Bạn đang ở: Trang chủ / Việt Nam / Bao giờ Việt Nam có các nhà thầu EPC mạnh ?

Bao giờ Việt Nam có các nhà thầu EPC mạnh ?

- Nguyễn Quang A — published 04/09/2010 10:12, cập nhật lần cuối 04/09/2010 10:12
Gần đây, dư luận trong nước quan tâm nhiều tới việc Trung Quốc trúng thầu tới 90% nhiều công trình quan trọng ở Việt Nam, như các công trình khai thác rừng đầu nguồn, khai khoáng, luyện kim... Phân tích của TS Nguyễn Quang A cho thấy, trước tiên Việt Nam cần nhìn lại chính mình.


Bao giờ Việt Nam có các nhà thầu EPC mạnh?


Nguyễn Quang A

Dư luận bàn nhiều về hiện tượng các công ty nhà nước Trung Quốc thắng phần lớn các hợp đồng EPC (Engineering, Procurement and Construction - Thiết kế, mua sắm và xây dựng), thường cũng được gọi là hợp đồng chìa khoá trao tay, tại Việt Nam.

Loại hợp đồng này thường được dùng trong xây dựng các nhà máy điện và các nhà máy cũng như công trình khác. Chủ đầu tư thường là các công ty hay cơ quan nhà nước. Nhà thầu, EPC contractor (EPCC), làm mọi việc từ thiết kế, mua sắm, xây dựng lắp đặt theo một thoả thuận giữa chủ đầu tư và nhà thầu.

Họ có thể là nhà thầu nước ngoài hay trong nước. Phát triển các công ty Việt Nam có năng lực, có khả năng làm nhà thầu EPCC mạnh luôn phải là một trong các ưu tiên của chính sách phát triển. Sông Đà có thể là một EPCC như vậy về xây dựng thủy điện; Tổng công ty lắp máy Việt Nam (Lilama) có thể là nhà thầu EPC về xây dựng các nhà máy điện và các nhà máy khác.

EPC khá phổ biến trên thế giới, chủ đầu tư có nhiều lý do để chọn cách làm này vì: nó gọn, ít căng thẳng; dễ theo dõi và điều phối; đảm bảo chất lượng và giảm các vấn đề thực tiễn nếu làm khác đi; chủ đầu tư không bị tác động của biến động thị trường; tổng đầu tư được biết trước ngay khi khởi động dự án.

Tất nhiên, chủ đầu tư cũng có khó khăn, nhất là trong thương thảo thoả thuận với nhà thầu và giám sát nhằm đảm bảo chất lượng và tiến độ đã thoả thuận. Ngoài việc xác định mặt bằng và trao mặt bằng cho nhà thầu, chủ đầu tư phải xác định: quy mô và các đặc tả của công trình; chất lượng; thời hạn và kinh phí. Tất cả những điều đó phải được nêu chi tiết và rõ ràng trong thoả thuận giữa chủ đầu tư và EPCC. Thoả thuận như vậy là khá phức tạp, đòi hỏi hiểu biết sâu rộng về nhiều lĩnh vực, và thường cần tư vấn chuyên nghiệp giúp trong đàm phán với nhà thầu. Cái khó nhất của chủ đầu tư là có được thoả thuận chặt chẽ, rõ ràng, đầy đủ. Để giám sát việc thực hiện thoả thuận nhiều khi chủ đầu tư cũng phải thuê các tổ chức chuyên nghiệp.

Người ta cũng lo ngại chủ đầu tư do ít hiểu biết và rất dễ bị nhà thầu “giăng bẫy” trong thoả thuận khiến tiến độ kéo dài, chất lượng không đảm bảo hay có thể phát sinh thêm khá nhiều.

Lưu ý rằng ưu điểm của EPC là chủ đầu tư biết trước tổng chi phí, phát sinh không thể lớn được nếu làm đúng quy cách. Còn do thiếu hiểu biết hay “cố ý” để có các điều kiện lỏng lẻo trong thoả thuận dẫn đến phát sinh là chuyện khác, không thể đổ cho cách làm EPC.

Nếu chủ đầu tư ngớ ngẩn đến mức để nhà thầu giăng bẫy, thì chắc chắn vấn đề bổ nhiệm cán bộ có vấn đề, hay trình độ họ kém, thì là lỗi của ông chủ của chủ đầu tư. Có thể phải sa thải người, cất nhắc người khác hay phải đào tạo lại họ. Còn nếu chủ đầu tư “đi đêm” với nhà thầu để tự giăng bẫy thì vô phương, chỉ có cách dẹp ông “chủ đầu tư” ấy đi mà thôi.

