Bạn đang ở: Trang chủ / Việt Nam / Giải Fields ("Nobel toán học") 2010 cho Ngô Bảo Châu

Giải Fields ("Nobel toán học") 2010 cho Ngô Bảo Châu

- P. Q. — published 19/08/2010 10:22, cập nhật lần cuối 19/08/2010 13:17


Ngô Bảo Châu nhận giải Fields



Ngày 19.8.2010 trong phiên họp khai mạc của Đại hội Quốc tế Toán học họp tại Hyderabad (Ấn Độ), Ngô Bảo Châu đã nhận huân chương Fields dành cho những nhà toán học dưới 40 tuổi có công trình kiệt xuất. Cùng với nhà toán học Việt Nam, ba nhà toán học đã được vinh danh : Elon Lindenstrauss (Israel), Stanislav Smirnov (Nga) và Cédric Villani (Pháp).

E. Lindenstrauss (sinh năm 1970) là chuyên gia về lí thuyết ergodic của các hệ thống động học. Stanislav Smirnov (sinh năm 1970, người Nga, giáo sư Trường đại học Genève) đã chứng minh "ước đoán của Benoit Mandelbrot" về "kích thước Hausdorff" liên quan tới vận động Brown. Cédric Villani (sinh năm 1973, giám đốc Viện toán học Henri Poincaré, Paris) nghiên cứu trong lãnh vực giải tích học, cụ thể là dùng toán học để giải quyết những bài toán về động học chất khí và lí thuyết vận chuyển.

nbc

Ngô Bảo Châu (sinh năm 1972 tại Việt Nam), học tiểu học và trung học ở Hà Nội. Theo học đại học ở Paris (Paris VI và Ecole Normale Supérieure). Chuẩn bị và bảo vệ luận án toán học năm 1997 tại TĐH Paris Sud (Orsay).  Nghiên cứu viên CNRS - TĐH Paris Nord (1998-2004),  Giáo sư TĐH Paris Sud / Orsay (2005), Thành viên Institute for Advanced Study / Princeton (2008), Giáo sư TĐH Chicago (2010). Công trình lớn của Ngô Bảo Châu là đã chứng minh Bổ đề cơ bản của Langlands trong các algebra của Lie (2008). Trước đó (2004), Ngô Bảo Châu đã được giải Clay sau khi chứng minh bổ đề này cho các nhóm unita. "Chương trình Langlands", lãnh vực nghiên cứu của Ngô Bảo Châu, là một công trình đồ sộ nhằm thống nhất số học và hình học.

Ngô Bảo Châu là nhà toán học Việt Nam đầu tiên nhận giải thưởng Fields (được coi là giải Nobel về toán học). Anh có hai quốc tịch : Việt Nam và Pháp (theo Hội toán học Pháp, anh có thêm quốc tịch Pháp từ đầu năm nay).

Làm việc và giảng dạy ở Pháp và Mỹ, Ngô Bảo Châu vẫn thường xuyên về nước, hướng dẫn sinh viên chuẩn bị luận án tiến sĩ. Mặt khác, mỗi khi cần thiết (thí dụ như trong vụ khai thác mỏ bô-xít ở Tây Nguyên), anh đã ký kiến nghị và lên tiếng phản đối (xem Thư gửi Quốc hội).

Giải Fields cho Ngô Bảo Châu là niềm tự hào lớn cho mọi người Việt Nam. Chúng tôi tin rằng nó sẽ khơi dậy trong tuổi trẻ Việt Nam niềm say mê khoa học và ý thức công dân, hai yếu tố hết sức cần thiết để xây dựng đất nước, trong lúc nền giáo dục Việt Nam đang lún sâu vào một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng.

Tiếc rằng những người trách nhiệm trong chính quyền, trước hết là ông Nguyễn Thiện Nhân (phó thủ tướng, nguyên bộ trưởng bộ giáo dục) hoàn toàn không có ý thức được sự nghiêm trọng ấy, mà chỉ quanh quẩn mấy trò ma giáo trẻ con (đến thăm nhà Ngô Bảo Châu, đặt tay lên đầu gối một cách suồng sã, rồi trơ trẽn hơn nữa : lấy bút máy quen dùng của mình ra tặng, và tặng luôn cả cái nhà, hay đúng hơn, làm người đưa thư cho một đại gia chúa đảo Tuần Châu). 

Như đoàn lữ hành trong sa mạc, tuổi trẻ Việt Nam sẽ bỏ qua những trò khôn vặt ấy để tiến lên. 

P. Q.

Bài liên quan :

1/ Bài viết ký tên Đ.T. (Chuyên gia về số học, Giáo sư đại học Besançon và biên tập viên Diễn Đàn) đăng trên Diễn Đàn số 146, tháng 12.2004, nhân dịp Ngô Bảo Châu được giải Clay 2004, tóm tắt (một cách tương đối "dễ hiểu" !) ý nghĩa toán học của "chương trình Langlands" và những bước tiến trong 30 năm qua trong nỗ lực chứng minh "bổ đề cơ bản", một cột mốc phải vượt qua trong chương trình này. Xin nhắc lại, trong công trình được giải Clay này, NBC cùng với người thầy của mình là giáo sư Gérard  Laumon (đại học Paris XI) đã chứng minh được "bổ đề cơ bản" cho các "nhóm unita". Một học trò khác của giáo sư Gérard  Laumon, Laurent Lafforgue, cũng đã được giải Fields năm 2004 với một công trình trong "chương trình Landglands". Học trò đầu tiên của Lafforgue là Ngô Đắc Tuấn, người từng đoạt huy chương vàng 2 lần thi Olympic Toán quốc tế năm 1995 và 1996, hiện nay đang làm việc tại Đại học Paris 13.

2/ Bài phỏng vấn NBC trên Diễn Đàn số 148, tháng 2.2005, trong đó NBC ngoài một vài thông tin về quá trình đào tạo của mình, đã nói lên một số ý kiến về giáo dục đại học Việt Nam (dĩ nhiên chẳng được các ngài bộ, thứ trưởng giáo dục nào thèm lắng nghe!), về việc học và nghiên cứu toán học v.v.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Yda: Un court-métrage Hanoi - Warszawa 29/11/2024 19:00 - 21:00 — Médiathèque Jean-Pierre Melville, 79 rue Nationale, Paris 75013, M° Olympiades
Les Accords de Genève, espoirs et désillusions au cœur de la guerre froide. De l’indépendance à la division du Vietnam 11/12/2024 16:30 - 18:00 — Bibliothèque François-Mitterrand, Quai François Mauriac - 75706 Paris Cedex 13
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us