Bạn đang ở: Trang chủ / Việt Nam / Diễn văn bế mạc lễ trao giải thưởng Phan Châu Trinh 2010

Diễn văn bế mạc lễ trao giải thưởng Phan Châu Trinh 2010

- Nguyên Ngọc — published 30/03/2011 11:20, cập nhật lần cuối 30/03/2011 11:20


Diễn văn bế mạc lễ trao giải thưởng
Phan Châu Trinh 2010

 

Nguyên Ngọc



Ngày 24/3/2011 lễ trao Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh 2010 đã diễn ra tại Khách sạn Rex, TP.HCM, dưới sự chủ toạ của bà Nguyễn Thị Bình - Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh, nguyên Phó Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam.

Năm nay, giải thưởng được trao cho 6 tác giả: giải Giáo dục dành cho GS Hoàng Tụy, giải Nghiên cứu dành cho nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân với những công trình nghiên cứu lý luận văn học. Hai dịch giả Phạm Văn Thiều và Nguyễn Đôn Phước nhận giải Dịch thuật. Giải Việt Nam học dành cho GS người Mỹ Kevin Bowen và GS người CH Czech Vassiliev.

Diễn Đàn đã đăng bài diễn từ Vì một nền giáo dục trung thực, lành mạnh và hiện đại của giáo sư Hoàng Tuỵ đọc khi nhận giải. Dưới đây, chúng tôi hân hạnh đăng lại bài phát biểu bế mạc lễ trao giải của nhà văn Nguyên Ngọc, thay mặt Quỹ Văn hoá Phan Châu Trinh, trong đó nhà văn tóm lược với vài nét khắc hoạ tài tình "tên tuổi và thành tựu" của những người nhận giải.



Thưa …


Người quan họ Bắc Ninh có câu ca đằm thắm “đến hẹn lại lên”; nương câu ca mặn mà đó, đúng hẹn từ ngày này một năm trước, hôm nay chúng ta lại gặp nhau ở đây, trong sự kiện văn hoá trang trọng mà đầm ấm này; sự kiện văn hoá, thật đáng mừng, đã thành lệ hàng năm được mong đợi trong những giới xã hội ngày càng rộng rãi. Chúng ta đều biết sự mong đợi đó, cũng tức là uy tín của Giải thưởng Văn hoá Phan Châu Trinh đã có được như ngày nay, chủ yếu là do từ tên tuổi và thành tựu của những người đã nhận giải những năm trước. Chắc chắn tên tuổi và thành tựu của những người nhận giải năm nay sẽ nâng cao thêm uy tín của Giải lên một bước quan trọng nữa, tạo thêm lòng tin cậy của xã hội, và khiến cho sự mong đợi của mọi người cho dịp đến hẹn lại lên sang năm càng thêm nóng lòng.

Tôi xin phép dành lời cám ơn về niềm vui đó của chúng ta trước hết đối với hai vị tân khoa đến từ xa, giáo sư Ivo Vassiliev và giáo sư Kevin Bowen.

Có lẽ Ivo Vassiliev - Ivo thân thiết như cách gọi của nhiều nhà khoa học Việt Nam là bạn bè lâu năm của ông và của hầu hết những người Việt Nam có những mối quan hệ theo cách này hay cách khác với Tiệp Khắc ngày trước và Cộng hoà Séc ngày nay, của cả nhiều người dân thường Việt Nam nữa - là một trong những nhà Việt Nam học đầu tiên và bền bỉ nhất đến với chúng ta từ khu vực Đông Âu, và đến theo một con đường sâu sắc và chắc chắn nhất: con đường của ngôn ngữ học. Từ ngôn ngữ học, từ tiếng Việt mà ngay từ đầu với một sự thông thái mẫu mực ông đã đi vào một lĩnh vực quan trọng, tinh tế và khó khăn, lĩnh vực vốn từ Hán Việt trong tiếng Việt, ông đã khám phá ra dân tộc này, lịch sử, văn hoá, tâm hồn, sức sống lạ lùng của nó, cả số phận của nó, để đi đến yêu nó đến như là tổ quốc thứ hai của mình, cống hiến cả cuộc đời mình cho nó, và thật sự đã chiến đấu để bảo vệ nó cả trong những tình huống éo le nhất của lịch sử phức tạp đương đại. Xin chân thành cám ơn Ivo.

