Bôxít Tây Nguyên
Bôxit
Tây Nguyên
và
các vấn đề hạch toán kinh tế
cần làm sáng tỏ
Phạm Hải Vũ
Dự án Bôxit Tây Nguyên đang gây ra một làn sóng phản ứng mạnh mẽ trong vô số các tầng lớp người Việt nam trong và ngoài nước. Bức thư của đại tướng Võ Nguyên Giáp, các quan ngại của sử gia – đại biểu quốc hội Dương Trung Quốc, đề nghị của nhà văn Nguyên Ngọc, bản tham luận của Nguyễn Trung, và vô số tiếng nói của các trí thức, công dân có trái tim với tổ quốc là những bằng chứng nổi trội của của làn sóng phản đối này. Các ảnh hưởng của dự án lên môi trường, lên văn hóa, lên tài nguyên đất, tài nguyên nước và tài nguyên rừng, và nhất là mối nguy hại với an ninh quốc gia là những lý do vô cùng xác đáng. Thế nhưng trước những lời cảnh tỉnh đó, chính phủ chỉ miệt mài một khẩu hiệu « Chủ trương của Bộ Chính Trị » và loáng thoáng « Hiệu quả kinh tế ». Nếu chủ trương của Bộ Chính Trị quả là vì hiệu quả kinh tế đất nước, thì chúng ta quả là nên bàn luận đến lợi ích kinh tế thật sự của dự án trước công luận. Bài viết này hệ thống lại lý thuyết đánh giá hiệu quả kinh tế trên cơ sở phân tích chi phí – lợi ích (cost - advantage analysis), một phương pháp được sử dụng rộng rãi trên thế giới. Tuy là một thước đo hiệu quả kinh tế không thể chối cãi, nhưng phương pháp cũng có những khiếm khuyết lớn, mà chỉ có đồng thuận dân chủ mới có thể khắc phục. Sau khi trình bày khung lý thuyết cũng như phân tích những yếu điểm của phương pháp chi phí – lợi ích, vấn đề đồng thuận sẽ được đề cập nhằm giúp độc giả có một cái nhìn về cách đánh giá hiệu quả kinh tế các dự án tương tự tại các quốc gia phát triển, đặc biệt là tại Pháp.
Báo cáo của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt nam (VUSTA) khẳng định rằng việc khai thác Bôxit tại Tây Nguyên vào lúc này là hoàn toàn không khả thi. Ngoài hiệu quả kinh tế không được minh định rõ ràng, báo cáo vạch rõ các hiểm họa liên quan đến sự bấp bênh của thị trường nhôm thế giới, tính bất khả thi của việc xây dựng các cơ sở hạ tầng nhằm phục vụ nhà máy, các hiểm họa đến nguồn nước, tài nguyên rừng, văn hóa của các đồng bào thiểu số, và an ninh quốc gia. Tuy nhiên, ngay gần đây, báo Tuần Việt Nam có cho đăng tải một « Ý kiến đa chiều » của ông Đoàn Văn Kiển, chủ tịch Tập đoàn khai thác khoáng sản. Ông Kiển cho rằng, muốn biết có hiệu quả kinh tế hay không phải chờ thực tế. Có lẽ chỉ có duy nhất người đứng đầu một tổng công ty nhà nước như ông mới có thể trả lời theo kiểu đó. Trên thế giới, không có một phương pháp tính hiệu quả kinh tế nào mà lại cho ra kết quả nhập nhằng theo kiểu muốn biết hiệu quả tới đâu cứ chờ xảy ra sẽ hay. Cũng không có phương pháp tính toán nào lại gói gọn trong việc hạch toán nguồn vốn & lợi ích, mà không xét đến các khía cạnh ảnh hưởng khác theo lập luận: « Nếu không có lãi thì nhà đầu tư bỏ tiền vào dự án làm gì ? ». Báo cáo của VUSTA nhấn mạnh rằng, các con số liên quan đến tính khả thi kinh tế của dự án trong dài hạn hoàn toàn thiếu vắng. Nhưng cứ cho là chúng ta có đầy đủ các con số, thì chuyện gì sẽ xảy ra ? Vậy thì hãy giả định là các con số này tồn tại để xem liệu khi đó có thể yên tâm với bài toán hiệu quả kinh tế của việc khai thác nhôm được không.
