Bạn đang ở: Trang chủ / Việt Nam / Lãnh đạo là gì ?

Lãnh đạo là gì ?

- Cao Huy Thuần — published 15/12/2013 00:00, cập nhật lần cuối 30/01/2014 16:14
Chuyện cũ nói lại. Cũ mà vẫn mới toanh.

Chuyện cũ nói lại


LÃNH ĐẠO LÀ GÌ ?


Cao Huy Thuần


Cái bệnh của trí thức là ưa duyên nợ với khái niệm. Mà người gắn bó tình nghĩa nhất với khái niệm không có ai khác hơn là... đức Khổng. Ông dạy: phải chính danh. Nghĩa là định nghĩa cho rõ ràng, khúc chiết, đâu vào đấy. Mở miệng nói "vua" thì phải định nghĩa cho rõ "vua" là gì, bởi vì "vua" là một khái niệm, và khái niệm ấy, không phải ai cũng nghĩ giống ai, nếu không định nghĩa cho rõ thì anh nói một đàng chị hiểu một nẻo. Bởi vậy, tuy không muốn trở lui lại nữa chuyện lãnh đạo, bao nhiêu nước đã chảy qua cầu rồi, tôi vẫn cứ vương vấn duyên nợ, cứ nghĩ: biết đâu bạn bè trí thức khác cũng đồng bệnh tương lân. Vậy thì, nhân dịp đầu năm, chuyện cũ nói lại.

Đảng nào? Đảng của Lênin?(*)


Chuyện cũ phải nói trước tiên là quê hương của khái niệm, nghĩa là Liên Xô thời còn Đảng. Hồi 1989, họ hỏi: Có thật Đảng lãnh đạo không? Và họ trả lời, rất chính danh: Nói "Đảng lãnh đạo" là nói hai thực thể: "Đảng" và "lãnh đạo". Ấy vậy mà có thật là có Đảng không? Có thật là có lãnh đạo không? Họ trả lời: Không!

Trước hết, Đảng nào? Đảng của Lênin? Hai nguyên tắc chính mà Lênin đã đề ra và đã áp dụng là: bầu cử trong sạch; tranh luận, thông tin trong suốt. Hai nguyên tắc đó bị dẹp bỏ ngay sau khi Lênin mất. Chấm dứt bầu cử thực sự trong Đảng. Chấm dứt tranh luận công khai. Chấm dứt dân chủ nội bộ. Đảng viên than phiền trong bụng: họ không có quyền gì hết. Tất cả quyết định đều ở ngoài tầm tay của đảng viên ở hạ tầng cơ sở. Tất cả quyết định và quyền lực đều nằm trong tay một bộ máy, bộ máy của Đảng. Đảng viên đã không có quyền tích cực tham dự vào quyết định, mà nguyên tắc "dân chủ tập trung" lại buộc rằng hễ đã có quyết định thì phải răm rắp tuân theo, phục tùng tuyệt đối: tha hóa trước tiên là tha hóa trong Đảng. Cái gọi là "Đảng" không có thực quyền; cái có thực quyền không phải là Đảng mà là bộ máy. Cho nên nói "Đảng lãnh đạo" là nói không thật. Không có "Đảng" nào lãnh đạo cả. Chỉ có một bộ máy lãnh đạo mà thôi. Đó là nhìn thực chất vấn đề từ Stalin. Cho nên họ kết luận: muốn nói "Đảng lãnh đạo" thì phải làm sao cho có Đảng, nghĩa là phải trả Đảng lại cho đảng viên, nghĩa là phải lập lại dân chủ trong nội bộ.

