Bạn đang ở: Trang chủ / Việt Nam / Giải thưởng toán học: cay đắng và thất vọng

Giải thưởng toán học: cay đắng và thất vọng

- Đặng Đình Cung — published 07/03/2012 23:00, cập nhật lần cuối 07/03/2012 18:00

Giải thưởng toán học :
Cay đắng và thất vọng


ĐẶNG Đình Cung

Kỹ sư tư vấn


Gần đây phó chủ tịch Trung Quốc, ngài Tập Cận Bình, sang thăm Việt Nam. Chúng tôi hy vọng ông đã được quan chức nước ta giới thiệu GS Hoàng Tụy, giải Constantin Caratheodory, và GS Ngô Bảo Châu, huy chương Fields. Chúng tôi hy vọng sau chuyến công du ông nhận thấy nước ông mặc dù dân đông tới một phần năm nhân loại nhưng không có tới một giải Nobel khoa học nàoi. Và chúng tôi cũng hy vọng, khi lên làm tổng bí thư, ông sẽ ra lệnh hải quân nước ông thận trọng ngưng gây hấn ở Biển Đông.

Ngoài việc có thể đã ngăn cản một chiến tranh nữa với Trung Quốc, hai vị giáo sư Hoàng Tụy và Ngô Bảo Châu còn có đóng góp lớn vào việc phát triển toán học Việt Nam. Nếu Viện Nghiên cứu Cao cấp về Toán (VIASM) được thành lập là nhờ GS Ngô Bảo Châu được huy chương Fields. Cụ thể và bền vững hơn nữa là ngoài xã hội sẽ có nhiều trẻ em noi gương đàn chú bác mà quan tâm đến toán học. Công nghệ thông tin nước ta phát triển rất mau và chúng ta có thể là một cường quốc về ngành này trong vài năm sắp tới. Nguyên do chỉ vì khi xưa có một người Việt tên là André Trương Trọng Thi sáng chế ra máy vi tính và vị này đã trở nên một thần tượng ở nước ta. Nếu chúng ta có một Michel Plantini hay một Zinédine Zidane thì chắc chắn thường xuyên sẽ có những trận đá bóng khắp đầu đường ngõ chợ và nghề cảnh sát giao thông sẽ là nghề vất vả nhất ở Việt Nam. Với hai vị trong ngành toán học được vinh danh năm 2010, thế hệ đang lên sẽ tự phát sinh một số lớn nhân tài cho ngành toán học.

Tuy nhiên, vinh danh quốc tế của hai vị giáo sư này làm tôi cảm thấy cay đắng và thất vọng như một người si tình không được đáp ân.

Công trình nghiên cứu của GS Hoàng Tụy về tối ưu toàn cục là những đóng góp rất lớn cho bộ môn toán học và, nói chung, cho tất cả các môn khoa học ‒kỹ thuật khác. Toán học là một số kiến thức về lý luận logic dựa trên những số, hình, kết cấu và phép biến đổi những đối tượng đó. Mặc dù kết quả nghiên cứu toán học chỉ là những chân lý trừu tượng, nhưng chúng được áp dụng trong tất cả các khía cạnh của đời sống. Những phương pháp của lý thuyết xác suất (probability), tối ưu (optimization) và hệ thống chuyển động (dynamic systems) áp dụng trong các ngành khoa học, kỹ thuật, kinh tế và chính trị được gom lại trong một bộ môn gọi là vận trù học. Ở Hoa‒Kỳ có khi người ta gọi là quản lý học (management science) hay quyết định học (decision science).

Qua kinh nghiệm cá nhân, chúng tôi đồng tình với GS Hoàng Tụy và xin chia sẻ cay đắng của giáo sư. "Việt Nam chính là nơi có những đóng góp cơ bản, sơ khai nhất cho toán học tối ưu toàn cục và trải qua 40 năm, nó đã được áp dụng khá rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới. Trong khi đó ở Việt Nam, mặc dù chúng tôi đã có nhiều cố gắng vận động nhưng vẫn không được ủng hộ. Tôi đã không làm được gì và cảm thấy hơi cay đắng. [...] Mình lập ra một ngành học, nước ngoài phát triển được, dùng được, ứng dụng được, nhưng ở trong nước không được ủng hộ, thậm chí không được đánh giá tốt nên tôi thấy rất buồn"ii.

