Bạn đang ở: Trang chủ / Việt Nam / Còn một lần nữa không?

Còn một lần nữa không?

- Nguyễn Tường Bách — published 21/02/2015 23:05, cập nhật lần cuối 28/02/2015 11:30


Còn một lần nữa không?


Nguyễn Tường Bách



Cách đây một năm, Tết Giáp Ngọ, bài này đã được đăng trong một tạp chí trong nước. Vì lý do dễ hiểu, bài bị cắt bỏ nhiều đoạn. Sau một năm, tình hình đất nước có thay đổi, nội dung của bài phù hợp hơn bao giờ hết. Sau đây là nguyên văn bài viết

Nguyễn Tường Bách


Năm 1986 là một năm đáng nhớ trong đời tôi.

Một ngày nọ trong mùa thu 1986 bọn chúng tôi sáu người được Hội người Việt Nam tại Đức cử về nước để “điều trần” về tình hình thế giới, góp ý với Đại hội Đảng lần thứ sáu.

Đó là thời điểm mà các nước theo chủ nghĩa xã hội tại Đông Âu bắt đầu có những dấu hiệu thay đổi. Tại Ba Lan tháng 9.1980 công đoàn Đoàn kết thành hình và ngày càng phát huy ảnh hưởng. 1984 khắp nơi tại Ba Lan biểu tình lan rộng. Tại Hungary năm 1980 kinh tế thị trường bắt đầu được áp dụng, năm 1982 họ gia nhập Quỹ tiền tệ quốc tế IWF và ngân hàng thế giới.

Tại CHDC Đức từ giữa những năm 80, đảng cầm quyền đã phải nhượng bộ thành phần đối lập. Cũng giữa những năm 80 Gorbachev thực hiện đổi mới Glasnost và Perestroika. Tháng 3.1985 Gorbachev tuyên bố mỗi nước trong khối Warsaw được quyền theo đường lối riêng. Từ đó học thuyết được mệnh danh Sinatra thay thế học thuyết Brezhnev, vốn được dựng lên từ 1968, sau khi Liên Xô đập tan mùa xuân Praha của Tiệp Khắc.

Những ai theo dõi thời cuộc đều hiểu là một khi Liên Xô tuyên bố đường ai nấy đi thì đó là dấu hiệu tan rã của khối Đông Âu. Điều đó cho thấy chủ nghĩa xã hội kiểu Đông Âu đã chứng tỏ sự phá sản của mình.

Tôi chuẩn bị về Hà Nội và nhớ đến CHDC Đức của những năm qua. Đây là quốc gia hùng mạnh nhất của khối Đông Âu, có tiềm lực khá nhất về kỹ thuật và kinh tế so với các nước khác, kể cả với Liên Xô hồi đó. CHDC Đức tiếp giáp với Tây Đức, về mặt địa lý lại chứa cả Tây Berlin nằm lọt thỏm trong lòng nó, nên CHDC Đức chính là “tiền đồn” số một của phe xã hội chủ nghĩa. Chính vì lẽ đó mà Đông Đức càng cẩn mật hơn đối với mọi ảnh hưởng của phe Tây phương.

Tôi càng nhớ hơn những ấn tượng của mình tại Đông Đức trong năm 1970. Đó là năm mà bọn sinh viên trẻ chúng tôi, mà chỉ là người nước ngoài, người Đức không được tham dự, được đặc cách cho đi thăm CHDC Đức một ngày, buổi tối không được ở lại, phải trở về Tây Berlin. Chuyến xe bus chạy trên những hành lang đã định sẵn từ Tây Đức đến Tây Berlin, xuyên qua địa phận Đông Đức, trên những xa lộ cách ly với phố xá làng mạc. Thỉnh thoảng xe dừng lại để sinh viên Tây Đức, với chút ngoại tệ “mạnh” ít ỏi trong túi, được mua cà-phê thuốc lá trong các cửa hàng Intershop. Họ cần ngoại tệ mạnh và đó là lý do mà chúng tôi được đi thăm. Qua biên giới ngồi trên xe tôi thấy rõ công an Đông Đức dùng những chiếc gương lớn có bánh xe, đẩy vào gầm xe xem có công dân nào của họ trốn dưới đó không.

Từ Tây Berlin chúng tôi đến Checkpoint Charlie, đó là cửa biên giới giữa hai phần của thành phố Đông Tây Berlin. Khách hồi hộp đi qua những hành lang hẹp, quanh co dưới cặp mắt dò xét của công an mật vụ Đông Đức. Mỗi khách phải đổi 20 Mark, tiền Đông Đức, một ăn một, nghe là để mua sắm, nhưng thực tế là trả tiền vào cửa với ngoại tệ mạnh.