Chuyện thứ hai, "lãnh đạo" lại càng không thật nữa. Lãnh đạo là gì? Là dẫn đường. Họ nói: hiến pháp của họ định nghĩa Đảng là đảng tiền phong. Ý niệm tiền phong là ý niệm then chốt của Lênin. Nhưng ai dám bảo Đảng là đảng tiền phong dưới thời Stalin? Từ 1922, đứng về mặt thành phần, cấu trúc, vị thế và tư tưởng, Đảng đã khác hẳn Đảng của Cách mạng Tháng Mười. Đảng của Lênin không hẳn độc quyền, ít ra còn có hai đảng khác độc lập thật sự, cạnh tranh với đảng của Lênin: khuynh hướng xã hội cách mạng và khuynh hướng Menchevik. Ý niệm tiền phong, cũng như ý niệm lãnh đạo, bao hàm ý nghĩa có ta và có người khác. Có ta đi trước là vì có người khác đi sau. Nếu ta đi một mình, sao gọi là đi trước? Đi trước ai? Chẳng lẽ đi trước ta? Ta đi trước ta? Nếu ta đi một mình, sao gọi là lãnh đạo? Lãnh đạo ai? Lãnh đạo ta? Không ai nói: tôi tiền phong một đàn cừu, tôi lãnh đạo một đoàn nô lệ. Tiền phong là đi trước những người muốn đi trước ta, và những người này có sức đi tương đương với ta. Lãnh đạo là tranh đua để dẫn đường với những người cũng muốn dẫn đường, và những người này có sức dẫn đường hấp dẫn như ta. Dẹp bỏ những người đó, những sức lực đó, dẹp bỏ ý niệm tranh đua, thì cần gì phải cố gắng nữa để đi trước? Dẹp bỏ sự có mặt linh động của những sức lực tranh đua với ta để lãnh đạo tức là ta chỉ muốn thấy sự có mặt của những người bị lãnh đạo. Lãnh đạo những người bị lãnh đạo, lãnh đạo những người chỉ có quyền đi sau, như vậy là đi trước sao?

Ai cũng biết rằng Lênin đã phải tranh đua gay go trong nội bộ để ý kiến mình được chấp nhận, và không phải lúc nào Lênin cũng thắng. Ai cũng biết Lênin đã phải thúc đẩy, huy động, cổ vũ, để các đồng chí của ông phải chấp nhận ý kiến nắm lấy cơ hội làm cách mạng Tháng Mười. Đó là tiền phong. Đó là lãnh đạo. Bởi vì lúc đó có hai ba lực lượng khác nhau và hai ba con đường khác nhau để đi. Lênin đã đi trước các lực lượng đó. Cách mạng Tháng Tám của Việt Nam cũng vậy: ý niệm tiền phong và ý niệm lãnh đạo là có thật hồi 1945.

Thực tế và lịch sử : Mâu thuẫn giữa Lê Lợi và Nguyễn Trãi


Đó là phân tích vấn đề trên lãnh vực ý niệm. Bây giờ, nhìn vào thực tế và lịch sử, Đảng có lãnh đạo thật không? Các bạn Liên Xô nói: còn đâu Đảng nữa mà nói lãnh đạo! Từ 1930, và liên tiếp sau một chuỗi thanh trừng từ 1936, Stalin đã bẻ gãy xương sống của Đảng rồi, biến Đảng thành một bộ máy khiếp nhược, co rúm dưới uy vũ của ông. Với Stalin, Đảng quy phục trước bộ máy, và bộ máy quy phục trước chúa tể, nhận mệnh lệnh và chấp hành mệnh lệnh. Đâu là lãnh đạo? Có được triệu tập nữa đâu mà lãnh đạo?

Sau khi Stalin chết, công việc đầu tiên của Kroutchev là tái lập Đảng, tạo lại uy thế cho Đảng. Nhưng vị thế độc quyền cai trị của Đảng đương nhiên đi đến chỗ tiếm vị Nhà nước, nắm hết quyền của Nhà nước, và do đó tự biến mình thành bộ máy cai trị, bộ máy quan liêu. Và bộ máy đó, vì đặc quyền đặc lợi, dần dà tách mình ra khỏi quần chúng, tách mình ra khỏi đảng viên. Với Brejnev, sự suy sụp đã quá trầm trọng, tình trạng tốt nhất cho đảng của ông là giữ nguyên vị để hưởng lợi. Nước cứ chảy, lịch sử cứ đi, mà cụ cứ giữ nguyên vị thì cụ lãnh đạo chỗ nào? Đi trước ai? Cho nên lịch sử dẫm lên chân cụ mà đi.

Như vậy, thế nào là lãnh đạo? Vấn đề đâu có mới mẻ gì? Một lý thuyết gia mác xít danh tiếng, Gramsci, đã từng phân biệt lãnh đạo và thống trị. Một đảng tự tách mình ra khỏi thực tế, nhắm mắt lại trước thực tế, sợ thực tế bởi vì thực tế đó đe dọa quyền hành và quyền lợi của mình, một đảng tự biến mình thành thực tế và coi đó như thực tế duy nhất, bất cần thực tế chung quanh, đảng đó chỉ có thể thống trị để tồn tại, không thể lãnh đạo được. Chỉ đảng nào muốn xây dựng một lối sống khác, một văn hóa khác, một niềm tin khác, chỉ có đảng đó mới biết học cách lãnh đạo, học lãnh đạo (1).

