"Cổ phần hoá" trường đại học công
Vì sao không nên cổ phần hóa đại học công ?
Bùi Trọng Liễu
Từ một thời gian nay, có lời đồn đại về một dự án « cổ phần hóa » trường công. Trong khuôn khổ bài này, tôi xin tập trung vào trường hợp của đại học công, để phát biểu được ngắn gọn.
Tuy là tông đồ của giáo dục công lập, tôi chấp nhận sự tồn tại của một hệ đại học tư bổ sung cho hệ đại học công lập. Nhưng ngay trong hệ đại học tư, ở các nước khác, đặc biệt là ở Mỹ, người ta cũng phân biệt hai loại : loại « vô vị lợi » (không có cổ phần ; tài sản của trường, một phần do học phí, một phần do lợi nhuận sinh ra qua tài sản tích lũy hay do các Mạnh thường quân – mécène, maecenas – trợ giúp, chỉ để tái đầu tư vào việc chi tiêu cho trường, chứ không đem chia cho các cổ đông) , và loại « vị lợi » có cổ đông mà mục tiêu là dựa vào nhu cầu nhất thời của thị trường để kinh doanh kiếm lời chia chác cho cổ đông. Cho tới nay, ở Mỹ chỉ thấy các đại học danh tiếng thuộc loại « vô vị lợi » , còn loại « vị lợi » hầu như không đáng kể. Nghe nói vài nước như Anh, Úc, …, có khuynh hướng tổ chức những loại đại học « vị lợi » nhằm xuất khẩu dịch vụ sang nước khác (tất nhiên là những nước chưa phát triển) chứ họ cũng không nhắm « sử dụng » loại đại học « vị lợi » cho chính nước họ. (Cám ơn anh Vũ Quang Việt đã nhắc tôi điều này, mà anh có viết trong bài « Giáo dục Việt Nam: nguyên nhân của sự xuống cấp và các cải cách cần thiết » trên Saigon Times). Ở Pháp, là nơi mà đại đa số đại học đều là đại học công, tôi ít nghe nói tới loại đại học tư « vị lợi », thảng hoặc như nếu có, thì cũng chủ yếu dành cho loại sinh viên nhà giàu « chuột chạy cùng sào ». Nhưng đấy là chuyện trường tư; nó không phải là cốt lõi của sự quan tâm của tôi ở đây.
Đối với đại học công, vì nó là sở hữu của Nhà nước (tôi nói Nhà nước, chứ không nói thể chế), nghĩa là sở hữu của toàn dân, nó phải là « vô vị lợi ». Hơn thế nữa, cổ phần hóa nó, thì dù muốn giải thích bằng cách nào đi nữa, (dù cho là cố tình chưa tiết lộ ra hay do thiếu hiểu biết), đó cũng vẫn là con đường mon men tiến tới lấy tài sản công biến thành tài sản tư. Đã là công ty cổ đông, là có chia chác lợi nhuận, bởi trên toàn thế giới này cốt lõi của công ti có cổ phần là hoạt động như vậy. Lợi tức xuất phát từ của cải chung, chạy vào túi của một số tư nhân, không phải là con đường đạo lý. Tất nhiên có những lập luận, trung thực hay không, cho rằng Nhà nước ta đang cần ngân quĩ, cổ phần hóa đại học công là một cách để đại học công có thêm trang bị và phương tiện sinh hoạt. Loại lập luận này là khiên cưỡng. Bởi vì :
- 1/ Ngân quĩ nhà nước là của cải của dân, dân đóng thuế, một phần ngân quĩ đó đã được trao cho Bộ Giáo dục Đào tạo quản lý. Con số đó hiện là một con số không nhỏ. Một số nhà khoa học trong nước đã công khai phát biểu rằng, ngay cả tăng lương gấp hai hay gấp ba cho nhà giáo đại học công, số tiền còn lại vẫn còn đủ để nâng cấp. Thực hay hư ? Bộ đã thực sự kê khai minh bạch việc sử dụng ngân quĩ này chưa, trước khi phải tìm nguồn tài chính bằng việc cổ phần hóa ?
- 2/ Khi đã cổ phần hóa, cổ đông sẽ tham dự hội đồng quản trị, sẽ có tiếng nói mạnh trong việc định hướng của đại học công. Vì lý do lợi nhuận, hướng lựa chọn đào tạo sẽ là những ngành ít đầu tư mà mang nhiều lợi nhuận theo nhu cầu tức thì của thị trường. Vậy nếu thị trường thay đổi thì đại học công « rã đám » !
- 3/ Giáo dục đại học cũng là một trong những vế chính của nền độc lập tự chủ bởi vì nó tham gia vào hướng đi lên, bảo đảm chất lượng cũng như số lượng người có trình độ hiểu biết, có nghiệp vụ cao, bảo đảm sự tồn tại của những lĩnh vực chiến lược, không thể tính chuyện lỗ hay lãi. Những lĩnh vực đó có thể đòi hỏi những đầu tư lớn và dài hạn, mà kết quả gặt hái được phải tính hằng chục năm, cho nên chỉ Nhà nước mới có thể đảm nhiệm, dù cho có sự tham gia hỗ trợ của các thành phần khác của xã hội (tham gia đây theo nghĩa đóng góp tự nguyện, có thể có tài sản sinh lợi nhuận nhưng để tái đầu tư cho sinh hoạt của trường ; điều này không phù hợp với lôgich cổ đông).
- 4/ Giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học, là một trong những công cụ bảo đảm cho sự bình đẳng và sự công bằng cho mọi công dân trong một xã hội, theo nghĩa những người công dân nào có khả năng về trí tuệ cũng có thể được quyền học hỏi, không bị ngăn cản vì gia cảnh ; ai bảo đảm được quyền đó cho họ nếu không phải là Nhà nước ? Nhất là sự tự do học hỏi còn kéo theo sự bình đẳng trong việc chọn nghề, việc tiến thân, vv... của từng cá nhân, mà sự thành đạt cũng góp phần vào lợi ích chung cho cả xã hội. Cho nên đại học công phải là nơi dành cho những sinh viên được tuyển theo trình độ học lực, theo số chỗ có thể. Nếu ngân quĩ có hạn thì mở ít đại học công, nếu ngân quĩ dư dả thì mở thêm đại học công. (Không loại trừ việc có những sinh viên ưu tú, mà gia đình có phương tiện, lựa chọn theo học đại học tư ; nhưng đó là lựa chọn cá nhân của họ). Đại học công không phải là nơi tính toán « thu bù chi, cộng với lãi để chia chác » theo lôgich cổ đông.
Đây là những lý do chính mà tôi muốn phát biểu, qua cái nhìn từ ngoài nước, mà tôi nghĩ rằng khách quan. Còn những lý do cục bộ có thể có (thí dụ như văn hóa sứ quân, ảnh hưởng của các nhóm quyền lợi, vv.), mà người trong nước biết kỹ hơn tôi, thì tôi xin miễn bàn.
BÙI TRỌNG LIỄU
Nguyên giáo sư đại học (Paris, Pháp)
Bài này đã đăng một phần trên báo Thời Đại của Liên hiệp các hội hữu nghị VN, số 9 (tháng 2/2008).
Các thao tác trên Tài liệu