Bạn đang ở: Trang chủ / Việt Nam / Giới thiệu trang mạng mới: Phân tích kinh tế

Giới thiệu trang mạng mới: Phân tích kinh tế

- Hải Vân — published 10/02/2015 15:00, cập nhật lần cuối 10/02/2015 22:14


Phân tích kinh tế
trang mạng kinh tế học tiếng Việt


Hải Vân


Từ tháng 12 năm vừa qua đã xuất hiện trên mạng một trang tiếng Việt có tên Phân tích kinh tế mà nhóm khởi xướng gồm Nguyễn Minh Cao Hoàng, Phạm Văn Minh, Trần Thị Minh Ngọc, Nguyễn Đôn Phước và Huỳnh Thiện Quốc Việt1. Ở Việt Nam, đây là một trang mạng chưa có tiền lệ. Nó không phải là một trang kinh tế như một số tờ báo hay trung tâm nghiên cứu đã thiết kế nhằm phục vụ nhu cầu về thông tin kinh tế trong những giới làm ăn kinh doanh hay làm ra chính sách công. Phân tích kinh tế là một trang kinh tế học có mục đích cung cấp nguồn lực trợ giúp người nghiên cứu, giảng dạy và sinh viên suy nghĩ về các khái niệm và lý thuyết kinh tế, về nhận thức luận và phương pháp luận trong tư duy kinh tế.

ptkt


Trang Phân tích kinh tế ra đời vào thời điểm nền kinh tế thế giới chưa ra khỏi sự trầm uất mà nó rơi vào từ khi bong bóng tài chính tan vỡ năm 2008 và, trong những « bong bóng » khác đã vỡ theo, có uy tín của các nhà kinh tế học : như thời Đại suy thoái năm 1929, không chỉ kinh tế mà kinh tế học cũng khủng hoảng2. Đúng ra, đó là khủng hoảng của dòng kinh tế học chủ đạo (mainstream), tức là học thuyết tân cổ điển với định đề về « tính hữu hiệu của thị trường tài chính » (giá thị trường của chứng khoán phản ánh giá trị cơ bản của nó) và giả thuyết về « dự đoán duy lý » (kỳ vọng toán của sai lầm trong dự đoán bằng không). Điều trần trước quốc hội Mỹ, cựu thống đốc ngân hàng trung ương Alan Greenspan công nhận có « một sai lầm » gì đó trong « thiết kế lý thuyết này » khiến nó đã sụp đổ trong mùa hè năm 20083. Mặc dù vậy, cho đến ngày hôm nay, kinh tế học tân cổ điển tiếp tục chi phối tư duy kinh tế và giữ vị trí thống trị trong các trường đại học và trên các tạp chí nghiên cứu.

Tình trạng này không khỏi gây phản ứng trong giới sinh viên và giáo viên đại học ở mọi nơi như là Lời kêu gọi quốc tế của sinh viên vì đa nguyên trong kinh tế học được 65 hiệp hội sinh viên của hơn 30 nước ký tên và được nhật báo tại 8 nước phổ biến cùng lúc vào đầu tháng 4 năm 2014. « Không chỉ có nền kinh tế thế giới đang khủng hoảng. Việc giảng dạy kinh tế học cũng đang khủng hoảng, và những hệ quả của nó vượt ra ngoài những bức tường của nhà trường » : đây là cầu mở đầu Lời kêu gọi quốc tế qua đó giới sinh viên kinh tế học nói lên sự không hài lòng đối với nội dung chương trình học và những yêu cầu về làm mới môn học, đưa « thế giới thực vào lớp học cùng với các cuộc tranh luận và một sự đa nguyên về lý luận và phương pháp ». Kinh tế học nhất thiết đa nguyên, không có một kinh tế học duy nhất mà nhiều cách đặt vấn đề kinh tế khác nhau : lý luận tân cổ điển với phiên bản tân Keynes của nó chỉ là một cách tiếp cận kinh tế thị trường, các tác giả cổ điển hay Áo, các trường phái của Keynes hay Marx, các kinh tế học về thể chế hay ứng xử… cung cấp những cách tiếp cận khác4. Cũng không hề có kinh tế học thuần túy, tách rời những khoa học xã hội khác : tư duy kinh tế nhất thiết mang tính liên ngành và kết hợp những phương pháp của xã hội học, chính trị học, sử học hay triết học5. « Đa nguyên trong giáo dục về kinh tế học là điều thiết yếu để có thảo luận công khai lành mạnh. Đó là một điều kiện của dân chủ » – Lời kêu gọi quốc tế kết luận.

