Bạn đang ở: Trang chủ / Việt Nam / Giao dịch buôn bán Trung Việt dưới thời vua Càn Long

Giao dịch buôn bán Trung Việt dưới thời vua Càn Long

- Hồ Bạch Thảo — published 09/02/2013 18:00, cập nhật lần cuối 09/02/2013 15:56

Giao dịch buôn bán Trung Việt
dưới thời vua Càn Long


Hồ Bạch Thảo


Thanh Thực Lục ghi nhận việc giao dịch buôn bán giữa Trung Quốc và An Nam dưới thời vua Càn Long thay đổi nhiều lần.

Từ năm Càn Long thứ 9 [1774] trở về trước, dọc theo biên giới tỉnh Quảng Tây, tuy đặt 3 cửa quan 100 cửa ải, nhưng chỉ cho phép qua lại buôn bán trên 2 cửa quan Thủy Khẩu và Bình Nhi. Theo Ðại Thanh Nhất Thống Chí cửa quan Thủy Khẩu vị trí tại phía tây bắc ty Hạ Long [Long Châu] 95 lý [55km.], tiếp giáp thôn Ðà Long, An Nam. Cửa quan Bình Nhi tại phía tây nam ty Hạ Long 95 lý [55 km.], giáp thôn Bình Thụy, An Nam; hiện nay cửa khẩu Bình Nhi giáp với xã Ðào Viên, huyện Tràng Ðịnh, tỉnh Lạng Sơn.

Vào năm Càn Long thứ 9, viên Tuần phủ tỉnh Quảng Tây Thác Dung tâu như sau:

Ngày 29 Ất Hợi tháng 6 năm Càn Long thứ 9 [7/8/1744]

Quyền Tuần phủ Quảng Tây Thác Dung lại tâu:

Ba phủ Nam Ninh, Thái Bình, Trấn An tiếp giáp với Di Giao Chỉ; trước đây đã đặt 3 cửa quan, 100 cửa ải. Qua viên Tuần phủ trước đây là Kim Hồng qui định: hai cửa quan Bình Nhi và Thửy Khẩu, cho phép dân buôn ra vào, trấn Nam Quan là đường đi cống của nước này; còn lại 100 ải đều bị ngăn cấm…… (Cao Tông Thực Lục quyển 219, trang 22)

Tuy bị cấm, nhưng dân buôn vẫn tìm cách lén vượt, chủ yếu đến buôn bán tại phố chợ Kỳ Lừa, gần tỉnh thành Lạng Sơn. Trước thực tế không thể ngăn cản nỗi, viên Tuần phủ Thác Dung bèn xin mở thêm cửa ải Do còn gọi là Do Thôn, để tiện việc buôn bán. Vị trí ải Do cách châu Thượng Thạch Tây, tỉnh Quảng Tây 30 lý [17km.], tên địa phương là Hốt Trúc Căn, tiếp giáp châu Văn Uyên Việt Nam, gần phía đông ải Nam Quan; theo thông lệ, mỗi khi chuyển công văn thường sang Trung Quốc, thì sử dụng cửa ải này.

Viên Tuần phủ nêu các lý do rằng ải Do gần với phố Kỳ Lừa, dân buôn Trung Quốc tập trung nhiều tại huyện Ninh Minh, cách ải Do không xa; nếu dùng các cửa quan Thủy Khẩu, Bình Nhi thì đường vòng xa hơn mấy trăm lý, nên phải tìm cách trốn vượt:

Tuy nhiên trong vòng 3 cửa quan, 100 cửa ải đều có đường nhỏ, nhiều lam chướng độc hại, vết chân người ít khi gặp. Nhưng dân Mèo sinh sống tại nơi này, quen việc vượt núi qua lãnh; nếu việc tuần tra lỡ bị sơ hốt, bọn gian bèn lén vượt.

Mấy năm gần đây, trong nước An Nam có loạn, viên Tổng đốc tiền nhiệm Sách Lăng tâu xin nghiêm cấm Hán gian ra vào, không cho dân buôn đến nước Di giao dịch, ở lâu tại đất Phiên rồi lấy phụ nữ Phiên. Sau khi thần đến nhậm chức, duyệt đọc án từ, gặp các viên ty, đạo để tìm hiểu, rồi cho lấy gạch gỗ ngăn chặn các cửa ải, lập bảo giáp (1); lại xin đem ải Do, thuộc phủ Thái Bình, do Ðồng tri Minh Giang quản lý, được mở cửa ải ra vào, để tiện cho dân buôn qua lại.

