Bạn đang ở: Trang chủ / Việt Nam / Hai con người Việt-Pháp

Hai con người Việt-Pháp

- Kiến Văn — published 17/03/2014 23:50, cập nhật lần cuối 18/03/2014 22:54
Giới thiệu hai cuốn phim ANDRE MENRAS, MỘT NGƯỜI VIỆT và AGENT ORANGE, UNE BOMBE A RETARDEMENT sẽ chiếu ở câu lạc bộ YĐA chiều thứ bảy 22.3.2014 (Studio de la Clef, Paris 5)


Câu lạc bộ YĐA chiều thứ bảy 22.3.14


Hai con người Việt-Pháp


Chiều thứ bảy tới đây, 22 tháng ba 2014, khán giả ở Studio de la Clef (34 rue Daubenton, Paris 5e) sẽ gặp trên màn ảnh hai con người đặc biệt. Tiên thiên, họ không có gì liên hệ với nhau. Tất nhiên, tìm hiểu tiểu sử, chúng ta cũng tìm thấy những điểm tương đồng. Cả hai đều là người miền Nam, một người ở miền Nam nước Pháp, một người miền Nam Việt Nam. Họ đã từng dạy học. Họ từng sống trong tù. Không cùng thời gian, nhưng chung một nhà tù : khám Chí Hòa, Sài Gòn. Cả hai đều có hai quốc tịch : Việt Nam và Pháp. Hiện nay, cả hai người sống ở Pháp, nhưng chắc không ai (kể cả những người vốn quen miệng) gọi họ là Việt kiều. Thật vậy, anh André Menras (tên Việt Nam, có từ những ngày trong tù 1970-72, là Hồ Cương Quyết) là người Pháp, mới có thêm quốc tịch Việt Nam hai ba năm nay ; còn chị Trần Tố Nga, tuy sống nửa thời gian ở Pháp với chồng, vẫn là "người trong nước" trong con mắt nhiều người.

Sự tương đồng về nhân thân, gia đình, quốc tịch ngừng ở đó. Ngoài ra, mỗi người đã đi theo những hành trình khác nhau, đặc biệt như những hành trình có suy nghĩ, lựa chọn, trăn trở, kiên trì. Chúng ta sẽ làm quen với họ trong hai cuốn phim André Menras, một người Việt (lần đầu tiên chiếu ở Paris), và Agent Orange, une bombe à retardement (lần đầu tiên công chiếu ở Pháp).

André Menras, một người Việt do đạo diễn Đào Thanh Tùng (Xưởng phim tài liệu trung ương) thực hiện năm 2012 (36 phút, nói tiếng Việt, phụ đề tiếng Pháp), đã được giải thưởng Cánh diều bạc của Hội điện ảnh Việt Nam. Nhân vật chính của cuốn phim tất nhiên là André, chàng thanh niên Pháp (dạy học ở trường Blaise Pascal, Đà Nẵng) đã cùng người bạn đồng nghiệp Jean-Pierre Debris, năm 1970, giương cao lá cờ xanh đỏ sao vàng của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam lên tượng đài công trường Lam Sơn (trước mặt tòa nhà Quốc hội VNCH, nay là Nhà hát lớn). Hai người đã bị tù, cho đến chiều hôm trước của Hiệp định Paris 1973 (họ đi thẳng từ nhà tù Chí Hòa ra sân bay Tân Sơn Nhất, hạ cánh xuống phi trường Charles de Gaulle ngày 1.1.1973). Để rồi, không một tuần nghỉ ngơi, trong suốt hai năm trời, họ đã đi rong ruổi 17 nước, xuyên ngang xẻ dọc nước Mỹ để tố cáo chế độ lao tù của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu. Sau năm 1975, André trở lại nghề "gõ đầu trẻ" ở quê nhà (thành phố Béziers, miền Nam nước Pháp), sống bên bố mẹ già, lập gia đình. Cho đến ngày về hưu, anh mới có nhiều thời giờ trở lại Việt Nam với những chương trình cụ thể về giáo dục, phát triển...