Trong trường hợp của Việt Nam, giáo dục về kinh tế học hiện nay phải nói là quái gở. Nó đặt người học vào tình thế bị tinh thần phân lập : với một bên là kinh tế học chính trị Mác-Lê – thực chất là chủ nghĩa Stalin núp bóng dưới tên các ông Marx và Lenin –, một môn hầu như không ai muốn học cho nên càng phải áp đặt nó như là những giáo điều ; và một bên là kinh tế học vi mô và vĩ mô theo lý luận hầu như độc tôn của phái tân cổ điển và tân Keynes, cho nên thường được hấp thụ một cách không phê phán. Trang Phân tích kinh tế sinh ra trong bối cảnh đó  : « Bức xúc trước vấn nạn của việc học và dạy kinh tế học ở Việt Nam », nó ra đời với mong muốn chia sẻ và trao đổi, trong tinh thần tự do học thuật, những thông tin cần thiết để giúp người dạy cũng như người học « tự đào tạo, cập nhật, củng cố, hệ thống hóa và bổ sung kiến thức để tự tin hội nhập vào thế giới »6. Vượt lên những đặc điểm của môi trường Việt Nam, Phân tích kinh tế là một đề án nằm trong trào lưu quốc tế của Lời kêu gọi vì đa nguyên trong kinh tế học mà nó đã phổ biến đầu tiên bản dịch tiếng Việt7.

Do hiện trạng của nền kinh tế học Việt Nam, nỗ lực của Phân tích kinh tế tập trung trước tiên vào việc dịch văn bản của các tác giả nước ngoài đã nêu ra những vấn đề cơ bản của kinh tế học và trình bày các kiến thức nền tảng của nó với quan điểm phê phán. Tuy mới hoạt động có hai tháng, song nguồn lực mà trang mạng cung cấp đã khá phong phú – hơn 70 tư liệu – với nhiều mục : những vấn đề thời sự trong kinh tế học, những nhân vật lớn trong tư tưởng kinh tế, những văn bản kinh điển, kinh tế học với các khoa học xã hội khác, thống kê kinh tế và quyền lực chính trị, khoa học luận và phương pháp luận trong tư duy kinh tế, giới thiệu tác phẩm lớn và điểm sách, thuật ngữ kinh tế Anh - Pháp - Việt… và có cả chuyện tiếu lâm của hay về các nhà kinh tế học. Với một ê-kíp biên tập viên nghiệp dư ít ỏi, trang mạng còn tỏ ra nhạy bén đối với thời sự thế giới như sự kiện đã chấn động dư luận quốc tế vào đầu năm : cuộc thảm sát Charlie Hebdo ở Paris. Phân tích kinh tế đã ra ngay hồ sơ tiếng Việt về Bernard Maris, nhà kinh tế học nổi tiếng phi chính thống, cây bút đắc lực của tuần báo trào phúng và một trong mười hai người bị nhóm khủng bố tự xưng Hồi giáo hạ sát ngay trong buổi họp tòa soạn8; và, tiếp theo đó, trang mạng đã phố biến bìa báo của số Charlie Hebdo đầu tiên xuất bản lại sau vụ thảm sát với biếm họa của nhân vật Nhà tiên tri đang rơi nước mắt và giơ biểu ngữ : Je suis Charlie.



Hải Vân


Chú thích :


1 Nguyễn Minh Cao Hoàng, Phạm Văn Minh, Trần Thị Minh Ngọc và Huỳnh Thiện Quốc Việt là những giảng viên trẻ hiện dạy học tại nhiều trường đại học công lẫn tư trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Nguyễn Đôn Phước là dịch giả của nhiều tác phẩm kinh tế học trong đó Từ điển phân tích kinh tế (nxb Tri Thức 2007) đã nhận giải thương công trình dich thuật của Quỹ Phan Châu Trinh 2010.

2 Xem Khủng hoảng kinh tế và khủng hoảng trong kinh tế học của Trần Hữu Dũng. Các đường dẫn ghi trong Chú thích của bài này đều nối về một bài đăng trên Phân tích Kinh tế, dù là bài gốc của trang mạng này hay một bài nó đăng lại từ nơi khác – như bài này (với đường dẫn về bài gốc ở cuối bài).

6 Lời giới thiệu của nhóm khởi xướng.

8 Bernard Maris do Nguyễn Đôn Phước sưu tập và dịch.

Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Xuân Ất Mùi
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Yda: Un court-métrage Hanoi - Warszawa 29/11/2024 19:00 - 21:00 — Médiathèque Jean-Pierre Melville, 79 rue Nationale, Paris 75013, M° Olympiades
Les Accords de Genève, espoirs et désillusions au cœur de la guerre froide. De l’indépendance à la division du Vietnam 11/12/2024 16:30 - 18:00 — Bibliothèque François-Mitterrand, Quai François Mauriac - 75706 Paris Cedex 13
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us