Lại cứ theo lời bẩm, dọc theo biên giới một dãy Thập Vạn Sơn kéo dài hơn một ngàn lý, người có thể vin leo mà qua, thực khó cấm chỉ. Thần trước sau lưu tâm hỏi han được biết ải Do Thôn cách châu Ninh Minh 110 lý, dân buôn tại Ninh Minh muốn qua ải này để buôn bán. Nhân vì ải Do Thôn thông với các xứ Lộc Bình, Văn Uyên, Kỳ Lừa thuộc Giao Chỉ, các nơi này là chỗ hàng hóa tụ tập đông; nếu ra vào tại các cửa quan Bình Nhi, Thủy Khẩu phải qua đường vòng mấy trăm lý, hành trình hơn 10 ngày, không bằng đi đường tắt qua Do Thôn cho tiện. Tuy Do Thôn trước đây nghiêm cấm, dân vẫn trèo vượt không thể chấm dứt được. Vả lại Minh Giang có 53 trại Thổ dân, nguyên do Thổ phủ Tư Minh quản hạt; dân ngang ngạnh lờn pháp luật, Thổ phủ Hoàng Quan Châu không quản thúc được, bèn chia đất cho các quan lưu động đến cai quản. Vào năm Ung Chính thứ 10, nhập vào châu Ninh Minh quản hạt. Bọn Thổ dân này đều dựa vào gánh hàng hóa sinh sống, nếu ngăn cấm ải Do Thôn, sợ chúng thất nghiệp tụ tập thành thổ phỉ, tìm mọi cách ôm hàng hóa trốn vượt, việc biên phòng trở nên vô ích. Lại hỏi ra vùng ven biển Giao Chỉ, sản xuất muối rất nhiều, không cấm tư nhân làm muối, cho dân phơi ruộng lấy muối rồi bán. Bọn buôn muối nạp 20 đồng tiền, có được một gánh nặng; khi gánh được đến nội địa 1 cân có thể bán được từ 1,2 đến 5,6 phân bạc. Dân tại biên giới tham lợi đi buôn, nếu gặp quân lính, thì dựa vào đám đông mà cự lại.Hiện tại thông sức các ty, đạo tìm cách cấm đoán; một mặt mở cửa ải Do cho dân buôn sự tiện lợi, để không sinh ra chuyện.”

Nhận được chiếu chỉ:

Lưu tâm như vậy, cứ thực tâu bày, thực đáng khen. Vẫn cần thực tâm liệu biện ổn thoả, nhắm gần với dân tình và bỏ được mối tệ, chiết trung hành động là được.” (Cao Tông Thực Lục quyển 219, trang 22-24)

Việc cho mở ải Do thôn buôn bán được tiếp tục thi hành trong vòng 30 năm [1744-1774], đến năm Càn Long thứ 38 [1774] có nhiều tội phạm Trung Quốc chạy trốn sang An Nam gây chuyện, nên vua Càn Long khiển trách, ra lệnh cách chức các Tri phủ, Tri châu tại biên giới:

Ngày 5 Kỷ Sửu tháng 12 năm Càn Long thứ 38 [16/1/1774]

Dụ:

Cứ bọn Lý Thị Nghiêu tâu đầy đủ về việc đem bọn trốn vượt đến An Nam gây chuyện là Diêu Quốc Khâm ra định tội. Ðã phê giao cho bộ cứu xét rồi cấp tốc tâu lên. Bọn phạm nhân Diêu Quốc Khâm, Vi Sĩ Hồng, Hoàng văn Ðỉnh nhiều năm từ sảnh Long Châu, phủ Thái Bình lén vượt. Người trong nước rần rần xuất khẩu gây chuyện; các quan địa phương buông tuồng không kê tra, để cho chúng ra vào không cấm kỵ; điều sai trái này không thể so sánh với việc thiếu quan sát trong trường hợp bình thường. Nay ra lệnh cách chức các quan phủ châu từng trấn nhậm tại các địa phương này.”