Cuối thập niên 1960, chúng tôi học ở Mines de Paris (Trường Cao đẳng Kỹ sư Mỏ ở Paris). Hồi đó miền Nam nước ta bị quân đội Mỹ chiếm đóng. Để tham gia giải phóng hoàn toàn đất nước cùng với MTDTGPMN, chính phủ VNDCCH gửi quân đội và vũ khí vào Nam qua những tuyến đường gọi chung là Đường Mòn Hồ Chí Minh. Người chỉ huy quân đội Mỹ kiềm chế mạng giao thông này là Robert McNamara, bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ. Thời Đệ nhị Thế chiến, ông này đã dùng những công cụ vận trù để tổ chức những đoàn tầu hàng tiếp tế Anh Quốc qua Bắc Đại Tây Dương sao cho đỡ bị tầu ngầm Đức bắn chìm. Chúng tôi cũng nghe thấy ở miền Bắc có một vị nghiên cứu vận trù học mà sau này tôi mới biết tên là Hoàng Tụy. Chúng tôi suy ra vị này chắc được chính phủ nhờ quy hoạch những tuyến vận tải tiếp viện miền Nam. Chúng tôi mơ ước sau khi tốt nghiệp sẽ được vinh dự làm cộng sự viên cho vị này và ngày đêm tôi mải miết học môn vận trù học. Như chúng tôi đã có dịp kể, vì các thày bắt học nhiều và khó quá, chúng tôi theo không nổi và suýt nữa thì ra trường mà không có bằngiii. May mắn thay, chúng tôi được vớt nhờ điểm cao về môn vận trù học. Sau khi tốt nghiệp và trong suốt đời nghề chúng tôi hàng ngày đã phải dùng những công cụ vận trù để tìm một tối ưu cho những vấn đề chúng tôi phải giải quyết. Kiến thức về mỗi ngành khoa học của một kỹ sư chỉ đủ để đưa vào áp dụng kết quả nghiên cứu của người khác. Rất có thể chúng tôi đã vô tình áp dụng những kết quả nghiên cứu của GS Hoàng Tụy mà không biết. Điều mà chúng tôi biết chắc là trong 12 năm làm tư vấn về chiến lược và quản lý công nghiệp chúng tôi đã dùng vận trù học để mang lợi cho mỗi khách hàng cả triệu euros. Hỡi ôi, những gì đã học, những kinh nghiệm đã tích lũy không bao giờ chúng tôi được dịp dùng để giúp nước mẹ đẻ.

Nếu giải Constantin Caratheodory của GS Hoàng Tụy làm chúng tôi cay đắng thì huy chương Fields của GS Ngô Bảo Châu làm chúng tôi có nhiều lý do thất vọng.

"Nếu có gì có thể nói là kinh nghiệm cho người trẻ thì theo tôi, phải có một đam mê thực sự, có mơ ước và luôn luôn cố gắng thực hiện mơ ước ấy, dù hoàn cảnh khó khăn, có rủi ro. Thứ hai là phải có niềm tin. Đó là phẩm chất rất quan trọng của người làm khoa học, phải tin việc mình làm không vô ích"iv. Đó là những đặc tính phân biệt một nghiên cứu sư thường và một nghiên cứu sư đặc biệt, được quốc tế vinh danh. GS Ngô Bảo Châu đã có những đặc tính đó từ thuở bé. Nhưng những đặc tính đó cần có một môi trường học hỏi và nghiên cứu thuận tiện thì mới sinh ra được những nghiên cứu sư đặc biệt. Môi trường để phát huy tài năng của mình thì du học sinh Ngô Bảo Châu đã tìm thấy ở Ecole Normale Superieure (Trường Cao đẳng Sư phạm) của Pháp chứ không phải ở một trung tâm nghiên cứu nào của Việt Nam. Trước khi du học sinh này nổi tiếng thì ở nước ta không có cơ sở nghiên cứu khoa học ‒ kỹ thuật (NCKHKT) nào tạo ra môi trường thuận tiện đó cả. Việc chính phủ thành lập VIASM là một tin đáng mừng. Nhưng giới NCKHKT phải chờ đến bao giờ thì chính phủ mới thành lập những Viện Nghiên cứu Cao cấp về Hóa học, Vật lý và Y khoa ? Liệu chúng tôi phải cầu cho một người bất đồng chính kiến nhận giải Nobel Hòa bình để nước ta có được một Viện Nghiên cứu về Dân chủ học à ? Hay là chính phủ coi những môn này không cần thiết cho đất nước ?

Cắt hơn 650 tỷ đồng cho VIASM mà chỉ đòi hỏi chung chung, tăng tỷ lệ giảng viên toán có bằng tiến sĩ ở các trường đại học lớn lên 70 %, tăng số lượng công trình công bố quốc tế so với năm 2010 và đưa vị thế của toán học Việt Nam trên trường quốc tế lên hàng thứ 40 là một quyết định kỳ dịv. Người thì nói rằng số tiền đó quá lớn, kẻ thì nói là không đủvi. Đầu tư mà không có định hướng thì một xu cũng đã là phí phạm rồi.

Số lượng tiến sĩ và công trình công bố quốc tế đâu phải là chỉ báo của sức mạnh khoa học ‒ kỹ thuật của một quốc gia hay của một trung tâm NCKHKT. Quan trọng là những tiến-sĩ đó và những công-trình đó có gắn bó chặt chẽ với ý-đồ phát-triển khoa học ‒ kỹ thuật của quốc-gia đó hay không. Cơ quan nào dựa vào đâu để xếp chúng ta vào hạng 50/55 về toán học ? Chính phủ đang chạy theo một thứ hạng hão huyền thay vì ra lệnh cho VIASM nghiên cứu những đề tài hữu ích cho đất nước. Một trường đại học hay một cơ sở NCKHKT có tiếng tăm, được coi là giỏi, là một nơi mà những thày giỏi nhận đến nghiên cứu giảng dậy và học sinh giỏi tranh nhau ghi tên học.