Trước hết, hãy xét mô hình tổng quan Phân tích hiệu quả kinh tế các công trình có ảnh hưởng cộng đồng, như dự án Bôxit Tây Nguyên. Một công trình có ảnh hưởng cộng đồng có thể được hiểu là một công trình cần sự can thiệp của chính phủ, hoặc cơ quan địa phương, vì có ảnh hưởng trên diện rộng tới các vấn đề công cộng như môi sinh, môi trường, sức khỏe cộng đồng, tái phân bố thu nhập…vv…. Việc đánh giá hiệu quả kinh tế các công trình này vượt ra ngoài khuôn khổ việc đánh giá hiệu quả kinh tế các công trình tư nhân thông thường. Nếu như một doanh nghiệp có thể lên danh sách rõ ràng các hạng mục chi phí và thu nhập trực tiếp để dự đoán lỗ lãi, lựa chọn đầu tư của một công trình công cộng vấp phải một khó khăn là việc xác định các chi phí và lợi ích gián tiếp gây ra từ dự án đầu tư. Ví dụ điển hình của lợi ích gián tiếp là việc tái phân bố địa lý các khu dân cư và cơ sở kinh tế (cơ sở hạ tầng nói chung), tạo công ăn việc làm (khu công nghiệp, chế xuất), tăng thu nhập do tiết kiệm thời gian vận chuyển hàng hóa, thời gian di chuyển (công trình cầu đường), cải thiện điều kiện sống do bảo vệ môi sinh (xây dựng khu bảo tồn thiên nhiên, công viên)…Về chi phí gián tiếp, đó là ô nhiễm môi trường, là tiếng ồn, rác thải khu công nghiệp, là an toàn giao thông và an toàn sức khỏe cộng đồng, là sự mất giá của tài nguyên đất và bất động sản trong khu vực lân cận, là chi phí cơ hội để sử dụng quỹ đất cho các dự án khả thi khác, và trong nhiều trường hợp là vấn đề an ninh, an toàn địa chính trị cho một quốc gia. Trong rất nhiều trường hợp, một dự án có thể cực kỳ khả thi khi được đánh giá từ góc nhìn nhà đầu tư, nhưng hoàn toàn có hại khi nhìn từ góc độ cộng đồng. Lý do là lợi ích cục bộ của chủ đầu tư phát sinh các chi phí khổng lồ cho cộng đồng, nhưng những chi phí này không nằm trong danh mục chi của chủ đầu tư: dự án do đó vẫn sinh lãi lớn khi hạch toán tư nhân.
Trong nỗ lực nghiên cứu các ảnh hưởng chi phí – lợi ích một dự án kinh tế cộng đồng, các kỹ sư kinh tế1 thuộc trường Cầu đường Pháp mà tên tuổi nổi bật nhất là Jules Dupuit (1804-1866) đã xây dựng một mô hình tính toán ngày hôm nay được ứng dụng phổ biến tại hầu hết các quốc gia trên thế giới: phân tích chi phí – lợi ích: cost-advantage analysis. Phân tích chi phí – lợi ích có lẽ được ứng dụng nhiều nhất trong lĩnh vực tư nhân. Ở thế kỷ XXI này, không doanh nghiệp hiện đại nào lại không đặt vấn đề chi phí – lợi ích trước khi quyết định đầu tư. Tuy nhiên, khi được áp dụng vào lĩnh vực công cộng, phương pháp này lại mang một bộ mặt đặc biệt khác.
Như đã nói, một đánh giá từ góc độ cộng đồng phải tính đến các chi phí – lợi ích gián tiếp của công trình đối với cộng đồng, những hạch toán đó không bao giờ xuất hiện trong con tính của chủ đầu tư. Với âm hưởng Cộng Hòa mạnh mẽ, phương pháp hạch toán kinh tế cộng đồng phản ánh mối quan ngại của chính phủ trước những dự án có tầm ảnh hưởng lớn. Nhìn từ góc độ lịch sử, phương pháp này ra đời khi chính phủ Pháp phải đối mặt với các dự án xây cầu, xây đường – thiết lập hệ thống cơ sở hạ tầng nói chung. Nó thể hiện tham vọng nghiên cứu ảnh hưởng của các công trình công cộng lên toàn bộ nền kinh tế của chính phủ Pháp. Các kỹ sư của trường Cầu đường khi đó thường xuyên được yêu cầu đánh giá hiệu quả kinh tế một con đường, một cây cầu trên bình diện cộng đồng. Khoản tiền đầu tư của chính phủ để xây cơ sở hạ tầng vào thời điểm đó là rất lớn, và chính phủ muốn biết liệu hiệu quả có cao như mức trông đợi hay không ? Câu hỏi được đặt ra cho Jules Dupuit và những người đi sau ông không phải là liệu chính phủ có thu lợi hay không ? mà là liệu nước Pháp có được lợi hay không? Khi chính phủ vừa là chủ đầu tư, vừa đại diện cho xã hội, hai câu hỏi này dường như có phần trùng lặp. Tuy nhiên giữa chúng không có gì mâu thuẫn. Đối với câu hỏi 1, chính phủ có thể bằng lòng với một phép tính thu chi: chi ngân sách quốc gia và thu phí sử dụng cầu đường. Còn ở câu hỏi thứ 2, chính phủ buộc phải tính đến lợi ích của toàn bộ các thành phần kinh tế có liên quan. Trong bối cảnh mà vai trò của nhà nước và doanh nghiệp được tách bạch như ngày hôm nay, câu hỏi thứ hai thể hiện sự quan tâm sâu sắc của chính phủ đến lợi ích của tập thể, lợi ích của quốc gia. Lợi ích của quốc gia phải luôn được đặt cao hơn lợi ích tư nhân của bất cứ chủ đầu tư hay doanh nghiệp nào, cho dù đó là doanh nghiệp nhà nước. Lợi ích quốc gia là lợi ích mà vì nó người dân mới cần đến chính phủ, và vì người dân muốn bảo vệ nó nên chính phủ mới có lý do tồn tại.
