Bạn đang ở: Trang chủ / Việt Nam / Giàn khoan HD đã rút nhưng vấn đề vẫn còn đó

Giàn khoan HD đã rút nhưng vấn đề vẫn còn đó

- Bùi Đức Lại — published 11/08/2014 10:32, cập nhật lần cuối 11/08/2014 10:32


Giàn khoan HD đã rút
nhưng vấn đề vẫn còn đó


Bùi Đức Lại


Bây giờ, khi cái giàn khoan HD 981 ấy đã rút đi, nó trở lại đơn thuần là một công cụ kỹ thuật, tài sản của một công ty nào đó. Nhưng cái tên HD 981 đã trở thành một biểu tượng cho một bước mới trong chính sách bành trướng thâm độc và trắng trợn của Trung Hoa trong quan hệ với Việt Nam nhằm mưu đồ độc chiếm Biển Đông. Dù cùng với việc ngang nhiên đưa giàn khoan vào nằm sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam suốt hai tháng trời Trung Hoa đã triển khai một chiến dịch xuyên tạc,  đổi trắng thay đen trên mặt trận ngoại giao và truyền thông, nhưng họ đã không tìm được sự đồng tình nào trên thế giới. Trái lại, sự kiện này  đã kích hoạt lòng yêu nước và tinh thần cảnh giác của người Việt trước hiểm họa từ phương bắc, đã  đánh thức một bộ phận dư luận thế giới còn mơ hồ về một nước Trung Hoa trỗi dậy hòa bình mà không thấy mối  đe dọa đang  dần hiển hiện trong “giấc mơ Trung Hoa”, mà thực chất là mưu toan giành bằng được địa vị đứng đầu thế giới trong  vị trí “con trời” như trong tư duy truyền thống của họ.


Bây giờ thì các ông chủ của nó đang kiểm kê  cái  được, cái mất của nước đi này trên bàn cờ chiến lược của họ và chuẩn bị cho những bước đi mới. Đã hiểu  phong cách lâu đời của nước này, luôn luôn vỗ ngực “như ta đây” khi bước ra sân khấu công khai, không bao giờ chịu thừa nhận thất bại, người ta không căn cứ vào những lời tuyên bố của họ để đánh giá sự việc.


Nhưng rút giàn khoan “không kèn không trống” rõ ràng là một bước xuống thang. Người ta có thể có những ý kiến khác nhau về nguyên nhân và ý nghĩa của bước đi này, nhưng dường như không ai cho rằng Trung Hoa thay đổi chính sách  cùng với nó. Trái lại người ta càng cảnh giác hơn, tỉnh táo và  sẵn sàng hơn chờ đón những bước đi hung hiểm và xảo quyệt sắp tới của nước này. Không những thế, người ta đã nhận thấy  không thể chỉ thụ động đối phó với từng bước đi cụ thể mà  cần thấy rõ “quyết tâm chiến lược”,  phán đoán đúng những đòn đánh sắp tới của họ để giành lấy thế chủ động trong việc bảo vệ mình.


Đưa giàn khoan vào và rút giàn khoan ra là hai bước của một sự kiện. Không ai khác ngoài Trung Hoa có thể đánh giá đầy đủ việc “đưa vào” đã đạt được đến đâu những mục tiêu dự liệu; nhưng rõ ràng là nó đã gây ra những bất lợi nhất định cho Trung Hoa. Nhưng nếu việc “rút ra” lại có tác dụng ru ngủ  những nạn nhân của họ, khiến họ yên tâm hài lòng với để nghe những lời vỗ về ngọt nhạt hoặc  mất tinh thần vì những lời dọa dẫm, khiến họ bị phân tâm và chia rẽ, ngập ngừng trong việc lựa chọn thực hiện các biện pháp đối phó… thì sự kiện giàn khoan lại trở thành  một thắng lợi không nhỏ của Trung Hoa.


Với hành động cường quyền ngang nhiên mà không bị trừng phạt như vừa qua, Trung Hoa có thể rút đi thì cũng có thể đưa vào giàn khoan, không chỉ một mà nhiều cái; sẽ thi thố không chỉ thủ đoạn giàn khoan mà cả nhiều thủ đoạn khác đang được ấp ủ; không chỉ lộng hành trên biển mà sẽ hành động trên đất liền, trên không; không ngần ngại gây sức ép trên mọi lĩnh vực khác, chính trị, kinh tế, văn hóa, ngoại giao, quốc phòng, trong công tác tổ chức, cán bộ… Trung Hoa có nhiều con bài để chơi, để tung ra  những đòn đánh hung hiểm và khó chống đỡ hơn nhiều lần so với vụ giàn khoan tai tiếng và ồn ào HD 981.


Để thực hiện giấc mộng giành lấy địa vị đứng đầu thế giới, Trung Hoa phải trở thành cường quốc đại dương. Biển Đông là bước đột phá đầu tiên trong việc thực hiện tham vọng này và họ nghĩ là miếng mồi ít xương xẩu nhất. Việt Nam “không may” là láng giềng phương nam của họ, lại là quốc gia mà chiều dài bờ biển của nó trải ra hầu hết chiều dài của Biển Đông, đương nhiên trở thành đối tượng phải khuất phục của họ. Là bậc thày trong việc thực hiện các chiến thuật “hợp tung” “liên hoành”, trong  thủ đoạn mua chuộc, chia rẽ, dọa dẫm, gây sức ép, đồng thời sẵn sàng sử dụng vũ lực khi có cơ hội, bất chấp luật pháp và các cam kết quốc tế cũng như song phương, đa phương, cũng đương nhiên họ không ngần ngại thực thi các thủ đoạn đó với Việt Nam.



Điều này người Việt không bao giờ được phép mơ hồ cả trong chiến lược và sách lược, trong chính sách và hành động xử lý tình huống cụ thể . Trong việc chọn đường lối phát triển, định chính sách nội trị và ngoại giao, Việt Nam phải luôn luôn xuất phát từ  thực tế này, phải phục vụ cho mục tiêu cao nhất là bảo đảm độc lập, chủ quyền quốc gia dân tộc, không phụ thuộc bất cứ nước nào, nhân danh bất cứ điều gì.



Giàn khoan HD981 đã rút, nhưng toàn bộ vấn đề vẫn còn đó.

Bùi Đức Lại




NGUỒN : Nhận được của tác giả ngày 11.8.2014


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us