Bạn đang ở: Trang chủ / Việt Nam / Khai thác bô-xit Tây Nguyên : góc nhìn kỹ sư (4)

Khai thác bô-xit Tây Nguyên : góc nhìn kỹ sư (4)

- Đặng Đình Cung — published 22/05/2009 23:00, cập nhật lần cuối 21/05/2009 23:56

Khai thác mỏ bauxit ở Tây Nguyên :
Quan điểm của một kỹ sư


ĐẶNG Đình Cung

Kỹ sư tư vấn

 


Phần IV - Dự án và tiến bộ công nghệ


Trong phần này, chúng tôi xin chỉ chú trọng đến những cơ hội phát triển công nghệ nhân dự án bauxit Tây Nguyên.

Hợp tác quốc tế

Hợp tác với Chalieco

Từ khi Trung Quốc đi vào kinh tế thị trường, quốc gia này trở nên bất công : một phần nhỏ dân số, thường là con cháu những vị lãnh đạo cách mạng khi xưa, cực giầu sống giữa một biển người bữa no bữa đói. Vì sự bất công đó mà Trung Quốc phản ảnh một nước chậm tiến. Nhưng nếu chỉ có một người Trung Quốc trên một trăm đã được đào tạo và đã hấp thụ công nghệ tiên tiến của nhân loại thì, với 1.400 triệu nhân khẩu, Trung Quốc có 14 triệu nhân tài kỹ thuật, đội ngũ của một cường quốc công nghệ. Vậy chọn một nhà thầu Trung Quốc như Chalieco không nhất thiết là một sai lầm.

Chalieco là công ty con của Chinalco, một tập đoàn thành lập năm 2001 từ sự sáp nhập 12 xí nghiệp và cơ quan Trung Quốc hoạt động trong ngành nhôm[i]. Chỉ sau vài năm, Chinalco đã trở thành công ty hàng đầu thế giới về kim loại mầu, thứ nhì về alumin và thứ ba về nhôm. Năm 2007, tập đoàn tổng cộng 200.000 nhân viên, vốn 201,4 tỷ nhân dân tệ (RMB) (khoảng 29,2 tỷ USD), doanh số 131,7 tỷ RMB (19,1 tỷ USD) và lãi 10 tỷ RMB (1,5 tỷ USD). Tập đoàn kiểm soát 34 công ty con, trong đó có Chalco (Aluminum Corporation of China Limited). Chalco bao gồm tất cả vốn và các hoạt động thương mại và công nghiệp của Chinalco trong ngành nhôm. Chinalco giữ 38,6 % cổ phần của Chalco. Phần còn lại được niêm yết trên các sàn giao dịch New York, Hong Kong và Thượng Hải. Nhờ được niêm yết, Chalco nổi tiếng hơn Chinalco nên nhiều người tưởng lầm chỉ có một công ty mang hai tên.

Năm 2003 Chinalco sáp nhập hai công ty con Guiyang Aluminum & Magnesium Engineering & Research Institute và Shenyang Aluminum & Magnesium Engineering & Design Institute thành công ty Chalieco (China Aluminum International Engineering Co. Ltd) trong đó Chinalco giữ 95 % cổ phần. Chalieco chuyên về thiết kế và xây dựng trong ngành kim khí. Họ khoe đã khai triển công nghệ phân loại khoáng sản theo quy trình Bayer và một kiểu lò điện phân nhôm 400 kA.

Sáng chế một lò điện phân nhôm mới có thể là một bước tiến công nghệ nếu sáng chế đó tiết kiệm điện và giảm cryolit và điện cực bốc hơi do nhiệt độ cao của lò. Nhưng TKV chỉ ký hợp đồng xây dựng một nhà máy alumin. Về phân loại khoáng sản thì chúng tôi không có thông tin về cái mà Chalieco gọi là công nghệ riêng của họ là gì. Công nghệ phân loại khoáng sản bauxit dựa trên sáng chế của Bayer từ cuối thế kỷ XIX và bây giờ vẫn được áp dụng. Trừ khi Chalieco sáng chế ra một quy trình khác quy trình Bayer, những tiến bộ có thể là những tiến bộ về phương pháp vô hiệu hoá xút trong bùn đỏ, tiết kiệm năng lượng và giảm hao hụt xút trong quy trình. Nhưng đó không phải là những công nghệ mới mà cũng không phải là những bước nhảy vọt công nghệ.