Mô
hình phân tích của Dupuit, được
các thế hệ tiếp theo của trường
Cầu đường và trường Mỏ2
phát triển, trong đó có đóng
góp của Maurice Allais, giải Nobel kinh tế
năm 1988. Mô hình này có thể
được mô tả như sau:
Hình
1: Cân đối hiệu quả kinh tế dựa
trên phân tích
Chi phí – Lợi
ích theo (Walliser, 1990)
Hiệu
quả kinh tế được xác định
trên cơ sở nhìn nhận tổng chi phí
và tổng lợi ích của dự án.
Chi phí bao gồm khả năng huy động
và kết hợp các phương tiện
sản xuất với các nguồn lực khác
nhau – vốn và lao động. Mỗi
phương án kết hợp , tạm gọi
là một dự-án-có-thể
(alternative project), sẽ cho ra một kết quả
kinh tế khác. Mỗi dự-án-có-thể
đồng thời sẽ gây ra những ảnh
hưởng khác nhau lên môi trường
địa lý, kinh tế, xã hội lân
cận, được ghi nhận lại trong phần
Ảnh hưởng. Hiệu quả kinh tế của
một dự án không đơn giản là
việc xem xét kết quả kinh tế, mà
là xem xét tương quan giữa Kết
quả kinh tế và Ảnh hưởng tổng
thể của dự án lên môi trường
kinh tế, xã hội.
Công thức
toán học của mô hình chi phí -
lợi ích được thể hiện như
sau:
Trong đó:
VAN =
Giá trị
cập nhật ròng của dự án (Valeur
d’actualisation nette).
T = Thời
gian hoạt động của công trình,
thường đo bằng năm.
St
= Lãi ròng tức thời của dự án
tại một thời điểm t nhất định.
I
= Chi phí đầu tư ban đầu.
a = tỷ
suất cập nhật (taux d’actualisation)
Chỉ
số VAN là thước đo hiệu quả
kinh tế. Mỗi dự-án-có-thể
sẽ cho một giá trị ròng cụ thể
tính bằng tiền. Chỉ số VAN càng
lớn thì hiệu quả kinh tế có thể
được coi là càng cao, và ngược
lại.
Tham số T thể hiện thời gian hoạt động của công trình. Đối với mỗi công trình, việc xác định thời gian hoạt động rất quan trọng vì nếu quá ngắn thì thường sẽ đưa lại hiệu quả kinh tế thấp, còn nếu quá lâu thì sẽ gây ảo tưởng hiệu quả kinh tế cao, trong khi thực tế công nghệ sử dụng có thể bị lạc hậu, vị trí lựa chọn mất tính chiến lược…vân vân…. Trong mỗi giai đoạn đánh giá t (thường là mỗi năm), hoạt động của công trình sẽ tiêu tốn một chi phí, và sinh ra một lợi ích quy đổi được ra tiền. Chênh lệch giữa lợi ích và chi phí được gọi là lãi ròng của dự án trong năm - St. Giá trị của St có thể lớn hơn hoặc nhỏ hơn 0. Trong những năm đầu, St thường nhỏ hơn 0, vì công trình vừa đi vào hoạt động, chi phí cao nhưng lợi ích chưa kịp đến. St thường tăng dần cùng với thời gian, nhưng nó cũng có thể giảm mạnh vào giai đoạn cuối do máy móc lạc hậu, hỏng hóc. Khi lấy tổng lãi ròng của toàn bộ thời gian hoạt động của công trình, đem trừ đi số tiền đầu tư ban đầu I (I = chi phí xây dựng + chi phí lắp đặt + chi phí giải tỏa đất đai), ta thu được giá trị ròng của dự án VAN, thước đo hiệu quả kinh tế.
Một vấn đề phát sinh là khi đưa trình dự án, cần phải thiết lập chỉ số VAN để so sánh mức hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên để có được chỉ số này, phải hạch toán các kết quả kinh tế cho rất nhiều năm sau. Một con đường, một khu chế xuất, một đường xe lửa …vân vân…có thời gian hoạt động không dưới 30 năm. Làm sao có thể đo lường kết quả lãi ròng của năm thứ 30, chỉ bằng các chỉ số kinh tế hiện tại? Để đối mặt với hiện tượng này, các nhà kinh tế sử dụng khái niệm tỷ suất cập nhật để quy đổi giá trị tương lai về hiện tại. Tỷ suất cập nhật a, vào năm t, ký hiệu at có ý nghĩa rằng 1$ vào thời điểm hiện tại sẽ tương đương với (1+ at)$ vào thời điểm t. Tỷ suất này do đó phản ánh lãi suất thực tế (có tính đến lạm phát) của việc sử dụng tư bản trong dự án. Trong công thức toán học trên, một tỷ số a duy nhất được sử dụng thay vì một danh sách at cho mỗi năm, mục đích là để đơn giản hóa việc nắm bắt ý nghĩa toán học. Tất cả lãi ròng thật sự của dự án được quy tính về một số tiền trong hiện tại, do đó phải chia cho St cho (1+a)t.
