Bạn đang ở: Trang chủ / Việt Nam / Chính phủ "khoá 13 rớt"

Chính phủ "khoá 13 rớt"

- H.V. — published 09/04/2016 23:30, cập nhật lần cuối 10/04/2016 09:44

Chính phủ "khoá 13 rớt"


Hoà Vân

 

Gọi là Chính phủ (CP) "khoá 13 rớt" (1) cho đúng chính danh, vì theo điều 97 Hiến pháp mới được thông qua năm 2013 thì "Nhiệm kỳ của Chính phủ theo nhiệm kỳ của Quốc hội. Khi Quốc hội hết nhiệm kỳ, Chính phủ tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi Quốc hội khóa mới thành lập Chính phủ.". Điều này chép lại y nguyên điều 113 của Hiến pháp 1992, là Hiến pháp có hiệu lực khi Quốc hội khoá 13 được bầu ra, và sẽ hết nhiệm kỳ vào tháng 5 tới. Vì thế, nó có giá trị đối với Chính phủ của khoá 13, do Quốc hội "bầu" ra ở kỳ họp đầu tiên của khoá này (cuối tháng 7 năm 2011) : CP ấy chưa hết nhiệm kỳ. Nhưng ĐCS đã truất phế hầu hết bậu sậu của cái chính phủ ấy, kể từ người đứng đầu là thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, để cử ra một chính phủ mới. Thật ra, việc truất phế này (thuật ngữ chính thức là "miễn nhiệm") là "hợp hiến" chứ không phải không hợp hiến như có người nói. Ít ra, đứng về mặt câu chữ. Vì sự bãi nhiệm đã được tiên liệu trong Hiến pháp (xem các điều 70.7, 74.6, 88.2) và trình tự của các việc bãi nhiệm người cũ, "bầu bán" người mới trong các chức danh Chủ tịch Quốc hội, chủ tịch Nước, Thủ tướng v.v. đã được tổ chức đại thể là phù hợp với các điều ấy. 

Đó là nói chuyện câu chữ, giống như ở các Hiến Pháp trên thế giới, đều có cả. Cái khác là những chức vụ đứng đầu bộ máy chính trị của một nước nói chung người ta đều có sự kính trọng nhất định của xã hội (do được dân bầu trực tiếp hoặc được một người được bầu trực tiếp chỉ định) nên sự bãi nhiệm chỉ xảy ra khi có sự cố nghiêm trọng, hoặc đương sự từ chức vì sức khoẻ, hoặc vi phạm gì ghê gớm lắm. Và đó là những biến cố chính trị lớn mà cả nước người ta bàn bạc rất kỹ, các đảng phái, quốc hội tranh cãi nhau rất dữ trước khi cử được người mới - đây là nói trường hợp hiến pháp nước nào cho QH cái quyền đó, như ở Anh đối với Thủ tướng, còn ở những nước khác thì phải giải tán QH để bầu lại v.v. Ở ta, các chức vụ này thiếu hẳn sự kính trọng đó - tinh thần của Hiến pháp nói lên vai trò cán bộ (chứ không phải chính khách) của những người được chỉ định vào các chức vụ đó - thì việc người ta có bãi nhiễm họ, "bầu" lại hàng loạt những nhân sự mới cho phần rớt của nhiệm kỳ (còn hai tháng nữa), cũng như việc thay ngựa giữa dòng, có chết ai đâu.  

Vở kịch nhàm chán của các lễ nghi thay ngựa ấy, kể cả thề thốt nghiêm chỉnh và bài bản lắm, đã được tiến hành từ ngày 30.3 đến 9.4 : miễn nhiệm Chủ tịch (CT) Quốc hội (ông Nguyễn Sinh Hùng), "bầu" CT mới, miễn nhiệm CT nước (ông Trương Tấn Sang), "bầu" CT mới, miễn nhiệm Thủ tướng (ông Nguyễn Tấn Dũng) và bầu Thủ tướng mới v.v., báo chí trong nước đã tốn nhiều giấy mực (báo in), chiếm nhiều chỗ trên internet (báo mạng) để đưa mấy "tin" cả thế giới đã biết trước rồi nên, bạn đọc thông cảm, chúng tôi đợi tới nay mới có vài dòng tổng hợp này, mục đích chính là để ghi lại danh sách CP mới trên diendan.org, làm tư liệu khi cần tra cứu. 

Vậy thì, dưới đây là danh sách những nhà lãnh đạo của khoá 13 rớt này, dầu sao cũng kèm theo lời chúc họ làm tròn nhiệm vụ cho tới khi được "bầu" lại sau cuộc bầu cử Quốc hội tháng 5 tới. Tất cả những nhân vật trong danh sách này, trừ một ở hàng cuối, đều là uỷ viên trung ương của ĐCS sau đại hội XII hồi đầu năm, chúng tôi chỉ ghi chức vụ đảng của những người là uỷ viên Bộ Chính trị (UV BCT)


Chủ tịch Quốc hội: bà Nguyễn Thị Kim Ngân, UV BCT. Phó chủ tịch: hai trên bốn PCT cũ là bà Tòng Thị Phóng (UV BCT) và ông Uông Chu Lưu tiếp tục được giữ lại, trong khi hai người mới được bầu vào là ông Đỗ Bá Tỵ, Đại tướng Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng (thay ông Huỳnh Ngọc Sơn, nghỉ hưu) và ông Phùng Quốc Hiển, nguyên chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách (thay bà Nguyễn Thị Kim Ngân, lên CT)

Chủ tịch Nước: ông Trần Đại Quang, UV BCT, đại tướng công an, nguyên bộ trưởng bộ CA. Phó chủ tịch: bà Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó chánh văn phòng Trung ương Đảng, nguyên bí thư tỉnh uỷ Vĩnh Long.

