Bạn đang ở: Trang chủ / Việt Nam / Cổ phần hoá trường công

Cổ phần hoá trường công

- Hà Dương Tường — published 09/05/2009 11:18, cập nhật lần cuối 09/05/2009 11:51
Xin chia sẻ với bạn đọc một "lời bình" nhỏ trên một "hot blog" ở VN

Cổ phần hoá trường công :
một « phép thử đơn giản »

 

Hà Dương Tường

   

Bộ Tài chính vừa ban hành « Dự thảo quy chế thí điểm chuyển đơn vị sự nghiệp công lập có thu thành công ty cổ phần ». Báo điện tử VietnamNet đã đưa tin ngày 17.4 và đăng toàn văn quy chế này ngày 4.5.2009. Cả hai bản tin đều được đặt dưới nhan đề gần như nhau, nhấn mạnh khía cạnh cổ phần hoá các trường học dù rằng quy chế còn nói tới các đơn vị thuộc lĩnh vực văn hoá thể thao và lĩnh vực « sự nghiệp kinh tế ». Đó cũng là điều dễ hiểu vì giáo dục vẫn là vấn đề được xã hội quan tâm nhiều nhất, dùng chữ thời thượng ở trong nước là « nhạy cảm » nhất. Nhiều bài viết trên báo chí, hoặc trên các diễn đàn truyền thông khác (blog, website tư nhân...)1 cũng nói lên điều đó. Khi đọc bản tin đầu trên VietnamNet, một thân hữu của Diễn Đàn cũng đề nghị chúng tôi có lời bình về khía cạnh cổ phần hoá trường học công này. Nhưng viết gì ?

Trên mặt báo này, một năm trước, khi mới chỉ có những lời đồn đại về ý tưởng « cổ phần hoá trường công » này, giáo sư Bùi Trọng Liễu đã có bài « Vì sao không nên cổ phần hoá đại học công ? ». Trong bài phân tích vắn tắt nhưng xác đáng này, tác giả đã đưa ra 4 lý do phản bác « những lập luận, trung thực hay không, cho rằng Nhà nước ta đang cần ngân quĩ, cổ phần hóa đại học công là một cách để đại học công có thêm trang bị và phương tiện sinh hoạt ». Trung thực hay không, nhiều người vẫn tiếp tục đưa ra các lập luận đó, coi « cổ phần hoá » như một biện pháp duy nhất để giải quyết những bế tắc của nền giáo dục hiện nay2, mặc dù những « lỗ hổng chết người » mà chủ trương cổ phần hoá đã tạo ra trong lĩnh vực kinh tế và chẳng có gì cho phép tin là nó sẽ không tiếp tục tạo ra khi được áp dụng trong lĩnh vực đào tạo.

« Cởi trói » cho giáo dục chăng ? Hàng chục, hàng trăm ý kiến tâm huyết của các nhà giáo, nhà văn hoá, của người dân ở khắp các vùng đất nước đã được gióng lên, chỉ rõ những khuyết tật rất cơ bản của nền giáo dục và những hướng đi cần thiết để « cải tổ », « chấn hưng » nó một cách nghiêm chỉnh, dứt khoát. Tất cả đều như nước đổ lá khoai. « Đảng và Chính phủ » và những viên chức cần mẫn của họ được giao trọng trách quản lý giáo dục, từ mức quốc gia xuống tới các tỉnh thành, có những ưu tiên mà có lẽ chỉ có họ và túi tiền của họ mới hiểu được, thì còn viết gì nữa ?

Tuy nhiên, người làm báo vẫn cứ phải đọc, phải theo dõi tin tức, và trong thời buổi báo chí đi đúng « lề đường bên phải » hiện nay, đọc các blog... Lợi thế nữa của blog là nó cho phép phản ứng với các tin, bài một cách mau lẹ hơn, trực tiếp hơn trước một vấn đề được nêu ra. Vậy xin chia sẻ với bạn đọc « lời bình » ngắn dưới đây (có chỉnh sửa nhỏ ở một hai chỗ) nhân đọc bài « Cổ phần hoá đại học công » trên blog Everywhere Land và vài lời bình sau đó.