Trong thực tế ứng dụng, việc ứng dụng công thức toán học này phải dựa trên các điều kiện quan trọng, cũng chính là các điểm yếu của phương pháp tính chi phí - lợi ích. Thứ nhất, thời gian hoạt động của dự án phải được xác định một cách hợp lý. Thông thường lợi ích ròng tối đa của công trình thường đạt được vào giai đoạn giữa vì như đã nói ở trên, giai đoạn đầu và giai đoạn cuối thường khó có thể cho kết quả kinh tế tốt. Một dự án kinh tế mà phải chờ đến năm thứ 30 hay 50 mới có thể thu được lãi như lời ông Kiển có lẽ chỉ có thể tồn tại ở Việt Nam.
Thứ hai, tỷ lệ lạm phát và lãi suất ngân hàng phải được điều chỉnh ổn định. Nếu hai thứ này lên xuống bấp bênh, sẽ rất khó có thể xác định tỷ suất cập nhật a một cách chính xác3. Mà tỷ suất cập nhật nói một cách ngắn gọn chính là chi phí cơ hội của việc sử dụng tư bản. Tỷ suất này là cái giá phải trả cho việc đầu tư vào công trình, thay vì đưa tiền trực tiếp lên thị trường chứng khoán. Nếu nó ổn định, ta có thể lựa chọn một mức trung bình a duy nhất, làm đại diện cho tỷ suất cập nhật trong toàn bộ thời gian hoạt động của công trình. Mức tỷ suất a làm cho giá trị VAN bằng 0, được gọi là tỷ suất sinh lợi nội tức của dự án, gọi tắt là TRI - Taux de rentabilité interne. Tại điểm giá trị ròng VAN bằng 0, ta đơn giản thu được điểm hòa vốn đầu tư công cộng, điểm mà lãi ròng cho phép phủ hết chi phí đầu tư ban đầu. Như vậy giữa hai dự án có cùng giá trị đầu tư ròng VAN, dự án nào có mức TRI cao hơn – tức là cho phép gỡ hòa vốn nhanh hơn – sẽ được ưu tiên phát triển, tất cả các điều kiện khác giữ nguyên không đổi.
Việc xác định tỷ suất cập nhật do đó là một yếu tố vô cùng quan trọng. Chỉ sửa đổi một vài dấu phẩy, là kết quả kinh doanh một dự án có thể trồi sụt rất đáng kể. Việc xác định tỷ số này phải được dựa trên nghiên cứu thị trường của các chuyên gia tài chính nếu dự án muốn theo sát thực tế. Càng về cuối đời hoạt động, kết quả kinh tế của công trình càng thấp là vì sau 30 – 50 năm, rủi ro và lạm phát sẽ kéo lãi ròng mỗi năm xuống một con số rất bấp bênh. Do đó không thể trông chờ công trình sinh lợi vào cuối vòng đời của nó được. Tại Pháp, nơi mà lãi suất ngân hàng là khá ổn định, tỷ số cập nhật được chính phủ công bố công khai nhưng cũng thường xuyên bị các chuyên gia tài chínhchỉ trích , cho rằng mức đó không đủ thể hiện sự năng động của nguồn vốn.
Cuối cùng, để có thể tính được lãi ròng, phải có một cơ chế cho phép xác định các chi phí và các lợi ích cộng đồng quy đổi được thành tiền. Đây cũng là điểm gây tranh luận lớn nhất trong phương pháp, dẫn đến sự ra đời nhiều cơ chế bổ sung mới cho phân tích chi phí – lợi ích. Nguyên nhân là vì bản chất các chi phí này rất đa dạng, và việc kiểm soát chúng vượt ra ngoài logic doanh nghiệp. Trước hết các chi phí, lợi ích này là gián tiếp, không nằm trong hàm số sản xuất của doanh nghiệp, nên doanh nghiệp không có động cơ quan tâm. Sau đó, việc định giá chi phí và lợi ích, bản thân nó cũng thường xuyên là gián tiếp do thiếu vắng một thị trường cho phép định giá. Lấy ví dụ trường hợp một công trình sản xuất công nghiệp, các chi phí và lợi ích trực tiếp có thể được định giá thông qua thị trường: giá nguyên vật liệu, giá nhân công, giá sản phẩm tương đương bán trên thị trường. Nhưng trong trường hợp một con đường, lợi ích trực tiếp thu được từ công trình là việc giảm ách tắc giao thông, tiết kiệm thời gian đi lại, không thể được trực tiếp quy đổi thành tiền do không có thị trường tương ứng. Mức lợi thời gian nhờ con đường chỉ có thể được quy ra tiền, bằng cách trung chuyển qua mức thu nhập trung bình của những người sử dụng, sau đó chia cho thời gian sử dụng con đường trung bình của họ. Phương pháp này có hạn chế vì muốn ra kết quả, cần phải tính đến khoảng cách di chuyển trung bình giữa nơi ở và nơi làm việc của người đi đường, tần suất di chuyển và tần suất sử dụng…
Trong trường hợp phải định giá các ảnh hưởng gián tiếp khác, công việc trở nên phức tạp hơn nhiều. Vẫn tiếp tục ví dụ con đường, việc xây đường rất có thể sẽ khuyến khích vận tải đường bộ, và vô hình trung gây ảnh hưởng đến doanh số của ngành đường sắt. Việc xây đường cũng có thể tạo đà phát triển cho các điểm dân cư nhỏ bé trên trục giao thông, tăng giá hoặc giảm giá đất và bất động sản tại các khu vực lân cận hai bên “hành lang” của đường, vân vân. Ngoài ra một con đường có thể làm thay đổi hoàn toàn quang cảnh một khu vực địa lý, biến một khu thiên nhiên thành một khu chờ đô thị hóa, biến một dòng sông thành một điểm du lịch… Các con tính đồng bộ này thường bị nhà đầu tư lờ đi, nhưng lại là điều mà bất cứ chính phủ nào cũng phải quan tâm đặt câu hỏi. Lợi ích của quốc gia, của tập thể phải được đặt lên trên hết, nếu không lợi ích tập thể hóa ra chỉ là một phép tính hiệu quả kinh tế doanh nghiệp tầm thường. Một giải pháp buộc các doanh nghiệp cân nhắc dự án, là chính phủ khoán cho nhà đầu tư bài tính cộng đồng, và chỉ làm nhiệm vụ thẩm định độ chính xác khi nhà đầu tư trình hồ sơ xin giấy phép hoạt động.