Ngày 13.7.2008 TKV đã ký hợp đồng EPC (Engineering Procurement Construction) với Chalieco xây dựng nhà máy alumin trị giá 460 triệu USD ở Tân Rai, huyện Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng[ii]. Chalieco đã đặt mua máy móc của Marubeni[iii] và chắc sẽ mang tay nghề và phương pháp quản lý dự án của họ để thực hiện công trình.

Các chuyên gia Việt Nam đã đi thăm các cơ sở điển hình ở Australia và ở Trung Quốc. Những vị này kết luận rằng Australia xử lý bùn đỏ theo phương pháp khô hay hơn là phương pháp ướt của Trung Quốc. Thực ra, như trình bày ở một phần trên, chọn giữa hai phương pháp tuỳ ở tình huống cá biệt về điều kiện thiên nhiên địa phương.

Có người hỏi tại sao không chọn một công ty khác. Những tập đoàn khoáng sản đều có bộ phận thiết kế và xây dựng nhưng chỉ để đáp ứng nhu cầu riêng của họ. Nếu gửi một RFQ (Request For Quotation, Yêu cầu Kê Giá) thì họ tìm cách từ chối vì đó không phải là nghề ruột (core business) của họ. Theo chúng tôi được biết thì Chalieco là công ty duy nhất trên thế giới bán dịch vụ thiết kế và xây dựng chuyên trong ngành nhôm. Công ty này đã xây tổng cộng 15 nhà máy alumin và hơn 100 nhà máy điện phân nhôm. Đây là những con số đáng kể trong ngành thiết kế và xây dựng. Ngoài ra những xí nghiệp thiết kế và xây dựng Trung Quốc có phương pháp quản lý độc đáo để có thể giảm giá thành và thời hạn hoàn tất mà chúng tôi đã trình bày ở một phần trên.

Chúng tôi xin cảnh báo TKV đã ký một hợp đồng EPC với Chalieco. Nếu bây giờ TKV đòi Chalieco làm gì khác họ đã dự định thì sẽ chịu trách nhiệm và bồi thường mọi hậu quả của sự thay đổi này về tài chính, thời hạn thực hiện và hiệu năng kỹ thuật. Nếu muốn huỷ hợp đồng thì cũng quá muộn. Từ hơn một năm nay dự án đã khởi công, mặt bằng đã được giải toả và đào đắp, những máy móc đã được Chalieco đặt mua rồi, tiền cọc đã đóng rồi,... Nếu bây giờ ngưng thì dự án sẽ đi vào một vòng xoáy những dự án ở Việt Nam thực hiện dở dang, lãng phí tiền của và công lao của người dân.

Quá lắm là chúng ta tiến hành dự án Tân Rai, ngưng thực hiện các dự án bauxit nhôm khác kể cả dự án Nhân Cơ và coi Tân Rai là một thí điểm để đào tạo nhân lực chuyên môn. Đây cũng là đề nghị của các nhà khoa học Việt Nam và quyết định của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải sau hội thảo ngày 09 04 2008[iv].

Hợp tác với những đối tác quốc tế khác

Trong Công văn 2728/VPCP QHQT[v] Chính phủ cho phép TKV mời :

Tập đoàn Chalco (Trung Quốc) tham gia cổ phần với tỷ lệ 40 % vào dự án 1/5 và Quảng Sơn,

Tập đoàn Luyện kim Vân Nam (Trung Quốc) tham gia vào dự án Tân Rai (Lâm Đồng) với tỷ lệ không quá 20 %,

Tập đoàn Alcoa (Mỹ) tham gia cổ phần vào Dự án Nhân Cơ (Đăk Nông) với tỷ lệ đến 40 %,

Tập đoàn BHP (Mỹ) tham gia vào dự án đường sắt từ Tây Nguyên đi Bình Thuận với tỷ lệ đến 49 %,

và được phép tham gia hợp tác khai thác, chế biến bauxit tại Campuchia với tỷ lệ tham gia 10 %.

