Bạn đang ở: Trang chủ / Việt Nam / Chúng ta giống nhau hơn là chúng ta tưởng

Chúng ta giống nhau hơn là chúng ta tưởng

- Nguyễn Thị Từ Huy — published 09/02/2013 17:30, cập nhật lần cuối 09/02/2013 18:06
Dù có tạo ra khác biệt cỡ nào về quyền lực và vật chất, khi tước đoạt tự do của toàn xã hội thì thiểu số quyền lực và giàu có cũng không có tự do đích thực, tất cả đều cùng bị đẩy vào trạng huống của những kẻ nô lệ.

Chúng ta giống nhau hơn là chúng ta tưởng


Để kết thúc một năm cũ


Nguyễn Thị Từ Huy


Việc những người nông dân mới đây ký tên vào Lời kêu gọi do những trí thức khởi xướng và việc những cựu sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa ký tên vào văn bản do những người cộng sản soạn thảo đã làm tôi nghĩ đến điều này : chúng ta giống nhau hơn là chúng ta tưởng.

Không ai phủ nhận được sự khác biệt giữa các cá nhân, sự khác biệt giữa các vùng miền, giữa các tầng lớp có nghề nghiệp khác nhau, có mức độ tài sản khác nhau… Nhưng liệu có thể phân biệt một cách hết sức rạch ròi giữa người miền Nam và người miền Bắc, giữa công nhân, nông dân và trí thức, giữa người trong nước và người sống ở hải ngoại ? Có thể nào vạch ra một ranh giới rõ rệt giữa những con người, có thể nào phân chia con người thành những chiến tuyến bất di bất dịch ? Có lẽ chúng ta giống nhau hơn là chúng ta tưởng. Thế nên những người chống cộng sẽ có một ngày ngỡ ngàng chứng kiến một nghệ sĩ cộng sản (mà nếu có sang biểu diễn ở Cali rất có thể sẽ bị họ tẩy chay) từ chối nhận bằng khen của người đứng đầu chính phủ mà bà cho là « làm nghèo đất nước, làm khổ nhân dân ». Nhưng Kim Chi nói là bà không chống cộng, bà chỉ chống cái xấu, cái ác, sự hủy diệt. Có lẽ những người chống cộng cũng đã không chống cộng nếu sau khi chiến tranh kết thúc họ được sống trong tình nhân ái, họ được đối xử bình đẳng, được nhìn nhận như là nạn nhân của một hoàn cảnh cụ thể chứ không phải như kẻ thù không đội trời chung, nếu họ có một cuộc sống bình an, có một cuộc sống của con người.

Chúng ta cùng có những nỗi niềm, dù có thể khác nhau nhưng đều là những nỗi niềm.

Các nhà văn miền Nam phải vào trại cải tạo dĩ nhiên bị tổn thương. Còn các nhà văn miền Bắc phải bị giam cầm như nhóm Nhân Văn, Hoàng Hưng, Hoàng Cầm, Dương Thu Hương, Bùi Ngọc Tấn… có bị tổn thương không ? Chúng ta đều tổn thương, với các mức độ khác nhau nhưng đều tổn thương. Sao vẫn không hết nhu cầu tiếp tục làm tổn thương nhau ? Tuổi thơ tôi từng trải qua những đêm dài bên bếp lửa mùa đông, ba tôi đọc cho chúng tôi nghe những câu thơ về miền Nam, và ông khóc. Giảng viên và sinh viên miền Bắc tìm đọc các tác giả Trần Thái Đỉnh, Lê Tôn Nghiêm, Hoàng Ngọc Biên, Nguyễn Mộng Giác, Nguyên Sa, Thanh Tâm Tuyền…với tất cả sự yêu mến chân thành của họ. Nhiều sinh viên miền Bắc ngày nay hứng thú làm các bài tập nghiên cứu về các nhà văn nhà thơ đô thị miền Nam trước 75, những nhà văn nhà thơ mà sinh viên ở không ít trường đại học miền Nam cho đến thời điểm này vẫn không được tiếp cận trong phạm vi trường đại học. Vậy sao không tin là người miền Bắc thật lòng với miền Nam ? Sao có thể gộp tất cả những người sống ở miền Bắc vào cái danh từ « người miền Bắc » đầy định kiến?

Hỏi thì hỏi vậy, nhưng tôi và nhiều người khác đều hiểu cái quá khứ đau thương mà người miền Nam phải trải qua sau khi chiến tranh chấm dứt.

Điều quan trọng là một bộ phận nhỏ trong xã hội, ở cả hai miền, bộ phận lãnh đạo có khả năng và trách nhiệm thực hiện quá trình hóa giải cho nỗi đau của những người dân của hai miền, cái bộ phận ấy cho đến giờ vẫn chưa có những động thái cần thiết cho sự hòa giải.

Tại sao những người lãnh đạo lại phải nhìn đồng bào của mình như những kẻ thù truyền kiếp ? Tại sao không thể nhìn nhận họ như là nạn nhân của thời cuộc, không hiểu rằng họ đã chẳng có lựa chọn nào khác ? (Mà suy cho cùng, có sai không khi nói rằng tất cả, bên này hay bên kia, đều là nạn nhân của thời cuộc ? ) Tại sao không thể đối xử với họ như là đồng bào, và như là con người ? Tại sao không thể làm như Nelson Madela ?

Tại sao giờ đây vẫn cứ phải tiếp tục nhìn đồng bào mình như những kẻ thù, tại sao vẫn phải luôn tìm kiếm kẻ thù, tại sao cứ phải biến mọi người thành kẻ thù, kể cả khi chiến tranh đã kết thúc?

