Chúng tôi đi gặp Bộ Ngoại giao
Chúng tôi đi gặp Bộ Ngoại giao
Nguyễn Huệ Chi
Sau khi bản Kiến nghị yêu cầu
Bộ Ngoại giao cung cấp thông tin liên quan đến quan hệ
với Trung Quốc đề ngày 2-7-2011 do 18 người ký tên được
LS Trần Vũ Hải trực tiếp đưa đến Bộ Ngoại giao ngày
4-7-2011 và nhận được chữ ký của người tiếp nhận
là ông Nguyễn Văn Vượng, Phó phòng tiếp nhận công văn
hành chính của Bộ, hết thảy những người đã ký vào
Kiến nghị đều trong tâm trạng chờ đợi, hy vọng một
sự đáp ứng chân thành, nghiêm túc của Bộ Ngoại giao
Việt Nam.
Tối ngày 12-7-2011 tôi đang làm
việc thì nhận được một cú điện thoại từ Bộ Ngoại
giao gọi đến, xưng danh đầu dây bên kia là một phụ nữ
tên Loan trao đổi với tôi. Chị Loan cho biết Bộ có lời
mời tôi, một trong những người ký tên vào Kiến nghị
đúng 9 giờ sáng mai, 13-7-2011 đến Bộ để được nghe
giải đáp về những gì bản Kiến nghị đề xuất. Tôi
hỏi lại : “ Tại sao Bộ không gửi giấy
mời đến từng
người mà dùng hình thức gọi điện ? ” Trả lời : “ Thời
gian eo hẹp không gửi giấy kịp khắp tất cả, cho nên
đành phải gọi điện cho nhanh ”. Hỏi tiếp : “ Người
tiếp chúng tôi trong cuôc họp sẽ là ai ? ”. Trả lời :
“ Theo cháu biết thì có một lãnh đạo
Bộ ra tiếp và
trả lời các bác ”. “ Cũng được ” – tôi nghĩ vậy
và cám ơn người gọi rồi ngưng máy. Xong cuộc gọi điện
ấy khoảng 15 phút tôi lại nhận được cú điện thứ
hai của một thành viên trong số người ký tên là LS Trần
Vũ Hải. Anh báo tin : anh em muốn rằng sáng mai, chúng ta có
mặt tại 36 Điện biên Phủ lúc 7 giờ 30 sáng để trao
đổi xem ta nên đề nghị vị lãnh đạo Bộ cho ta biết
những gì, cốt hướng người giải đáp vào mục tiêu
cần hỏi của chúng ta, làm cho cuộc gặp thêm phần hiệu
quả. Lời anh Hải quả hợp ý tôi. Tôi bèn lướt vội
các trang mạng Trung Quốc để tìm thêm một số tin mà
các trang mạng chính thống Trung Quốc đã đưa về cuộc
họp giữa ông Hồ Xuân Sơn với các đồng nhiệm Trung
Quốc trong ngày 25-6-2011. Hóa ra tìm được nhiều vô số,
trang nào cũng nói những ý tương tự như văn bản tiếng
Anh cúa Tân Hoa xã mà Kiến nghị đã lược trích. Rõ ràng
là bên họ có sự “ chúng khẩu đồng từ ”, còn bên ta
thì lời lẽ xem ra ... tránh né và lúng túng. Tìm xong, tôi
in sẵn một loạt đề mục chính làm bằng cứ rồi mới
yên tâm lên giường nằm ngủ, bấy giờ đã 1 giờ sáng.
Đúng 6 giờ, còn chưa tỉnh giấc thì đã có một cú điện dựng dậy : điện thoại của nhà cách mạng lão thành Nguyễn Trọng Vĩnh. Cụ cho biết tối hôm qua cụ cũng nhận được điện từ Bộ Ngoại giao. Bộ còn có nhã ý đưa xe đến đón cụ, ưu tiên người cựu lãnh đạo cao niên của bộ. Cũng vì thế, cụ đổi ý là sẽ lên xe đi thẳng đến Bộ luôn cho tiện, còn anh em chờ nhau tại Café Trung Nguyên thì cứ có mặt ở đấy, đến giờ tất cả cùng vào. Nghe điện cụ xong, không ngủ nán được nữa, tôi trở dậy chuẩn bị làm vệ sinh cá nhân và uống tạm một cốc sữa đậu nành rồi lên đường lúc 7 giờ.