Chúng tôi đã giới thiệu Chalco ở phần trên. Nội dung đàm phán thì chúng tôi không biết. Theo chúng tôi được biết thì TKV vẫn còn đàm phán với Chalco.

Về Tổng Công ty Nhôm Vân Nam, chúng tôi được biết qua trạm Internet của TKV "Tổng Công ty Nhôm Vân Nam có kế hoạch nâng vốn thêm 1,2 tỷ NDT (175,5 triệu USD) để xây dựng dự án alumin công suất 800.000 t/năm" và công ty đó là công ty con của Tập đoàn Luyện kim Vân Nam[vi]. Ngoài ra chúng tôi không tìm thấy trên mạng Internet thông tin gì khác về Tập đoàn Luyện kim Vân Nam vì không biết Hoa văn.

Alcoa là hãng Mỹ số một thế giới về nhôm. Công ty được thành lập năm 1988 dưới tên là The Pittsburg Reduction Company để khai thác bằng sáng chế của Hall về điện phân alumin thành nhôm[vii]. Năm 1907 xí nghiệp này đổi tên thành Aluminium Company of America Alcoa cho đến năm 1999 thì lấy tên gọi tắt là Alcoa. Năm 2007, Alcoa có 107.000 nhân viên, doanh số 30,7 tỷ USD, lãi 2,6 tỷ USD và giá trị niêm yết 16,0 tỷ USD. Tập đoàn này sản xuất alumin, nhôm sơ đẳng dưới nhiều dạng, nghiên cứu và sản xuất những thành phần bằng nhôm cho các ngành phi cơ, ô tô, bao bì, xây dựng, phương tiện vận tải,...

Tập đoàn Alcoa chỉ chuyên về sản xuất nhôm và các áp dụng của nhôm, một kiểu mẫu sáp nhập theo chiều dọc (vertical integration) từ nguyên liệu cơ bản đến sản phẩm cuối cùng. Theo chúng tôi được biết thì tập đoàn này chỉ muốn đầu tư chung với những đối tác khác để bảo đảm nguồn cung cấp alumin cho họ. Vì đây là nguyên liệu chiến lược của họ, họ ưu tiên đầu tư trực tiếp (direct investment) để nắm ít nhất tỷ lệ cổ đông có quyền phủ quyết trong hội đồng quản trị hay, nếu có thể, tỷ lệ áp đảo. Nhờ Alcoa có tay nghề rất chuyên môn và những sáng chế đã được coi là đột phá về công nghệ kim khí, hợp tác với tập đoàn này có tiềm năng sinh ra cho chúng ta nhiều tiến bộ trong ngành công nghệ nhôm. Chúng tôi không biết hợp đồng với Alcoa có khoản hợp tác về công nghệ hay chỉ vỏn vẹn ở một bên góp vốn một bên cung cấp lâu dài bauxit và alumin.

BHP Billiton là tập đoàn khoáng sản và kim loại lớn nhất thế  giới. Trụ sở đặt tại Melbourne, Australia, và London, Anh Quốc[viii]. Năm 2001 tập đoàn được thành lập do sáp nhập công ty BHP (Broken Hill Proprietary, thành lập năm 1885) và công ty Billiton (thành lập năm 1860). Năm 2008, BHP Billiton có 33.900 nhân viên, doanh số 59,5 tỷ USD, lãi 16,0 tỷ USD và giá trị niêm yết 39,0 tỷ USD. Tập đoàn này sản xuất alumin, nhôm sơ đẳng dưới nhiều dạng, nghiên cứu và sản xuất những thành phần bằng nhôm cho các ngành phi cơ, ô tô, bao bì, xây dựng, phương tiện vận tải,... Tập đoàn tác động trên thị trường sắt, kim cương, than, dầu khí, nhôm, đồng, kền và uranium.