Ngày nay khắp nơi đều xảy ra cảnh bất công. Nông dân trong Nam bị cướp đất, còn nông dân ngoài Bắc thì không ư ? Còn ai là không biết tới các vụ Tiên Lãng, Văn Giang, Nam Định ? Công dân trong Nam « thắt cổ tự tử » chết trong đồn công an, còn công dân ngoài Bắc bị công an đánh chết công khai. Giờ đây còn ai không biết tới bi kịch của gia đình chị Thanh Tuyền và chị Kim Tiến ? Và càng ngày càng nhiều người phải vào tù vì các hoạt động đấu tranh cho quyền con người, cả ở miền Nam cũng như miền Bắc.

Bắc hay Nam có khác gì nhau ?

Những người như tôi là người ở đâu ? Sinh ra lớn lên ở miền Trung, từng làm việc ở miền Bắc và giờ đây sống ở miền Nam, tôi chẳng là người của miền nào, hay là người của cả ba miền ? Điều mà tôi biết rõ : tôi là người Việt Nam.

Liệu chúng ta có thể không chỉ nhìn mình như là người của một vùng nào đó, không chỉ nhìn mình như là người của một giới nào đó, để có thể vừa nhìn thấy mình vừa nhìn thấy cả người khác, để thấy rằng chúng ta giống nhau hơn là chúng ta tưởng ? Nếu một người như André Menras Hồ Cương Quyết có thể kiêu hãnh giơ tấm chứng minh thư lên để tự xác nhận mình là người Việt Nam thì chúng ta có nên cứ giữ mãi cái ranh giới bắc nam như một vết thương không bao giờ khép miệng ?

Chúng ta có nhiều thứ chung hơn là chúng ta tưởng, cho dù chúng ta ở bên nào : bên bị đạp vào mặt hay bên đạp lên mặt người khác, bên phải vào tù vì can đảm dám nói lên sự thật hay bên phải bịa ra những bản án kết tội những người vô tội. Dù chúng ta là những dư luận viên hay là những người cầm bút để phản biện thì hàng ngày có thể chúng ta vẫn đi trên cùng những con đường dưới cùng những hàng cây, thở cùng một loại không khí, uống cùng một nguồn nước, ăn cùng những thực phẩm như nhau. Con cái chúng ta có thể chơi đùa trong cùng một công viên, có thể đến cùng một trường học, có thể sẽ được dạy dỗ bởi những người thầy cất tiếng nói phản biện vì mong muốn một tương lai tốt đẹp cho học sinh sinh viên của họ. Một vài người thầy trong số đó, như Đinh Đăng Định, đã chấp nhận chịu bất công, chịu bị trừng phạt với hy vọng rằng con cái của chúng ta, con cái của chính các dư luận viên có một xã hội công bằng hơn, nhân văn hơn, có những trường học tiến bộ hơn, chất lượng hơn và không phải đi nước khác để tị nạn giáo dục.

Chúng ta đón cùng một cái tết, ăn cùng một loại bánh chưng. Chúng ta có cùng một quá khứ, có cùng một nguồn cội, có cùng những nỗi đau. Dù chúng ta là kẻ gây ra nỗi đau hay là kẻ chịu đựng nỗi đau thì đó cũng là nỗi đau chung của chúng ta. Và ngày nay chúng ta cùng đối diện với những vấn nạn chung của xã hội, với cái nguy cơ chung là an ninh quốc gia bị đe dọa.

Dù có tạo ra khác biệt cỡ nào về quyền lực và vật chất, khi tước đoạt tự do của toàn xã hội thì thiểu số quyền lực và giàu có cũng không có tự do đích thực, tất cả đều cùng bị đẩy vào trạng huống của những kẻ nô lệ.

Dù chúng ta có đứng về phía nào, phe nào, phái nào, dù chúng ta có mạt sát nhau, gây tổn thương cho nhau, trừng phạt nhau đến mức nào, thì khi mất nước chúng ta sẽ cùng là những kẻ nô lệ.

Chúng ta giống nhau hơn là chúng ta tưởng.

Sài Gòn, ngày 15/1/2013

Nguyễn Thị Từ Huy

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
Odéon Théâtre de l'Europe - En janvier à l'Odéon 09/01/2025 - 07/02/2025 — Berthier 17e, Odéon 6e
Black Movie - Festival international de films indépendants Genève 17/01/2025 - 26/01/2025 — Maison des arts du Grütli | 16, rue du Général-Dufour | 1204 Genève
LES LARMES D'ASTYANAX - Olivier Dhénin Hữu 31/01/2025 - 02/02/2025 — Théâtre du lycée Jacques Decour | 12 Avenue Trudaine | 75009 Paris
Festival cinéma - Si loin si proche 2025 06/02/2025 - 09/02/2025 — La Ferme du Buisson, allée de la ferme, 77186 Noisiel - (RER A - Noisiel)
France-Vietnam : un portail entre les cultures - La mémoire vietnamienne en filigrane. Étude de Paris, qu’as-tu fait de nous ? de Pham Van Ky 06/02/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
Inalco : L'économie vietnamienne en 2024 et ses perspectives 06/02/2025 18:00 - 20:00 — 65 Rue des Grands Moulins, 75013 Paris | Amphi 2
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Le développement d’une culture de contestation anti-coloniale publique à Saigon par le moyen d’une presse autonome (1900-1930) 13/03/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - La génération des néologismes sino-vietnamiens dans la circulation culturelle de la sphère sino-graphique sous l’influence de l’Occident au tournant du XXe siècle 03/04/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Sujets et séjournants. Une nouvelle histoire des indochinois en France 15/05/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Transferts du modèle français à la description de la grammaire vietnamienne 05/06/2025 16:30 - 18:00 — BnF site François-Mitterrand | Salle 70 ou via ZOOM
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us