Gilchrist và Allouche, hai nhà nghiên cứu tại đại học Western Ontario, Canada đã thống kê một danh sách các ảnh hưởng gián tiếp mà chính phủ khoán cho phân tích chi phí – lợi ích các doanh nghiệp cạnh tranh xin phép kinh doanh. Danh sách này được thực hiện thông qua quan sát tại nhiều dự án xây dựng tại Bắc Mỹ và Tây Âu. Hai tác giả gọi ảnh hưởng gián tiếp là “social cost” có nghĩa là các chi phí mà xã hội phải gánh chịu thay cho nhà đầu tư. Các chi phí nói chung được xếp vào bốn nhóm chính: Ảnh hưởng Giao thông (Traffic), Ảnh hưởng kinh tế (Economic Activities), Ảnh hưởng môi trường (Pollution) và Ảnh hưởng môi sinh, sức khỏe cộng đồng (Ecological, Social, Health).
Bảng
quan sát cho thấy các nước phát
triển coi các vấn đề môi trường
là ảnh hưởng trực tiếp của
một công trình. Các vấn đề
về tiếng ồn, bụi bặm, ô nhiễm
không khí, nguồn nước cần phải
được nhìn nhận ngay lập tức,
và trong hồ sơ cần phải tính đến
các chi phí kinh tế liên quan đến
việc bảo vệ, bảo tồn môi trường,
xử lý chất thải. Trong khi đó,
các ảnh hưởng kinh tế được
coi là gián tiếp, bao gồm chủ yếu:
mất (tăng) thu nhập người dân, giảm
(tăng) năng suất lao động hiện tại,
giảm (tăng) thu nhập từ thuế, hư
hại tài sản do thi công công trình
hoặc sụt giá bất động sản.
Ngoài ra, trong số các vấn đề
liên quan gián tiếp đến môi sinh,
chúng ta còn tìm thấy chi phí xử
lý các vấn đề sức khỏe
cộng đồng, sụt giảm chất lượng
cuộc sống (reduced quality
of life), chi phí hồi phục
môi sinh (restoration cost).
Hình 2: Danh sách các hạng mục ảnh hưởng cộng đồng của một công trình.
Như
đã nói, các chi phí gián tiếp
không phải luôn được định
giá một cách dễ dàng. Gilchrist và
Allouche cũng đã liệt kê một danh
sách các phương pháp ước
lượng giá trị gián tiếp thường
được sử dụng, nhưng do ngoài
nội dung nên không được trình
bày ở đây. Phương pháp
“hedonic price”4
lấy ví dụ, cho phép đo lường
mức sụt giá bất động sản
hoặc tài nguyên đất, gây ra do
thay đổi các điều kiện kinh tế
& xã hội do dự án. Phương
pháp giá mong ước – contingent
price – là một ví
dụ khác định giá trên cơ sở
các cuộc điều tra dân số mà
người ta hỏi cá nhân liệu anh
(chị) ta có ủng hộ dự án hay
không ? và nếu có (không) ủng
hộ thì anh (chị) ta có thể trả
bao nhiêu tiền để điều này
thành hiện thực ? Bảng danh sách
phương pháp định giá của
Gilchrist và Allouche khá dài, tuy nhiên
không quên nhắc đến một điều,
là cho dù có tìm cách định
giá chính xác đến đâu,
người ta cũng không thể đo lường
được các giá trị có tính
“định tính” của một dự
án. Chất lượng cuộc sống của
người dân có bị ảnh hưởng
hay không ? Sức khỏe của người dân
có bị bị đe dọa hay không ? là
những giá trị định tính không
phải chỉ bằng một số tiền mà
có thể biểu hiện chính xác
được.