Chúng tôi không hiểu tại sao TKV chỉ được mời BHP Billiton đầu tư vào dự án đường sắt từ Tây Nguyên đi Bình Thuận. Theo chúng tôi được biết thì, cũng như Alcoa, BHP Billiton chỉ muốn đầu tư chung với những đối tác khác để bảo đảm nguồn cung cấp khoáng sản và những sản phẩm sơ đẳng được biến chế từ khoáng sản. Vì đây là nguyên liệu và thương phẩm chiến lược của họ, họ ưu tiên đầu tư trực tiếp để nắm ít nhất tỷ lệ cổ đông có quyền phủ quyết trong hội đồng quản trị hay, nếu có thể, tỷ lệ áp đảo. Dự án đường sắt của TKV không phải là một đầu tư chiến lược của họ. TKV lại nhường cho họ một tỷ lệ cổ phần ngay ở dưới tỷ lệ áp đảo thì chắc chắn họ sẽ không nhận.

Công nghệ không phải là một hàng hoá. Chúng ta chỉ có thể đổi một sáng chế hay tay nghề lấy một sáng chế hay tay nghề của đối tác. Nếu chúng ta hạn chế hợp tác quốc tế ở những tập đoàn khổng lồ như Chalco, Alcoa hay BHP Billiton thì chúng ta sẽ thương lượng ở vị thế không thuận lợi vì chúng ta có ít sáng chế hay tay nghề riêng để trao đổi. Ngược lại, nếu chúng ta hợp tác với những đối tác cùng tầm vóc với ta thì chúng ta có  thể thương lượng một cách cân bằng hơn. Những tập đoàn công nghiệp các nước đang lên như là Ấn Độ hay Brazil có thể nắm một số sáng chế hay tay nghề mà chúng ta cần đến nhưng không có. Nhiều khi, vì hoàn cảnh khó khăn như chúng ta, họ đã sáng chế những giải pháp kỹ thuật thích hợp với ta hơn mà họ muốn đổi với sáng chế hay tay nghề của ta.

Chúng tôi xin đề nghị hợp tác với Brazil. Nhờ tài nguyên thiên nhiên rất lớn và một chính phủ khuynh tả sáng suốt, Brazil là một cường quốc đang lên. Companhia Vale do Rio Doce (52.600 nhân viên, doanh số 38,5 ty USD, thành lập năm 1942) và Companhia Brasileira de Aluminio (6.500 nhân viên, doanh số 2,2 tỷ USD, thành lập năm 1955) là những công ty khai thác khoáng sản tầm vóc quốc tế, đã được thành lập từ lâu và đã tích luỹ được nhiều tay nghề. Kỹ sư Oliver Henry Knowles được ghi danh trên Danh sách 500 Người Trên Thế giới Được Khen tặng vì Thành tựu cho Môi trường (Global 500 Roll of Honour for Environmental Achievement) của UNEP (United Nations Environment Programme, Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc)[ix] vì đã khai triển thành công phương pháp hoàn thổ cuốn chiếu cho xí nghiệp khai thác bauxit Mineracao Rio do Norte, mà chúng tôi nêu tên ở một phần trên.

Hợp tác với Brazil sẽ mang lại nhiều lợi ích cho hai nước. Chuyến thăm chính thức gần đây của Tổng thống Lula đã mở đường cho những trao đổi thương mại mật thiết hơn giữa Việt Nam và Brazil. Nước này có nhiều mỏ bauxit đã được khai thác từ lâu, có điều kiện thiên nhiên gần giống Việt Nam và đã nghiên cứu để giải quyết những xáo trộn văn hoá xã hội đồng bào thiểu số của họ gây ra bởi khai thác tài nguyên thiên nhiên.

Các nước bạn láng giềng Campuchia và Lào đều có mỏ bauxit ở những tỉnh giáp giới với Việt Nam và muốn hợp tác với nước ngoài để thăm dò khai thác những mỏ đó. Lào đang hợp tác với China Nonferrous Metals International Mining Inc. và Ord River Resources để thăm dò trên Cao nguyên Boloven[x]. Chúng tôi xin đề nghị ba nước hàng xóm hợp tác về công nghiệp nhôm chặt chẽ hơn là tham gia 10 % vào một dự án ở Campuchia.

