Bạn đang ở: Trang chủ / Việt Nam / Hà Nội và TP Hồ Chí Minh biểu tình phản đối Trung Quốc gây hấn

Hà Nội và TP Hồ Chí Minh biểu tình phản đối Trung Quốc gây hấn

- ZIDOL — published 05/06/2011 17:50, cập nhật lần cuối 05/06/2011 18:24


chủ  nhật 5-6-2011



Biểu tình
ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh
phản đối Trung Quốc gây hấn


tin tổng hợp


Từ 8 giờ sáng ngày chủ nhật 5-6-2011, hàng ngàn người đã biểu tình phản đối Trung Quốc gây hấn. Ở Hà Nội, người biểu tình tập trung ở vườn hoa Lenin, trên phố Điện Biên Phủ, trước mặt đại sứ quán Trung Quốc, rồi chia làm nhiều đoàn, tuần hành tiến về Cửa Nam, phố Hàng Bông, bờ hồ Gươm. Tại Sài Gòn, người biểu tình tập trung ở đường Phạm Ngọc Thạch, trước tổng lãnh sự quán Trung Quốc, rồi tuần hành về phía Chợ Bến Thành.

hanoi

Biểu tình ở Hà Nội

Cũng như hồi cuối năm 2007, đây là những cuộc biểu tình tự phát, được vận động qua mạng internet, các mạng xã hội (Facebook, Twitter), điện thoại di động. Cho đến giờ biểu tình, người ta vẫn không biết chính quyền sẽ đối phó cách nào, ngăn chận, hạn chế, hay cấm ngặt, đàn áp. Những ngày trước đó, họ đã tìm cách đe dọa và ngăn chận : ở những trường đại học, ban giám hiệu, tổ chức đảng và đoàn thanh niên thông báo cấm sinh viên đi biểu tình (đồng thời, họ gây áp lực với những nhà giáo và sinh viên đã kí kiến nghị phản đối vụ án Cù Huy Hà Vũ). Bỉ ổi nhất là Trường đại học công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh với bản thông báo dọa đuổi học những sinh viên "cố tình tham gia" biểu tình "nếu có tên trong danh sách mà Công an gửi về trường" (thông báo công bố ngày 1-6-2011). Mặt khác, nhà cầm quyền đã bắt giữ một số blogger như Bùi Thanh Hiếu (trang mạng Người Buôn Gió), Nguyễn Ngọc Như Quỳnh Mẹ Nấm) -- không rõ để ngăn chận họ đi biểu tình hay/và đây là một chiến dịch đàn áp những blogger lề trái (xem RFA).

Diễn biến cuộc biểu tình ở Hà Nội (với khá nhiều hình ảnh và đoạn phim) đã được tường thuật (hầu như tức thời) và khá đầy đủ trên các mạng Ba SàmNguyễn Xuân Diện (có thêm cả những hình ảnh cuộc biểu tình ở Thành phố Hồ Chí Minh).

Để bạn đọc tiện theo dõi cuộc biểu tình ở Thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi xin đăng dưới đây toàn văn hai chứng từ của nhà văn Nguyễn Viện và nhà thơ Đỗ Trung Quân :


Khi lòng yêu nước dâng trào !

Nguyễn Viện


Đúng 8g sáng ngày chủ nhật 5.6.20011, cuộc biểu tình chống Trung Quốc gây hấn và xâm lược Việt Nam đã bắt đầu tại Saigon.

Thật bất ngờ và có lẽ bất ngờ hơn với lực lượng an ninh (?) là sự xuất hiện của Giáo sư – nhà sử học Nguyễn Đình Đầu, lịch sự với cravate và những nhân vật lừng danh một thời – những “chuyên gia biểu tình” trước 1975 ở Saigon: Huỳnh Tấn Mẫm, Lê Công Giàu, Lê Hiếu Đằng, Cao Lập, nhà thơ Nguyễn Quốc Thái… bên cạnh đó là nhà sử học Đinh Kim Phúc, nhà thơ Đỗ Trung Quân, André Mendras (Hồ Cương Quyết)… ở khu vực đầu nhà thờ Đức Bà.

Sau một cuộc tranh luận ngắn giữa ông Cao Lập (đương kim giám đốc Khu du lịch Văn Thánh) và các nhân viên công lực, Andre Mendras đã bung khẩu hiệu ra… Nhân viên công lực nhượng bộ, bắt đầu cho một ngày lịch sử.

sg
Trước tổng lãnh sự quán TQ ở đường Phạm Ngọc Thạch TP Hồ Chí Minh.