Điều kiện thầu là do chủ đầu tư đưa ra, giá chỉ là một điều kiện, tiến độ cũng do các bên thống nhất khi ký thoả thuận. Cứ thoả thuận mà làm, sai kỹ thuật, sai tiến độ thì phải quy trách nhiệm và phải phạt và đòi đền bù, ai để sơ suất trong ký thoả thuận, trong giám sát phải chịu trách nhiệm (có thể bị sa thải, hay thậm chí truy tố nếu phạm tội hình sự như thông đồng, nhận đút lót hay hối lộ). Vấn đề là có muốn làm không mà thôi.

Người ta cũng lo ngại việc giám sát khó, nhà thầu chậm tiến độ hay chất lượng dự án kém, nhưng chủ đầu tư rất khó xử phạt. Đấy cũng là một sự hiểu nhầm, vì ưu điểm của EPC chính là ở chỗ đó. Vấn đề là thoả thuận giữa chủ đầu tư và nhà thầu thế nào. Nếu làm chặt chẽ và đúng thông lệ, có thoả thuận rõ ràng và có thể thuê tư vấn giám sát, thì những lo ngại như vậy không có cơ sở. Việc thanh toán, xử phạt cũng thế.

Đấy là về các mối quan hệ giữa chủ đầu tư và nhà thầu EPC nói chung. Và chính sách phát triển chính là nhằm nâng cao năng lực của các doanh nghiệp trong nước để chúng có thể giải quyết hiệu quả các vấn đề nêu trên, và các vấn đề khác bất luận chúng là chủ đầu tư, nhà thầu EPC hay các nhà tư vấn. EPCC có thể là doanh nghiệp trong nước hay nhà thầu nước ngoài.

Nâng cao năng lực của các chủ đầu tư, của các nhà tư vấn và các công ty có thể làm nhà thầu EPC (ở trong nước và trên thị trường quốc tế) của Việt Nam là một chính sách phát triển quan trọng. Nếu các tổ chức này phát triển, thì Việt Nam mới thực sự phát triển, mới có khả năng tạo nhiều giá trị gia tăng, còn ngược lại sẽ rất dễ bị lệ thuộc về mặt công nghiệp. Muốn cho chúng phát triển cần có các chính sách phù hợp, thí dụ tạo điều kiện về thị trường. Hãy xem thực tế ra sao.

Hầu hết các công trình lớn, từ năng lượng đến khai khoáng, các hợp đồng EPC đều rơi vào các nhà thầu nước ngoài, mà chủ yếu là các nhà thầu Trung Quốc.

Lý do các nhà thầu Trung Quốc thường thắng thầu EPC được người ta viện dẫn là giá rẻ. Như đã nói, giá chỉ là một điều kiện, và việc này chỉ được xét khi tất cả các điều kiện khác đã được thoả mãn. Ham giá rẻ, để có các kẽ hở cho chất lượng thấp, chậm tiến độ, phát sinh nhiều,... là lỗi hoàn toàn của chủ đầu tư.

Rồi người ta lại có thể viện đến chuyện các ngân hàng (hay chính phủ) Trung Quốc cho vay tiền nên đành phải chấp nhận các điều kiện của họ. Lưu ý rằng, cần phân biệt hai loại.

Loại thứ nhất, công trình do Trung Quốc đầu tư (dưới dạng FDI), như nhà máy điện Vĩnh Hưng (Vĩnh Hưng là tên mà Trung Quốc đặt cho đảo Phú Lâm, Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm từ 1974; ở Bình thuận có một thôn tên là Vĩnh Hưng) ở Bình thuận với vốn ban đầu 1,75 tỷ USD do chính phủ Trung Quốc vừa phê duyệt cho chủ đầu tư là công ty lưới điện phía nam Trung Quốc, loại vay này không liên quan gì đến Việt Nam cả.

Thứ hai, các khoản vay, nếu có, mà chúng ta thực sự quan tâm là cho các nhà máy điện Quảng Ninh 1, Quảng Ninh 2, Hải Phòng 1, Vĩnh Tân 2, Duyên Hải 1, Vũng Áng, Kiên Lương vân vân, nơi các nhà thầu là các công ty xây dựng Trung Quốc và chủ đầu tư là các công ty Việt Nam. Tổng tiền vay có thể lên đến nhiều tỷ USD. Nếu các khoản vay này được chính phủ Việt Nam bảo lãnh, thì phải tính vào nợ chính phủ và cũng nên công khai như bất cứ khoản nợ chính phủ nào khác.

Trong các trường hợp này mối lo là có thực.

