Bạn đang ở: Trang chủ / Việt Nam / Gặp Hà Sĩ Phu ở Đà Lạt

Gặp Hà Sĩ Phu ở Đà Lạt

- Đoàn Giao Thuỷ — published 10/07/2007 00:03, cập nhật lần cuối 10/07/2007 00:03
Nói chuyện với Hà Sĩ Phu : ba điều bất cập của "phong trào dân chủ" hiện nay


Nói chuyện với HÀ SĨ PHU :

Ba điều bất cập

 

Đoàn Giao Thuỷ

 

 

1. Vừa xuống máy bay, về đến nhà ở Sài Gòn, một người bạn gọi điện thoại rủ tôi đi Đà Lạt (ĐL). Chuyến đi thật xa, thêm trời tháng sáu nóng oi bức, xe cộ ồn ào và bụi bặm làm tôi mệt nhoài, nên cũng muốn đi nghỉ và tìm yên tĩnh vài hôm. Lại có dịp thăm vài người bạn cũ. Vợ chồng anh Bảo Cự đã dọn nhà về lại ĐL. Trong nhật ký Tôi bày tỏ (1) anh có nhắc đến vài kỷ niệm vui buồn của chúng tôi vào những năm 1996-1997. Đã hơn mười năm rồi từ khi gặp anh lần đầu ở ĐL (2), bao nhiêu là thăng trầm trong cuộc sống, nên tôi cũng muốn ngồi với anh hàn huyên ôn lại sự kiện xưa… Thật ít khi được tĩnh tâm để “ hơn nửa đời nhìn lại ” !

hsp
Hà Sĩ Phu bên bờ hồ Xuân Hương (Đà Lạt)

Tôi nhận lời. Hai người bạn và tôi đón xe đò Thành Bưởi vào 11 giờ đêm; chúng tôi đến ĐL vào khoảng 5 giờ sáng hôm sau, khi ĐL vẫn còn ngủ yên trong sương mù. Chúng tôi đi bộ vòng quanh khu Dinh II ; trên các khu đồi phía sau, trước đây là rừng thông, nay nhà cửa san sát. Mấy ngọn đồi bên kia thung lũng đã thanh đồi trọc, chắc nay mai nhà ở sẽ mọc lên nhiều. ĐL có nhiều thay đổi, nhà cửa, đường phố… tươm tất hơn; hồ Xuân Hương đã được làm đẹp hơn so với lần đầu tôi đến hồi 1996. Thành phố miền cao nguyên này dường như vẫn giữ được hồn mình, tĩnh mịch, trầm buồn…

7 giờ sáng, chúng tôi đi đến khu chợ Hoà Bình tìm cà phê. Vừa gặp nhau, anh Bảo Cự cho biết đã hẹn anh Hà Sĩ Phu (HSP) đi ăn sáng. Tôi chưa có dịp gặp anh HSP, nên rất thích, song hơi lo lắng, vì đang có sự kiện được theo dõi là bài báo trên internet ghi lại cuộc nói chuyện qua điện thoại của anh với ông Lê Hồng Hà (3). Chúng tôi đến ăn sáng ở một nhà hàng nằm trên bờ hồ, và chọn một bàn ngồi ngoài trời, sát mép nước. Từ nhiều phía, mọi người đều có thể quan sát chúng tôi… Có vài sự kiện xảy ra chung quanh, nhưng các bạn ĐL bảo chúng tôi cứ nói chuyện bình thường.