Sự khác biệt giữa thống trị và lãnh đạo là ở chỗ này, thống trị là ở trên, lãnh đạo là ở trong. Vì ở trên cho nên mới có sự đè. Đè nén. Đè dân. Và vì ở trên cho nên không muốn có ai ở trên mình cả. Dân ở dưới. Mà luật pháp cũng ở dưới. Đã ở trên thì khó lòng mà biết chuyện của kẻ dưới, trên và dưới là hai, lắm khi là hai thế giới. Ở trong thì không còn dưới còn trên, thì hết là hai, thì chỉ còn một. Một thế giới, một hoàn cảnh, một sống chết. Một ấm lạnh, ngọt bùi. Có ở trong mới biết học, vì chỉ có ở trong mới biết nghe, nghe nói qua nói lại, nói ngọt cũng nghe mà nói trái tai cũng nghe. Chỉ ở trong mới biết thấy, thấy chuyện trái chuyện phải, chuyện đẹp cũng thấy mà chuyện gai mắt cũng nhìn. Có nghe, có thấy, có học, có hiểu thì mới lãnh đạo được! Ở trên thì làm sao thấy, làm sao nghe; ở trên thì không có học, chỉ có dạy, không có cãi qua bàn lại mà chỉ có huấn từ, bảo ban, răn đe, uốn nắn. Đó không phải là lãnh đạo, không phải là dạy, bởi vì muốn dạy thì phải học, bởi vì người dạy là kẻ phải học suốt đời. "Người dạy học cần phải được dạy", Mác đã nói như thế (2). Cho nên ở trên thì chỉ có lệnh. Chỉ ở trong mới có luật. Bởi vì luật ràng buộc mọi người, bình đẳng hóa mọi quan hệ. Chỉ ở trong mới có cách mạng, mới làm cách mạng, và làm cách mạng thành công, bởi vì chỉ ở trong mới có đồng bào, đồng chí, mới có đồng cam cộng khổ, mới ý thức được sức yếu, sức mạnh của mình. Cho nên cách mạng và lãnh đạo luôn luôn đi đôi với nhau. Cho nên chiến tranh nhân dân nào cũng có lãnh đạo. Không có gì lạ lùng cả khi ta nói đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo chiến tranh cho đến 1975. Cũng như nói ông Lê Lợi lãnh đạo kháng Minh hồi thế kỷ 16. Mười năm nằm gai nếm mật! Gai đau như thế nào, mật đắng làm sao, ông Lê Lợi có ở trong mới biết được. Khi Lê Lợi cho Nguyễn Trãi về vườn, ấy là lúc Lê Lợi đã ở trên. Lúc đó ông có nếm mật thì cũng chỉ nếm mật ong. Mâu thuẫn giữa Lê Lợi và Nguyễn Trãi là mâu thuẫn giữa ở trên và ở trong. Và đó là mâu thuẫn của tất cả mọi cách mạng thành công. Cách mạng nào cũng ăn thịt con đẻ của mình.

Lãnh đạo không phải chỉ khác với thống trị, lãnh đạo còn phải được phân biệt với cai trị. Người dẫn đường có công việc của người dẫn đường. Đoàn lữ hành có công việc của đoàn lữ hành, có tổ chức riêng, có đời sống riêng, có ý muốn riêng, và dĩ nhiên có quyền nhìn bản đồ để ý thức và bàn bạc về quãng đường đã đi và quãng đường sẽ đi. Người dẫn đường không có quyền bắt buộc đoàn lữ hành phải nhìn cái suối này nếu đoàn lữ hành thích ngắm cái thác kia, bắt buộc phải ngủ lúc đoàn lữ hành phải thức, phải ăn lúc đoàn lữ hành chưa đói, hoặc phải dừng lại để vỗ tay ca tụng người dẫn đường là xuất chúng, kỳ tài. Lãnh đạo không phải là xâm lo vào việc của chính phủ, muốn cái ý muốn của chính phủ, làm cái việc làm của chính phủ. Nếu lãnh đạo và chính phủ là một, nếu đâu cũng là anh cả, chẳng còn ai khác, thì sao gọi là dẫn dắt? Dẫn dắt ai? Anh dẫn dắt cái bóng của anh? Vả chăng lãnh đạo không phải là bắt người khác theo mà còn phải biết theo người khác. Lãnh đạo xã hội không phải là anh bắt xã hội theo anh, mà chính anh còn phải theo cái đà tiến lên của xã hội. Nghĩa là xã hội có đời sống của xã hội, có những bức bách, phẫn nộ, đòi hỏi, khao khát mà anh phải hiểu và phải nương theo đó mà hướng dẫn.