Kevin Bowen đến với Việt Nam theo một con đường khác, chừng nào có thể nói gần như đối nghịch, và theo một chiều sâu khác tinh vi và thăm thẳm: ông đến với Việt Nam qua con đường trăn trở tự tìm lại được chính mình sau khủng hoảng tâm hồn và khủng hoảng thơ – mà đối với một nhà thơ thì khủng hoảng thơ chính là khủng hoảng tâm hồn và lẽ sống nghiêm trọng nhất – do từ cuộc chiến tranh Việt Nam khốc liệt mà ông đã bị ném vào như đột ngột bị ném vào lò lửa địa ngục. Hôm nay chúng ta đã được nghe diễn từ hết sức cảm động của ông, trong đó đặc biệt thể hiện lòng khiêm cung thật đáng kính trọng của một trí thức lớn. Tôi xin phép Kevin được nói thêm đôi chi tiết mà ông đã không nhắc đến. Năm 1972 cuộc hội đàm Paris nhằm tìm giải pháp chấm dứt chiến tranh Việt Nam bước vào giai đoạn rất căng thẳng. Trong số bốn đoàn đàm phán chỉ có một trưởng đoàn là nữ, nữ Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Thị Bình của Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam. Chắc ngày ấy, ngồi ở hội trường Kébler giữa thủ đô nước Pháp mỗi sáng thứ năm, Ngoại trưởng Nguyễn Thị Bình không hề biết có một người lính Mỹ trở về từ chiến trường Việt Nam mỗi sáng thứ năm lại đến đó để lẳng lặng nhìn vào hội trường lịch sử kia mà quằn quại suy nghĩ, cũng như bà, về khả năng và con đường hoà giải giữa hai dân tộc. Người lính Mỹ đó chính là Kevin Bowen, người hôm nay đã nhận từ tay bà giải thưởng Việt Nam học cho con đường mà ông đã kiên trì và vô cùng dũng cảm góp phần tìm ra, con đường văn hoá, con đường, lạ thay, chính Phan Châu Trinh một trăm năm trước từng đinh ninh tin tưởng. Chúng ta biết lịch sử thường rất éo le và khắc nghiệt, song lịch sử cũng nhiều khi thật đẹp. Hôm nay quả là một thời khắc đẹp như vậy. Trong thời khắc rất đẹp này, tôi nghĩ tôi sẽ phạm thiếu sót nếu không nói đến một người phụ nữ khác hôm nay cũng có mặt trong hội trường này, bà Leslie Bowen, và con gái của ông bà, Lyly Bowen hôm nay không có mặt, cái gia đình nhỏ ấm cúng ở thành phố Dorchester thanh bình ấy, nhiều nhà văn Việt Nam chúng tôi từng biết, trong nhiều chục năm đã là một pháo đài vô cùng kiên cường chống lại mọi uy hiếp thâm hiểm và đen tối, kể cả uy hiếp đến tính mạng, của các lực lượng cực đoan chống lại chủ trương và hành động hoà giải tích cực và đầy hiệu lực của Trung tâm William Joiner do Kevin Bowen dũng cảm và tài năng đứng đầu, cùng các đồng sự cũng dũng cảm không kém của ông, trong đó không thể không nhắc đến tên nhà thơ và dịch giả Nguyễn Bá Chung. Kevin đã nói cám ơn, cám ơn, cám ơn! Chúng ta cũng muốn nói với ông nhiều hơn nữa, hơn nữa: cám ơn, cám ơn, cám ơn, cám ơn, cám ơn!

