Bạn đang ở: Trang chủ / Việt Nam / Hồn vía đô thị và cốt cách thị dân

Hồn vía đô thị và cốt cách thị dân

- Nguyễn Thị Hậu — published 19/12/2013 18:55, cập nhật lần cuối 30/01/2014 16:17
Một người trẻ ở Hà Nội -- Lê Ngọc Sơn, một người không còn trẻ ở Sài Gòn -- Nguyễn Thị Hậu. Một người là nhà báo một người là “ công chức ” nghiên cứu. Nhưng cả hai đều có thêm nghề dạy học, đều thích đi và viết, đều chơi Facebook. Họ quen nhau ở FB, thường xuyên chia sẻ nhiều điều. Lần này họ trò chuyện với nhau về đô thị, một đô thị cụ thể như Sài Gòn, Hà Nội nhưng cũng là một đô thị mang dáng vẻ chung như những nơi họ đã từng qua, từng sống.


Nhà báo Lê Ngọc Sơn trò chuyện với TS Nguyễn Thị Hậu



Hồn vía đô thị và cốt cách thị dân



Một người trẻ ở Hà Nội, một người không còn trẻ ở Sài Gòn. Một người là nhà báo một người là “ công chức ” nghiên cứu. Nhưng cả hai đều có thêm nghề dạy học, đều thích đi và viết, đều chơi Facebook. Họ quen nhau ở FB, thường xuyên chia sẻ nhiều điều. Lần này họ trò chuyện với nhau về đô thị, một đô thị cụ thể như Sài Gòn, Hà Nội nhưng cũng là một đô thị mang dáng vẻ chung như những nơi họ đã từng qua, từng sống.


NTH

Điều gì tạo nên hồn vía và cốt cách của một đô thị, thưa chị ?


Đó là sự độc đáo, bản sắc riêng của văn hoá đô thị.Văn hoá đô thị thể hiện sự hoà hợp, thống nhất của cảnh quan đô thị và lối sống thị dân.Cảnh quan đô thị gồm di tích lịch sử – văn hoá,quy hoạch – kiến trúc phù hợp các tính chất, chức năng đô thị và bảo tồn cảnh quan tự nhiên… Lối sống thị dân quan trọng nhất là mối quan hệ với cộng đồng, ứng xử với môi trường, vừa là những nét văn hoá tinh tuý của vùng miền, của quốc gia đồng thời cũng mang những yếu tố văn hoá tiên tiến của thế giới, bởi vì đô thị – trung tâm nên là nơi hội tụ tinh hoa của một vùng miền và là nơi giao lưu văn hóa với nhiều vùng miền khác. Tất cả được chọn lọc qua quá trình phát triển làm nên hồn vía, cốt cách của đô thị.

Tính chất đô thị thường thể hiện đậm đặc ở “ vùng lõi ” của thành phố : khu vực trung tâm, được hình thành lâu đời, xây dựng và quy hoạch phục vụ thiết chế hành chính – chính trị – văn hóa của đô thị. Khu vực này tiêu biểu cho “ hồn vía ” của đô thị cả về kiến trúc cảnh quan, cả về lối sống và văn hóa. Khu vực cốt lõi này nếu không được bảo tồn, bị phá vỡ về cấu trúc dân cư, về cảnh quan kiến trúc tức là đã phá hủy hồn vía của đô thị. Khi ấy văn hóa đô thị sẽ không còn đủ sức mạnh để “ đồng hóa ” những lớp dân cư khác đến sau.


Theo chị, thành tố quan trọng nhất cấu trúc nên một nền văn hóa đô thị là gì ?


Thị dân – người dân sống ở đô thị. Hình như từ lâu rồi trong văn chương, báo chí của ta không còn khái niệm “ thị dân ”, điều này phản ánh tư duy không coi trọng văn hóa đô thị mà thị dân là chủ thể.

Đô thị thì có những nghề nghiệp công việc của đô (thành) và thị : công chức, quan chức, trí thức, doanh nhân, những người làm các nghề dịch vụ, thợ thủ công, buôn bán nhỏ lẻ… Thị dân, nói chung là những người có lối sống, sinh hoạt phù hợp với cơ cấu thời gian hành chính, tác phong công nghiệp của đô thị, khác với dân cư ngoại ô hay ven đô có những nghề nghiệp, sinh hoạt khác. Qua hàng trăm năm, lối sống, văn hóa đô thị được hình thành qua nhiều thế hệ thị dân.