Chánh án Toà án Nhân dân tối cao: ông Nguyễn Hoà Bình, UV BCT, nguyên Viện trưởng viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Viện trưởng viện kiểm sát nhân dân tối cao : ông Lê Minh Trí, Phó trưởng ban Nội chính Trung ương.

Thủ tướng : ông Nguyễn Xuân Phúc (UV BCT, nguyên phó thủ tướng)

Phó Thủ tướng: các ông Trương Hoà Bình (UV BCT, nguyên Chánh án TANDTC), Vương Đình Huệ (UV BCT, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương), Trịnh Đình Dũng (vừa được miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Xây dựng), và hai phó thủ tướng khoá 13 cũ là các ông Phạm Bình Minh, UV BCT, kiêm bộ trưởng ngoại giao và Vũ Đức Đam.

Các bộ trưởng mới vào, thay bộ trưởng cũ bị thất sủng ở Đại hội 12 vừa rồi, gồm 18 người, 2 là UVBCT và 16 UVTW. Trong danh sách dưới đây, những người có dấu (*) là từ thứ trưởng lên bộ trưởng cùng bộ, những người khác có ghi chức vụ trước khi được bổ nhiệm vào CP - cũng có nghĩa là những chức vụ đó, như chức Giám đốc Đại học QG Hà Nội, sẽ phải có người mới, nhưng đây là chuyện khác...


- Bộ Quốc phòng.: Ngô Xuân Lịch, UV BCT, đại tướng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. 

- Bộ Công an : Tô Lâm, UV BCT (*), thượng tướng Công an.

- Bộ Nội vụ: Lê Vĩnh Tân (*).

- Bộ Tư pháp:  Lê Thành Long (*).

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Nguyễn Chí Dũng (*).

- Bộ Công Thương: Trần Tuấn Anh (*).

- Bộ Giao thông Vận tải : Trương Quang Nghĩa, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương.

- Bộ Xây dựng: Phạm Hồng Hà (*).

- Bộ Tài nguyên và Môi trường : Trần Hồng Hà (*).

- Bộ Thông tin và Truyền thông : Trương Minh Tuấn (*).

- Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội : Đào Ngọc Dung, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, giữ chức Bộ trưởng .

- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch : Nguyễn Ngọc Thiện (*).

- Bộ Khoa học và Công nghệ : Chu Ngọc Anh (*).

- Bộ Giáo dục và Đào tạo : Phùng Xuân Nhạ, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội.

- Ủy ban Dân tộc : Đỗ Văn Chiến (*).

- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam : Lê Minh Hưng, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng.

- Tổng Thanh tra Chính phủ : Phan Văn Sáu, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương.

- Văn phòng Chính phủ : Mai Tiến Dũng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Nam.

Các bộ trưởng khoá 13 cũ (thời ông Ba Dũng):

- Bộ Tài chính : Đinh Tiến Dũng.

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn : Cao Đức Phát. 

- Bộ Y tế : (bà) Nguyễn Thị Kim Tiến.

Bà Nguyễn Thị Kim Tiến là nữ bộ trưởng duy nhất, và cũng là người duy nhất không có trong BCH TƯ (bà không trúng cử ở ĐH XII).

Có thể đọc tiểu sử ("quá trình công tác" thì đúng hơn) của bà Chủ tịch Quốc hội ở đây, ông Chủ tịch Nước ở đây, tân thủ tướng ở đây (chúng tôi cũng đã giới thiệu trong mục Thấy trên mạng, một đường dẫn tới bài phát biểu đầu tiên của ông với tư cách thủ tướng, ở đây), và các thành viên chính phủ khác ở đây. Còn ở đây có mấy thông tin "thống kê" như độ tuổi trung bình, bằng cấp (CP ta nhiều "Tiến sĩ" nhất thế giới đấy, nhưng cái đó thì các bạn biết từ lâu rồi)...

Có lẽ, điều đáng chú nhất là ở tiểu sử ông tân Chủ tịch nước. Khác với các nhà lãnh đạo khác, thường được bố trí luân chuyển công tác (từ trung ương - quản lý ngành dọc - xuống địa phương - quản lý chung, rồi trở lại trung ương, thay đổi nhiệm vụ...), có thể nhận thấy là ông Trần Đại Quang chưa từng bước chân ra khỏi bộ công an. Người đứng đầu ngành Tư pháp, ông Chánh án Toà án nhân dân tối cao và một phó thủ tướng (ông Trương Hoà Bình, UV BCT), ngành Hành pháp, cũng là những tướng lĩnh công an "chuyển ngành". Có cần thêm minh chứng cho ai còn nghi ngờ rằng nước CHXHCNVN đã chính thức trở thành Nhà nước công an trị ? 

Chú thích: (1) "rớt" : như trong "bão rớt", cái còn sót lại của một sự việc sắp qua đi.

H.V.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us