Thưa …

Chúng ta còn nhớ năm ngoái Giải thưởng dịch thuật đã được trao cho một dịch giả tài năng mà ẩn danh, anh Lê Anh Minh, người đã để hàng chục năm lẳng lặng và hết sức công phu dịch tác phẩm quan trọng nhất về lịch sử triết học Trung Quốc của Phùng Hũu Lan. Năm nay chúng ta lại gặp một người như thế, anh Nguyễn Đôn Phước, tuy không “ẩn danh” bằng, nhưng cũng đã lẳng lặng để gần chục năm trời dịch một loạt tác phẩm kinh tế quan trọng và để im trong ngăn kéo của mình, thỉnh thoảng lại giở ra, cẩn thận rà soát lại, cho đến hoàn thiện. Đến năm 2007 khi anh cho ra đời dịch phẩm đầu tiên, cuốn Từ điển phân tích kinh tế của Guerrien, rồi dồn dập một loạt tác phẩm quan trọng khác: Chủ nghĩa tự do của Hayek (Dostaler), Tư tưởng kinh tế kể từ Keynes (Beau và Dostaler), Ngân Hàng thế giới (Cling, Razafindrakoto và Roubaud), Giải Nobel kinh tế (Colliard và Travers), Kinh tế học tổ chức (Ménard), Xã hội học tiền bạc (Blic và Lazarus), Đạo đức trong kinh tế (Vergara), Kinh tế học doanh nghiệp (Bouba-Olga), Kinh tế học môi trường (Bontems và Rotillon) … thì ta có thể nhận ra ý đồ nghiêm trang và to lớn, lâu dài của anh: anh muốn góp phần vào công cuộc khai sáng chung từ một góc độ nhỏ mà anh đã chọn lựa, như anh vừa nói: “không chỉ giải mã những biệt ngữ cho người nhập môn vào lĩnh vực kinh tế trong phát triển đất nước ngày nay, mà còn muốn cung cấp hành trang tối thiểu để người sử dụng, với tư cách công dân, có thể tham gia hay ít nhất cũng theo dõi được những cuộc tranh luận tự do trong không gian công cộng, hầu giúp hình thành chủ kiến có cơ sở và có cân nhắc…” Nghĩa là góp phần xây dựng những con người tự chủ, trên một lĩnh vực quan trọng, cho một xã hội phát triển vững chắc, lâu dài … Chúng ta còn được biết tên một loạt dịch phẩm của anh sắp ra mắt ở nhà xuất bản Tri Thức: Từ điển các khoa học kinh tế (Jessua, Labrousse và Vitry), Phưong pháp luận kinh tế (Mouchot), Những lý thuyết mới về doanh nghiệp (Coriat và Weinstein), Chính sách các số lớn (Desrosière), Bài khai giảng (Duflo); và một loạt bản thảo nữa đang còn nằm trong ngăn kéo của anh: Kinh tế học vĩ mô hiện đại (Snowdon, Vane và Wynarczyk), Phỏng vấn các nhà kinh tế Mỹ (Klamer), Kinh tế học vĩ mô mới (Cahuc)… Quả không quá đáng khi nói rằng anh Nguyễn Đôn Phước đã làm được và đang tiếp tục làm một công việc khổng lồ. Xin chúc mừng anh, và cũng xin nói độc giả đang rất mong đợi anh.