Dù hợp tác với nước nào chăng nữa, dù nước đó là bạn hay thù, chúng tôi cũng ân cần xin nhắc lời răn đe Vua Lê Thái Tổ, thế kỷ XV, đã cho khắc vào vách núi đá ở Hoà Bình :

Biên phòng hảo vị trù phương lược
Xã tắc ưng tư kế cửu an

(Phải có phương lược tốt phòng thủ biên giới. 
Cần tìm kế sách hay làm cho xã tắc yên ổn lâu dài)

Nội lực

Muốn phát triển công nghệ thì phải dùng nội lực nghiên cứu những vấn đề khoa học kỹ thuật của mình mà nước khác không quan tâm đến và gửi người đi nước ngoài học những công nghệ có tiềm năng giải quyết những vấn đề đó. Nhưng phương pháp dễ nhất, hữu hiệu nhất là thực hiện chung những hợp đồng thiết kế và xây dựng với các xí nghiệp ngoại quốc. Dự án bauxit Tây Nguyên đáng lý ra phải là một cơ hội bằng vàng để chúng ta học kỹ thuật và phương pháp làm ăn của Chalieco.

Nhưng hợp đồng nhà máy alumin Tân Rai đã ký năm ngoái với Chalieco chỉ là một hợp đồng EPC. Loại hợp đồng này cũng được gọi nôm na là hợp đồng "chìa khoá trao tay". Những nước chậm tiến ưa chuộng những loại hợp đồng này vì không có cán bộ có kỹ năng và cũng chịu không thể thành lập một đội ngũ cán bộ có kỹ năng cho sau này.

Rất tiếc hợp đồng với Chalieco không mang lại gì cho chúng ta về tiến bộ công nghệ : TKV trả 466 triệu USD theo một kỳ hạn tuỳ ở tiến độ của công trình rồi chờ Chalieco giao cho một nhà máy có công suất 600.000 tấn/năm. Sau một thời gian chạy thử nhà máy nếu thấy nhà máy chạy không trục trặc gì và với công suất thực 600.000 tấn/năm thì TKV ra lệnh ngân hàng thanh toán tài khoản tạm kìm lại để bảo hành. Chalieco lo hết từ thiết kế, đặt mua những công nghệ mà họ không có, đặt mua thiết bị và vật liệu xây dựng cho nhà máy, mang thiết bị và nhân công xây dựng của họ, chỉ huy và giám sát tất cả mọi việc. Họ muốn mang công nghệ tân tiến hay lạc hậu thì họ mang, họ muốn mua thiết bị cũ hay mới thì tuỳ họ miến là nhà máy sản xuất được đều dặn 600.000 tấn/năm trong suốt thời gian bảo hành. Kết quả là phía Việt Nam chỉ cần học vận hành một nhà máy, không cần biết gì khác mà cũng không có dịp học hỏi thêm gì hết. Ngược lại, với dự án Tân Rai, Chalieco sẽ tích tụ thêm kinh nghiệm, tiến bộ thêm và có thêm một viện chứng để khoe với khách hàng của họ.

Hợp tác quốc tế có thể được thực hiện dưới nhiều loại hợp đồng. Ngoài hợp đồng EPC còn có nhiều loại hợp đồng khác đã được liệt danh và định nghĩa trong Luật Đấu thầu. Những hợp đồng đó đều phải có sự tham gia kỹ thuật của chủ đầu tư hay chủ đầu tư phải uỷ thác phần trách nhiệm của mình cho một xí nghiệp khác. Nhưng uỷ thác nhiều quá thì không kiểm soát được dự án nữa mà cũng không tích luỹ được một chút kinh nghiệm nào. Vì TKV thiếu người có kỹ năng nên đã phải đấu thầu và ký một hợp đồng EPC. Còn nếu Chalieco trúng thầu thì chỉ tại Chalieco rẻ hơn những đối thủ khác, kể cả đối thủ Việt Nam.

Những nhà thầu Việt Nam than phiền chủ đầu tư Việt Nam chọn nhà thầu ngoại[xi]. Tình trạng đáng tiếc này có nhiều nguyên do :

những nhà thầu Việt Nam không có tay nghề để thiết kế những giải pháp rẻ tiền và hữu hiệu,

có nhiều vụ tai tiếng trong thực hiện hợp đồng làm cho các chủ đầu tư không có tín nhiệm vào tất cả cộng đồng nhà thầu Việt Nam,

tầm vóc mỗi xí nghiệp thiết kế và xây dựng nhỏ nên khi có một hợp đồng lớn thì phải thầu lại một phần gói thầu cho một chuỗi nhà thầu phụ làm cho dự án vừa đắt vừa không có chất lượng bảo đảm.