Thứ nhất, người cho vay luôn có các điều kiện. Nhưng người đi vay cũng có quyền của mình: quyền không vay. Cũng lưu ý rằng hợp đồng vay và thoả thuận với nhà thầu là 2 hợp đồng khác nhau, tuy có thể có ràng buộc với nhau. Nếu hợp đồng vay và thoả thuận EPC chặt chẽ, rõ ràng, rạch ròi, thì cũng chẳng có mấy để ngại. Còn nếu để sơ hở do ngu dốt thì phải chịu và lỗi là chủ của chủ đầu tư, còn nếu do “cố ý” thì hết cách ngoài việc dẹp những người “cố ý” ấy đi.

Thứ hai, việc vay Trung Quốc và việc các công ty Trung Quốc thắng thầu EPC, nếu làm đúng, chẳng hề là vấn đề.

Tuy vậy, nhìn từ góc độ chính sách phát triển đất nước, thì việc để cho các nhà thầu EPC nước ngoài chiếm hầu hết các hợp đồng EPC là rất có vấn đề. Nó chèn ép, lấy hết thị trường của các nhà thầu EPC tiềm năng của Việt Nam. Và như thế chẳng bao giờ Việt Nam có nền công nghiệp hiện đại cả, chẳng bao giờ có thể ngóc lên về mặt công nghệ, kỹ thuật và luôn chỉ là người sử dụng (kể cả dịch vụ). Đấy quyết không thể là một chính sách khôn ngoan.

Hơn nữa, để cho các công ty của một nước (Trung Quốc trong trường hợp này) thắng quá nhiều gói thầu EPC có thể gây lo ngại về nhiều mặt. Có thể có vấn đề như đã và đang xảy ra: chậm tiến độ, chèn ép các công ty nội địa, chất lượng không đảm bảo. Hàng loạt các công trình trọng điểm nếu rơi vào tình trạng như vậy, thì vô cùng rủi ro, thậm chí nguy hiểm đến an nhinh kinh tế và an ninh quốc gia. Nếu rải ra cho nhiều nhà thầu thuộc các quốc gia khác nhau (kể cả trong nước và phải có chính sách ưu tiên để chúng có cơ hội học hỏi và phát triển nhanh), có trình độ công nghệ cao thấp khác nhau, thì rủi ro được san sẻ và nguy cơ bị rủi ro cao giảm xuống đáng kể.

Cách làm EPC là cách làm thông dụng, chẳng có gì đáng phàn nàn, và nếu có lỗi thì chính là ở phía chúng ta. Khía cạnh đáng bàn là khía cạnh chính sách phát triển đất nước liên quan đến EPC.

Bức tranh không mấy lạc quan và cần có thay đổi cơ bản từ tư duy đến cách thực hiện. Hãy nhìn cách Trung Quốc làm và có thể học được nhiều điều. Họ hỗ trợ các nhà thầu EPC của mình khi tạo điều kiện cho chúng trên thị trường trong nước. Rồi bằng quan hệ chính trị, kinh tế, tài chính họ mở đường cho các EPCC của mình thâm nhập thị trường nước ngoài (hãy ngó sang Châu Phi, các nước đang phát triển ở châu Á, châu Mỹ Latin). Xem họ hỗ trợ ra sao, từ vốn, đến các cơ hội kiếm hợp đồng. Nhà nước Trung Quốc làm mọi biện pháp để giúp chúng.

Còn chúng ta thì sao? Các nhà thầu EPC tiềm năng có lẽ sẽ teo đi. Không khéo Việt Nam biến thành bãi thử cho các nhà thầu Trung Quốc nâng cao trình độ để có năng lực cạnh tranh ở các thị trường khó tính hơn? Hãy nhìn vào hàng trăm nhà máy xi măng lò đứng một thời, gang thép Thái Nguyên và phân đạm Hà Bắc khi xưa, và cả chục dự án năng lượng (nhiệt điện như nêu ở trên, và nhiều dự án thủy điện nhỏ), khai khoáng (các nhà máy đồng, bauxite), xây dựng công cộng (sân vận động quốc gia Mỹ Đình, gói thầu 10 của Dự án kênh Nhiêu Lộc – Thị nghè, vân vân). Đó là chưa nói đến viễn cảnh đường sắt cao tốc (việc Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải nhấn mạnh để ngỏ nhà cung cấp và nhà thầu và việc mời 21 đại biểu quốc hội đi thăm đường sắt cao tốc ở Trung Quốc, có thể là các chỉ báo). Nghĩ đến các rủi ro mà không khỏi rùng mình.

Nguyễn Quang A


Nguồn : Bản tác giả gửi Diễn Đàn, có sửa và thêm vài ý so với bài đã đăng trên VNR500.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us