 

2Lần đầu tiên gặp nhau, song như đã quen thân từ lâu. Câu chuyện giữa chúng tôi thật vui, hồn nhiên, thật thân mật, cởi mở, chân tình. Anh HSP hỏi thăm chúng tôi đủ điều, với nhiều chi tiết mà ít khi tôi nghĩ đến. Tôi hỏi thăm anh về sức khoẻ, sinh hoạt hàng ngày, đời sống vật chất và tinh thần… Anh cho biết vợ chồng anh sống tạm đủ cơm áo, song tinh thần thì thường căng thẳng, vì phải luôn đối phó, và phải cố gắng tìm thì giờ để đọc và viết. Quá nhiều chuyện để đọc, để học… Anh phàn nàn là người ta cứ liên lạc để kêu gọi, thúc giục anh tham gia vào tổ chức này, hội đoàn kia… Thấy chẳng thể làm điều gì ích lợi hơn vào lúc này, anh luôn từ chối. Với sức khoẻ ngày càng giảm và thời gian làm việc còn lại không nhiều, anh chỉ muốn cố gắng tập trung làm việc chính của mình, công việc của một người trí thức, một sĩ phu, bằng tư duy và trí tuệ về những vấn đề trọng đại của đất nước.

Chúng tôi trao đổi chuyện trong chuyện ngoài, chuyện Việt Nam chuyện thế giới, chân tình chia sẻ thông tin và suy nghĩ. Tôi thấy có sự đồng cảm với anh, khi anh phân tích về “ ba điều bất cập ” của “ phong trào dân chủ ” (4), nên xin phép anh được mạo muội ghi tóm lại đây, theo cách diễn đạt của tôi.

Theo anh Hà Sĩ Phu, ba điều bất cập này nảy sinh vì sự mất quân bình trong các mối quan hệ tương tác quan trọng.

Điều bất cập thứ nhất là từ mối quan hệ thật - ảo. Hiện nay hầu như hoạt động chỉ sôi nổi trên mạng internet. Đây là một phương tiện truyền thông chính của thời đại hiện nay, song internet cơ bản là một không gian ảo, chưa phù hợp và còn xa cách với đời sống thực tế của đại đa số dân Việt Nam. Từ đó, các hoạt động trên internet không có ảnh hưởng gì lớn trên nhiều tầng lớp dân chúng. Khuynh hướng thổi phồng thực tế, lấy ảo làm thật… dễ gây ảo tưởng.

Điều bất cập thứ hai là từ mối quan hệ trong - ngoài. Mọi sự thay đổi của đất nước phải xuất phát từ nhu cầu, đòi hỏi và vận động của người dân trong nước. Các biến cố và tổ chức phải sinh ra từ trong nước thì mới mang tính chính đáng để thu phục nhân tâm. Song hiện nay, hoạt động trong nước còn yếu, chưa đủ mạnh để sàng lọc và phát huy hết mặt ủng hộ tích cực từ bên ngoài nên thường bị động, bị bên ngoài chi phối, lôi kéo đi. Mà những yếu tố hải ngoại cũng đâu có đồng nhất; bên cạnh những yếu tố đáng quý cũng không thiếu những yếu tố quá khích, cũng phản dân chủ không khác gì sự độc đoán của chính quyền (5).

Điều bất cập thứ ba là từ mối quan hệ đạo - đời. Tôn giáo giữ vai trò quan trọng trong đời sống của dân Việt. Chùa, nhà thờ, nơi thờ phượng… là nơi sinh hoạt tâm linh ; các vị tu sĩ thường là chỗ dựa tinh thần của dân. Tiếng nói của các vị tu sĩ trước các sự kiện xã hội hay biến cố chính trị… thường được lắng nghe. Song khi các vị tu sĩ trực tiếp hoạt động chính trị, mà hoạt động ngoài “ đời ” còn rất non yếu, thì dù chính đáng, cũng không khỏi làm cho mối quan hệ đạo-đời mất quân bình.

Trong khi trò chuyện với chúng tôi về ba điều mất cân bằng này, anh HSP tỏ ra rất băn khoăn, e bị bè bạn hiểu lầm, nên cứ nhấn mạnh rằng ba yếu tố “ internet, hải ngoại và tôn giáo ” vốn là vô cùng quan trọng, nhưng khi ba yếu tố ấy làm chủ tình hình, mà ba yếu tố tương tác “ hiện thực, quốc nội và thế tục ” lại chưa phát triển tương xứng thì kết quả sẽ là dễ bị chủ quan, dễ phạm sai lầm, xa rời thực tế và sẽ thất bại.