André là nhân vật chính của cuốn phim, tất nhiên. Nhưng thực ra, anh là người giới thiệu chúng ta với những người bạn, những đồng bào Việt Nam của anh. Đầu tiên, là khuôn mặt của những người cùng một "bộ tộc" với anh : những người Tà Ru (nói lái, nghĩa là ở tù ra), những người bạn chiến đấu bên cạnh, đã bảo vệ anh trong khám Chí Hòa, những người Tà Ru Côn Đảo, những người kháng chiến (như trung tá Đặng Văn Việt, "hùm xám đường 4" làm nên chiến thắng Cao Bắc Lạng 1950), và những người bạn mới của anh : ngư dân làng chài Bình Châu, hải đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), ngày ngày phải đương đầu với sóng gió Biển Đông và chính sách xâm lược ngang ngược của hải quân Trung Quốc. Điều mỉa mai là trong khi cuốn phim này được chiếu trên một số đài truyền hình Việt Nam, thì cuốn phim Hoàng Sa Việt Nam -- nỗi đau mất mát do André Menras thực hiện (với sự cộng tác của Đào Thanh Tùng, sự ủng hộ của nguyên chủ tịch Nguyễn Minh Triết và của Bộ ngoại giao) cho đến nay vẫn chưa được phép công chiếu ở Việt Nam !

Đối với khán giả YĐA cũng như khán giả nhiều nước ở Châu Âu đã có dịp xem phim này, đó quả là một điều khó hiểu (hoặc ngược lại, sự cấm đoán càng làm cho người ta hiểu hơn tâm địa của những "nhóm lợi ích" đang nắm thực quyền ở Việt Nam).

Đối mặt với họ, là Hồ Cương Quyết, là bạn bè và đồng bào của anh, mà chúng ta gắn bó thêm qua cuốn phim súc tích, chân thực André Menras, một người Việt. Nếu phải chê cho công bằng, thì lời phê bình nặng nhất của tôi với cuốn phim là một sự thiếu vắng. Cuốn phim không hề nói tới chị Annie, vợ anh André. Nếu không có người phụ nữ hẳn là vĩ đại ấy, làm sao André tiếp tục nhiệm vụ công dân của anh ?

Trong phim Chất Da Cam, quả bom nổ chậm, chị Trần Tố Nga chỉ là một trong hàng chục nhân chứng ta gặp trong phim. Chị chỉ là một trong số mấy triệu nạn nhân của "cuộc chiến tranh hóa học ghê gớm nhất trong lịch sử loài người".

Cuốn phim của Hồ Thủy Tiên và Laurent Lindebrings, trong vòng 57 phút, cung cấp cho chúng ta những hiểu biết cơ bản về tác hại của Chất Da Cam, của chất độc dioxin, về chính sách của các chính quyền Mỹ (từ Kennedy đến Nixon qua Johnson). Về phía Mỹ, hai nhà điện ảnh đã phỏng vấn các nhà sử học và học giả như Noam Chomsky, Marilyn Young, Michael Barnhart, những cựu chiến binh Mỹ nạn nhân dioxin... (kể cả đô đốc Zumwalt)... Về phía người Việt Nam, cuốn phim đã cung cấp chứng từ của những quân nhân hai phía, của những bác sĩ (Dương Quang Trung ở chiến khu, Nguyễn Ngọc Phượng ở Sài Gòn), những phụ nữ mà bản thân, và con cháu là nạn nhân của dioxin. Quan trọng không kém là những lời giải thích ngắn gọn, dễ hiểu của ông André Bouny, tác giả cuốn sách AGENT ORANGE : Apocalypse Viêt Nam.

(Cũng xin nói thêm : khán giả có thể mua đĩa DVD cuốn phim này tại các nhà bán DVD hoặc qua mạng www.dorianefilms.com với phần bổ sung là phỏng vấn Noam Chomsky, Trần Tố Nga, Luật sư William Bourdon...)

Ưu điểm to lớn của cuốn phim này là Hồ Thủy TiênLaurent Lindebrings đã làm chủ được một đề tài rất phức tạp và khó khăn, trình bày mạch lạc mà không sa đà vào những chi tiết không cần thiết, kiên trì một quan điểm khách quan, tôn trọng người xem và khả năng phán đoán của người xem, không tìm cách "định hướng" khán giả bằng những xúc động mà tất nhiên mỗi người đều trải nghiệm.