Một số các bạn trẻ mai phục sẵn gần đó đã tham gia ngay vào nhóm này. Các tấm biểu ngữ khẩu hiệu được nhóm này phân phát cho các bạn trẻ, cộng thêm các khẩu hiệu do chính các bạn trẻ chuẩn bị trước được giương lên. Họ kéo đến Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc tại ngã tư Nguyễn Thị Minh Khai – Phạm Ngọc Thạch. Những tiếng hô đả đảo Trung Quốc, Hoàng Sa – Trường Sa – Việt Nam không ngừng vang lên, càng lúc càng to và càng khí thế…

Ông Nguyễn Văn Đua – Phó bí thư thường trực Thành ủy, Ông Nguyễn Thành Tài – Phó chủ tịch UBND cũng có mặt tại “hiện trường” và có cuộc trao đổi với hai ông Huỳnh Tấn Mẫm và Lê Hiếu Đằng. Nội dung cuộc trao đổi này còn trong vòng “bí mật” (xem chứng từ của Đỗ Trung Quân ở dưới).

Tiếp đó là một cuộc tuần hành rầm rộ lôi kéo theo những người đi đường. Họ đi một vòng qua đường Lê Duẩn – Pasteur trở lại Nguyễn Thị Minh Khai trước Lãnh sự quán Trung Quốc. Rồi lại đi tiếp qua Đồng Khởi, qua UBND thành phố, chợ Bến Thành, Dinh Thống Nhất, Tổng Lãnh sự Mỹ, qua Văn phòng Hội Cựu Chiến binh … rồi quay trở lại Tổng Lãnh sự TQ. Lúc này số người tham dự đã lên tới trên 1000 người. Khí thế hừng hực. Một cô bạn trẻ nói với tôi: “Sau hôm nay, nếu có bị bắt thì cũng rất đáng để trả giá”. Khoảng hơn 11g, một vị hiệu trưởng Đại học xuất hiện nói chuyện với người biểu tình, bị các bạn trẻ phản ứng dữ dội. Ông ta nói phải tôn trọng luật pháp. Các bạn trẻ đáp lại, “thày hãy về học luật đi”…

Đám biểu tình bị chia cắt làm 3 khúc. Tôi theo một nhóm và tan hàng sau 12g. Nghe nói một số vẫn còn bám trụ… và hẹn tiếp tục vào chủ nhật tới.

Một điều đáng nói là ngoài các bạn trẻ tham gia, tôi gặp nhiều nhân vật “cộm cán” lề phải với tư cách quan sát, hoặc trực tiếp tham gia biểu tình như: Hồ Thu Hồng (Beo) – Tổng biên tập báo Thể Thao Thành phố, Phạm Xuân Nguyên – Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội, Thế Thanh – Cựu Phó giám đốc Sở Văn hóa Thông tin, Giáo sư Chu Hảo, nhà báo Nguyễn Trọng Chức – cựu Tổng thư ký báo Tuổi Trẻ chủ nhật, Nguyễn Tâm Chánh – Tổng biên tập Sài Gòn Tiếp Thị, nhà báo Huy Đức… và một số nhà văn, nhà thơ… không cần biết lề gì.(chúng tôi để tác giả chịu trách nhiệm về lối quy thành phần này, chú thích của ZD)

Rất tiếc, một số anh em văn nghệ sĩ đã từng tham gia biểu tình năm 2007 đã không thể có mặt, hoặc bị giữ tại công an phường, hoặc bị giữ tại nhà. Bản thân tôi cũng bị canh cửa.

Điều cuối cùng tôi muốn kể về ngày hôm nay là những giọt nước mắt của nhà văn Nguyên Minh, một ông bạn già trên 70, ông đã khóc khi tận mắt chứng kiến lòng yêu nước của người dân dâng trào trước nguy nan của tổ quốc. Điều mà ông nghĩ không thể xảy ra được trong chế độ chúng ta đang sống.

Saigon 5.6.2011

(nguồn : blog Song Chi)



Cuộc đối thoại trước
Lãnh sự quán Trung Quốc
và trong trụ sở thành đoàn
Thanh Niên Cộng Sản Thành Phố