Sau vài góc đường kể từ trạm kiểm soát, lạ thay có một thanh niên tìm tôi hỏi chuyện. Anh hỏi tôi có dư chiếc quần jean nào muốn bán lại cho anh. Tôi trố mắt lắc đầu. Anh lại đề nghị tôi cùng đi đến Intershop mua hàng với ngoại tệ mạnh, tiền anh đưa, công dân như anh không được mua hàng Intershop. Tôi cũng lắc đầu nốt. Vô cùng ngạc nhiên tôi tự hỏi, con người mới xã hội chủ nghĩa mà như thế này ư, nhất là trong một xứ ưu việt nhất của khối Đông Âu.

Trong ngày hôm đó của năm 1970 tôi lại nhớ lại một kỷ niệm xưa. Trước đó chục năm, khoảng 1960, tôi chỉ là một đứa trẻ 12 tuổi sống trong thành thị miền nam thời còn hòa bình. Ngày nọ tôi được theo người lớn ra bến sông Bến Hải, đến cầu Hiền Lương nhìn qua bờ bắc. Vĩ tuyến 17 là đây, sông Hiền Lương nước chảy chầm chậm. Tôi bâng khuâng nhìn qua, bên kia là đồng bào của tôi hay sao. Xa xa ta thấy rõ trẻ con người lớn đi lại, có người đi xe đạp. Nhưng đập vào mắt tôi là một hàng chữ thật to, dành cho người nhìn từ bờ nam. “Hai miền, hai chế độ”. Dù là đứa trẻ, tôi biết ngạc nhiên thấy câu khẩu hiệu có vẻ “hiền”, không khiêu khích, không tuyên truyền như tôi tưởng.

Trên cao ở hai bờ là hai lá cờ, một vàng một đỏ. Lạ thay chiếc cờ vàng rủ xuống như khăn tang. Còn lá cờ đỏ bên kia, không rõ được làm bằng thứ vải gì mà trời ít gió vẫn bay phất phới. Điềm lành điềm dữ gì đây?

Chiếc cầu Hiền Lương khung sắt mặt gỗ chỉ là một chiếc cầu nhỏ như trăm vạn chiếc cầu trên quốc lộ 1, tôi nhìn và nghĩ đời mình sẽ không bao giờ đi trên cầu đó. Thế nhưng hồi đó vẫn có người qua lại, vì khi tôi vào văn phòng quân đội miền nam đã có một người đội nón cối, miệng hút thuốc ngồi đó. Ông mang “bưu thiếp” từ bên kia qua, khuôn mặt bất động nhìn chúng tôi. Trong bọn chúng tôi có một đứa mũi hơi cao, da hơi sáng. Ông thốt lên “cháu này lai Mỹ”. Câu nói đầu tiên và duy nhất của ông đã trật lất.

Chục năm sau tại Đức tôi đang nếm mùi của “hai miền hai chế độ”. Nhưng hôm nay tôi được băng qua biên giới, đi thăm miền đất của con người mới xã hội chủ nghĩa. Ở đây chưa ai nhìn tôi với cặp mặt khinh thị, ngược lại có kẻ chạy theo xin hỏi mua chiếc quần jean.

Suốt chục năm sau tôi không trở lại Đông Đức, nhưng vẫn nghe người dân ở đó vẫn tìm mọi cách vượt biên qua Tây Đức, bất kể hiểm nguy cho bản thân và hệ lụy cho người ở lại. Thế nhưng với lực lượng công an cảnh sát mà tôi từng tận mắt trông thấy, tôi nghĩ Đông Đức sẽ trường tồn thiên thu bất diệt. Tấm gương mùa xuân Praha 1968 vẫn còn nóng hổi. Thậm chí tôi còn lo ngại một ngày xấu trời nào đó, bộ đội Đông Đức sẽ tràn ngập Tây Berlin vì thành phố này nằm như một hòn đảo phồn vinh giữa một vũng lầy nghẹt thở.

Thế mà chỉ hơn 15 năm sau kể từ lần viếng Đông Đức, tôi cùng phái đoàn ngồi máy bay về Hà Nội, sẽ gặp lãnh đạo Đảng và Nhà Nước để “báo cáo về tình hình thế giới và phong trào”. ”Báo cáo” ở đây phải gọi là “báo động” thì đúng hơn vì thông điệp của chúng tôi cho các vị lãnh đạo là hãy thay đổi, trên thế giới đang rục rịch thay đổi.