Nói đến đô thị không thể không nói đến tầng lớp trung lưu và thượng lưu. Họ có thể là doanh nhân, quan chức, công chức, trí thức… tầng lớp này đại diện cho “ văn hóa thị dân ”. Sự hình thành đô thị cũng là quá trình hình thành các tầng lớp này, bởi vì đô thị là phải là trung tâm chính trị – kinh tế – văn hóa – khoa học. Nhìn vào tầng lớp này người ta có thể nhận biết tinh hoa của từng quốc gia trong mỗi thời đại.


Nét tính cách nào ở thị dân Việt mang tính trội, thưa chị ?


Ở đô thị từng cá nhân và từng gia đình hầu như không bị ràng buộc bởi các mối quan hệ chằng chịt như ở thôn quê. Ở nông thôn giữa hai người, hai gia đình có khi vừa là quan hệ huyết thống, vừa là láng giềng, lại vừa có cùng lợi ích kinh tế (cùng làm nông nghiệp chẳng hạn)… do đó tính cộng đồng cao hơn. Còn ở đô thị thì mối quan hệ cùng lợi ích kinh tế là quan hệ chính (buôn có bạn bán có phường / hoặc quan hệ chính trị như cùng giai cấp / đẳng cấp). Quan hệ láng giềng hay huyết thống vẫn duy trì nhưng là thứ yếu và không phổ biến.

Khi con người và đô thị càng gắn bó với nhau, thì tính cách thị dân sẽ càng mau “ chín ”. Nhưng hình như dù sống cả đời với đô thị thì thị dân của ta vẫn luôn có một “ nhà quê ” ở trong tâm tưởng. Điều này có hai mặt : một mặt giữ gìn được tính truyền thống và tương đối ổn định trong quan hệ xã hội, trong văn hóa. Mặt khác sống nơi thị thành nhưng hầu như không quan tâm đến môi trường văn hóa đô thị, quan tâm đến việc “ người phải xứng với phố ” để thay đổi mình, và để làm cho “ phố xứng với người ” hơn, chưa kể những người nhập cư vì kế sinh nhai luôn thấy mình không sở thuộc vào cái thành phố mà mình đang sống. Sự phân thân “ thị dân nửa nông dân ” là tính cách nổi trội của thị dân Việt, nhất là từ sau 1975 tới nay.


Các đô thị lớn đều trải qua nhiều biến động, người quê ra phố, mang những điều tích cực, nhưng cũng góp phần nhạt phai bản sắc văn hóa thị dân. Ở khía cạnh này, chị có phân tích gì ?


Ở các đô thị như Hà Nội, TP.HCM người nhập cư là thực tế khách quan tồn tại ngay từ lúc đô thị được hình thành, ngày càng phát triển mạnh mẽ và đa dạng do những nhu cầu nội tại của đời sống đô thị. Có thể nói quá trình đô thị hoá và làn sóng nhập cư là một thuộc tính của đô thị. Không có những người nhập cư đời sống đô thị sẽ không có sự đa dạng, phong phú về văn hóa, sẽ mất đi một phần quan trọng những đóng góp kinh tế cho sự phát triển của các thành phố.

Tuy nhiên, quá trình nhập cư hiện nay vào các thành phố lớn không mang tính bền vững mà chỉ là giải pháp tình thế, coi việc “ di cư ” ra các thành phố lớn là con đường duy nhất để kiếm sống khi người nông dân không thể sống ngay trên quê hương mình vì không còn ruộng đất, không thể tiếp tục làm nông nghiệp, ngư nghiệp, buộc phải chuyển đổi sang những ngành nghề phi nông nghiệp. Tất nhiên, với một số người lao động có trình độ cao thì thành phố luôn là nơi thu hút và tạo điều kiện cho họ phát huy khả năng trình độ của mình. Chính cuộc sống “ tạm bợ ” này càng củng cố tâm lý không gắn bó với thành phố, được chăng hay chớ, vì vậy người nhập cư không có nhu cầu thay đổi lối sống cho phù hợp với văn hóa đô thị.