Đến 36 Điện Biên Phủ rất mừng là anh chị em có mặt đã khá đông. Gặp lại các anh Phạm Duy Hiển, Nguyễn Quang A, Phạm Xuân Nguyên, Trần Nhương, Nguyễn Xuân Diện, Nguyễn quang Thạch, và em Nguyễn Văn Phương, người đọc bản tuyên cáo tại Nhà Hát Lớn trong ngày biểu tình hôm 3-7-2011... Ai nấy đều rất vui. Cảm động nhất là sự hiện diện của GS Hoàng Tụy, người đang có những nỗi buồn riêng trong gia đình thế mà vẫn đến rất đúng giờ.
Từ trái sang : Nguyễn Huệ Chi, Phạm Xuân Nguyên, Nguyễn Quang A, Trần Nhương, Nguyễn Văn Phương, người đứng là Trần Vũ Hải
Chuyện trò một lúc chúng tôi xoay vào yêu cầu chính mà bản Kiến nghị đã đề xuất : Rất cần bộ Ngoại giao cho biết nội dung bản thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao Việt Nam và Trung Quốc gồm những điểm gì ; ngoại trừ những vấn đề thuộc phạm vi bí mật Nhà nước ra còn thì cần được bạch hóa tất cả mọi điều khoản đã ký kết, và càng cần được bạch hoá bản ký kết cuối cùng, ít nhất cũng là trích yếu các điều khoản đó. Vì đây là vấn đề thiêng liêng thuộc phạm vi lãnh thổ lãnh hải muôn đời của Tổ quốc, Chính phủ muốn ký kết bất cứ nội dung gì đều phải trưng cầu ý dân, ký xong phải thông báo cho dân được rõ. Đây cũng là dịp tìm hiểu xem người đóng vai “ đặc sứ ” của ta (cách gọi ông Hồ Xuân Sơn trong các bản tin Trung Quốc) có rút kinh nghiệm đối phó với con cáo già phương Bắc hay không hay là vẫn cứ dẫm phải vết chân người đi trước, hớ hênh này tiếp theo hớ hênh nọ, mắc mưu người mà cứ tưởng mình “ ăn ” được người (“ Dại rồi còn biết khôn làm sao đây ”).
Ngoài ra, có một đề tài vẫn
luôn luôn được Trung Quốc vin vào để biện hộ cho hành
vi lấn chiếm biển đảo, trắng trợn bắn giết bộ đội
và ngư dân chúng ta trong hàng mấy chục năm nay, đó là
bức Công hàm gửi ông Chu Ân Lại của cố Thủ tướng
Phạm Văn Đồng; Bộ Ngoại giao cần cho biết quan điểm
chính thức của Nhà nước ta đối với bức công hàm này
cũng như những luận cứ Nhà nước đã dùng để trả
lời Trung Quốc về bức công hàm này – điều đáng nói
là tại sao cho đến nay Nhà nước vẫn chưa công khai hóa
quan điểm của Nhà nước về bức công hàm không có giá
trị pháp lý đó trước toàn dân ? v.v...