Như đã nói ở trên, chị Trần Tố Nga chỉ xuất hiện đôi lần trong phim, như một nhân chứng trong nhiều nhân chứng. Tại sao chúng tôi tập trung nói tới chị ? Nguyên ủy là : như mọi người đều biết, trong khi các công ti sản xuất Chất Da Cam (đứng đầu, thu lợi nhuận nhiều nhất là Dow Chemical) đã phải đền bù cho cựu quân nhân Mỹ (tiền đền bù và trợ cấp của chính phủ Mỹ cho khoảng 150 000 quân nhân Mỹ tổng cộng lên tới 13 tỉ USD), Hàn Quốc, Úc, New Zealand (và gần đây, Monsanto đã phải bồi thường cho một nông dân Pháp vùng Bretagne đã bị nhiễm độc vì dùng chất khai quang), thì tòa án Mỹ đã bác bỏ đơn khiếu kiện của các nạn nhân Việt Nam.

Phải chăng như vậy, hàng triệu người Việt Nam, những trẻ em Việt Nam, những bà mẹ Việt Nam sẽ mãi mãi là nạn nhân của sự bất công ghê tởm này, mấy chục năm sau khi đã là nạn nhân của chiến tranh hóa học ? Một người đã dứt khoát trả lời : Không ! Đó là luật sư William Bourdon, một trong những luật gia nổi tiếng của Pháp, chuyên về nhân quyền. Theo ông Bourdon, luật pháp hiện hành của Liên hiệp Châu Âu, đặc biệt là Pháp, cho phép công dân các nước này, có thể khởi kiện các công ty hóa chất Mỹ trước những tòa án Châu Âu, dù rằng khi bị nhiễm độc, họ chưa có quốc tịch châu Âu. Từ ý đó, ông đã đi tìm và gặp bà Trần Tố Nga.

Xuất thân từ một gia đình kháng chiến Nam Bộ, chị Tố Nga ra Bắc tập kết sau Hiệp định Gevève. Sau khi tốt nghiệp đại học, năm 1965, chị trở về miền Nam, làm phóng viên chiến trường ở miền đông Nam Bộ. Từ năm 1966, chị đã sống hoặc đi qua những vùng liên tục bị rải chất Da Cam ; con gái đầu lòng của chị đã chết khi chưa đầy 2 tuổi với những triệu chứng hậu quả của dioxin. Hiện nay, chị và một trong hai con gái còn sống mang trong người một loạt hội chứng nằm trong danh sách những bệnh tật hậu quả dioxin đã được quốc hội và chính quyền Mỹ thừa nhận.

Trong những ngày tới đây, luật sư Bourdon sẽ thay mặt bà Trần Tố Nga khởi kiện các công ti hóa chất Mỹ trước tòa đại thẩm Evry (tribunal de grande instance). Một vụ kiện "hi vọng cuối cùng" theo lời luật gia. Một phụ nữ Việt Nam, bước sang tuổi "cổ lai hy", dồn sức lực còn lại vào một cuộc đối đầu với những bộ máy khổng lồ về kinh tế và thế lực. Đó là cuộc dấn thân cuối đời mà chị nghĩ phải thực hiện, vì những người đã khuất, vì những người đang sống, vì những thế hệ sẽ còn mang nặng hậu quả của chất độc ghê gớm kia (+).

Kiến Văn


(+) Luật sư Bourdon và các cộng sự viên đã khảng khái nhận bảo vệ chị Trần Tố Nga trước công lí mà không nhận tiền thù lao. Nhưng một vụ kiện như vậy đòi một án phí và những công việc tốn kém (thí dụ : bản dịch hữu thệ những tài liệu giữa tiếng Việt, Anh và Pháp), tổng cộng lên tới mấy chục ngàn Euro. Hội VNED (Vietnam Les Enfants de la Dioxine) đã nhận mở quỹ hỗ trợ vụ án này.

Ngân phiếu xin đề tên Association Vietnam les Enfants de la Dioxine, và gửi về địa chỉ của Bà chủ tịch hội : Mme Loan VO, 42A rue du Canal, 67460 Souffelweyersheim, France (địa chỉ Email : loanvo@vned.org). Đằng sau ngân phiếu, xin đề rõ PROCES (toàn bộ số tiền đóng góp sẽ được chuyển cho văn phòng luật sư).

Cũng có thể chuyển khoản thẳng vào tài khoản của Association Vietnam les Enfants de la Dioxine (VNED) theo các thông tin sau đây :

RIB :30004 00150 00010021821 13 BNP PARIBAS PARIS LOWENDAL
IBAN: FR76 3000 4001 5000 0100 2182 113
N° BIC (ou SWIFT) : BNPAFRPPPXV

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us