Chất lượng giáo dục đại học, từ thầy tới trò
Chất
lượng giáo
dục đại học :
Bắt đầu từ
thầy và kết thúc ở trò
Nguyễn Văn Tuấn
Vấn đề chất lượng giáo dục đại học lại được mổ xẻ. Phần lớn các chuyên gia đều đồng ý rằng cần phải “Đổi mới từ gốc đến ngọn”, và Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành 10 tiêu chuẩn về chất lượng giáo dục (xác định sứ mạng, mục tiêu và tầm nhìn của trường đại học; tổ chức và quản lý; chương trình giáo dục; hoạt động đào tạo; đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên và nhân viên; người học và công tác hỗ trợ người học; nghiên cứu khoa học, ứng dụng, phát triển và chuyển giao công nghệ; hợp tác quốc tế đào tạo; cơ sở vật chất; và tài chính và quản lý tài chính). Tuy nhiên, 10 tiêu chuẩn này có xu hướng phản ảnh tiêu chí quản lí giáo dục hơn là chất lượng.
Nói đến chất lượng giáo dục là nói đến khía cạnh phẩm chất, và phẩm chất là một điều khó định nghĩa nhất, và cũng không có những “cân, đo, đong, đếm” rạch ròi như các biến định lượng khác. Thật ra, đây là một trong những đề tài nghiên cứu của giới đo lường giáo dục và thống kê học. Theo tôi, giáo dục đại học bao gồm dạy, nghiên cứu khoa học, và học, và do đó, chất lượng giáo dục phải bắt đầu từ người thầy và kết thúc ở người trò, qua hỗ trợ của cở sở vật chất kể cả thư viện và công nghệ thông tin.
Bắt đầu từ người thầy
Tôi có một kinh nghiệm cá nhân khi lần đầu tiên bước vào giảng đường đại học ở Úc khoảng 26 năm về trước, và kinh nghiệm này đã để lại trong tôi nhiều suy nghĩ về cách dạy và học ở nước ta. Vì đã quá quen với cách dạy “thầy giảng trò chép” ở nước ta, tôi bị sốc khi ông giáo sư già người Úc say sưa nói về những nghiên cứu của chính ông mà ông cho là rất thú vị, ông chẳng có nói gì liên quan đến bài giảng, toàn là chuyện ngoài lề. Thú thật, lúc đó tôi cũng không biết nghiên cứu của ông thú vị ở chỗ nào! (Tuy không nhận ra cái thú vị của nghiên cứu, nhưng khi làm bài tập, đó lại là động cơ để tôi tìm hiểu thêm và qua đó học thêm nhiều điều). Xong buổi giảng, ông ra câu hỏi chỉ vỏn vẹn 10 chữ. Trong khi các bạn đồng môn của tôi nhanh chân đến thư viện, đăng kí máy tính (thời đó máy tính còn ít), xông xáo đi tìm tài liệu đọc thêm, thì tôi lúng túng không biết phải làm gì với 10 chữ đó.
Nhưng qua bài học sốc đó, tôi mới nhận ra một khác biệt rất quan trọng giữa đại học và trung học: đó là vai trò của người thầy. Ở bậc đại học, người thầy giảng dạy môn học mà họ là một chuyên gia, chứ không dạy học sinh như một người dạy ở bậc trung học. Ở đại học, đối tượng của giảng dạy là môn học, còn ở trung học đối tượng là học sinh. Chính vì thế mà ở bậc đại học, kĩ năng học (hay nói đúng hơn là tự học và đọc sách, báo) quan trọng hơn là nhồi nhét một mớ kiến thức căn bản.
Để truyền đạt kiến thức chuyên môn một cách hữu hiệu, người giảng ngoài những kĩ năng sư phạm, còn phải có kiến thức sâu và rộng về chuyên ngành để có thể khai triển những lí thuyết và ý tưởng từ nội dung của giáo trình. Giáo trình giảng dạy (ngày nay rất nhiều trên internet), cũng như sách giáo khoa, chỉ cung cấp những kiến thức mang tính chuẩn mực, và ít khi nào cập nhật hóa với những nghiên cứu khoa học mới nhất. Trong y khoa, sách giáo khoa rất ít ai đọc và cũng ít ai dùng làm tài liệu giảng dạy; chỉ có các bài báo khoa học mới là tài liệu giảng dạy. Do đó, phần lớn những kiến thức để khai triển giáo trình giảng dạy chỉ có thể tiếp cận được qua nghiên cứu khoa học. Theo đó, một trong những biện pháp để nâng cao chất lượng giảng dạy, chúng ta phải bắt đầu từ người thầy, và người thầy phải là một nhà nghiên cứu khoa học chứ không đơn thuần là một người giảng bài.