Thật rất buồn phải nói lại những điều này. Bởi vì ta đã nghe hoài, nghe mãi. Ai cũng nghe như một điệp khúc bất tận: lãnh đạo không phải là bao biện, lãnh đạo không phải là làm thay chính phủ. Ở Liên Xô hồi 1989, nghe mãi như thế nên người ta nói: khổ quá, nói thì nói mà làm thì không làm được. Người ta nói: không thể làm được! Dứt khoát là không làm được. Dứt khoát là không thanh lọc được bộ máy quan liêu. Có gì lạ đâu: anh là tất cả, tất cả là anh, tất cả đều ngã quỵ để cho một mình anh đứng, thì anh còn thanh lọc ai? Có còn ai khác nữa đâu mà bảo anh tránh bao biện? Đương nhiên là anh làm tất, bởi vì tất cả đều là anh. Cho nên hồi 1989, người ta nói: chừng nào còn độc quyền thì đương nhiên còn bao biện, còn quan liêu.

Điều 4 nào bền chặt ?

Từ đó, người ta nói: lãnh đạo không trùng nghĩa với độc quyền, dù chỉ là độc quyền của một khuynh hướng trong đảng. Bởi lẽ tất nhiên: lãnh đạo không phải là một quyền mà là một khả năng được công nhận. Anh không có khả năng đó thì đố ai dám thuê anh dẫn đường lên đỉnh Hy Mã Lạp Sơn. Khà năng đó, anh phải chứng tỏ trong thực tế, trong hành động, trong tài ba của anh, chứ anh không thể bảo tôi phải nghe như một câu sấm truyền. Anh không thể lấy quyền lực để thay cho năng lực. Hơn nữa, khả năng đó phải luôn luôn được chứng tỏ. Hôm qua, anh có khả năng, hy vọng ngày mai anh cũng có khả năng, nhưng chắc gì! Vì vậy anh đừng bắt tôi, mà cũng đừng bắt lịch sử, khoán trắng cho anh cái chức lãnh đạo suốt đời. Không có khả năng nào tồn tại nếu không được trau dồi. Mà thực tế cho thấy, từ chuyện lớn đến chuyện nhỏ, khả năng không thể trau dồi được nếu không có tranh đua. Anh chạy một mình thì không bao giờ anh phá được kỷ lục. Anh muốn vô địch thì phải có kẻ khác chạy đua với anh. Cho nên ý niệm lãnh đạo gắn liền với ý niệm tranh đua. Lãnh đạo là một tương quan hai chiều, có qua có lại: có người dẫn đường và có người công nhận sự dẫn đường đó là chính đáng. Lãnh đạo không bao giờ là lãnh đạo vô điều kiện. Và điều kiện đó là "quan hệ vai trò lãnh đạo với sự thừa nhận của quần chúng và của những đại diện của họ". Nói cách khác, vai trò lãnh đạo phải được thử thách và kiểm nhận bằng những cuộc bầu cử tự do. Hồi Lênin, đó là bầu cử tự do ở các xô viết. Nếu bầu cử tự do, ý niệm "đảng lãnh đạo" và ý niệm "tất cả quyền hành nằm trong tay các xô viết" không tương phản nhau, trái lại, dựa vào nhau mà phát huy. Lãnh đạo như thế là tranh đua tự do, dân chủ để chiếm đa số trong các xô viết. Do đó, nói "Đảng lãnh đạo" tức là nói phải trao thực quyền cho các xô viết, tức là nói xô viết đứng đầu, cao hơn hết thảy: lý thuyết và thực tế trùng hợp nhau.

