Khi một cuốn phim Đức "nhạy cảm" được chiếu ở Hà Nội
Hà
Nội : chiếu phim và thảo luận
Cuộc sống của những người khác
Từ mấy năm nay, Viện Goethe, trung tâm văn hoá Đức tại Hà Nội, đã góp phần khởi sắc cho đời sống văn học nghệ thuật Việt Nam. Chính tại đây, nhà văn Bùi Ngọc Tấn đã "giao lưu" với bạn đọc Chuyện kể năm 2000, tác phẩm cho đến nay vẫn bị thu hồi và cấm phát hành ở Việt Nam. Bà tỉ phú về thăm quê của F. Duerrenmatt diễn ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Hải Phòng cuối năm ngoái cũng là do sáng kiến và sự tài trợ của Viện Goethe. Tại trụ sở của trung tâm này (phố Nguyễn Thái Học, gần Văn Miếu, Hà Nội), công chúng đã được xem nhiều cuộc triển lãm giá trị và tham gia nhiều cuộc hội thảo thú vị. Tất nhiên, mọi sự không phải luôn luôn suôn sẻ : một số tác phẩm (của họa sĩ Việt Nam) cuối cùng không "được phép" trưng bày, có cuộc hội thảo giờ chót vắng bóng những diễn giả Việt Nam. Nhưng rõ ràng Viện Goethe đã góp phần làm phong phú giao lưu văn hoá giữa Việt Nam và Đức, rộng hơn, và châu Âu (và cũng mở mang kiến thức cho cán bộ "bảo vệ văn hoá" của cục A25).
Điển hình gần đây nhất là chương trình 12 phim mới của Đức được trình chiếu tháng 4 và 5.2007 tại Viện Goethe (56-58 Nguyễn Thái Học, Hà Nội) và Trung tâm văn hoá Pháp L'Espace (phố Tràng Tiền, Hà Nội). Mở đầu chương trình (tối 10.4) là kiệt tác mới của nền điện ảnh Đức : Das Leben der Anderen (Cuộc đời của những người khác) của Florian Henckel von Donnersmarck. Nhân vật chính là đại uý công an Cộng hoà dân chủ Đức Gerd Wiesler (Ulrich Mühe đóng) có nhiệm vụ nghe lén và theo dõi cặp nghệ sĩ Georg Dreyman (Sebastian Koch đóng), tác giả kịch, và Christa-Maria Sieland (Martina Gedeck), ngôi sao sáng của sân khâu Đông Đức. Wiesler, con người cô độc, là một người "cộng sản trong sạch", tin tưởng ở lí tưởng cộng sản, trung thành với chế độ, trình độ nghiệp vụ và lương tâm nghề nghiệp đều cao, biết kết hợp tài tình sự hành hạ thân xác (bắt ngồi, không cho ngủ) với kĩ thuật tâm lí để làm tịt ngòi trí thức và văn nghệ sĩ "có vấn đề". Lần này, nhiệm vụ mới của Gerd dẫn tới thảm kịch. Thảm kịch cho mọi người, và trước hết, cho chính Gerd. Nhiệm vụ lần này là một nhiệm vụ "một công đôi việc" : một mặt, theo dõi một tác giả kịch tài ba, lập trường vững chắc nhưng lại chơi thân với những phần tử "có vấn đề" (từ ăn nói lung tung, gửi bài sang Tây Đức, đến những tác giả bị treo bút), nghe và ghi mọi hành động và phát ngôn của cặp Dreyman - Sieland, tóm lại là làm "công tác bảo vệ văn hoá" cho "cục A25" của Cộng hoà Dân chủ Đức trong thập niên 1980, tức là thập niên thứ tư và cuối cùng của nó, mặt khác là theo dõi cô nữ diễn viên, đối tượng tính dục nếu không nói là tình dục (nói gì tới tình cảm) của Bruno Hempf, bộ trưởng bộ văn hoá (Thomas Thieme đóng), hiện thân của quyền lực, của một hình thái trí tuệ không tồi nhưng cực kì xy-ních, vượt xa các đồng nghiệp anh em khác ở Đông Âu hay Á Châu. Điều cần nhấn mạnh là cuốn phim không phải là một bức tranh đen-trắng của hiện thực Đông Đức. Trái lại, nó mang đủ sắc màu phức tạp của cuộc sống. Các nhân vật và tình huống, diễn biến được thể hiện một cách tinh tế và nhân bản, kết quả của tài năng đạo diễn và đội ngũ diễn viên.
Nhiều người chắc sẽ ngạc nhiên khi được tin cuốn phim này đã được chiếu mở đầu chương trình "12 phim Đức" tối 10.4. Cũng như buổi chiếu tối thứ bảy 14.4, cuốn phim được tiếp nối bằng cuộc thảo luận. Câu hỏi đặt ra là : cơ quan "bảo vệ văn hoá" phía Việt Nam đã "duyệt" cuốn phim này trước hay đã "sơ sót" để lọt một tác phẩm quá "nhạy cảm" ? Trong trường hợp thứ nhất, việc phía chính quyền để chiếu cuốn phim đáng được ghi nhận và hoan nghênh như dấu hiệu của một thái độ "thoáng" và mạnh dạn, phản ánh một sự tự tin và óc thực tế. Trong trường hợp thứ nhì, câu hỏi đặt ra : hai buổi chiếu sắp tới (tối 23 và 26.4, theo chương trình thông báo của Viện Goethe) sẽ tiếp tục như dự trù hay giờ chót sẽ bị huỷ bỏ ?
Trong trường hợp đầu, có thể nghĩ rằng nhà cầm quyền đủ bình tĩnh và bản lính để cân nhắc thiệt hơn, và một thái độ như vậy rất đáng được ghi nhận tích cực. Trong trường hợp thứ nhì, người ta gặp lại một kịch bản quen thuộc, quen thuộc như quá khứ tưởng đã trở thành "thời xa vắng". Có điều, nó sẽ gợi hứng cho một cuốn phim Cuộc đời của những người khác khác, mà khung cảnh sẽ không còn là Berlin, mà Hà Nội, cách Văn Miếu không đầy một hai trăm mét. Và tên gọi của nó có thể là Chuyện kể năm 2007.
Kiến Văn
Các thao tác trên Tài liệu