Một « phép thử đơn giản »

1/ Tôi không hiểu VN đã có quy chế « tổ chức vô vị lợi » chưa, hình như chưa mà chỉ có những khẳng định của tổ chức này, tổ chức khác rằng mình hoạt động « vô vị lợi », cho nên bác HHV mới tỏ ý nghi ngờ. Nhưng ở các nước Âu Mỹ (có lẽ hầu khắp thế giới) thì khó có thể nghi ngờ như vậy. Cái khác cơ bản giữa một trường tư « vô vị lợi » với một trường tư khác là ở trường thứ nhất chủ sở hữu là người hay tổ chức (phần lớn là các tổ chức) đã đăng ký hoạt động vô vị lợi theo luật pháp, nên KHÔNG cá nhân nào có tư cách pháp nhân là cổ đông của trường, do đó không có chuyện chia lãi. Điều đó không mâu thuẫn với việc trường « vô vị lợi » vẫn phải hoạt động một cách kinh tế nhất, để có thể phát triển hay tối thiểu là tồn tại ! Còn trường « vị lợi » hoạt động theo quy chế doanh nghiệp (điều này cũng được xác nhận trong Quy chế « cổ phần hoá các cơ sở công có thu » của bộ Tài chính), mà mục tiêu là lãi để chia cho các cổ đông, khó có thể nói là điều này không ảnh hưởng tới các chọn lựa, quyết định của trường.

2/ Là một trong những người đã hỗ trợ ngay từ đầu nhóm sáng lập ra trường dân lập đầu tiên ở VN những năm cuối thế kỉ trước – trường Thăng Long - (đóng góp ít ỏi nhưng thường xuyên vài ba năm đầu), tôi không phản đối việc có một hệ thống trường tư bên cạnh các trường công. Ngày nay, việc mở trường đại học tư không còn khó khăn gì lắm, nhưng nhìn kỹ hệ thống trường này chưa đóng góp được gì nhiều vào việc nâng cao chất lượng giáo dục đại học VN : ngoài việc cung cấp thêm một số ghế « đại học » cho học sinh mới tốt nghiệp phổ thông, chưa có trường nào thoát khỏi được những cơ chế kìm hãm nền đại học – hoặc chỉ một số rất nhỏ, ở một vài lĩnh vực -, xây dựng được « thương hiệu » đại học đích danh của mình, thậm chí cạnh tranh được với những trường công hiện có. Vậy tại sao có sự đồng thuận của một số người có tiền muốn nhảy vào lĩnh vực giáo dục và một số quan chức chính phủ để mở ra cái quy chế cổ phần hoá nói trên ? Câu trả lời, tôi sợ rằng rút cục vẫn lại quy về một chữ « lợi ». Cái lợi nhãn tiền, ngắn hạn của một số nhỏ chứ không phải cái lợi lâu dài của đa số thanh niên, của dân tộc VN. Nếu thực tâm muốn cải tổ nền giáo dục đại học VN, người ta đã lắng nghe và cố gắng thực thi nhiều ý tưởng rất tâm huyết của những nhà giáo có uy tín, chẳng hạn như những điều được nêu trong Kiến nghị của giáo sư Hoàng Tuỵ (và nhóm nhà giáo, nhà nghiên cứu đồng tâm với ông). Nếu thực tâm muốn mở thêm trường tư thục thì cứ bỏ tiền mà làm, có ai ngăn cản đâu.

3/ Để chứng minh điều ngược lại, tôi nghĩ có một phép thử đơn giản. Chính phủ hãy ghi rõ trong Quy chế cổ phần hoá này điều khoản sau đây (tất nhiên phải viết lại theo ngôn ngữ pháp lý một cách chính xác nhất) : hội đồng trường được cổ phần hoá (dù các cổ đông tư nhân nắm bao nhiêu phần trăm trong đó) không được quyền bán với bất kỳ lý do nào (quyền sử dụng) đất đai, dù chỉ là một mét vuông, của trường được cổ phần hoá ; không được sử dụng bất kỳ một phần nào của cơ sở trường được giao vào các hoạt động kinh doanh ngoài giáo dục (như cho thuê mặt bằng để mở hàng quán v.v.). Khi đó, nếu vẫn còn những người nhảy vào mua cổ phần thì nỗi sợ trên kia mười phần đã giải toả được năm, bảy rồi...

Hà Dương Tường

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Indochine: 70 ans après les Accords de Genève 21/11/2024 16:00 - 18:00 — BnF site François-Mitterrand, Quai François Mauriac, 75706 Paris Cedex 13 | Zoom
Yda: Un court-métrage Hanoi - Warszawa 29/11/2024 19:00 - 21:00 — Médiathèque Jean-Pierre Melville, 79 rue Nationale, Paris 75013, M° Olympiades
Les Accords de Genève, espoirs et désillusions au cœur de la guerre froide. De l’indépendance à la division du Vietnam 11/12/2024 16:30 - 18:00 — Bibliothèque François-Mitterrand, Quai François Mauriac - 75706 Paris Cedex 13
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us