Đỗ Trung Quân



Đêm qua tôi bay chuyến cuối cùng từ Đà Nẵng về Sài Gòn. Các Anh Huỳnh Tấn Mẫm, Cao Lập, Lê Hiếu Đằng hẹn “Sáng 5-6-20011 ở Sài Gòn”. 6g 30 sáng 5-6: Người đến sớm nhất là anh A. Menras, tên Việt là Hồ Cương Quyết, người Pháp quốc tịch Việt. Hơn 30 năm trước, Menras đã treo cờ mặt trận trên tượng đài Thủy Quân Lục Chiến trước Hạ nghị viên Sài Gòn và giờ này đang ngồi cặm cụi viết biểu ngữ “ Hòa bình và công lý cho Hoàng Sa- Trường Sa & biển Đông”. Lần lượt các anh Huỳnh Tấn Mẫm, Cao Lập, Lê Công Giàu, Lê Hiều Đằng, Nguyễn Quốc Thái và Giáo sư sử học ngoài 90 tuổi Nguyễn Đình Đầu, quần áo chỉnh tề, cùng có mặt. Hai chiếc taxi ra Nhà thờ Đức Bà, đồng hồ chỉ 8 giờ kém 15 phút.


Đối thoại trước lãnh sự quán Trung Quốc


Chúng tôi nhập vào một nhóm người trẻ đến sát Lãnh sự quán Trung Quốc xế bên Nhà Văn Hóa Thanh Niên số 4 Phạm Ngọc Thạch. Khu vực tràn ngập chốt chăn và cảnh sát chìm thường phục nhưng dễ nhận họ ra bằng máy bộ đàm. Nhiếu người thường phục đưa máy ảnh, điện thoại di động lên chỉa về phía chúng tôi. Cuộc đối thoại bắt đầu. Một chiếc áo thường phục hung hăng nhất: “Đề nghị giải tán, hoạt động phải có luật pháp”. Anh Cao Lập, cựu tù Côn Đảo vốn nóng tính, hét to: “Pháp luật là để bảo vệ người dân và bảo vệ đất nước không phải để bảo vệ bọn Trung Quốc!”. Tiếng vỗ tay ầm ĩ. Một người mặc thường phục khác tiến về anh Lê Hiếu Đằng [Cựu Phó Chủ tịch Mặt trận tổ quốc TP], anh Đằng chỉ mặt quát: “Anh đứng về phía nào, Việt Nam hay Trung Quốc?”. Người mặc thường phục phải lùi lại. Anh Huỳnh Tấn Mẫm và tôi băng qua đường sang phía Nhà Văn Hóa Thanh Niên quan sát.

dau
Những khuôn mặt quen thuộc của phong trào đô thị miền Nam.
Từ trái sang phải : Đình Vượng, Vương Đình Chữ,
Nguyễn Đình Đầu, Lê Hiếu Đằng, Đỗ Trung Quân, Nguyễn Quốc Thái,
Trần Tử Vân Anh, André Menras Hồ Cương Quyết, Huỳnh Tấn Mẫm

Trụ sở của Đoàn thanh niên Cộng sản kéo cổng, vắng tanh, trừ những nhân viên an ninh. Trên sân thượng, Camera chỉa xuống thu toàn cảnh. Một người còn trẻ tiến đến nói: “Chú Q., chú Mẫm, khuyên dùm anh em, bày tỏ thế là được rồi, giải tán đi…”. Đấy là một cán bộ thành đoàn tôi không biết tên, anh Huỳnh Tấn Mẫm nói: “Được là sao? lẽ ra Thành đoàn phải tổ chức cho thanh niên, Thành đoàn không dám thì thanh niên họ phải tự làm thôi!”. Bên kia đường, các anh Lê Hiếu Đằng, Lê Công Giàu, Cao Lập, A. Menras dương cao các khẩu hiệu phản đối Trung Quốc. Một vài người lăm lăm dùi cui tiến đến chỉ vào mặt anh Lê Công Giàu, Huỳnh Tấn, Mẫm: “Đề nghị các chú giải tán!”. Anh Lê Hiếu Đằng nói: “Hãy để cái dùi cui vào mặt bọn Trung Quốc. ”. Chắc họ còn trẻ không biết, nhưng camera trên Nhà Văn Hóa Thanh Niên đã biết và báo cho ông Nguyễn Văn Đua, Phó Bí thư thường trực Thành phố. Một cán bộ Thành đoàn ra, nói: “Anh Ba Đua mời các anh vào nói chuyện”. Anh Lê Hiếu Đằng khoát tay: “Chúng tôi không có chuyện gì để nói?”. Ba mươi phút sau, đích thân ông Nguyễn Văn Đua, Nguyễn Thành Tài xuất hiện, bắt tay và đề nghị chúng tôi vào trụ sở thành đoàn số 1 Phạm Ngọc Thạch để tiếp chuyện. Sau vài phút hội ý anh Lê Công Giàu , Huỳnh Tấn Mẫm ,Lê Hiếu Đằng, Cao Lập… đồng ý vào.