Dịch giả Phạm Văn Thiều chọn cho mình một góc độ khác để đóng góp vào khai hoá chung. Nhân đây chúng tôi cũng xin nói rõ khi xem xét các giải thưởng về dịch thuật, Hội đồng Khoa học của Quỹ đặc biệt chú ý đến hai tiêu chí: hướng chủ đề và giá trị của các tác phẩm được chọn để dịch, và chất lượng của dịch phẩm. Ở cả hai tiêu chí này Phạm Văn Thiều đều độc đáo và xuất sắc. Suốt hơn chục năm qua chúng ta đã được đọc một loạt tác phẩm phổ biến khoa học quan trọng và tuyệt vời của những tên tuổi lớn như Stephan Hawking, Brian Greene, Simon Greene, Werner Heisenberg, Trịnh Xuân Thuận …qua các bản dịch của anh. Vì sao Phạm Văn Thiều lại chọn khoa học tự nhiên, nhất là vật lý? Tất nhiên có phần vì chính anh là nhà vật lý, nắm chắc những vấn đề mới nhất của ngành khoa học này, song còn vì ngoài vẻ đẹp tự thân cùng với những tác động to lớn của nó làm thay đổi bộ mặt vật chất của thế giới, vật lý cũng đang làm thay đổi một cách kỳ lạ những hình mẫu tư duy của con người, và trong tác động qua lại với hầu hết các hoạt động trí tuệ của con người, như thiên văn học, toán học, triết học, tôn giáo  và thậm chí cả ... nghệ thuật nữa, như chính anh nói sau khi hoàn thành bản dịch tác phẩm Nguồn gốc của Trịnh Xuân Thuận, “sự hiện hữu của chúng ta hôm nay để bàn về các nguồn gốc vũ trụ đã phải trải qua một chặng đường dài dằng dặc, đầy những bất trắc, bắt đầu từ vụ nổ lớn Big Bang cực nóng, cực đặc và cực nhỏ xảy ra vào khoảng 14 tỉ năm trước và kết thúc ở sự xuất hiện con người có trí tuệ, biết chiêm ngưỡng vẻ đẹp của vũ trụ, biết đặt câu hỏi và tìm câu trả lời về nguồn gốc của mình và mang lại cho vũ trụ một ý nghĩa… Cuộc sống hiện đại với rất nhiều sức ép của nó đã khiến đa số chúng ta mải mê theo đuổi những tham vọng trần tục, chẳng còn thì giờ đâu để suy ngẫm về chính bản thân mình cũng như nguồn gốc của mình. Con người là báu vật mà tự nhiên đã biết bao khó nhọc mới tạo được ra nhưng cũng rất nhỏ nhoi trong khoảng mênh mông vô tận của vũ trụ. Hãy dành thời gian để suy ngẫm, để sống nhân ái và bao dung với đồng loại để xứng đáng với ân huệ to lớn mà tự nhiên đã ban tặng chúng ta…”. Và thật sự tài năng, anh đã chuyển đến cho chúng ta chất nhân văn, ý nghĩa đạo đức và chất thơ thâm trầm và sâu thẳm của vật lý hiện đại trong những bước tiến mũi nhọn ngày càng kỳ lạ của nó.

Giải thưởng Nghiên cứu năm nay được trao cho nhà phê bình Lại Nguyên Ân về những thành tựu trong một lĩnh vực rất quan trọng một khoa học lớn và nghiêm túc của nghiên cứu văn học, mà tiếc thay ở ta, do thiếu một quan niệm đúng đắn của xã hội, trước hết là của học giới, nó hầu như đã hoàn toàn bị bỏ quên: lĩnh vực văn bản học, công phu và kiên trì tìm kiếm, khôi phục các văn bản gốc, văn bản chuẩn, các dị bản, qua đó không chỉ giúp lý giải các câu hỏi về quá trình sáng tạo của nhà văn, mà còn minh giải được đời sống tinh thần của thời đại mà văn bản đó, nhà văn đó hiện hữu, cho và nhận. Thậm chí, còn rộng lớn hơn, nhiều khi nó còn cho phép nhận diện trở lại một cách đúng đắn, công bằng lịch sử, những sự kiện và những khuôn mặt lịch sử, và do vậy lại mang tính cập nhật một cách bất ngờ và sâu sắc. Chỉ xin nói chẳng hạn công trình nghiên cứu của Lại Nguyên Ân về Phan Khôi. Trong hơn mười năm, và đến nay vẫn còn tiếp tục, anh đã lẳng lặng làm một công việc to lớn: hết sức công phu, nhẫn nại, tỉ mỉ, bằng một phương pháp làm việc có tính khoa học chặt chẽ, với một trình độ học vấn cao, một vốn tri thức nhân văn sâu rộng, anh không chỉ đã sưu tầm được mà còn chuẩn bị văn bản hoàn chỉnh, cũng là một khâu đòi hỏi sức làm việc hết sức tinh tế, để công bố cho đến nay toàn bộ tác phẩm báo chí của Phan Khôi từ năm 1828 đến năm 1932, thành 5 tập dày trên 4000 trang, khôi phục lại cho ta không chỉ khuôn mặt một trong những nhà báo lớn nhất của Việt Nam, mà cả bức tranh xã hội chính trị văn hoá một thời quan trọng của lịch sử cận đại nước ta. Trao giải thưởng về nghiên cứu năm nay cho Lại Nguyên Ân chúng ta mong muốn thúc đẩy sự khôi phục ngành văn bản học, vốn là một khoa học nền tảng của xã hội học ở ta.