Trong một buổi sáng nắng hoe vàng như màu nắng thường thấy ở miền bắc trong mùa thu, chúng tôi đến văn phòng Trung Ương Đảng, vào trong một gian phòng nghiêm trang, ngồi vào một chiếc bàn rất rộng. Người “làm việc” với chúng tôi không ai khác hơn là ông Nguyễn Văn Linh, về sau là Tổng Bí thư. Các nhân vật khác cùng có mặt là các ông Đào Duy Tùng và Hoàng Bích Sơn. Các vị lắng nghe chúng tôi một cách nghiêm túc. Tôi bất ngờ cảm nhận lòng cởi mở thân tình của các vị quan chức cấp cao nhất. Họ không có vẻ gì ngạc nhiên khi nghe tình hình các nước Đông Âu đang chao đảo. Họ để cho chúng tôi nói hết, không tỏ chút gì khó chịu khi nói nghe nói đến khuyết tật cố hữu của một nền kinh tế kế hoạch.

Ngồi đây tại Hà Nội tôi không khỏi nhớ lại đời mình. Từ một đứa trẻ đứng ngẩn ngơ bên cầu Hiền Lương và nghĩ đời mình sẽ không bao giờ qua bờ bắc, tôi đã đi một vòng lớn của cuộc đời. Số phận cho tôi đến học tập ở Đức, cũng một nơi được gọi là “hai miền hai chế độ” như nước mình. Rồi tôi cũng từng băng hàng rào sắt qua bên đó và chứng kiến chớp nhoáng cách làm ăn cò con của thời bao cấp. Nay tôi lại ngồi đây, trong một quê hương thống nhất, tại trung tâm quyền lực của cả nước và “làm việc” với Tổng Bí thư.

Thế nhưng nói thật lòng, ngay hồi đó tôi đã không có chút ảo tưởng nào. Làm sao mà các vị đó tin nghe mình, chấp nhận kiến nghị của dăm ba Việt kiều non nớt và đáng ngờ được. Những người mà họ tin nghe phải là những người khác mà chúng tôi không bao giờ gặp. Tiếng nói của chúng tôi chỉ điểm trang cho vui trong một hoàn cảnh cần chút màu sắc khác lạ. Vòng đời từ cầu Hiền Lương, gặp ông cán bộ đưa thư, đến Tây Đức, rồi lạc một ngày qua bên Đông để rồi hôm nay về lại tổ quốc, ngồi đối diện với Tổng Bí thư chỉ là một trò đùa hóm hỉnh của số phận hay đi lang thang của tôi.

Sau đó Đại hội VI diễn ra trong tháng 12.1986 với nhiều thay đổi thực. Lãnh đạo Việt Nam từ bỏ con đường bao cấp, chấp nhận nhiều thành phần kinh tế và mở cửa cho đầu tư nước ngoài. Tôi hoàn toàn không nghĩ đó là nhờ “công” góp ý của chúng tôi mà chủ trương này đã định hình một cách bắt buộc trong bối cảnh ảm đạm của nước Đông Âu. Thế nhưng so với cũ, đây là một công cuộc đổi mới vô cùng quyết liệt và mang lại thành quả to lớn.

Tháng 11 năm 1989 một biến cố long trời xảy ra tại Đức. Bức tường Berlin sụp đổ. Tôi ngồi xem hàng đoàn người hân hoan đi qua Checkpoint Charlie, nơi mà gần 20 năm trước chúng tôi phải chầm chậm đi về trong ngày, giữa những con mắt xoi mói. Tôi sởn da gà khi nhớ rằng, lịch sử ngàn năm sẽ nhớ lại cảnh này, cảnh một dân tộc thống nhất không cần tốn một viên đạn. Cầu Hiền Lương của họ đã mở cửa và người ta đi chiều ngược lại.

Hè năm 2012 chúng tôi trở về Checkpoint Charlie. Đường Friedrich không còn chập chùng đồn bót, nay rộng rãi thông suốt. Gần đó là một quán ăn Việt Nam đông khách, phục vụ trẻ măng. Đồng bào tôi đây, không hề ít tại nước Đức kỳ lạ này. Xung quanh trạm biên giới cũ, ta còn thấy hình ảnh xưa, nền móng cũ, ngày đó nơi đây một thuở… Quanh tôi là khách du lịch còn trẻ, người nước ngoài khá nhiều. Họ có biết chăng có người cảm khái nhớ đời mình và vận nước non của 40 năm qua.