Chúng tôi đề nghị Tổng hội Xây dựng Việt Nam và Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam :

thành lập những trường trung học chuyên nghiệp và đại học để đào tạo nhân lực cần thiết,

thanh lọc hàng ngũ chỉ giữ lại những cá nhân và xí nghiệp có kỹ năng nghiệp vụ và đạo đức kinh doanh,

sáp nhập những xí nghiệp còn lại vào một tập đoàn hay hợp tác xã lớn.

Chúng ta không thiếu gì những LILAMA, COMA, VINACONEX, CONINCO hay LICOGI. Tại sao những xí nghiệp đó không hiệp lại để trở thành một công ty tầm vóc quốc tế, với tiềm năng thực hiện những dự án lớn trong nước cũng như xuất khẩu ? Nếu đã làm được như vậy thì đâu có chuyện người nước ngoài đến cướp việc làm của chúng ta, đâu còn nghi vấn về công nghệ lạc hậu hay thiết bị cũ ngoại bang bán lại cho chúng ta. Nếu đã làm được như vậy thì chúng ta đã tự xây nhà máy Tân Rai, tích tụ kinh nghiệm và có một viện chứng để xây những nhà máy alumin khác cho nước ta và để xuất khẩu.

Kết luận

Bauxit chỉ là một khoáng vật có ích trong số những khoáng vật có ích có mặt trên lãnh thổ Việt Nam. Những vấn đề các báo trong nước nêu lên về mỏ bauxit ở Tây Nguyên cũng là những vấn đề chung cho tất cả các mỏ khác và tất cả những tài nguyên thiên nhiên ở nước ta. Những đề nghị trong bài này cũng có thể áp dụng cho mọi tài nguyên thiên nhiên của nước ta.

Khai thác tài nguyên thiên nhiên tương tự như quản lý một gia tài. Chúng ta có thể không đụng đến gia tài đó để dùng khi cần thiết cấp bách hay để chuyền lại cho những thế hệ sau. Chúng ta có thể khai thác hết ngay để thỏa mãn tất cả những ước ao trước mắt mà không tính đến tương lai. Và chúng ta cũng có thể khai thác một cách vừa phải đủ để có vốn phát triển những ngành kinh tế khác. Nếu khai thác ở nhịp độ vừa phải thì chúng ta có thể tránh được bị lôi cuốn vào vòng xoáy suy thoái kinh tế mà các chuyên gia gọi là bệnh Hoà Lan[xii].

Làm việc gì thì cũng phải có mục đích và ở trong chừng mực những phiền luỵ sinh ra vẫn còn có thể chịu đựng được. Chúng tôi không đồng ý với những ý kiến "Có tài nguyên thì cần khai thác"[xiii] hay "Không làm thì bô xít vẫn là đất thôi"[xiv]. Chúng tôi cũng không đồng ý với ý kiến không nên khai thác tài nguyên bauxit ở Tây Nguyên vì rủi ro xáo trộn văn hoá xã hội hay rủi ro ô nhiễm môi trường thiên nhiên. Ngược lại chúng tôi xin đề nghị tiếp tục dự án nhà máy Tân Rai và hoãn lại những dự án mỏ bauxit khác để có thì giờ :

(a) nghiên cứu kỹ hơn về khả thi về kinh tế, kỹ thuật (đặc biệt về môi trường), văn hoá xã hội và hợp tác quốc tế,

(b) tăng cường đội ngũ cán bộ thanh tra kỹ thuật, thành tra môi trường và thanh tra tài chính,

(c) nghiên cứu những cơ hội phát triển công nghệ qua dự án và đưa những cơ hội đó vào kế hoạch của những dự án khác,

(d) và thành lập một tập đoàn thiết kế và xây dựng công nghiệp có tiềm năng tham gia trực tiếp vào dự án Tân Rai, học hỏi tay nghề của Chalieco để thực hiện những dự án tương lai.

