Lạm phát, sai lầm trong dự báo hay từ chính sách ?
Không có sai lầm về chính sách
nhưng có yếu kém trong dự báo?
Vũ Quang Việt
“Không có sai lầm về chính sách nhưng có yếu kém trong dự báo”, ông Bộ trưởng Tài chính nói thế về tình hình lạm phát bắt đầu phi mã khi trả lời phóng viên câu hỏi: “Ngoài nguyên nhân khách quan, chúng ta có gặp phải sai lầm gì trong điều hành chống lạm phát?”
Có thật thế không? Không lẽ lạm phát chỉ là do BTC dự báo lầm.
Ông BT nói (Tuổi trẻ 29/2/2008): “Ví dụ năm qua chúng ta dự báo về vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ban đầu là 12 tỉ USD, sau tăng lên 16 tỉ, đến cuối năm dự đoán là 20 tỉ nhưng thực tế cuối cùng là 21 tỉ. Dự báo yếu khiến công tác chuẩn bị hấp thụ vốn chưa tốt. Giá dầu thế giới cũng tương tự. Kể cả một số chuyên gia nước ngoài cũng từng dự báo giá dầu chỉ lên đến 75 USD/thùng nhưng thực tế chỉ trong một tháng đã tăng từ 70-100 USD/thùng. Từ những dự báo đó dẫn đến việc chưa lường hết mức tăng của tổng phương tiện thanh toán và tăng dư nợ tín dụng...”
Dự báo, nhất là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài này, chỉ dựa vào lời hứa của giới đầu tư nước ngoài, không phải là dự báo về vốn thực tế họ thực hiện, mà đó mới là điều cần. Tôi ước đoán là đầu tư thực sự năm 2007 không hơn 3 tỷ. Từ lời hứa (kể cả dựa trên giấy phép được cấp) cũng phải mất một vài năm mới đến lúc thực hiện. Cho nên vấn đề lạm phát không phải là dự báo lầm. Những người có trách nhiệm nên thẳng thắn tìm nguyên nhân sai lầm từ trong chính sách thì mới hy vọng chặn đứng được lạm phát.
Tôi sẽ chỉ nhắc lại sơ các nguyên nhân chính gây ra làm phát ở đây mà không cần bàn thêm vì bất cứ sách giáo khoa kinh tế nào cũng nói tới, đó là: nhà nước tài trợ chi tiêu quá nhiều của chính mình và doanh nghiệp nhà nước bằng cách in tiền quá đáng (tất nhiên có ảnh hưởng của việc tăng giá nguyên liệu phải nhập như dầu hỏa nhưng đó là phụ). Lạm phát đã nhảy vọt. Nếu tình hình giá tiếp tục tăng như hai tháng đầu năm thì Việt Nam sẽ đạt tốc độ lạm phát là 42%. Ở đây tôi muốn bàn đến nguyên nhân của việc nhảy vọt, đồng thời khủng hoảng thanh khoản đang xảy ra.
Vấn đề nhảy vọt có nguyên nhân khá rõ ràng. Ngân hàng phải mua vào số lượng lớn ngoại tệ (đầu tư trực tiếp và đặc biệt là đầu tư vào thị trường chứng khoán. Trên Thời báo Kinh tế Sàigòn (số 10, 2008) ký giả Hải Lý đã đưa thông tin rất quan trọng rằng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nửa đầu năm 2007 đã tung ra 105 ngàn tỷ để mua vào 6,5 tỷ đô la làm dự trữ ngoại tệ, sau đó lại tung thêm 40 ngàn tỷ để mua thêm 2,5 tỷ ngoại tệ. Như vậy tổng số tiền tung ra mua 9 tỷ ngoại tệ là 145 ngàn tỷ đồng. Số tiền mà NHNN rút về được là 90 ngàn tỷ, như vậy số tiền in thêm cho thị trường là 55 ngàn tỷ chỉ để mua ngoại tệ. So với tổng số tiền mặt có trên thị trường cuối năm 2006 là 159 ngàn tỷ thì tiền mặt đã tăng 34,6% để mua ngoại tệ. Nhiều vấn đề không rõ ràng vì NHNN chưa bao giờ minh bạch thống kê ngân hàng, tức là họ chỉ cho thông tin chọn lọc ở mức độ đủ để giải thích theo ý kiến của chính họ như ở trên. Câu hỏi đặt ra là:
-
Số ngoại tệ mà ký giả Hải Lý lấy từ ông Thống đốc chỉ là của nửa năm đầu 2007, còn nửa năm sau thì sao?