Phương pháp tính chi phí – lợi ích do đó phải đối mặt hàng ngày với những yêu cầu thay đổi của xã hội hiện đại. Dù được sử dụng phổ biến, nó vẫn chứa nhiều khiếm khuyết mà một xã hội văn minh đòi hỏi phải vượt qua. Làm thế nào để biết môi trường bị ảnh hưởng thật sự đến mức nào ? làm thế nào để đo lường chính xác mức sụt giảm phúc lợi của người dân ? Làm thế nào để biết lợi ích tập thể được tôn trọng ? Các hạch toán kinh tế cho dù có tinh vi phức tạp đến đâu, cũng không cho phép chúng ta đi đến một phương trình “tuyệt đối đúng”. Các phương pháp khoa học chỉ là công cụ để chúng ta sử dụng để diễn giải lại thế giới, nó không phải là ông thầy đứng đằng sau chúng ta để bắt ta quyết định đúng hay sai một vấn đề có liên quan đến vận mệnh cộng đồng. Pierre Massé (1898 – 1987), giáo sư tại trường Cầu đường Pháp đã nói cách đây gần 50 năm sau bao năm trải nghiệm tại các vị trí tư vấn kinh tế chiến lược cho chính phủ Pháp: “Cần phải luôn tâm niệm rằng việc sử dụng các công cụ toán học không đưa chúng ta đến các chân lý tuyệt đối. Nó chỉ đảm bảo, trừ khi có nhầm lẫn tính toán, rằng kết quả thu được tương ứng chính xác với các giả đề được đưa ra. Ngoài ra nó chẳng thêm một phân sự thật nào vào các giả đề đó cả5” Giá trị kinh tế của một dự án lớn đến đâu, là do ta quyết định sẽ đưa gì vào trong chi phí? và đưa gì vào trong lợi ích? Hiệu quả kinh tế không phải là một khái niệm tồn tại khách quan, nó hoàn toàn phụ thuộc vào việc xây dựng mô hình của người làm hạch toán. Một mô hình hiệu quả kinh tế thật sự phải là một mô hình minh bạch, và nhất là các hạng mục hạch toán phải được xây dựng dựa trên sự đồng thuận của người dân.
Giải pháp đồng thuận là giải pháp tối ưu nhất, và triệt để nhất cho phép khắc phục các khiếm khuyết của phân tích kinh tế. Chỉ có đồng thuận mới cho phép nhà hoạch định chính sách biết được phải đưa gì vào trong chi phí, đưa gì vào trong lợi ích của hàm số phân tích. Các dự án cơ sở hạ tầng và đầu tư kinh tế gây ảnh hưởng lớn đến cộng đồng do đó cần phải được lấy ý kiến của công luận, nếu không việc sử dụng các kết quả nguỵ khoa học là không thể tránh khỏi.
Tại Pháp, luật Bouchardeau từ năm 1983 đã yêu cầu các chủ dự án buộc phải thông qua một quá trình đồng thuận địa phương - Concertation publique - trước khi được thông qua bởi chính quyền địa phương. Luật này được bổ sung bằng vô số các nghị định và nghị quyết khác mà nổi tiếng nhất là nghị định Bianco và công ước châu Âu Aarhus về bảo vệ môi trường. Nội dung chính của quá trình Đồng thuận địa phương là việc trưng cầu dân ý tại các địa phương nơi công trình sẽ diễn ra. Trong quá trình trưng cầu dân ý, các ý kiến của người dân, bằng lời nói hoặc bằng văn bản, sẽ được ghi lại trong biên bản trưng cầu dân ý. Toàn bộ quá trình Trưng cầu dân ý có thể kéo dài từ 6 tháng tới một năm để đảm bảo mọi ý kiến người dân đều được bày tỏ. Sau khi Đồng thuận kết thúc, chính phủ có thể ra quyết định nhưng trong quyết định buộc phải cân đối đến các đóng góp dân sự này, nếu không sẽ có nguy cơ đối diện với việc bị vô hiệu lực hóa tại tòa án - Tribunal administratif , biên bản trưng cầu dân ý làm bằng chứng.
Ngoài việc bắt buộc trưng cầu dân ý, luật pháp còn bắt buộc chủ đầu tư phải cung cấp các khảo sát ảnh hưởng môi trường, cụ thể là nguồn nước, không khí, tài nguyên rừng, tài nguyên cảnh quan, tiếng ồn, mùi, khói bụi, v.v. do các trung tâm khoa học được nhà nước công nhận tiến hành. Quá trình đồng thuận dân chủ thể hiện ở chỗ hồ sơ khảo sát, còn gọi là nghiên cứu khả thi, được chính phủ công khai công bố. Bất cứ công dân nào cũng có quyền tham khảo hồ sơ này, tại tất cả các cơ quan địa phương cấp tỉnh và cấp xã nơi dự án được triển khai. Nghiên cứu khả thi cho dù được bất cứ trung tâm khoa học nào tiến hành, cũng chỉ có giá trị khi được đưa ra công khai. Trong rất nhiều trường hợp, nhờ đưa ra công khai mà chính phủ phát hiện được các sai sót trong nghiên cứu khả thi. Ví dụ một quyết định xây cầu trên một nền địa chất yếu được phát hiện bởi những người dân sống tại chỗ, quan sát thấy những biến chuyển nhỏ trong địa tầng, trong khi đó các nhà nghiên cứu do rủi ro của mẫu thử hoặc do không kịp cập nhật (hồ sơ được chuẩn bị từ 2 – 3 năm trước khi đưa ra công khai) không kịp biết đến.