GS
Hoàng Tụy ngồi giữa, bên trái là GS Phạm Duy Hiển, bên phải là tác giả,
đang trao đổi về những vấn đề sẽ nêu lên trong cuộc gặp gỡ sắp diễn ra
với vị Thứ trưởng
Tuy vậy, khi hỏi nhau rằng ai nhận được điện của Bộ Ngoại giao vào tối hôm qua thì mới biết, chỉ có 4 người : Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, nhà văn Nguyên Ngọc, GS Phạm Duy Hiển và GS Nguyễn Huệ Chi. Sao lại như vậy chứ ? 4 người trên con số 18 nói lên điều gì ? 4 người có đại diện được cho cả 18 người cùng ký vào Kiến nghị không ? Vì lẽ gì đến một công dân đáng kính như Giáo sư Hoàng Tụy cũng không nhận được điện mời của Bộ ? Chúng tôi loay hoay mãi mà không tìm ra lời giải cho mấy câu hỏi đầy băn khoăn ám ảnh đó. Ai cũng cảm thấy buổi gặp mặt do Bộ Ngoại giao bố trí có điều gì hơi bất thường, nếu không thì cũng là quá vội vàng, cốt làm cho xong, thiếu một sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Anh Phạm Duy Hiển cho biết nhà văn Nguyên Ngọc cũng đã gọi điện báo tin anh sẵn sàng từ Đà Nẵng bay ra ngay Hà Nội để dự cuộc gặp sáng hôm nay nếu như trong tay anh có một mảnh giấy của Bộ Ngoại giao đến đúng lúc... Những tín hiệu trước cuộc “ hội ngộ ” như thế quả thực gợi lên nhiều nan đề khó mà tự giải đáp với nhau.
Cuối cùng, đành tìm ra một
phương án tạm thời như sau : mọi người hãy ngồi lại
để LS Trần Vũ Hải và TS Nguyễn Quang A sang trước xem
xét tình hình và đề đạt một thỉnh cầu đầy thiện
chí : Bộ Ngoại giao đã muốn gặp cả 18 người ký Kiến
nghị thì mời Bộ cử một phái viên sang quán café Trung
Nguyên nói một lời mời chính thức để anh chị em yên
tâm cùng nhau sang, nếu không, người được mời và người
không được mời đều rất khó xử. Hai người tức tốc
ra đi. Một chốc sau anh Nguyễn Quang A trở về cho biết,
trước cổng bộ Ngoại giao là cô Loan cùng với hai cán
bộ nữa đang đợi chúng ta. Nhưng cô Loan từ chối sang
quán café nói lời mời với đoàn, vì theo cô, nơi đấy
là một tụ điểm ăn sáng, sang mời không tiện (Hay nhỉ,
gửi giấy mời cho tất cả không tiện, gọi điện cho
tất cả không tiện, khi anh chị em đến đông đủ, cần
một lời mời chính thức cũng không tiện nốt, thế thì
phải thế nào mới tiện đây?). Anh Nguyễn Quang A còn cho
biết thêm, xe đón Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh đã
đến, Thiếu tướng đang có ý chờ anh em mình. LS Trần
Vũ Hải đã vào theo cụ. Tuy nhiên người giải đáp các
yêu cầu trong bản Kiến nghị lại là một Phó ban Biên
giới, ông Trần Duy Hải, chứ không phải ông Thứ
trưởng Hồ Xuân Sơn.
Tất cả đều ồ lên một tiếng
như một tiếng đáp đồng thanh : Thế thì còn nói gì nữa.
Người ta mong là mong nghe những điều đang làm lòng dân
xôn xao và nóng hết mọi cái đầu yêu nước, xoay quanh
những bản thông cáo báo chí chèo nhau giữa ta và Trung
Quốc hơn mười ngày qua, chứ vấn đề biên giới thì
các vị đã ký từ đời tám hoánh nào rồi, đâu phải
là nhu cầu bức thiết phải giải đáp vào lúc này.
