiểm duyệt của toà báo.
2/ Thanh Niên không trực tiếp nói gì về những năm ông bị "cải tạo", nhưng lại có câu gián tiếp : Trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí, ông nói: “Thế hệ chúng tôi đã chứng kiến biết bao biến động của lịch sử. Một thế hệ nhiều năm rồi nằm trong tầm súng bắn tỉa của thần chết, đang biến mất khỏi hành tinh này không để lại một vết xước nào. Tôi chỉ muốn thật trung thực trong khi viết để góp phần vào việc lưu giữ ký ức của dân tộc”, và có ghi CKN2000 trong danh mục tác phẩm của nhà văn.
3/ TBKTSG có cách viết tương tự như Thanh Niên, đề cập tới thời gian bị "cải tạo" của ông qua vài câu bóng gió (như: "Không có tên trong bộ Từ điển văn học Việt Nam, hay chỉ được nhắc đến một cách khá dè dặt trong những tài liệu văn học sử chính thống nhưng không thể phủ nhận được một sự thật: Bùi Ngọc Tấn vẫn là một tên tuổi lớn của văn học Việt Nam hiện đại."...), và không quên CKN2000 trong những "tác phẩm tiêu biểu" của nhà văn.
4/ Tiền Phong chỉ có bài vào ngày hôm sau (6g43, 19.12), mặc dù bài có tít rất hay (Nhớ Bùi Ngọc Tấn, người “sống để kể lại”) nhưng lại "quên" câu chuyện đáng nhớ nhất đã chép thành sách của ông : CKN2000. Ngược lại tác giả bài báo lại có dũng cảm nhắc lại chuyện "Khoảng dăm năm trước, một hôm Bùi Ngọc Tấn gọi điện, nói ông chính thức nhờ báo Tiền Phong lên tiếng lật lại vụ án oan khuất hồi 1969-1973, đòi lại công bằng cho ông, nếu không làm lúc này thì chẳng còn biết bao giờ" - không chỉ nói chuyện "lao lý" chung chung, mà nói thẳng "vụ án oan khuất". Rõ ràng, cái sự "quên" kia vậy mà không phải vậy : có một bàn tay nào cầm kéo đi sau tác giả!
5/ Nổi bật với khả năng tẩy xoá lịch sử thuộc hàng cao thủ là Tuổi Trẻ (ôi, cái thời Tuổi Trẻ của Võ Như Lanh, Kim Hạnh, bao giờ cho đến ngày xưa !), Sông Hương (Tô Nhuận Vỹ cũng đã nghỉ từ lâu), hay VietnamNet : KHÔNG có một dòng, câu chữ nào nhắc lại những năm nhà văn bị đầy đoạ trong nhà tù dù chẳng có tội tình gì, cũng như, hoàn toàn vắng bóng CKN2000, tác phẩm tới nay được mọi người coi là tác phẩm tiêu biểu nhất của Bùi Ngọc Tấn. Khi cái hèn của người ra lệnh được cộng hưởng với cái hèn của kẻ thừa hành, ta có kết quả điển hình cho chế độ một tổng biên tập thực từ xa điều khiển những tổng biên tập bù nhìn ở mỗi toà soạn !
Trong bài viết mà mặt báo này vừa đăng lại, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên có trích một câu trong CKN2000:
“Điều
đó chỉ có nghĩa là Phương
đã nhìn thấy và báo động
về những cái xấu xa đang mọc lên
trên lưng chế độ như nạn móc
ngoặc đang hình thành và bắt rễ
trong các ngành mậu dịch. Nạn cửa
quyền trong các cơ quan tiếp xúc với
dân. Bệnh thành tích, hình thức,
điêu dối trong báo cáo và cuộc
sống. Chủ nghĩa lý lịch, chủ
nghĩa thành phần đã làm thiệt
hại bao nhiêu đến sự nghiệp chung
v.v… Phương đã nhìn thấy
những gì trái với bản chất xã
hội chủ nghĩa, muốn lên tiếng bảo
vệ những lý tưởng của cách
mạng. Vì cách mạng. Vì cách
mạng là xương máu của bao thế
hệ. Vì mình là người tâm
huyết, một lòng theo cách mạng. Là
sự nhìn nhận cuộc sống đúng
với hiện thực, không phải chỉ một
màu hồng. Là lòng mình yêu
thiết tha nhân dân này, đất nước
này. Là chống lại sự bất công
mới đã có và đang có như
một thứ nấm mốc lây lan. Để
cuộc sống tốt đẹp hơn. Sự
nghiệp tốt đẹp hơn đúng với
mục tiêu của nó.
Và như vậy
là nhìn đời đen tối. Là
bất mãn. Là chống đối. Là
vào rừng chỉ nhìn thấy cây mà
không thấy rừng.
Chẳng lẽ mình
không có quyền suy nghĩ, không có
quyền nói lên, không có quyền
tỏ thái độ? Chẳng lẽ mình
không còn có quyền yêu nước?
Chẳng lẽ lòng yêu nước cũng
bị độc quyền? Không! Có thể
độc quyền xuất khẩu, độc
quyền nhập khẩu, độc quyền sản
xuất muối, nhưng không thể độc
quyền yêu nước!” (CKN2000, tập 1,
tr. 191- 92)
Nhà văn đã mất, nhưng tác phẩm của ông còn để lại. Tâm huyết của ông, luôn luôn muốn "nhìn nhận cuộc sống đúng với hiện thực, không phải chỉ một màu hồng", "chống lại sự bất công mới đã có và đang có như một thứ nấm mốc lây lan. Để cuộc sống tốt đẹp hơn. Sự nghiệp tốt đẹp hơn đúng với mục tiêu của nó.", vẫn không ngừng chinh phục các tầng lớp bạn đọc đến với tác phẩm.
Có phải chính vì thế mà họ sợ ? Sợ tới mức không dám nói tới nữa. Như kẻ gian sợ ánh sáng.
Nhưng, làm sao xoá được những tác phẩm đích thực của một nhà văn chân chính?
H.V.
Các thao tác trên Tài liệu