Đối với những dự án có tầm cỡ quốc gia, luật pháp quy định một cuộc Tranh luận dân chủ - Débat Public, nhiều năm trước khi trình bày dự án cụ thể. Tranh luận dân chủ giúp cho chính phủ có một cái nhìn tổng quan về các nguồn tài nguyên, các thành phần kinh tế liên quan, đồng thời khuyến khích các phương án sử dụng tài nguyên hiệu quả. Một quỹ đất có thể được sử dụng để xây dựng công trình, nhưng cũng có thể được dùng để phát triển lâm nghiệp, nông nghiệp hay du lịch. Nhờ có các cuộc Tranh luận dân chủ, chính phủ tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế đề xuất các dự án sử dụng tài nguyên hiệu quả đủ sớm, tránh việc chờ đến phút cuối cùng mới công bố và tiến hành một dự án duy nhất.
Như vậy có thể thấy, trước khi nói chuyện lợi ích kinh tế một công trình, một quốc gia dân chủ và phát triển bắt đầu bằng việc đi tìm đồng thuận, chứ không phải bằng việc đưa ra một phép tính toán chi phí và lợi ích. Việc bàn xét hiệu quả kinh tế chỉ bắt đầu sau khi có đồng thuận, sau khi người dân nhất trí rằng những điều kiện tiên quyết, quyền và quyền lợi, được thật sự tôn trọng. Những vấn đề như quyền được cất tiếng nói phản đối, quyền được bảo tồn nguồn nước và môi trường sống bền vững, quyền được gìn giữ và bảo tồn văn hóa bản địa, chủ quyền và độc lập kinh tế của quốc gia, vân vân… không phải là đối tượng của phân tích hạch toán kinh tế. Chỉ có đồng thuận mới có thể giúp chúng ta đánh giá các tiêu chí không-quy-chuẩn-được-thành-tiền này. Quá trình đánh giá chỉ dựa trên một thang trả lời: Có hoặc Không. Hoặc môi trường bị ô nhiễm, không thể tiến hành dự án, hoặc mức ô nhiễm là chấp nhận được như vậy có thể làm. Hoặc bản sắc văn hóa đồng bào Tây Nguyên được đảm bảo, hoặc sẽ bị tàn phá. Hoặc chủ quyền quốc gia không bị hề hấn gì, hoặc bị đe dọa. Nhờ thang trả lời một ngưỡng này chúng ta tránh việc mặc cả thành tiền những giá trị con người, và các giá trị thiêng liêng của cộng đồng: Độc lập và Thịnh vượng dân tộc. Đánh giá các tiêu chí “định tính” nhờ đồng thuận và phân tích định lượng hiệu quả kinh tế do đó là hai cơ chế bổ sung cho nhau và không thể thiếu để cho phép chính phủ đưa ra một quyết định đúng đắn.
Quay trở lại với bài toán hạch toán kinh tế, quyết định đầu tư một dự án chỉ dựa trên phân tích hiệu quả tài chính (cân đối nguồn thu chi) sẽ dẫn đến những vấn đề kinh tế và xã hội rất đáng quan ngại. Ngay cả khi hạch toán kinh tế được minh bạch và có lãi, một quyết định kiểu cục bộ sẽ gây ra những hậu quả tại hại. Cách nhìn theo kiểu một dự án là một dự án, mà không đặt dự án vào tổng thể, giống như một người chỉ nhìn thấy một cái cây trước mặt mà không nhìn thấy cả cánh rừng đằng sau. Hậu quả của quyết định cục bộ sẽ là việc phát triển bất cân đối giữa các vùng, giữa các ngành, là phân hóa giàu nghèo, phân tầng xã hội, là ô nhiễm môi trường, là an ninh chủ quyền của quốc gia bị đe dọa, như báo cáo của VUSTA đã nêu rõ. Trong tương lai các vấn đề này rồi cũng sẽ đến lượt chúng đòi hỏi chính phủ những nguồn chi phí khổng lồ đề giải quyết. Không phải vì nhắm mắt không hạch toán, mà chúng ta sẽ có thể tránh thoát không phải đối mặt.
Dự án Bôxit Tây Nguyên khoa học đến đâu, có lẽ độc giả đã có đủ tiền đề để tự mình đánh giá. Quyết định là do con người thực hiện. Không có một thực tế khách quan nào có thể khoác áo khoa học để buộc con người quyết định trái ngược với mong muốn của mình. Chính phủ Việt nam hãy nghĩ đến những giá trị không thể quy ra tiền, đó là an ninh quốc gia, là rủi ro nhìn thấy rừng Tây Nguyên bị tàn phá vì các lợi ích kinh tế của một tập đoàn khoáng sản, là nguy cơ nền kinh tế bị phụ thuộc và khống chế bởi ngoại bang… để đưa ra quyết định đúng đắn. Bản thân các phương pháp tính toán khoa học chỉ là công cụ của con người. Ngay thậm chí khi kết quả nghiên cứu là chính xác, diễn giải kết quả đó như thế nào cũng còn phụ thuộc vào con người. Một cái nhìn tổng quan nhờ vào đồng thuận vào thời điểm này là vô cùng cần thiết để vực lại lòng tin của người dân. Nếu thật sự chính phủ muốn tôn trọng kết quả khoa học và tin vào hiệu quả kinh tế, hãy lắng nghe trước hết ý kiến người dân, và hãy đi tìm đồng thuận. Nếu không như thế, tất cả các kết quả chỉ là một thứ ngụy khoa học, và hiệu quả kinh tế chỉ là tài sản và quyền lợi của hơn 80 triệu người Việt nam chảy vào túi của nhà đầu tư Trung Quốc, và chảy chút ít vào túi của các công ty quốc doanh và các nhà lãnh đạo, để bôi trơn cỗ máy nuôi béo ngoại bang.