Có người biện luận rằng không thể áp đặt những đề tài nghiên cứu vì phải để cho các nghiên cứu sư tự do nghiên cứu thì họ mới phát huy được tài năng của họ. Trong ngành NCKHKT người ta phân biệt nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu áp dụng. Đại khái thì nghiên cứu cơ bản trong một ngành khoa học có mục đích làm cho ngành đó tiến bộ còn nghiên cứu áp dụng có mục đích làm cho các ngành khoa học ‒ kỹ thuật khác tiến bộ. Chúng tôi thú thật không nắm rõ nội dung và giá trị những công trình nghiên cứu của các huy chương Fields hay giải Nobel và nếu các vị này làm phúc bỏ thì giờ dậy riêng cho chúng tôi thì chắc chúng tôi cũng không hiểu gì cả. Theo các bài báo phổ cập khoa học thì năm 2010 có bốn vị đồng chia sẻ huy chương Fields. Đề tài nghiên cứu của ba vị, GS Ngô Bảo Châu, GS Elon Lindenstrauss và GS Stanislav Smirnov, liên quan đến toán học cơ bản. Đề tài của GS Cedric Villani thì nhằm giải quyết một số vấn đề vật lý khí động học (gaz kinetics) và lý thuyết vận chuyển (transport theory). Năm 1950, GS Laurent Schwartz, một người bạn quý của Việt Nam, được huy chương Fields vì đã hiến cho môn vật lý một bước tiến nhẩy vọt với lý thuyết phân bổ (distribution hay là generalized functions). Chúng tôi đã nêu ở trên giải Constantin Caratheodory của GS Hoàng Tụy với đóng góp lớn lao cho ngành hậu cần.

Chúng tôi tôn trọng tự do nghiên cứu của những nghiên cứu sư nên không trách GS Ngô Bảo Châu đã chọn một đề tài nghiên cứu cơ bản. Công trình của giáo sư đã gia tăng kho kiến thức của nhân loại và đã mang lại vinh quang cho nước Việt Nam, vinh quang mà cả nước đều hãnh diện chia sẻ. Nhưng chúng tôi trách chính phủ đã không hướng dẫn du học sinh Ngô Bảo Châu đến những đề tài liên quan trực tiếp tới bát cơm manh áo của người dân Việt Nam. Một khi được gửi đi học ở ngoại quốc, chưa chắc gì một du học sinh sẽ quan tâm đến một đề tài nghiên cứu ưu tiên của chính phủ và dù em đó nghiên cứu theo định hướng của chính phủ chăng nữa thì cũng chưa chắc em sẽ trở thành một nghiên cứu sư được quốc tế vinh danh. Đó là những bất trắc mà chúng ta phải chấp nhận thôi. Nhưng một chính phủ, nhất là chính phủ một nước nghèo như nước ta, đâu có thể để cho một sinh viên đi du học mà lại không nhắn em đó nên học gì, nên nghiên cứu gì cho thích hợp với kế hoạch NCKHKT của chính-phủvii.

Những thành tích của GS Hoàng Tụy làm chúng tôi cay đắng vì những kết quả nghiên cứu của người Việt Nam được quốc tế trọng dụng nhưng không được áp dụng ở Việt Nam. Việc thành lập VIASM sau khi GS Ngô Bảo Châu được huy chương Fields làm chúng tôi thất vọng vì nhận thấy chính phủ không có nghị lực đủ mạnh và tầm nhìn đủ cao đủ rộng để đưa ngành NCKHKT tham gia vào công cuộc phát triển kinh tế ‒ xã hội của đất nước.


Đặng Đình Cung


Xem ý kiến phản biện của Hà Dương Tường tại đây.


i GS Hoàng Tụy và GS Ngô Bảo Châu là công dân Việt Nam, có quốc tịch và giấy tùy thân Việt Nam, chứ không phải là Việt Kiều đã bị tước hay đã từ bỏ quốc tịch gốc. Có người gốc Hoa được giải Nobel. Người duy nhất vẫn còn mang quốc tịch Trung Quốc là Lưu Hiểu Ba, giải Nobel Hòa bình năm 2010. Vị này hiện đang ở tù vì bất đồng chính kiến với nhà cầm quyền Bắc Kinh.

iii Thày tôi giáo sư Maurice Allais, đăng trên Sài Gòn Tiếp thị năm 2010.

v Quyết định 1483/QĐ TTg ngày 17 tháng tám 2010 : "Phê duyệt Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2010 đến 2020".

vii Vấn đề này gây tranh cãi giữa đa số nghiên cứu sư trên thế giới và cơ quan trài trợ họ. Bài này phản ảnh quan điểm của chúng tôi qua kinh nghiệm về quản lý chiến lược công nghệ. Chúng tôi sẽ trình bầy kỹ hơn vào một dịp khác.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us