Tổng đốc Lưỡng Quảng Lý Thị Nghiêu nhận thấy dân buôn gánh hàng đi đường bộ qua ải Do Thôn phức tạp khó kiểm soát, đó là đầu mối tệ trạng xuất cảnh bất hợp pháp. Bèn xin cho đóng cửa ải này, và chấp nhận theo lệ cũ trước năm 1744, chỉ cho mở hai cửa quan Bình Nhi, Thủy Khẩu tại thượng nguồn sông Tả Giang:

Ngày 15 Tân Dậu tháng 5 năm Càn Long thứ 40 [12/6/1775]

Ðại học sĩ tước Bá, giữ chức Tổng đốc Lưỡng Quảng tâu:

Ðiều tra đất Thổ ty tại các phủ Thái Bình, Long Châu, Trấn An giáp giới An Nam. Vào năm Càn Long thứ 9 [1744] , viên Tổng đốc tiền nhiệm Mã Nhĩ Thái cho mở cửa ải Do Thôn để thông buôn bán. Từ đó nhân dân nội địa dựa vào để đưa hàng hóa xuất nhập khẩu; do vậy dân ngu vụ lợi đông như bầy vịt, thường thường gây chuyện. Nếu không dùng biện pháp để phòng bị, dân nội địa sẽ rầm rộ đến ngoại Phiên gây sự. Xin từ nay trở về sau cấp giấy ra vào cho những dân lương thiện, có vốn hàng hóa; do hai cửa quan Bình Nhi, Thủy Khẩu xét hỏi cho xuất khẩu; còn ải Do Thôn thì chiếu theo lệ cũ đóng cửa, những dân buôn nhỏ và bọn gánh hàng cấm không được ra khỏi quan ải.

Nhận được chiếu chỉ:

Ðúng, y theo lời bàn.”……( Cao Tông Thực Lục, quyển 982 trang 23-25)

Ðến năm Càn Long thứ 40 [1775] dân làm mỏ người Hoa tại xưởng Tống Tinh, tỉnh Thái Nguyên gây rối, bị triều đình nước ta đuổi về nước. Tổng đốc Lưỡng Quảng Lý Thị Nghiêu tổng kết số người bị đuổi về đến Trung Quốc lên đến trên 2000 người:

Ngày 8 Quí Mùi tháng 8 năm Càn Long thứ 40 [2/9/1775]

Dụ các Quân cơ đại thần:

..Nay cứ lời tâu của Lý Thị Nghiêu ‘Dân trốn trở về, hiện đã lên đến trên 2000 người, nghiêm xét những phạm nhân chính yếu gây chuyện thì trị tội nặng; nếu thuộc loại buôn bán, làm công tại nơi phụ cận, thì điều tra rõ rồi cho trở về quê, giải giao cho quan địa phương để nghiêm khắc quản thúc.’…... (Cao Tông Thực Lục quyển 988 trang 12-17)

Nhắm cản trở số người Hoa bị cho là ‘Hán gian’ trốn sang An Nam; nhà Thanh chủ trương hạn chế buôn bán để bớt người qua lại. Vua Càn Long sai Tổng đốc Lưỡng Quảng viết thư cho triều đình nước ta, ướm lời về một kế hoạch chỉ mở cửa thông thị buôn bán một tháng vài lần, nội dung như sau:

“…. Lý Thị Nghiêu cần viết văn thư dụ viên Quốc vương rằng

Nước ngươi phụng sự Thiên triều hết sức cung thuận, trước đây thương nhân xuất khẩu mậu dịch, để bổ sung sự cần dùng, nay cũng không cấm. Tuy nhiên có những bọn vô tri, thường không yên bổn phận, sinh chuyện gây hấn, nên không khỏi sinh sự nơi cõi ngoài. Nội các, bộ, viện đã thông sức cấm nhân dân nội địa không được tự tiện vượt biên giới như trước; và định chỗ nơi trung tâm thích hợp, cho dân hai nước buôn bán giao dịch tại đó. Viên Quốc vương hãy ước định nhật kỳ rồi trình báo cho nội các, bộ, viện để ước định ngày thông thị mỗi tháng; lệnh thương dân hai nước mang hàng đến đó buôn bán. ( Cao Tông Thực Lục quyển 985, trang 17-20)

Tuy nhiên triều đình quan lại nước ta lúc bấy giờ muốn rũ sạch cái hoạ người Hoa tràn lan sang, nên đã khéo léo từ chối:

Ngày 22 Ất Mùi tháng 11 năm Càn Long thứ 40 [12/1/1776]

Dụ các Quân cơ đại thần:

Cứ theo lời tâu của Lý Thị Nghiêu ‘Tiếp nhận lời phúc đáp của An Nam rằng 4 tỉnh giáp giới của nước này, thực không có thổ sản để buôn bán chung. Hiện đã phúc đáp cho đình chỉ việc buôn bán.’… ( Cao Tông Thực Lục quyển 997, trang 15-17)

Vua Càn Long cũng bằng lòng việc đình chỉ buôn bán với An Nam, nên đã ban chỉ dụ trình bày cho Quân cơ đại thần như sau:

Ngày 22 Ất Mùi tháng 11 năm Càn Long thứ 40 [12/1/1776]

Dụ các Quân cơ đại thần:

Cứ theo lời tâu của Lý Thị Nghiêu ‘Tiếp nhận lời phúc đáp của An Nam rằng 4 tỉnh giáp giới của nước này, thực không có thổ sản để buôn bán chung. Hiện đã phúc đáp cho đình chỉ việc buôn bán.’