Nếu chính phủ quyết định tiếp tục dự án Tân Rai thì chúng tôi xin đề nghị điều động thêm vốn để xây cùng một lúc một nhà máy điện phân ở Đắk Nông hay Lâm Đồng với công suất tương ứng với công suất alumin của nhà máy Tân Rai. Nhà máy điện phân này sẽ ưu tiên dùng điện của những nhà máy thuỷ điện địa phương,

Theo chúng tôi được biết, đây là lần đầu tiên một quyết định đã được các lãnh đạo chính trị cao nhất cực lực bảo vệ mà được mang ra bàn lại và điều chính theo yêu cầu của xã hội dân sự và các nhà khoa học. Có người nói đã có tiền lệ dự án Thuỷ điện Sơn La. Nhưng lúc đó chỉ có chuyên gia tranh luận với nhau và Quốc Hội đã chỉ được chọn giữa hai phương án. Với dự án bauxit Tây Nguyên xã hội dân sự và các nhà khoa học đã tham gia thảo luận rất hăng say. Chỉ trong một tuần lễ, chúng tôi đã đếm được 186 bài bình luận đầy tâm huyết sau loạt bài về dự án bauxit Tây Nguyên đăng trên báo trong nước. Những nhà khoa học có tín nhiệm đã đăng nhiều bài biện luận. Trong số lãnh đạo đã nghỉ hưu, có ít nhất ba sĩ quan cấp tướng và một Phó Chủ tịch Nước cho ý kiến. Đây là những con số tối thiểu vì chúng tôi không đọc hết tất cả những báo trong nước đăng trên mạng Internet.

Kết luận và quyết định của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải sau hội thảo ngày 09.04.2009 chưa làm nhiều người thoả mãn. Nhưng, phải coi buổi hội thảo này là một bước tiến về dân chủ ở Việt Nam : dù tài ba tới mấy chăng nữa một cá nhân, một nhóm chuyên gia hay một bộ phận Nhà nước cũng không bao giờ sáng suốt bằng 85 triệu người dân.

Ngày và đêm 25-01-1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho rằng phương án "đánh nhanh thắng nhanh" căn cứ Điện Biên Phủ mang nhiều tính chủ quan, không đánh giá đúng thực lực hai bên không thể đảm bảo chắc thắng. Sau một đêm không ngủ, Đại tướng quyết định hoãn đến ngày 13-03 mới ra lệnh tấn công đồn thứ nhất để có thì giờ tổ chức lại trận đánh theo phương án "đánh chắc thắng chắc" dài ngày theo kiểu "bóc vỏ" dần tập đoàn cứ điểm. Nhờ khả năng hoãn lại một việc để chuẩn bị cho kỹ mà Võ Tướng quân đã trở thành một nhân vật huyền thoại ngay lúc hãy còn sống.

Noi gương đó, cách đây hai năm, chúng tôi có đề nghị hoãn dự án sản xuất điện hạt nhân trong một thế hệ để toàn dân Việt nam có thì giờ hấp thụ văn hoá an toàn công nghệ[xv]. Bây giờ chúng tôi lại xin đề nghị hoãn vài năm những dự án liên quan đến khu mỏ bauxit Tây Nguyên ngoại trừ nhà máy Tân Rai.

Những dự án đó đều cần phải được thực hiện, nhất là dự án năng lượng hạt nhân đáng lẽ ra phải khởi công ngay bây giờ. Nhưng chúng ta bất đắc dĩ phải hoãn lại vì, từ 1975 cho đến nay, những lãnh đạo chính trị liên tiếp đã không quan tâm đến giáo dục đào tạo nhân lực mà kinh tế quốc dân cần đến.

Đặng Đình Cung


[i] Chúng tôi đúc-kết những thông-tin này từ trạm Internet của Chinalco
http://www.chinalco.com/
và của Chalco
http://www.chalco.com.cn/zl/web/chinalco_en.jsp

[ii] "Ký kết Hợp đồng Tổng thầu (EPC) nhà máy alumin đầu tiên Dự án tổ hợp Bauxit-nhôm Lâm Đồng" đăng ở địa-chỉ Internet
http://chinhphu.vn/portal/page?_pageid=33,128127&_dad=portal&_schema=portal&pers_id=134916&item_id=7936857

[iii] "China, Japan in Vietnam's $460 million alumina deal" đăng ở địa-chỉ Internet
http://www.reuters.com/article/rbssDiversifiedTradingDistribution/idUSHAN26152520080715

[iv] "10 lý do đề nghị tạm dừng dự án bô xít Tây Nguyên" đăng ở địa-chỉ Internet
http://www.tuanvietnam.net/vn/thongtindachieu/5543/index.aspx

"Chính phủ sẽ xem lại hiệu quả kinh tế bô-xít Tây Nguyên" đã trích-dẫn.