-
Ai mua rồi giữ ngoại tệ khi nước ngoài chuyển tiền vào mua cổ phiếu, và đầu tư trực tiếp?
-
Bộ Tài chính tài trợ thiếu hụt chi tiêu bằng gì? Bán trái phiếu tài chính cho thị trường hay bán trái phiếu cho NHNN. Hai cách làm tất đưa đến kết quả khác nhau. Trái phiếu tài chính bán trên thị trường không làm tăng khối lượng tiền vì BTC mượn tiền của dân để tiêu. Cách làm thứ hai là mua tín phiếu NHNN (tức là đòi hỏi NHNN in tiền cho mình tiêu) sẽ làm tăng khối lượng tiền tệ và tạo lạm phát. Những vấn đề chính sách này thỉ có thể hiểu được thông qua số liệu chi tiết của NHNN.
Đặt vấn đề này là đặt câu hỏi về hành xử của Bộ Tài chính. Hành xử của BTC đã làm suy yếu quyền kiểm soát cung tiền của NHNN nếu Bộ đòi NHNN mua trái phiếu của mình. Hành xử thứ hai mà ký giả Hải Lý cũng đặt ra trong số TBKTSG nói trên trong một bài khác “Tiền đang ở đâu?” cho biết là chính BTC đã làm suy yếu khả năng kiểm soát tiền tệ của NHNN bằng chính sách đô la hóa nền kinh tế. Theo tin này, BTC đã mua và giữ một khối lượng ngoại tệ lớn (bao nhiêu thì không biết) và vào đầu năm 2008, tới NHNN đổi ra tiền đồng, nhưng NHNN chỉ có thể đáp ứng 10% vì chỉ trong có 2 tháng đầu năm NHNN đã phải chi ra lượng tiền bằng 47,3% lượng tiền đồng được Chính phủ cho phép đưa vào lưu thông trong cả năm. BTC phải vơ vét tiền trên thị trường. Tiền đồng giảm, gây ra tình trạng thiếu tiền hay thanh khoản. Rõ ràng BTC làm ảnh hưởng đến lượng cung tiền trong nền kinh tế.
Tình trạng này cho thấy để điều hành chính sách tiền tệ, Bộ Tài chính phải chấm dứt việc giữ ngoại tệ. Trong bất cứ nước nào muốn có chính sách tiền tệ độc lập, ngoại tệ phải được nộp vào NHNN. Theo định nghĩa được các tổ chức tiền tệ quốc tế và ngân hàng trên thế giới chấp nhận, dự trữ ngoại tệ chính là dự trữ tại NHNN, không phải tại Bộ Tài chính hay tại công ty. Nếu để Bộ Tài chính và các đại gia giữ tiền ngoại tệ (như việc Thủ tướng mới cho phép công ty bán cổ phần lấy ngoại tệ) và trao đổi chúng trên thị trường, chúng sẽ ảnh hưởng đến lưu lượng tiền đồng, một cách bất ngờ như vừa qua (tùy theo lúc nào họ quyết định thu mua) và vô hiệu hóa chính sách tiền tệ.
Vậy thì có hai điểm nhà nước nên làm.
Một, nhà nước cần minh bạch hóa thông tin về tiền tệ và tài chính. Không minh bạch hóa thì thị trường sẽ không nắm được tình hình để hành động đúng đắn và chuyên gia nếu muốn góp phần vào phân tích để khuyến nghị cũng đành bó tay, nhất là khi số liệu có thể chỉ nằm trong tay những người không có khả năng phân tích.
Hai, cần phân định rõ ràng vai trò của BTC và NHNN, và cần chấm dứt quyền tạo tiền tệ của BTC và các đại gia thông qua quyền mua bán ngoại tệ trên thị trường, không thông qua hệ thống ngân hàng.
Vũ Quang Việt
Các thao tác trên Tài liệu