Bọn gian xuất cảnh buôn bán là đầu mối gây sự, vốn nên cấm chỉ. Huống hồ mới đây có bọn Trương Ðức Dụ khai mỏ tại An Nam gây án giết người, rồi dân chạy trốn trở về nội địa rất nhiều; không thể không chỉnh đốn việc biên phòng, hạch hỏi cấm chỉ. Còn việc định ngày buôn bán chung, vốn lo An Nam có thể trông nhờ đồ vật của nội địa, khó có thể ngăn cấm hoàn toàn; nên ra lệnh viên Tổng đốc lấy ý riêng thông tri bàn luận với viên Quốc vương, rồi trình lên để liệu biện.

Nay viên Quốc vương cho rằng buôn bán chung không tiện, như vậy thì bọn gian thương không thể lợi dụng trốn vượt, biên cảnh càng thêm nghiêm túc thanh sạch….. ( Cao Tông Thực Lục quyển 997, trang 15-17)

Kể từ thời gian này, hai cửa quan ải Bình Nhi và Thủy Khẩu tại thượng nguồn sông Tả Giang đều đóng, sách Ðại Thanh Nhất Thống Chí mô tả về cửa sông tại hai quan ải, có đoạn như sau:

Tra cứu thấy sông lớn tại 2 cửa quan này, thuyền bè đi thẳng tới Giao Chỉ. Thời trước đóng cấm, có xích sắt chắn ngang sông; năm Càn Long thứ 56 [1791] lại cho phép mở cửa quan thông thương. Phàm những thương nhân ra buôn bán tại nước ngoài, đều do quan Ðồng tri xét, cấp thẻ cho đi.

Ðúng như sự mô tả, vào năm Càn Long thứ 56 [1791]sau khi nhà Thanh giao hảo với nhà Tây Sơn nước ta, Tổng đốc Lưỡng Quảng Phúc Khang An cùng Tuần phủ Quảng Tây Trần Dụng Phu dâng tấu triệp về việc thông thị buôn bán với An Nam được dự trù tổ chức như sau:

Ngày 9 tháng 5 năm Càn Long thứ 56 [1791]

Nay cứ bọn Ty đạo Thang Hùng Nghiệp bàn kỹ, cùng văn thư chấp nhận lời phúc tấu của Nguyễn Quang Bình [vua Quang Trung], thì dân buôn từ 2 quan ải Bình Nhi, Thủy Khẩu đến lập chợ tại phố Mục Mã, Cao Bằng; từ ải Do đến lập chợ tại phố Kỳ Lừa, Lạng Sơn. Chia lập 2 hiệu buôn Thái Hòa và Phong Thịnh; một hiệu buôn cho thương nhân Quảng Ðông, 1 hiệu buôn cho Quảng Tây và các xứ khác. Lại khu biệt xưởng và thị, trong xưởng có một người Xưởng trưởng, 1 viên Bảo hộ; trong thị có 1 người làm Thị trưởng, 1 viên Giám đương. Việc tạo lập danh sách, cấp phát thẻ bài đeo tại lưng, hóa vật tùy thời đem bán, giá tiền cho từng thứ, đều phải phúc trình rõ ràng để đến tra xét. (2)

Ðến năm Càn Long thứ 58 [1793] tức 2 năm sau, nhà Tây Sơn cho lập thêm chợ Hoa Sơn tại tổng Hoa Sơn, châu Thất Tuyền; nay thuộc huyện Tràng Ðịnh, tỉnh Lạng Sơn. Thương nhân từ cửa quan Bình Nhi, đáp thuyền khoảng 100 km đến Hoa Sơn trước, nếu muốn tiếp tục hành trình sẽ đến phố Mục Mã, Cao Bằng. Quyền Tổng đốc Quách Thế Huân dâng bản tâu như sau:

Ngày 1 tháng 8 năm Càn Long thứ 58 [5/9/1793]

Quyền Tổng đốc Lưỡng Quảng, Tuần phủ Quách Thế Huân tấu:

Việc thông thị buôn bán với An Nam đã tâu lên và chuẩn cho sử dụng hai quan ải Bình Nhi và Thủy Khẩu; thương nhân nước này xây chợ tại phố Mục Mã trấn Cao Bằng buôn bán; quan ải Do Thôn cho xây chợ tại phố Kỳ Lừa trấn Lạng Sơn buôn bán. Mở hai thương hiệu Thái Hòa, Phong Thịnh; đặt Ngao trưởng (3), Thị trưởng mỗi nơi một người; lại có Bảo hộ, Giám đương mỗi chổ một viên. Nay cứ theo viên Đồng tri Long Châu Vương Phủ Đường bẩm xưng nước này mới lập thêm phố trạm tại vùng Hoa Sơn thuộc trấn Lạng Sơn để đón thương nhân từ ải Bình Nhi đến buôn bán. Sau khi hạch hỏi cùng xét tờ bẩm, bèn sai viên Đồng tri ở gần điều tra thêm. Lại nhận phúc thư của viên Quốc vương như sau ‘Các thương nhân xuất khẩu qua cửa ải Bình Nhi, dùng đường thủy đến Hoa Sơn trước, hành trình chỉ khoảng hai trăm dặm. Vả lại vùng phụ cận Hoa Sơn thôn trang trù mật, lập thêm phố thị, dân và thương nhân cả hai đều có lợi. Các chức Thị trưởng, Giám đương theo ngạch đã có sẵn tại Kỳ Lừa, chỉ cần phái đến mà thôi. Ngoài ra khách thương ai muốn sử dụng đường bộ đến Mục Mã thì tùy tiện.’ Bọn thần tra xét sự việc, thực nhân tình hình tại chỗ mà thích nghi, hiện đã bàn bạc hai bên, chuẩn cho đặt thêm phố trạm.”…..(Cao Tông Thực Lục quyển 1434, trang 1-2)

*

Theo thông lệ, nhà Thanh chỉ chấp nhận giao lưu buôn bán với nước ta bằng đường bộ, tại biên giới tỉnh Quảng Tây. Ðến đời Minh Mệnh, nhân việc dùng thuyền chở người Trung Quốc bị tại nạn gió bão trở về nước, triều đình ta xin được chở hàng buôn bán bằng đường biển, đến tỉnh Quảng Ðông, như các nước Tây phương Anh, Pháp , Mỹ, Bồ Ðào Nha v v…đã từng làm; nhưng bị vua Ðạo Quang bác bỏ. Phải chăng lúc bấy giờ tại vùng Áo Môn, Quảng Châu, tỉnh Quảng Ðông, việc giao dịch buôn bán với các nước Tây phương xẩy lắm chuyện rắc rối phức tạp và bị ngoại bang lấn lướt. Trong hoàn cảnh đó, nhà Thanh không muốn thuyền bè Việt Nam đến nơi này, có thể thấy được chỗ nhược của Thiên triều, nên đã cương quyết từ chối:

Ngày 28 Tân Dậu tháng 5 năm Ðạo Quang thứ 9 [29/6/1829]

Dụ các Quân cơ đại thần:

Bọn Lý Hồng Tân dâng tấu triệp về việc nước Việt Nam sai quan hộ tống Sinh giám [生監](4) tỉnh Quảng Ðông bị gió bão trở về, nhân tiện mang hóa vật đến tỉnh bán, cùng xin thông thị mậu dịch.

Lần này Quốc vương Việt Nam nhân Sinh giám nội địa gặp gió bão, phiêu dạt đến nước này; bèn tư cấp lương, y phục, tiền tiêu dùng, rồi hộ tống về Lưỡng Quảng; việc làm thực thuộc cung thuận đáng khen. Những hàng hóa đem đến, cùng những hàng xuất khẩu, đều được gia ơn miễn thuế. Còn việc viên Quốc vương xin theo đường biển đến buôn bán tại tỉnh Quảng Ðông thì đáng theo lệ bác đi, nhưng nên hiểu thị một cách ổn thoả….” (Tuyên Tông Thực Lục, quyển 156, trang 39-41)


Chú thích :

1. Bảo giáp: bảo giáp có từ thời Tống, một hình thức nhân dân tự vệ.

2. Minh Thanh Ðương Án, Trung ương nghiên cứu viện, Lịch sử ngữ ngôn nghiên cứu sở, Hiện tồn Thanh đại nội các đại khố nguyên tàng, v. 258.

3. Ngao trưởng: trưởng kho.

4. Sinh giám: Sinh viên Quốc tử giám.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us