Cuộc đối thoại trong trụ sở Thành đoàn TNCS TP


Những nhân vật trụ cột của Thành ủy: Nguyễn Văn Đua, Nguyễn Thành Tài, Nguyễn Thị Quyết Tâm… có mặt đủ. Thái độ của ông Nguyễn Văn Đua và các thành viên được ghi nhận là nhã nhặn. Ông Nguyễn Chơn Trung [ Sáu Quang-Nguyên Bí thư Đoàn TNCS TP ] lại không được nhã nhặn, ông đập tay xuống bàn nói với ông Lê Hiếu Đằng : “Các anh muốn gì cũng phải có phương pháp đúng đắn”. Ông Lê Hiếu Đằng [ môi giựt, tay run]: “Anh không phải dạy chúng tôi về phương pháp…”. Ông Cao Lập đứng bật đậy: “Tôi không thể tưởng tượng hôm nay anh Sáu Quang tệ hại đến mức này”.Ông Huỳnh Tấn Mẫm điềm đạm “ Chúng tôi đã bày tỏ xong thái độ.Nếu nhà nước hiểu lòng dân chúng tôi sẽ ủng hộ, nếu không thì chúng tôi tiếp tục bày tỏ thái độ. “ Ông Ba Đua vui vẻ gọi Andre Menras là “ đồng chí “. Andre – Hồ Cương Quyết nói “ đồng chí không có nghĩa là cùng trong đảng. Từ lâu nay tôi đứng về phía Việt Nam trong mọi cuộc chiến đấu chống sự bành trướng và xâm phạm chủ quyền VN, cuộc tuần hành này cũng trong tinh thần ấy…. “Cuộc đối có lúc khá thoại căng thẳng. Họ là những người từng đứng cùng một chiến tuyến chống Mỹ trước 1975. Ông Lê Công Giàu, cựu Phó bí thư thường trực Thành Đoàn, khét tiếng kiên cường trong tù đày, tra tấn. Ông Lê Hiếu Đằng, ngay cả khi đã giữ các trọng trách vẫn không vì phú quý vinh hoa, cứ theo lẽ phải mà đấu tranh. Ông Huỳnh Tấn Mẫm Chủ tịch Tổng hội sinh viên Sài Gòn, một người không chỉ nổi tiếng trong nước mà thành tích đấu tranh trước năm 1975 của ông còn làm tốn nhiều giấy mực của báo chí quốc tế.

 Lúc 13g 00, khi tôi rời điểm nóng, cuộc tuần hành vẫn tiếp tục trên các tuyến trung tâm. Trong đám đống ấy tôi nhận thấy những gương mặt “già” quen thuộc: nhà thơ Nguyễn Duy, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, giáo sư Tương Lai, Osin Huy Đức… tùy sức khỏe, người đi hết cả hành trình, người tham gia từng chặng. Buổi sáng ngày 5-6-2011 chắc chắn sẽ làm cho những người ngồi trong tòa nhà Thành đoàn và trong Tổng Lãnh sự Trung Quốc hiểu như thế nào là Việt Nam.

nguồn : Quê Choa

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
Dang Thai Son en concert 08/01/2025 - 17/01/2025 — Paris, Nantes, Lyon, Aix-en-Provence, Genève
Odéon Théâtre de l'Europe - En janvier à l'Odéon 09/01/2025 - 07/02/2025 — Berthier 17e, Odéon 6e
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Histoire des employés vietnamiens et indochinois de la BnF à travers les archives (1942-1965) 16/01/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
Conservatoire de musique de Vitry-sur-Seine - Haydn & Schubert, de l'Instant à l'Eternité ... 17/01/2025 20:00 - 22:00 — 71 Rue Camille Groult, 94400 Vitry-sur-Seine
Festival cinéma - Si loin si proche 2025 06/02/2025 - 09/02/2025 — La Ferme du Buisson, allée de la ferme, 77186 Noisiel - (RER A - Noisiel)
France-Vietnam : un portail entre les cultures - La mémoire vietnamienne en filigrane. Étude de Paris, qu’as-tu fait de nous ? de Pham Van Ky 06/02/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Le développement d’une culture de contestation anti-coloniale publique à Saigon par le moyen d’une presse autonome (1900-1930) 13/03/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - La génération des néologismes sino-vietnamiens dans la circulation culturelle de la sphère sino-graphique sous l’influence de l’Occident au tournant du XXe siècle 03/04/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Sujets et séjournants. Une nouvelle histoire des indochinois en France 15/05/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Transferts du modèle français à la description de la grammaire vietnamienne 05/06/2025 16:30 - 18:00 — BnF site François-Mitterrand | Salle 70 ou via ZOOM
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us