Người thầy nên có kinh nghiệm làm nghiên cứu khoa học, vì nếu không thì người thầy chỉ là người thầy chỉ là “thợ giảng”. Nhưng cái “hộ chiếu” để làm nghiên cứu khoa học là một học vị tiến sĩ. Thành ra, không ngạc nhiên khi thấy các trường đại học Tây phương xem văn bằng tiến sĩ như là một tiêu chuẩn tối thiểu để được bổ nhiệm làm giảng viên hay giáo sư đại học. Cố nhiên, không phải người có bằng tiến sĩ nào cũng là những giảng viên tốt, vì trong thực tế có không ít giảng viên dù học vị cao nhất là thạc sĩ nhưng lại rất giỏi trong giảng dạy.
đến người trò
Bởi vì “sản phẩm” của đào tạo là con người với kiến thức chuyên môn cao, cho nên nói đến chất lượng giáo dục đại học là nói đến chất lượng sinh viên tốt nghiệp. Nhưng vấn đề này lại rất ít được đề cập đến trong các hội thảo về chất lượng giáo dục. Vậy thì khi nói đến chất lượng sinh viên tốt nghiệp là nói đến cái gì? Nói tóm gọn, chất lượng ở đây bao gồm hai khía cạnh: tầm và tâm. Ở các nước phương Tây, người ta khai triển hai khía cạnh tầm và tâm thành 4 tiêu chí: kiến thức chuyên môn, kiến thức tổng quát, kĩ năng đặt và giải quyết vấn đề, và nhân cách.
Kiến thức chuyên môn tùy thuộc vào chuyên ngành mà sinh viên theo học. Chẳng hạn như sinh viên tốt nghiệp ngành y khoa phải có kiến thức về các lĩnh vực như cơ thể học, bệnh lí học, dịch tễ học, sinh hóa, v.v… Cố nhiên, các kiến thức này đã qua thẩm định bằng những kì thi nghiêm chỉnh; chỉ khi nào sinh viên đỗ tất cả các bộ môn theo học thì mới được tốt nghiệp.
Kiến thức tổng quát bao gồm kiến thức về xã hội (kể cả văn học, triết học, văn hóa, và lịch sử), nhận thức về các vấn đề ở tầm quốc gia và thế giới, thông thạo kĩ thuật vi tính, tiếng Anh, trách nhiệm cộng đồng, v.v… Người tốt nghiệp đại học chẳng những phải có kiến thức tổng quát, mà còn phải có khả năng phân tích và thẩm định thông tin một cách khoa học và logic.
Kĩ năng đặt và giải quyết vấn đề bao gồm khả năng phát hiện (problem finding) và "giải quyết vấn đề" (problem solving). Có thể nói rằng xã hội Tây phương là xã hội hướng về vấn đề, và họ huấn luyện cho học sinh cũng như sinh viên đến nỗi nhìn đâu cũng thấy vấn đề! Từ phát hiện vấn đề và cộng với kiến thức tiếp cận, người sinh viên có sự tự tin và sáng tạo, không nhất thiết phải đi theo những lối suy nghĩ cũ hay theo đường mòn của người trước, không làm theo sách vở một cách máy móc.
Tiêu chí nhân cách rất quan trọng, vì chúng ta không chỉ đào tạo ra những chuyên gia thiếu nhân cách. Tiêu chí này không lạ gì với Việt Nam, vì cụ Nguyễn Du từng viết “chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Nhân cách bao gồm đạo đức xã hội, đạo đức nghề nghiệp, trung thực, có tinh thần trách nhiệm cao với xã hội, tôn trọng sự khác biệt, và kĩ năng làm việc trong một nhóm.
và cơ sở vật chất
Nhưng cho dù có một đội ngũ giảng viên với học vị tiến sĩ, mà không có hỗ trợ của thư viện hay cơ sở vật chất thì cũng không thể nào nâng cao chất lượng đào tạo được. Đã có rất nhiều thảo luận về chất lượng giáo dục đại học, nhưng phần lớn chỉ xoay quanh vấn đề nội dung đào tạo và người thầy. Tôi cho rằng một lĩnh vực khác có tầm quan trọng tương đương, thậm chí cao hơn, chất lượng đội ngũ giảng dạy: đó là thư viện.
Có thể nói không ngoa rằng thư viện là bộ mặt trường của đại học. Nhìn qua thư viện và các dịch vụ liên quan như internet, người ta có thể có vài ý niệm về chất lượng của một đại học. Một thư viện đại học thường phải có ít nhất một triệu sách, và hàng ngàn tập san khoa học theo định kì. Ở Úc, một trường đại học trung bình hàng năm dành khoảng 5-10 triệu USD để mua sách mới và các tập san khoa học.