Tuy nhiên không nên cho rằng kỷ cương đô thị, lối sống, văn minh đô thị hiện nay không tốt, bị xuống cấp… là do dân số tăng nhanh hay do người nhập cư. Người nhập cư nếu so với người thành thị (là người có hộ khẩu và sống ổn định ở thành phố) thì tỷ lệ luôn ít hơn nhiều. Kỷ cương, lối sống có văn minh hay không, quan trọng là do văn hoá và nếp sống của người thành thị là chính. Văn hoá đô thị do thị dân có ý thức xây dựng và gìn giữ, sẽ là chuẩn mực cho cho lớp cư dân mới tuân theo.


Chị thấy gì về Tết truyền thống ở đô thị Việt Nam ?


Đô thị ngày nay có nhiều thay đổi sinh hoạt trong dịp Tết, đã có “ sự chuyển dịch ” từ “ truyền thống, hướng nội ” sang “ hiện đại, hướng ngoại ”. Nếu trước đây ngày Tết thực sự từ ngày 23 tháng Chạp thì giờ đây, việc đón chào năm mới đã “ dịch chuyển ” đến sớm hơn, vào dịp Noel đến Tết dương lịch. Đó là vì nhịp sống đô thị và công nghiệp đã khá phổ biến ở các thành phố lớn. Tuy nhiên tính chất truyền thống của tết Nguyên đán dù ở các đô thị thì vẫn là sum họp gia đình và mừng thọ ông bà cha mẹ, cầu mong một năm mới tốt lành. Ba ngày Tết là ba ngày của gia đình và bà con, bạn bè thân thiết.

Ở các đô thị hiện nay, ăn Tết, chơi Tết đã có nhiều dịch vụ, từ các loại thực phẩm đến các tour du lịch, hầu như không cần phải quá lo lắng đến việc ăn uống vì chỉ cần có tiền đi siêu thị một buổi là đầy đủ. Người nhập cư thì từ rằm tháng Chạp đã bươn bả về quê, các thành phố lớn vắng hẳn. Tất cả những điều đó làm cho Tết ở đô thị đáng yêu vì cái vẻ “ truyền thống mà hiện đại ”, mà cũng có một chút ngậm ngùi, dường như cái bận rộn của sự lo lắng, cái tình nghĩa của sự thiếu thốn, cái ấm áp của sự sum họp… đang mất đi đã mang theo ký ức của nhiều thế hệ.


Chị đã từng sống ở Hà Nội thời thơ ấu, ký ức của chị về Tết ở Hà Nội là gì ?


“ Nơi tôi sinh Hà Nội ” và tôi đã sống ở đó cho đến tháng 6/1975 thì về Sài Gòn theo gia đình. Cho đến bây giờ ký ức những ngày Tết ở Hà Nội chưa bao giờ phai mờ trong tôi. Gần Tết là chuyện xếp hàng mua các loại thực phẩm bánh kẹo theo tem phiếu, mỗi nhà được một túi nilon trong có hộp mứt có vẽ cành đào và phong pháo đỏ, gói kẹo, bánh pháo, vài bao thuốc lá, miếng bóng (da lợn khô), gói miến, gói nhỏ bột ngọt (mì chính). Chỉ thế thôi nhưng có cái túi đó trong nhà là thấy Tết đã về. Rồi xếp hàng mua đậu xanh, nếp, ra chợ mua lá dong chuẩn bị gói bánh chưng. Nhà tôi là Nam Bộ tập kết nên má tôi ra chợ ngoại ô mua lá chuối để gói bánh tét. Tối 29,30 Tết cả khu tập thể đỏ lửa, hai ba nhà chung nhau một nồi nấu bánh, trẻ con thì náo nức từ ngày được nghỉ Tết… Những ngày Tết không dư dả nhưng đầy ắp tình cảm gia đình, hàng xóm. Và Hà Nội những ngày giáp Tết luôn là những ngày đẹp nhất.

Mưa phùn như rây, lạnh buốt, hương thơm nồi nước lá mùi già tắm gội “ tất niên ”, bình hoa thược dược rực rỡ trên bàn thờ, bình hoa violet tím và hoa lay ơn trắng trên bàn nước… những màu sắc mùi vị ấy có thể vẫn còn nhưng khó mà tìm lại được cảm xúc như xưa. Có lẽ vì Hà Nội bây giờ đã giàu sang hơn trước…


Sài Gòn – Hà Nội tháng 1/2014


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us