Không cần chờ đợi lâu, đã có ngay một quyết định dứt khoát, dù không ai bàn với ai : TS Nguyễn Xuân Diện thay mặt mọi người sang trả lời với quý Bộ rằng cả 17 người sẽ không sang nếu Bộ không có một lời mời chính thức, vì chúng tôi không cầu mong đến nghe thông tin của Bộ Ngoại giao về biên giới mà theo luật, Bộ Ngoại giao có nhiệm vụ trả lời nghiêm chỉnh Kiến nghị của công dân. Mặt khác, nội dung bản Kiến nghị liên quan đến những vấn đề hệ trọng vượt ra ngoài quyền hạn một Phó ban Biên giới của Bộ, vì thế nếu không có ông Hồ Xuân Sơn đứng ra giải đáp các thắc mắc của nhân sĩ trí thức nhằm làm sáng tỏ những điều vẫn được đồn đại trong dân chúng về việc “ đi đêm ” giữa ta và Trung Quốc quanh chủ quyền biển đảo, thì cuộc gặp gỡ này hoàn toàn không cần thiết. Anh Diện nhận lời đóng vai “ ngoại giao ” cho đoàn và chỉ mười phút sau anh trở lại thông báo nhiệm vụ đã được hoàn thành xuất sắc : anh đã nói lên điều cần thiết có tính chính danh là một lời mời của Bộ, còn không thì đoàn Kiến nghị trước sau cũng có cách để lấy được bản thỏa ước giữa lãnh đạo cấp cao hai nước, đó là quyền lợi chính đáng của cả dân tộc chứ không phải là một trái núi Făng-si-păng để bày ra thách đố, trong khi, hiện không ít báo chí nước ngoài đang chờ đợi cuộc gặp để hỏi ý kiến về kết quả cũng như tinh thần trao đổi của Đoàn. Nghe anh Diện nói xong, lần lượt GS Hoàng Tụy, GS Phạm Duy Hiển rồi Trần Nhương, Phạm Xuân Nguyên... mọi người đứng lên, nhìn nhau cười một cái - nụ cười trầm ngâm nhiều ý nghĩa - và nhẹ nhàng chia tay.
Còn câu chuyện ở trong Bộ Ngoại giao, theo lời cụ Nguyễn Trọng Vĩnh kể lại thì diễn ra theo kịch bản sau : cụ và Trần Vũ Hải đi vào, phòng họp đã có đại diện các ban phòng vụ viện đủ cả. Ông Trần Duy Hải Phó ban Biên giới nói rằng sở dĩ ông được giao đứng ra tiếp đoàn vì ông ta đích thân đi theo Thứ trưởng Hồ Xuân Sơn nên nắm được đầy đủ diễn biến các cuộc gặp gỡ giữa ta và Trung Quốc. Ông cũng cho hay Bộ Ngoại giao đã quyết định mở cổng chính để mời Đoàn sang, nhưng cử một người đi sang đó mời thì không thể làm được. Cụ Nguyễn Trọng Vĩnh đáp lời ông : “ Bên ấy hiện có những trí thức nổi tiếng, là chuyên gia hàng đầu trong nhiều ngành nhiều lĩnh vực, các Giáo sư thứ thiệt chứ không phải loại dỏm, cho nên sự tự trọng đối với họ là biểu hiện nhân cách, không có một lời mời thì họ sang sao được ”. LS Trần Vũ Hải tiếp lời cụ Vĩnh : “ Nếu các ông quyết định không sang mời các vị nhân sĩ trí thức thì hay là ông làm văn bản trả lời chúng tôi có được không ? ” Ông Phó ban Biên giới lắc đầu : “ Có cụ Nguyễn Trọng Vĩnh đây là người biết rõ, trong nguyên tắc ngoại giao, nhiều điều nói được mà viết ra không được. Hay là thôi, cụ Vĩnh đã có mặt đây rồi, coi như cụ là Trưởng đoàn, tôi cứ xin báo cáo, cụ đại diện cho cả Đoàn nghe vậy ”. Cụ Vĩnh xua tay ngay : “ Không được đâu. Nếu anh coi tôi là người cũ của Bộ, dẫn tôi sang một phòng riêng, kể cho tôi nghe tình hình cuộc gặp gỡ giữa ta và Trung Quốc thì nghe cũng chẳng sao, nhưng còn ngồi ở đây để anh báo cáo thì đâu có được, vì tôi chỉ là một cá nhân ký vào Kiến nghị, tôi làm sao mà thay mặt được cho cả Đoàn, tôi cũng có thì giờ đâu đi báo cáo lại với từng người một. Xin nói lại, những bậc trí thức không sang vì không nhận được lời mời chứng tỏ họ là người coi sự tự trọng là một phẩm chất. Vậy thôi, cuộc họp không thành, xin dừng lại ở đây ”. Thế là cụ và LS Trần Vũ Hải bắt tay quý vị trong bộ Ngoại giao và lên xe ra về.
N.H.C.
Các thao tác trên Tài liệu