[v] Công-văn 2728/VPCP-QHQT đã trích-dẫn.

[vi] "Tổng công ty nhôm Vân Nam có kế hoạch nâng vốn thêm 1,2 tỷ NDT để xây dựng dự án alumin công suất 800.000 t/năm" " đăng ở địa-chỉ Internet
http://vinamin.vn/modules.php?name=Content&op=details&mid=1073

[vii] Chúng tôi đúc-kết những thông-tin này từ trạm Internet của Alcoa
http://www.alcoa.com/

[viii] Chúng tôi đúc-kết những thông-tin này từ trạm Internet của BHP Billington
http://www.bhpbilliton.com/bb/home.jsp

[ix] Đọc-giả có thể tham-khảo thêm về giải Global 500 ở địa-chỉ Internet
http://www.global500.org/about.html

[x] Trạm của Internet của China Nonferrous Metals International Mining là
http://www.cnmim.com/ecompany.htm

và trạm của Ord River Resources là
http://www.ord.com.au/index.aspx

[xi] "Nhiều dự án lớn trong ngành xây dựng: Đa số nhà thầu ngoại trúng thầu   Hàng vạn nhân-công Trung Quốc đã vào VN" " đăng ở địa-chỉ Internet
http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=308402&ChannelID=11

[xii] Corden W. M., Neary J. P. : Booming Sector and De-Industrialisation in a Small Open Economy, The Economic Journal, Vol. 92, No. 368 (Dec., 1982), p. 825-848.

[xiii] "TKV: Làm bô-xít hiệu quả hay không, chờ thực tế mới biết" đã trích-dẫn.

[xiv] "Lãnh đạo Đắk Nông: "Không làm thì bô-xít vẫn là đất thôi" đăng ở địa-chỉ Internet
http://www.tuanvietnam.net/vn/thongtindachieu/5486/index.aspx

[xv] Đặng Đình Cung : "Công-nghệ hạt nhân và Việt-Nam" đăng ở địa-chỉ Internet
http://www.diendan.org/tai-lieu/bao-cu/so-163/hat-nhan-va-viet-nam/

 

 

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
Dang Thai Son en concert 08/01/2025 - 17/01/2025 — Paris, Nantes, Lyon, Aix-en-Provence, Genève
Odéon Théâtre de l'Europe - En janvier à l'Odéon 09/01/2025 - 07/02/2025 — Berthier 17e, Odéon 6e
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Histoire des employés vietnamiens et indochinois de la BnF à travers les archives (1942-1965) 16/01/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
Conservatoire de musique de Vitry-sur-Seine - Haydn & Schubert, de l'Instant à l'Eternité ... 17/01/2025 20:00 - 22:00 — 71 Rue Camille Groult, 94400 Vitry-sur-Seine
Festival cinéma - Si loin si proche 2025 06/02/2025 - 09/02/2025 — La Ferme du Buisson, allée de la ferme, 77186 Noisiel - (RER A - Noisiel)
France-Vietnam : un portail entre les cultures - La mémoire vietnamienne en filigrane. Étude de Paris, qu’as-tu fait de nous ? de Pham Van Ky 06/02/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Le développement d’une culture de contestation anti-coloniale publique à Saigon par le moyen d’une presse autonome (1900-1930) 13/03/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - La génération des néologismes sino-vietnamiens dans la circulation culturelle de la sphère sino-graphique sous l’influence de l’Occident au tournant du XXe siècle 03/04/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Sujets et séjournants. Une nouvelle histoire des indochinois en France 15/05/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Transferts du modèle français à la description de la grammaire vietnamienne 05/06/2025 16:30 - 18:00 — BnF site François-Mitterrand | Salle 70 ou via ZOOM
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us