Khi người ta hỏi các kỹ sư trường cầu đường Pháp vì sao họ tiếp tục đi hạch toán kinh tế các vòng xuyến giao thông (round-about) tại các tuyến đường cắt nguy hiểm ? Hạch toán như vậy có phải là đồng nghĩa với việc quy mạng người thành tiền không, vì có những lúc buộc phải xây vòng xuyến giao thông bằng mọi giá để tránh tai nạn? Các kỹ sư đã trả lời rằng một cái nhìn cục bộ chỉ cho phép thấy một khoản tiền đầu tư và một vòng xuyến giao thông - tương ứng với một con số giảm tai nạn. Còn một cái nhìn tổng quan cho phép biết được có bao nhiêu nơi cần phải xây vòng giao thông, và do đó cho phép quản lý đồng bộ trên toàn bộ lãnh thổ. Hạch toán chi phí cho một vòng xuyến giao thông do đó không phải là mặc cả giá của một mạng người, mà là để xây dựng tính logic trên toàn hệ thống. Đầu tư lãng phí tại một vòng xuyến giao thông không có nghĩa là hào phóng để giảm tai nạn tại đó, điều này vô ích. Nó chỉ có nghĩa là sẽ có nhiều tại nạn chết người tại các nút cắt nguy hiểm khác, mà lẽ ra đã có thể tránh khỏi nếu biết chi phí hợp lý trên tổng thể. Chính phủ Việt nam khi chấp thuận dự án bôxit Tây Nguyên liệu có nghĩ đến lợi ích của các thế hệ hiện tại và tương lai không ? hay chỉ quan tâm đến con tính (lỗ nặng) trên cáo bạch của Tổng công ty khai thác khoáng sản? và số tiền hoa hồng mà có thể một số lãnh đạo sẽ đút vào túi trong dự án này?
Phạm Hải Vũ,
Paris, ngày 15 tháng 4 năm 2009
1 Ingénieur – économiste de l’Ecole Nationale des Ponts et Chaussés
2 Ecole des Mines
3 Để đối phó với lạm phát mạnh và dao động lãi suất lớn như trong trường hợp Việt nam, có thể sử dụng một đồng tiền nước ngoài ổn định làm thước đo. Tuy nhiên lý tưởng nhất vẫn là sử dụng đồng nội tệ, vì nó thể hiện trung thực khả năng tiêu dùng trong nước, và nhất là nó do chính phủ kiểm soát, mà chính phủ chính là chủ thể yêu cầu hạch toán kinh tế.
4 Phương pháp thường xuyên được sử dụng để định giá các tài sản không có dạng chuẩn (non standardised goods) như bất động sản.
5 Nguyên văn : « Il faut se garder de croire que l’emploi de l’appareil mathématique conduit à la vérité absolue. Il garantit simplement – sauf erreur de calcul – que les conclusions sont la conséquence exacte des hypothèses adoptées. Mais il n’ajoute pas une parcelle de vérité aux hypothèses elles-mêmes »
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Báo
cáo của Liên hiệp các Hội Khoa
học và Kỹ thuật Việt nam với
bước đầu tìm hiểu các vấn
đề xung quanh việc triển khai các dự
án Bôxít Tây Nguyên, 16 trang, đăng
tại
http://www.viet-studies.info/kinhte/Baocao_VUSTA_x.pdf
Báo Tuổi trẻ, phiên bản Internet ngày 19 tháng 4 năm 2009 http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=310361&ChannelID=89
Báo Tuổi trẻ, phiên bản Internet ngày 23 tháng 10 năm 2008
http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=284505&ChannelID=17
Cahiers de l'évaluation Mission de l'évaluation des politiques publiques, Dossier: Calculer pour décider 1&2, Secrétariat d'Etat chargé de la Prospective, de l'Evaluation des politiques publiques et du Développement de l'Economie numérique, (2008), 36 pages.
Báo Tuần Việt Nam ngày 13 tháng 4 năm 2009
http://www.tuanvietnam.net/vn/thongtindachieu/6642/index.aspx
Foirry, J.-P. (1997): Economie Publique - Analyse économique des décisions publiques. Ed. Hachette Supérieur. 156 pages
Gilchrist A., et Allouche. N., (2005): "Quantification of social cost associated with construction projects: state-of-the-art review," Tunnelling and underground space technology, Vol.20, pp. 89-104
Maurice, J et Crozet, Y. (2007): Le calcul économique dans le processus de choix collectif des investissements de transport. Economica. 454 pages
Walliser, B. Le calcul économique public, Ed. La découverte, 1990, 124 pages
Các thao tác trên Tài liệu