Mấy điều bất cập, muôn vàn khó khăn ! Chúng tôi ngồi với nhau đã ba giờ. Anh HSP phải về nhà, chúng tôi chia tay và anh không giấu nỗi lo lắng cho tương lai. Khi kinh tế phát triển, ai cũng lao vào cơn lốc kiếm tiền. Trong xã hội hiện nay, đồng tiền chi phối tất cả ; đồng tiền giúp cải thiện đời sống, song đồng tiền thường không là bạn của đòi hỏi, nhu cầu dân chủ… Tôi tự hỏi, liệu sẽ còn có bao nhiêu “ sĩ phu ” trong các thế hệ mai sau ? (6)

Đà Lạt tháng sáu trời mưa lớn. Tôi về nhà bình yên, song thấy không vui. Nước ta nó thế sao, luôn đầy chuyện bất cập !

 

Đoàn Giao Thuỷ

Sài Gòn, tháng 6/2007




(1) Tiêu Dao Bảo Cự, Tôi bày tỏ, trên mạng talawas, 2006. Nhật ký này được chuyển thể và đưa vào tác phẩm Mảnh trời xanh trên thung lũng, Văn Mới, California, 2007.

(2) Bài trao đổi với Tiêu Dao Bảo Cự về cuốn sách Nửa đời nhìn lại, đăng trên báo Diễn Đàn, 1996.

(3) Xem Diễn Đàn

(4) Tôi xin được để mấy chữ này trong ngoặc kép ; xin tạm gọi như vậy cho dễ hiểu, chứ thực tế có phong trào hay không là việc khác.

(5) Càng bất cập hơn cho mối quan hệ trong-ngoài là khi các vị đại sứ, lãnh sự của các nước ngoài tự cho mình quyền chọn lựa, thậm chí chỉ định ai là người “đại diện” cho phong trào (trong lẫn ngoài) !

(6) Khi chúng tôi gặp nhau ở ĐL, bài trao đổi của Lữ Phương với Hà Sĩ Phu chưa đăng trên Diễn Đàn

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
Dang Thai Son en concert 08/01/2025 - 17/01/2025 — Paris, Nantes, Lyon, Aix-en-Provence, Genève
Odéon Théâtre de l'Europe - En janvier à l'Odéon 09/01/2025 - 07/02/2025 — Berthier 17e, Odéon 6e
Conservatoire de musique de Vitry-sur-Seine - Haydn & Schubert, de l'Instant à l'Eternité ... 17/01/2025 20:00 - 22:00 — 71 Rue Camille Groult, 94400 Vitry-sur-Seine
LES LARMES D'ASTYANAX - Olivier Dhénin Hữu 31/01/2025 - 02/02/2025 — Théâtre du lycée Jacques Decour | 12 Avenue Trudaine | 75009 Paris
Festival cinéma - Si loin si proche 2025 06/02/2025 - 09/02/2025 — La Ferme du Buisson, allée de la ferme, 77186 Noisiel - (RER A - Noisiel)
France-Vietnam : un portail entre les cultures - La mémoire vietnamienne en filigrane. Étude de Paris, qu’as-tu fait de nous ? de Pham Van Ky 06/02/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
Inalco : L'économie vietnamienne en 2024 et ses perspectives 06/02/2025 18:00 - 20:00 — 65 Rue des Grands Moulins, 75013 Paris | Amphi 2
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Le développement d’une culture de contestation anti-coloniale publique à Saigon par le moyen d’une presse autonome (1900-1930) 13/03/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - La génération des néologismes sino-vietnamiens dans la circulation culturelle de la sphère sino-graphique sous l’influence de l’Occident au tournant du XXe siècle 03/04/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Sujets et séjournants. Une nouvelle histoire des indochinois en France 15/05/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Transferts du modèle français à la description de la grammaire vietnamienne 05/06/2025 16:30 - 18:00 — BnF site François-Mitterrand | Salle 70 ou via ZOOM
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us