Lật đổ chính quyền nhân dân?
Lật đổ chính quyền nhân dân ?
Hoà Vân
Theo bản cáo trạng đề ngày 23.11.2009 của viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, các ông Lê Công Định, Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Tiến Trung bị truy tố về tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo khoản 1, điều 79 đạo luật Hình sự; ông Lê Thăng Long bị truy tố với cùng tội danh, nhưng ở vai trò “đồng phạm” (khoản 2, điều 79). Với tội danh đó, các ông Lê Công Định, Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Tiến Trung phải đối mặt với khung hình phạt từ 12 năm tù đến tử hình, ông Lê Thăng Long có thể bị phạt tù từ 5 đến 15 năm.
Theo tin các báo, vụ án sẽ được mang ra xử tại TP HCM trong hai ngày 20-21.1.2010. Trước đó, ngày 28.12.2009, ông Trần Anh Kim, nguyên trung tá quân đội nhân dân (đã về hưu), sẽ bị đưa ra toà án Thái Bình xét xử cũng với tội danh “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.1
Cả 5 người này đều bị bắt vào những ngày cuối tháng 6, đầu tháng 7 năm nay và bị khép tội “chống nhà nước Cộng Hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” (điều 88 bộ Luật Hình sự). Xin xem thông tin trên các bài báo đã được Diễn Đàn dẫn lại tại đây.
Trong tháng 8 (và trước đó đối với các ông Lê Công Định, Trần Huỳnh Duy Thức), công an đã tổ chức để quay phim các ông Kim, Trung công khai “thành khẩn khai báo tội lỗi”, theo một kịch bản cũ mèm từ thời Staline. Tờ báo “Công an nhân dân” ngày 21.12.2009 còn thẳng thừng phán xét: “Thực tế thì những hoạt động của Trần Anh Kim, Lê Công Định, Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Thăng Long, Nguyễn Tiến Trung chẳng có nghĩa lý gì.”, và coi họ chỉ như “những con rối” mà kẻ giật dây là “các tổ chức phản động ở nước ngoài mà cụ thể là tổ chức phản động "Đảng nhân dân hành động" của Nguyễn Sĩ Bình và những cái gọi là "Việt Tân", "Phong trào dân chủ"”.
Nhưng ngay cả “Đảng nhân dân hành động “, “Việt Tân” hay “Phong trào dân chủ”, có nghĩa lý gì mà những con rối của họ có thể gây nên một “vụ án đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm an ninh quốc gia” như thế ?
Câu trả lời cũng nằm trong bài báo nói trên của CAND. Xin trích:
“Hàng trăm những tổ chức phản động lưu vong ngoi lên hoạt động từ sau ngày miền Nam giải phóng đến nay đều lần lượt bị phơi trần ra trước vành móng ngựa và chịu sự trừng trị nghiêm khắc của luật pháp Việt Nam.
Nhớ lại những tổ chức phản động với những tên cầm đầu đầy cuồng vọng như Hoàng Cơ Minh, Võ Đại Tôn, Lê Quốc Tuý, Mai Văn Hạnh… trước đây đều đã bị trừng trị như vậy. Có những tổ chức được thế lực phản động bên ngoài tích cực ủng hộ, đã có nhiều dự định hoạt động manh động, gây rối, gây bạo loạn.
Chúng đã tiến hành nhiều đợt xâm nhập, tuồn cả hàng chục tấn vũ khí vào, thậm chí chúng còn liều mạng rước cả quan thầy của chúng bí mật xâm nhập vào Việt Nam. Nhưng chúng không ngờ tất cả đã vào bẫy chỉ vì chúng quá ngờ nghệch, đến khi thất bại thảm hại chúng mới thấm đòn về một “trò chơi nghiệp vụ” của Công an Việt Nam.”
Hết trích. Nghĩa là, chuyện “gây rối, gây bạo loạn” là chuyện cũ rích, hai, ba chục năm trước, chẳng có gì mới nhưng vẫn được lôi ra làm ngoáo ộp. Để doạ ai? Nguyễn Sĩ Bình thì đã bị bắt và bị trục xuất từ mười mấy năm trước, và một đàn em của ông ta, Võ Kevin Huân, vừa mò tới VN hè vừa rồi thì bị bắt và trục xuất ngay. Chưa kể tới khả năng có xác suất cao là chính công an đã giật dây ông ta, thực chất của những phong trào chống đối ở nước ngoài mà tờ báo kể ra đúng là chỉ đủ cho một “trò chơi nghiệp vụ” của công an VN. Vậy chẳng hơi sức đâu mà công an đánh tiếng nạt nẹ Nguyễn Sĩ Bình hay “đồng bọn” một lần nữa.