Đối chiếu với tình hình thực tế
Người thầy: Ở nước ta số lượng giảng viên có học vị tiến sĩ còn quá thấp. Trong số 52.129 giảng viên đại học và cao đẳng, chỉ có 10% có học vị tiến sĩ. Ngay cả trong số giảng viên có học vị tiến sĩ, chỉ có một phần nhỏ (20%) có kinh nghiệm làm nghiên cứu khoa học. Cần nói thêm rằng tỉ lệ tiến sĩ trong đội ngũ giảng viên ở các trường đại học trung bình ở Tây phương là khoảng 70%. Do đó, không ngạc nhiên khi thấy một đánh giá mới đây cho biết chỉ có 1 phần 5 số giáo sư và phó giáo sư nước ta xứng đáng với chức danh này.
Sinh viên tốt nghiệp: Đối chiếu với 4 tiêu chí chất lượng của sinh viên tốt nghiệp, chúng ta thấy chất lượng đào tạo của các đại học nước ta còn quá hạn chế. Theo thống kê năm 2000 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hàng năm có khoảng 25.000 sinh viên tốt nghiệp đại học và cao đẳng. Trong số này, chỉ có 50% sinh viên tốt nghiệp kiếm được việc làm sau khi tốt nghiệp; và trong số tìm được việc, chỉ có 30% tìm được việc đúng ngành nghề. Nhưng 7 năm sau tình hình vẫn không thay đổi: một nghiên cứu mới đây do Đại học Sư phạm TP HCM thực hiện cho thấy có đến 50% sinh viên tốt nghiệp không đáp ứng các yêu cầu chuyên môn và phải đào tạo lại.
Theo một nghiên cứu về kĩ năng tiếng Việt trong các sinh viên khoa ngữ văn năm 1997-1998 tại Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, trong số 752 sinh viên từ năm thứ nhất đến năm thứ tư (những cử nhân văn chương tương lai), chỉ có 45% đạt yêu cầu về chính tả và 26% đạt yêu cầu về cú pháp! Trong một cuộc hội thảo với chủ đề "Toán, lý, hóa trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước" vào ngày 28/4/2000, một đại biểu của Hội Toán học Việt Nam đánh giá trình độ sinh viên tốt nghiệp trong nước như sau: "Có thể nói không quá đáng rằng, trình độ đại học hiện nay chỉ bằng đại học đại cương (hai năm đầu của đại học nước ngoài), cao học bằng đại học, và phó tiến sĩ chỉ bằng cao học". Tôi nghĩ rằng đánh giá này có phần quá bi quan, và không hoàn toàn đúng với thực tế, nhưng nó cũng nói lên phần nào thực trạng rất đáng lo ngại cho tình trạnh chất lượng đào tạo đại học ở trong nước.
Cở sở vật chất: Ở nước ta, tất cả các thư viện đại học lớn cấp quốc gia (chưa nói đến đại học nhỏ) mà tôi biết qua đều rất nghèo nàn. Sách giáo khoa chẳng có bao nhiêu, và đại đa số đều quá cũ; sách tham khảo cực kì hiếm và rời rạc; còn tập san khoa học thì gần như con số không. Sự nghèo nàn của thư viện đại học nước ta đến nỗi nếu người mới ghé thăm có thể nhầm đó là một thư viện trường trung học! Đã thế mà việc mượn sách cũng rất khó khăn, với bao thủ tục nhiêu khê, làm nãn lòng sinh viên.
Hệ thống máy tính và internet của các trường đại học Việt Nam chỉ có thể mô tả bằng ba chữ: quá nghèo nàn. Chưa có trường đại học nào có máy mainframe. Chưa có trường đại học nào có hệ thống thư viện điện tử. Các phần mềm cho nghiên cứu khoa học và giảng dạy cũng chưa được đầu tư đúng mức, và hệ quả là các nhà nghiên cứu sử dụng phần mềm không hợp pháp. Chưa có trường đại học nào sử dụng công nghệ thông tin một cách hữu hiệu. Ngày nay, trong khi phần lớn các trường đại học phương Tây sử dụng internet như là một phương tiện học tập, thì ở nước ta công nghệ này chủ yếu chỉ tập trung vào những website màu mè, nhưng lại thiếu thông tin. Ngay cả giáo sư cũng không sử dụng địa chỉ email của trường!
Do đó, tôi đồng ý với quan điểm rằng chất lượng giáo dục đại học cần phải Đổi mới từ gốc đến ngọn, “gốc” ở đây là nâng cao trình độ khoa học của đội ngũ giảng viên, cụ thể là gia tăng tỉ lệ giảng viên với học vị tiến sĩ lên cỡ tương đồng với các nước trong vùng, và "ngọn" là đầu ra, là sinh viên tốt nghiệp. Nhưng muốn có đầu ra tốt thì chúng ta phải quan tâm đầu tư nhiều hơn nữa cho cơ sở hạ tầng, nhất là thư viện và công nghệ thông tin. Tất cả những bàn thảo về chất lượng giáo dục đại học mà không nói đến đầu tư cho thư viện, công nghệ thông tin và cơ sở hạ tầng đều vô nghĩa.
Nguyễn Văn Tuấn
Các thao tác trên Tài liệu