Bạn đang ở: Trang chủ / Việt Nam / Cải cách giáo dục: hai vấn đề nền tảng

Cải cách giáo dục: hai vấn đề nền tảng

- Đặng Xuân Thảo — published 30/10/2011 15:19, cập nhật lần cuối 30/10/2011 15:19
Sau khi đọc bài “Cải cách toàn diện để phát triển đất nước", tôi tâm đắc với nhiều điều và nhất là với hai vấn đề nhằm cải cách hệ thống giáo dục: tuyển nhân lực phải công minh; nghề giáo viên phải được đề cao, cả về mặt tinh thần và vật chất. <Bài phản hồi Bản "Ý kiến chúng tôi" của một bạn đọc, nhan đề do Diễn Đàn đặt>

Cải cách giáo dục


Hai vấn đề nền tảng


Đặng Xuân Thảo


Sau khi đọc bài “Cải cách toàn diện để phát triển đất nước", tôi tâm đắc với nhiều điều và nhất là với hai vấn đề nhằm cải cách hệ thống giáo dục:

• tuyển nhân lực phải công minh;

• nghề giáo viên phải được đề cao, cả về mặt tinh thần và vật chất.

Dĩ nhiên có rất nhiều vấn đề và hướng giải quyết khác được đề cập đến, song đây là hai vấn đề, cá nhân tôi thấy, mang tính nền tảng. Xin phép được đóng góp vào mục “Phản hồi của bạn đọc” một vài suy nghĩ và quan sát.

Nếu tuyển nhân lực được công minh, tự nó sẽ có tác động ngược trở lại, làm giáo dục phát triển theo hướng đáp ứng nhu cầu bên ngoài. Đây chính là vấn đề mấu chốt. Nếu điều này không thực hiện được, sẽ có hai hậu quả: người giỏi không được sử dụng, người kém lại giữ vị trí quan trọng.

Bây giờ lại giả thiết rằng nhân lực được sử dụng đúng, vậy cần cải thiện giáo dục như thế nào? Đúng như bài viết đã đề xuất, cần tăng lương giáo viên (cần chấp nhận đây là một đầu tư không có lãi ngay) và nâng cao truyền thống tôn sư trọng đạo. Khi thực hiện được việc này, sẽ có sự tự điều chỉnh tích cực của ngành giáo dục. Khi giáo viên có mức lương đàng hoàng, họ sẽ tập trung vào công việc, chính họ sẽ tự sáng tạo để giảng dạy tốt nhất; đó là một nghề như mọi nghề, ai cũng có mong ước đạt kết quả tốt, nếu được nhìn nhận đánh giá đúng đắn (ít nhất là qua lương).

Việc cải cách chương trình học cũng có thể được thực hiện qua một sự tự điều chỉnh tương tự. Qua 12 năm phổ thông, rồi 4-5 năm đại học, bao nhiêu kiến thức nếu không được sử dụng cũng sẽ mai một. Những gì cốt yếu là kiến thức cơ sở và phương pháp luận. Sau đó, việc cạnh tranh lành mạnh trong môi trường công việc sẽ thúc đẩy việc học để bổ sung kiến thức một cách tự nhiên, liên tục và thực dụng.

Tại mỗi thời điểm, ta có thể định nghĩa cái đúng là cái tạo ra công lợi lớn nhất, chứ không nhất thiết theo các tiêu chuẩn trừu tượng cố định. Và công lợi thường có tính động. Nếu đất nước có hợp tác với nước ngoài nào, tự nhiên sẽ có nhu cầu học ngôn ngữ văn hóa nước đó. Nếu ngành công nghiệp thương mại nào phát triển, tự nhiên sẽ có nhu cầu học các kiến thức liên quan. Con người luôn có mong muốn hiểu biết về triết học, văn hóa, nghệ thuật, sẽ có nhu cầu học các môn đó. Dĩ nhiên, nói vậy không có nghĩa bỏ qua những điều tuy không có công lợi tức thời hiển nhiên nhưng có công lợi về lâu về dài; song xác định được đúng những điều mang công lợi lâu dài là một việc rất lớn và rất khó mà tôi không bàn đến, tuy bài viết của các tác giả có đề cập đến.

Để có sự tự điều chỉnh tích cực, ngành giáo dục cần những “feedback” phản ánh đúng những nhu cầu về học (mang tính động và đặc trưng của mỗi cộng đồng). Chính việc tuyển nhân lực công minh hiệu quả tạo ra những feedback đó. Hơn thế nữa, điều này còn thúc đẩy hình thành những nhu cầu có lợi. Và tiếp đó, khi các giáo viên có thể chuyên tâm vào công việc, những nhu cầu này sẽ được đáp ứng tốt hơn.

Chính việc tự điều chỉnh hiệu quả theo nhu cầu của cộng đồng đã đem đến những nét đặc trưng cho các nền giáo dục tiên tiến. Sự tự điều chỉnh ở đây không có nghĩa một sự phát triển vô tổ chức, nhưng là một sự điều chỉnh linh động của tiềm năng nội tại để thích nghi với những nhu cầu đích thực bên ngoài. Không hề có ý so sánh hay dở, chúng ta có thể thấy nền giáo dục của Đức sâu về lý thuyết, so với nhiều nước châu Âu; nền giáo dục của Pháp có nhiều chuẩn, đồng đều và trung tâm hóa hơn; đó cũng phần nào do nhu cầu xã hội và cá nhân ở mỗi nơi định ra. Nền giáo dục Mỹ không có nhiểu chuẩn và rất đa dạng (muốn học để ra làm việc ngay, hay muốn học để nghiên cứu sâu, đều có), cũng thể hiện tính thực dụng của người Mỹ. Tính linh động "light-weight" của nền giáo dục Mỹ được bù lại bằng việc tuyển người rất sát sao và kèm theo cơ chế cho phép thải người dễ dàng. Chúng ta có thể tham khảo cách Google tuyển nhân lực tốn kém ra sao, thật sự qua đánh giá trình độ chứ không chỉ xét bằng cấp. Ở Pháp, do nền giáo dục đồng đều và theo chuẩn hơn, người ta coi trọng bằng cấp hơn bởi việc đánh giá qua bằng cấp cũng có giá trị nhất định.

Tôi tin rằng việc tuyển nhân lực công mình hiệu quả và việc nâng cao vị trí nghề giáo viên, như các tác giả đề xuất, là những bước khởi đầu sẽ có tác động thúc đẩy công cuộc cải cách nền giáo dục Việt Nam.

Đặng Xuân Thảo

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us