Lạm quyền
Lạm quyền
Nguyễn Sĩ Dũng
Bài của TS Nguyễn Sĩ Dũng (Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội) đăng trên báo Lao Động Online lúc 07:00 ngày thứ Hai 14/05/2012 http://laodong.com.vn/Chinh-tri/Lam-quyen/64125.bld đã biến mất.
Sáng nay, báo SGTT đăng lại, nay chỉ còn link http://sgtt.vn/Goc-nhin/164037/Lam-quyen.html
May là trên baomoi.com vẫn còn, anh bạn Nguyễn Hồng Kiên, tức blogger Gốc Sậy đã chụp lại và đăng trên trang FB của anh. Chúng tôi xin phép "phát tán" dưới đây, gọi là để rộng đường dư luận, nhân thể nói với cái ban "cứ tưởng văn hoá" rằng ngu thì cũng vừa vừa thôi, thời buổi Internet này cái trò kiểm duyệt ấy chỉ làm trò cười cho thiên hạ chứ chẳng chặn được ai, chưa kể, nó càng làm bộc lộ cái bản chất của chế độ: chính vì những hành động bất nhân bất nghĩa của công an Hưng Yên ở Văn Giang không phải chỉ là những hành động riêng lẻ nên người ta phải tìm cách bịt miệng những người tố cáo chúng.
Không biết video clip về cảnh hai nhà báo của Đài tiếng nói Việt Nam bị đánh hội đồng ở Văn Giang (Hưng Yên) xác thực đến đâu, nhưng những gì mà chúng ta thấy được quả là ngoài sức tưởng tượng. Chuyện gì đang xảy ra trên đất nước của chúng ta thế này(?!).
Tại sao hàng chục người mặc sắc phục có, thường phục có lại đánh đập hai nhà báo tàn nhẫn đến như vậy? Trong lúc đó, hai nhà báo này chỉ có hai bàn tay trắng, bốn bàn tay không và chỉ biết nhẫn nhục chịu đòn. Trước đó, họ cũng không hề có một hành vi khiêu khích, chống đối nào. Ai cho phép những người tham gia cưỡng chế đất này quyền đánh đập, bắt bớ vô tội vạ như vậy?
Sau sự kiện nhà của công dân Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng bị đập phá, sự kiện các nhà báo bị đánh hội đồng ở Văn Giang cho chúng ta thấy đang có điều gì đó hoàn toàn bất ổn trong việc thực thi quyền lực công ở nước ta. Hiện tượng quyền lực công bị lạm dụng, bị biến thành bạo quyền đang xảy ra ngày một nhiều hơn. Trong lúc đó, phản ứng của công luận, của chính quyền vẫn chưa đủ mạnh để có thể ngăn chặn và chấm dứt hiện tượng xấu xa này.
Lạm quyền là con bệnh đặc trưng và phổ biến của quyền lực nhà nước. Vấn đề không phải là chỉ ở ta quyền lực mới như vậy, mà là chỉ ở ta quyền lực mới chưa bị kiểm soát đến như vậy.
Mà như vậy thì oan khuất, khổ đau của người dân, bất công trong xã hội vẫn còn rất khó bị loại trừ. Các vụ việc lạm quyền liên tiếp xảy ra trong thời gian gần đây cho chúng ta nhận thức sâu sắc hơn bao giờ hết sự cần thiết phải xác lập cho bằng được nhà nước pháp quyền trên đất nước ta. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần có được một khái niệm về nhà nước pháp quyền đúng đắn hơn so với khái niệm mà chúng ta đang có.
Nhà nước pháp quyền không phải là nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật (muốn quản lý như thế nào thì cứ đặt ra pháp luật như thế ấy). Một nhà nước như vậy sẽ gần với nhà nước chuyên quyền hơn là nhà nước pháp quyền. Nhà nước pháp quyền là nhà nước mà ở đó mọi quyền lực nhà nước đều bị pháp luật chế ước chặt chẽ, bao gồm cả quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp. Người dân có thể làm bất cứ điều gì pháp luật không cấm, nhưng Nhà nước dứt khoát chỉ được làm những gì pháp luật cho phép.
Pháp luật không cho phép đập phá nhà của công dân. Pháp luật không cho phép đánh hội đồng các nhà báo (và bất cứ công dân nào khác). Những hành vi lạm quyền nói trên là vi phạm nghiêm trọng pháp quyền. Chúng phải bị loại trừ khỏi đời sống của chúng ta.
TS Nguyễn Sĩ Dũng
Các thao tác trên Tài liệu