Trở lại chuyện các ông Lê Công Định, Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Tiến Trung và vài người khác có tên trong bản cáo trạng. Người đọc bản cáo trạng này, đầu thế kỷ 21, nghĩ về một nước đã hoàn thành cuộc đấu tranh giải phóng khỏi ách thực dân, đế quốc từ hơn 30 năm trước, chiến thắng cuộc chiến tranh xâm lược cuối cùng cũng đã 30 năm, một đất nước mà chính quyền từng nhiều lần tuyên bố làm bạn với tất cả các nước, các dân tộc trên thế giới…, không khỏi băn khoăn. 14 trang, chẳng thấy một âm mưu vũ trang, bạo động nào được chỉ ra, chẳng có một kế hoạch nào nhằm phá phách, làm tê liệt hoạt động của các cơ sở kinh tế, hành chính, một kế hoạch nào nhằm tạo ra hỗn loạn trong guồng máy chính trị hay xã hội, thậm chí một lời kêu gọi xuống đường biểu tình nhằm gây rối loạn trật tự trị an cũng không. Vậy thì “an ninh quốc gia” bị xâm phạm thế nào? Vài chục bản “tài liệu” lưu trữ trong máy tính của các bị can, hay được đưa lên vài mạng xã hội (blog, website), với những nhận định chính trị mà người ta có thể đánh giá thế này hay thế khác (chẳng hạn, nếu muốn phê phán: giản đơn hay ấu trĩ, hay cường điệu v.v., nhưng đừng nghĩ là hễ cứ đánh giá của chính quyền là được người dân chia sẻ!), với vài ý đồ xây dựng tổ chức chính trị đối lập với ĐCS ở mức bộ máy, dăm bảy người, một đôi câu “tuyên ngôn”. Chấm hết. Cần nói rõ là cho dù Ban Tuyên giáo và các cây bồi bút của họ trên các báo công an hàng ngày ra rả đấu tố những người đối kháng và cảnh báo về "âm mưu diễn biến hoà bình" của họ, thì Nhà nước Việt Nam cũng chưa hề (vì dĩ nhiên không thể) ghi vào bộ Luật hình sự một điều khoản với tội danh là "âm mưu diễn biến hoà bình", thể hiện qua những hoạt động nhằm thúc đẩy xã hội đổi thay một cách hoà bình, bất bạo động.
Vả chăng, dù có khó chịu tới đâu đối với những gì được thể hiện trong những "tài liệu" của các bị cáo, đó vẫn chỉ là những tài liệu và không một nhà nước nghiêm chỉnh nào lại có thể run sợ tới mức cho rằng quyền lực của mình có thể bị lung lay vì chúng.
Không lẽ Nhà nước ta, với bộ máy chuyên chính khổng lồ, công an chen đầy các hoạt động của xã hội dân sự, vẫn cảm thấy thiếu “an ninh” thật, thấy đáng sợ thật mỗi hoạt động “chống đối” dù nhỏ nhất của người dân, như sợ một tia lửa có thể làm cháy cả cánh đồng?
Nếu thế, đem những người này ra xử vẫn là hạ sách. Vì là cách tốt nhất để nuôi những tia lửa trong mỗi người dân, những tia lửa đã bắt đầu bám vào một bộ phận không nhỏ của Đảng, hoàn toàn có thể dẫn tới một cuộc "tự lật đổ" của "chính quyền nhân dân”, như cuộc nổ sụm (implosion) của chính quyền xô-viết 20 năm trước. Những căng thẳng giả tạo một năm trước đại hội Đảng nhằm phục vụ quyền lợi ngắn hạn của một thiểu số đang nắm những quyền lực cực kỳ béo bở sẽ chỉ như những giọt dầu tưới trên những cánh đồng khô.
Thượng sách là xem lại mình, giải quyết những ung nhọt bám đầy bộ máy – tham nhũng, độc quyền đi đôi với dốt nát, bất lực... –, trả lại quyền tự do ăn nói, tự do báo chí, tự do lập hội, biểu tình... cho người dân, nghiêm chỉnh thi hành pháp luật mà chính mình đã ban bố đồng thời với lắng nghe tiếng nói của xã hội để thay đổi những bất cập trong các luật đó, vân vân và vân vân.
Đầy những việc có thể và “cần làm ngay”.
Trước mắt là trả tự do cho những người bị truy tố trong vụ án này cũng như cho những người khác bị bắt giam vô lối vì chính kiến của họ.
H.V.
1 Tin giờ chót, ông Trần Anh Kim đã bị tòa sơ thẩm tại Thái Bình khép án 5 năm 6 tháng tù giam.
Các thao tác trên Tài liệu