Năm ngoái, khi trao giải thưởng về Giáo dục cho Hồ Ngọc Đại, chúng ta đã nói rõ Giải thưởng của chúng ta là một giải thưởng có khuynh hướng, và chịu trách nhiệm rõ ràng về khuynh hướng đó. Năm nay chúng ta một lần nữa khẳng định tính khuynh hướng ấy trong lĩnh vực giáo dục bằng việc trao giải thưởng cho giáo sư đáng kính Hoàng Tụy, người không chỉ đã cống hiến trọn đời cho khoa học và giáo dục, là người thầy của nhiều thế hệ học trò ưu tú, mà còn, thật kỳ lạ, là con người luôn đứng đầu ở mũi nhọn của tư duy hiện đại, ở bất cứ tuổi nào, trong bất cứ lĩnh vực nào, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục mà ông coi là có tầm quan trọng đến mức sinh tử đối với đất nước, người kiên cường và kiên trì, với một sự cương trực mẫu mực, đấu tranh cho một cuộc cải cách giáo dục căn bản và cấp bách. Tôi xin phép được nói điều này: dường như ta có thể nhận ra ở nhà giáo dục Hoàng Tụy mà hôm nay chúng ta có vinh dự tôn vinh bóng dáng của một tinh thần Phan Châu Trinh, nhà canh tân và nhà cải cách giáo dục lớn cách đây một thế kỷ mà tổ chức chúng ta được vinh dự mang tên. Xin được nhắc lời thống thiết của ông: “Cải cách giáo dục mạnh mẽ, toàn diện, triệt để là giải pháp cứu nguy cho giáo dục, cũng là cứu nguy cho phẩm chất Việt Nam khi còn chưa quá trễ!


Thưa …

Trong quá trình làm giải thưởng năm nay, chúng tôi đã được sự chỉ đạo sáng suốt và chặt chẽ của bà Chủ tịch Nguyễn Thi Bình, đã được nhiều nhà văn hoá và khoa học giúp những ý kiến phản biện xác đáng. Thay mặt Hội đồng Khoa học, chúng tôi xin chân thành cám ơn bà Chủ tịch và các nhà phản biện. Xin chân thành cám ơn các nhà tài trợ đã đồng hành cùng chúng tôi trong sự nghiệp khiêm tốn mà quả thực nhiều khát vọng này của chúng ta. Xin cám ơn các nhà báo, các phương tiện truyền thông đã ủng hộ và giúp làm tăng ảnh hưởng của Giải thưởng trong xã hội. Xin cám ơn Khách sạn Rex tráng lệ đã tạo cho sự kiện văn hoá của chúng ta tối nay một không gian thật đầm ấm và thật đẹp. Xin cám ơn tất cả quý vị và các bạn.


Người quan họ lúc tiễn bạn có lời dặn dò nghĩa tình: “Nay người về, mai người lại sang chơi …”

Xin mời, đúng ngày này sang năm, “người lại sang chơi !”

Xin cám ơn.

Nguyên Ngọc


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
Sân khấu Hồng Hạc - Diễn viên hạng ba 03/01/2025 19:30 - 22:00 — Hoạ Sĩ Cà phê | 15 Phan Kế Bính, Quận 1, TPHCM
Sân khấu Hồng Hạc - Nếu anh còn được sống 07/01/2025 19:30 - 22:25 — Nhà Hát Thanh Niên
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us