Bạn đang ở: Trang chủ / Việt Nam / Bộ 4T

Bộ 4T

- Hoà Vân — published 16/05/2009 18:22, cập nhật lần cuối 16/05/2009 18:22

Bộ 4T và những vấn đề của đất nước

   
Hoà Vân


   

Chuyện này nói nhiều rồi1, nhưng thời sự gần đây buộc phải trở lại. Vậy xin nói ngắn thôi. Đó là chuyện một cơ quan nhà nước được uỷ thác quyền bắt các nhà báo ‒ trong những vấn đề mà cơ quan đó, hay cấp trên của nó đánh giá là « nhạy cảm » ‒ phải câm lặng không được thông tin, không được bình luận hoặc chỉ được quyền nhắc lại những « thông tin » từ « trên » đưa xuống, và một hệ quả của nó vừa được thời sự soi sáng.

Trong bài bình luận về vấn đề Bôxit và Tây Nguyên, chúng tôi đã dành 2 trên 4 điều « cần nói thêm » cho chuyện này. Xin trích lại một câu :

"việc đầy dẫy những biện pháp được đưa ra để buộc báo chí « đi đúng lề đường bên phải » thay vì tự do phản ánh mọi khía cạnh của đời sống kinh tế  xã hội (dù « đen » hay « đỏ »), phản ánh trung thực tâm tư của người dân, chính là nguy cơ của mọi nguy cơ – suy thoái kinh tế, bùng nổ tham nhũng, mất ổn định chính trị…, cho tới nguy cơ đánh mất cả độc lập của Tổ quốc".

« Đánh mất độc lập » một cách toàn diện thì khách quan phải nói là chưa, nhưng phải hiểu thế nào về việc khoán trắng cho một cơ quan nước ngoài một trang web có đuôi « gov.vn », tức là một trang của Chính phủ Việt Nam, có nhiệm vụ nói lên tiếng nói chính thức của Nhà nước Việt Nam ? 

Thông tin luôn luôn được Nhà nước này coi là một lĩnh vực quan trọng hàng đầu, đứng trên giáo dục, kinh tế, phải tuyệt đối nắm chặt, cũng như các lĩnh vực an ninh, quốc phòng2. Thế mà, từ hai năm rưỡi nay, chủ quyền của Nhà nước trong lĩnh vực quan trọng này đã được giao cho nước ngoài, như vụ trang web “Hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam – Trung Quốc” cho thấy (Diễn Đàn đã đưa tin qua các bài « thấy trên mạng » của các blog Lê Tuấn Huy, Huy Đức, Linh). Chưa kể, các thông tin trên mạng cho thấy còn có những bộ khác có những trang tương tự. Nếu không có « blogger » Lê Tuấn Huy tìm ra và đưa thông tin lên mạng, chắc người ta còn có thể đọc lâu nữa trên một trang mạng « http//... gov.vn » những khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Trung Quốc...

Một xì-căng-đan cỡ này, ở hầu khắp thế giới, ít nhất người ta phải thấy ngay các bộ trưởng liên quan từ chức (ở đây là bộ Công thương, chủ trì trang web, và bộ Thông tin và Truyền thông – gọi tắt là bộ 4T ‒, chịu trách nhiệm về các tên miền « .vn » thông qua Trung tâm Internet Việt Nam), các quan chức trực tiếp chịu trách nhiệm (cục trưởng cục Thương mại điện tử và công nghệ thông tin, bộ Công thương và giám đốc Trung tâm Internet VN, bộ 4T) bị cách chức trong khi chờ đợi các hình phạt pháp lý khác. Thực ra, đây là một thủ thuật chính trị thông thường để che chở cho những người cấp cao hơn ‒ "cầu chì" khi cần phải nổ để bảo vệ hệ thống ‒ nếu không, chính những nhân vật cấp cao này sẽ bị công luận lên án ! 

Không những chuyện đó không xảy ra3, cũng như đã không xảy ra chuyện ông thứ trưởng bộ Công thương miệt thị trí thức bị cảnh cáo, kiểm điểm gì cả, mà ngược lại, báo chí lập tức được lệnh « màn màn » : hai tờ Sài Gòn tiếp thị và Tuần Việt Nam đăng bài viết Giao trứng cho Trung Quốc của Huy Đức – Mạnh Quân phải gỡ xuống, các báo khác... mần thinh (chỉ trừ một bài của Tuổi Trẻ về « Thông tin sai trái trên vietnamchina.gov.vn » còn lại, có lẽ vì cái đầu đề có câu tiếp theo rất đúng lề phải : « sẽ xử lý kiên quyết, ngừng hợp tác » ?).

Phải chăng, triết lý của bộ 4T (hay nói cho đúng, của Đảng và Chính phủ, mà bộ này vừa là tham mưu vừa là cánh tay đao phủ trong lĩnh vực truyền thông) là : Tin « xấu » không phải vì có sự kiện tồi tệ xảy ra, vì có sự bất tài, vô trách nhiệm của người cầm quyền (« nhạy cảm » !) bộc lộ qua sự kiện đó4, mà vì có người đưa tin đó ra ánh sáng? 

Khi triết lý đó còn ngự trị thì, như trên đã nói, mọi nguy cơ đều có thể xảy ra. Kể cả việc trao quyền ăn nói về các vấn đề của đất nước cho ngoại bang, và một khi người ta đã có quyền phát biểu nhân danh mình thì...


  

Hoà Vân


1 Trong năm qua, ngoài việc giới thiệu nhiều bài viết của các đồng nghiệp trong và ngoài nước trong mục « Thấy trên mạng », riêng người viết bài này đã viết các bài sau đây trong chủ đề « báo chí Việt Nam »: Ngồi trên dư luận, Ngày « nhà báo cách mạng », Vụ xử hai nhà báo, Vụ xử hai nhà báo (tiếp theo). Đề tài này cũng được nói qua trong bài Bôxit và Tây Nguyên.

2 Ví dụ hiển nhiên là bản Dự thảo quy chế cổ phần hoá các « đơn vị sự nghiệp công lập có thu ». Trong dự thảo này, các trường học là một đối tượng có thể cổ phần hoá, trong khi các đơn vị báo chí, xuất bản, an ninh thì không.

3 Hơn một ngày sau khi sự việc được các blog công khai hoá, người ta chỉ thấy một tuyên bố sẽ « xử lý kiên quyết »  và « kiểm điểm trách nhiệm », của ông thứ trưởng thường trực bộ Công thương, hay phát biểu đẩy trách nhiệm hoàn toàn sang bộ này, của một ông lãnh đạo Cục Quản lý phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, bộ 4T.

DL

Ba ông nhấn nút khởi động trang "chung"

Để so sánh, thời sự cũng vừa nhắc, chỉ vì đăng một, hai bài báo « nhạy cảm » trên số báo Xuân năm nay mà tờ báo Du lịch bị đình bản 3 tháng, và ông Nguyễn Trung Dân, phó tổng biên tập vừa bị thu thẻ nhà báo.

4 Mở ngoặc : cái trang web này đã được các ông Nông Đức Mạnh, Tổng Bí thư Đảng CSVN, Hồ Cẩm Đào, Tổng Bí thư Đảng CSTQ, Chủ tịch nước CHND Trung Hoa, Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam chính thức khai trương ngày 16.11.2006 (xem hình). Câu hỏi : khi ấy, các ông Mạnh, Triết có biết là cái trang "chung" ấy được giao toàn quyền cho "nước bạn" điều hành (xin nói thêm: tên của "nước bạn" không quan trọng lắm trong câu hỏi đặt ra) ? Đóng ngoặc.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us