Sau lần gặp Tổng Bí thư tôi nghĩ mình sẽ không bao giờ gặp quan chức cấp cao nữa. Thế nhưng cũng có một ngày đặc biệt trong đầu những năm 90. Tại sân bay Bangkok, trên xe bus từ máy bay vào nhà ga, tôi gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông lên xe trước tôi, lúc đó còn rất khỏe mạnh. Tôi đến gần ông, trân trọng hỏi thăm “Thưa Cụ, có phải Cụ là Cụ Võ Nguyên Giáp?”. Ông không trả lời, cũng không nhìn tôi, làm như không nghe thấy. Khuôn mặt ông bất động còn hơn ông cán bộ đưa thư ngày nọ. Tôi ngẩn ngơ, tự hỏi phải chăng mình nhìn lầm. Xuống xe tôi đi nhanh vào sảnh. Ở đó đã có vài ba người đứng đón, có chị mặc áo dài, với vòng hoa và bảng đề “Nhiệt liệt chào mừng…”.

Tôi thưa không thấy trả lời. Trong nước ông là vị tướng từng oanh liệt đánh thắng giặc Pháp. Ra ngoài ông đề phòng những ai nói tiếng Việt.

Kể từ đó tôi không còn gặp quan chức cấp cao, thật lòng tôi cũng không muốn. Nhưng cấp thấp thì nhiều. Thỉnh thoảng tôi vẫn gặp gỡ chuyện trò với họ, thậm chí chơi chung thể thao. Thỉnh thoảng khơi chuyện “bao cấp” ngày xưa thì y như rằng, ai cũng có chuyện để kể, từ anh lái xe đến ông thủ trưởng. Sức sống dân tộc to lớn thay. Thực vậy, chỉ bỏ ngăn sống cấm chợ và cho nước ngoài đầu tư mà nước ta đã tiến triển một cách ngoạn mục từ 1986 đến nay.

Nhưng rủi thay tiến trình của xã hội luôn luôn thay đổi và đòi hỏi phải có sự đổi mới. Qua năm thứ 14 của thế kỷ mới, Việt Nam đã bộc lộ tất cả khuyết tật của hệ thống. Kinh tế suy thoái, tham nhũng lan tràn, các giá trị văn hóa xã hội bị sa sút trầm trọng, điều đó đã quá nhiều sách báo nói đến. Tình hình ngày nay bức xúc hơn 1986, đó là điều tôi nhận xét. Nếu không thay đổi một cách tầm cỡ như 1986 đất nước sẽ đi về đâu?

Xét lại lịch sử, Việt Nam chỉ thay đổi khi quốc tế thay đổi. Sự chấm dứt thế chiến thứ hai là cơ hội cho Đảng lãnh đạo nắm chính quyền. Sự đổi xác năm 1986 là kết quả cuộc phá sản của các nước Đông Âu. Thế thì phải chăng Việt Nam phải đợi một biến cố tầm cỡ trên quốc tế? Tôi không biết.

Tại Đức thì sau 24 năm thống nhất, nước Đức đã đưa Đông Đức lên ngang tầm phát triển của phía Tây, đó là tin vui của họ trong mùa thu 2013. Hiện tượng người bỏ sang Tây để kiếm việc đã chấm dứt. Người Đức cũng không phải thánh thiện gì, chính trị gia của họ cũng đầy khuyết tật, cũng ôm ấp những ý đồ riêng tư và ích kỷ. Nhưng điểm ưu việt của Đức là họ quyết lòng theo một xã hội pháp quyền, tất cả phải được điều hành bằng luật pháp. Việc cựu Tổng thống của họ hiện nay phải hầu tòa vì tội lạm dụng quyền thế về một số tiền chưa đầy 1000 USD, một số tiền nực cười, đối với quan chức Việt Nam hiện nay hoàn toàn không lớn, cho thấy luật pháp của Đức triệt để như thế nào.

Tôi không nghĩ mình sẽ còn có cơ hội “điều trần” gì với ai tại Việt Nam nữa. Nhưng dân tộc Việt Nam phải được một lần hỏi ý kiến. Đã đến lúc rồi, người Việt Nam phải ngồi với nhau xem thử nên điều hành đất nước theo phương cách nào. Năm 1986 đã từng có một cuộc đổi thay quyết liệt.

Có còn một lần nữa không?

ntb

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Yda: Un court-métrage Hanoi - Warszawa 29/11/2024 19:00 - 21:00 — Médiathèque Jean-Pierre Melville, 79 rue Nationale, Paris 75013, M° Olympiades
Les Accords de Genève, espoirs et désillusions au cœur de la guerre froide. De l’indépendance à la division du Vietnam 11/12/2024 16:30 - 18:00 — Bibliothèque François-Mitterrand, Quai François Mauriac - 75706 Paris Cedex 13
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us