Cuối cùng, hầu như không cần phải biện luận dài dòng, ai cũng thấy: lãnh đạo gắn liền với trách nhiệm. Ai cũng thấy, như thấy cằm gắn liền với râu, cây với rễ. Cây là lãnh đạo. Rễ là trách nhiệm. Không bao giờ có một quyền nào chính đáng mà tách rời ra khỏi trách nhiệm. Và trách nhiệm gồm hai mặt để phán đoán. Một là phán đoán từ bên ngoài, nghĩa là từ dân chúng; dân không tin ta làm thành công, dân cứ thấy ta làm thất bại thì dân quy trách nhiệm cho vai trò lãnh đạo của ta. Thì dân không bầu cho ta nữa. Hãy trượng phu mà nhận hậu quả của trách nhiệm. Hai là phán đoán từ bên trong, nghĩa là từ trong lương tâm của đảng lãnh đạo. Mà muốn lương tâm ấy thực sự lên tiếng nói thì đừng gạt ra khỏi vòng trách nhiệm các đảng viên có ý thức về phải trái, đúng sai. Các đảng viên ấy phải có quyền làm chuyển động một đạo đức đã thui chột, một tư duy đã xơ cứng với đặc quyền. Cùng với nhân dân, họ nói: "Không có điều 4 nào bền chặt trên giấy tở cả; chỉ có một điều 4 bền chặt thôi, đó là điều 4 ghi trong trái tim của dân chúng".

Đây cũng là một chuyện cũ nói lại, một chuyện cũ rích từ ngàn xưa: không một chính thể nào tồn tại được nếu mất nhân tâm. Rất sáng suốt, các vị lãnh đạo của ta đã cảnh báo từ lâu. Ông Lê Quang Đạo, chủ tịch Quốc Hội, chẳng hạn, đã nói rất thẳng từ 1989: "Ta chỉ có lý luận về Đảng trong thời kỳ cướp chính quyền, chưa có lý luận về Đảng sau khi có chính quyền". Ông nói thêm: "Thế là Đảng bỏ mất vai trò tiên phong, dân không tin vào Đảng nữa"(3). Huống hồ vai trò tiên phong lịch sử ngày nay là tiên phong tiến lên dân chủ và văn minh. Dân muốn thế. Chuyện cũ nói lại chính là vì vậy: là để cùng nhau lý luận mà nhắm đến tương lai.

Tương lai ấy, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói rõ trong thông điệp đầu năm bằng cách lặp đi lặp lại nhiều lần sự cần thiết phải "đổi mới thể chế". "Phải có thêm động lực để lấy đà tiến triển... Nguồn động lực đó phải đến từ đổi mới thể chế". Thủ tướng xác quyết: Phải đổi mới thể chế thì mới cạnh tranh được với thế giới ngày nay. Và nói thêm: Năng lực cạnh tranh được quyết định bởi nhiều yếu tố, trong đó chất lượng thể chế là một trong hai yếu tố quan trọng hàng đầu. Ở trên, chúng ta nói: phải tranh đua. Ở đây, thủ tướng nói: phải cạnh tranh. Thế là gặp nhau! Nếu có ai đem đức Khổng ra để chất vấn, bảo phải "chính danh" thể chế ấy là gì, kinh tế hay chính trị, tôi sẽ khẳng khái trả lời: dĩ nhiên là chính trị! Đây này, hãy đọc nguyên văn nhiều đoạn trong bài viết đầu năm ấy: "Dân chủ vừa là mục tiêu vừa là động lực... Dân chủ là xu thế khách quan trong tiến trình phát triển của xã hội loài người... Dân chủ và Nhà nước pháp quyền là cặp "song sinh" trong một thể chế chính trị hiện đại". Thể chế chính trị, tôi xin lặp lại. Và hiện đại nữa! Chắc chắn nhân dân sẽ không quên hứng khởi đầu năm này và sẽ lặp lại trong suốt năm 2014 như một lời cam kết quân tử, ngôn hành hợp nhất.

Vậy thì đây đâu còn là chuyện cũ nói lại. Cũ mà vẫn mới toanh.

Cao Huy Thuần

Chú thích:

(*) Các tiểu đề là của Diễn Đàn.

(1) Robert Paris, Le socratisme de Gramsci, trong Révolution, Classe, Parti, Textes réunis par Christian Blegalski, Arguments IV, Ed. Minuit, 1978, trang 63.

(2) "L'éducateur doit être lui-même éduqué".

(3) Lê Quang Đạo, Phát biểu tại cuộc họp của báo Đại Đoàn Kết ngày 8-12-1989, đăng lại trong Đoàn Kết, tháng 2-1990.

(4) Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Hoàn thiện thể chế, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2014, tạo nền tảng phát triển nhanh và bền vững, Cổng thông tin điện tử Chính phủ.


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us