LÊ THÀNH KHÔI : người anh cả của chúng tôi trong đại học
LÊ THÀNH KHÔI :
NGƯỜI ANH CẢ CỦA CHÚNG TÔI TRONG ĐẠI HỌC
Cao Huy Thuần
Như chúng tôi đã đưa tin, Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh đã quyết định trao giải thưởng 2012 cho các học giả, nhà nghiên cứu, nhà giáo dục và dịch giả : bà Bùi Trân Phượng và ông Vũ Đức Hiếu (giải Vì sự nghiệp Văn hóa và Giáo dục); ông Chu Tiến Ánh và ông Phạm Duy Hiển (bút danh Phạm Nguyên Trường) (giải Dịch thuật), giáo sư Lê Thành Khôi (giải Nghiên cứu) và giáo sư Philippe Langlet (giải Việt Nam học). Lễ trao giải sẽ được tổ chức ngày 29.3.2013 tới đây tại Thành phố Hồ Chí Minh. Giáo sư Lê Thành Khôi tuổi cao và giáo sư Philippe Langlet đang phải điều trị trọng bệnh, không thể về Việt Nam nhân dịp này. Chiều ngày 21.3.2013, bà Nguyễn Thị Bình, chủ tịch Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh (bà Bình, như mọi người đều biết, là cháu ngoại chí sĩ họ Phan), đã đích thân tới nhà ông bà Lê Thành Khôi (ở quận 15 Paris) để trao tận tay giải thưởng Phan Châu Trinh cho hai học giả.
Nhân dịp này, và cũng để mừng 90 năm ngày sinh Lê Thành Khôi, Diễn Đàn xin giới thiệu bài viết của giáo sư Cao Huy Thuần.
Cách đây tám năm, chúng tôi có xuất bản một quyển sách dày 465 trang để vinh tặng Giáo Sư Lê Thành Khôi, nhan đề là Từ Đông sang Tây (NXB Đà Nẵng, 2005). Từ Đông sang Tây, trước hết là tiếng tăm của anh Khôi trong cộng đồng đại học, giữa bạn bè người Việt cũng như người nước ngoài, trên khắp thế giới. Từ nhiều đại học ở khắp các châu lục, nhiều bài viết được góp lại như một bó hoa vinh tặng một bậc đàn anh mà tiếng tăm vượt qua đại học Pháp để tỏa sáng trong các tổ chức quốc tế danh tiếng nhất về giáo dục. Từ Đông sang Tây còn mang một ý nghĩa thứ hai, nhắm vào học vấn và công trình nghiên cứu của anh Khôi. Kiến thức của anh trải rộng trên nhiều lĩnh vực, đủ chiều rộng lẫn chiều sâu, để có một cái nhìn vừa bao quát vừa đối chiếu giữa Đông phương và Tây phương.
Có lẽ anh Khôi mang hoài bão bắc một chiếc cầu cho chính anh từ khi đi học giữa Đông và Tây. Có thể hoài bão đó cũng âm ỉ trong lòng tất cả chúng tôi, những người đi dạy và nghiên cứu ở nước ngoài. Nhưng không mấy ai thành công như anh Khôi. Anh Khôi là tiêu biểu. Anh học xong trung học tại Hà Nội. Qua Pháp, anh học luật và kinh tế. Chưa bằng lòng, anh học thêm đồng thời Hán văn và tốt nghiệp trường Sinh ngữ Đông phương. Học luật và kinh tế, anh cũng chưa bằng lòng: anh học thêm chuyên môn luật quốc tế tại Viện luật quốc tế La Haye. Anh là lưỡng khoa tiến sĩ: tiến sĩ kinh tế và tiến sĩ văn chương, ngành khoa học giáo dục. Anh lấy bằng cấp khó khăn ở Pháp dễ như ta lấy đồ trong túi. Và anh để cho chúng ta cảm tưởng rằng anh nghiên cứu cũng dễ như đùa. Bằng chứng là cái thư mục dài dằng dặc của anh trong Từ Đông sang Tây. Thấy mà khiếp ! Trong thư mục đó, kiến thức về Đông phương của anh đã giúp anh viết về những vấn đề văn hóa trong vùng Đông Nam Á cũng như về thơ văn trong lịch sử văn học Việt Nam. Chiếc cầu giữa Đông và Tây hiện ra rõ rệt nhất trong những tác phảm cuối cùng của anh mà tôi sẽ nhắc lại ở cuối bài này.
Nhưng nếu chỉ nói Đông và Tây sẽ chưa đủ để thán phục sự nghiệp nghiên cứu của anh Khôi. Phải nói cả Bắc và Nam theo ngôn ngữ thông dụng của địa chính trị ngày nay. Khi anh viết về kinh tế, nhất là khi anh viết về giáo dục, về phát triển, cả Á châu, cả Phi châu, cả Nam Mỹ đều nằm dưới ngòi bút của anh. Nằm dưới cả gót chân của anh vì anh là cố vấn cho nhiều vùng, nhiều nước. Anh nhìn rộng trong không gian, anh lại nhìn dài trong thời gian: bởi vì, mở đầu nghiên cứu của anh, anh là nhà viết sử. Quyển Histoire du Viêt Nam của anh là sách đầu tay của tất cả những ai từng nghiên cứu về Việt Nam. Nhìn rộng, nhìn dài, anh Khôi còn không muốn người ta tưởng anh chỉ biết nhìn với cái đầu khô khan của ông giáo. Anh còn nhìn với trái tim trữ tình của anh. Bởi vậy, song song với nghiên cứu, anh còn viết văn, dịch thơ, làm người tình của cái Đẹp, đẹp trong thơ, trong họa, trong thiên nhiên, trong mỹ nghệ. Hình như anh viết truyện La pierre d'amour là để tặng chị: mấy ai ga-lăng đến thế!
Lịch sử, văn chương, địa lý, kinh tế, giáo dục, triết học, mỹ học, nhân chủng học, văn minh... bốn phương tám hướng, hướng nào anh cũng đầy thẩm quyền, biết dùng chữ gì để gọi công trình của anh ? Trong Từ Đông sang Tây, nhà nhân chủng học có tiếng của đại học Pháp, Georges Condominas, gọi cống hiến của anh là một cống hiến "bác học". Tôi nghĩ không có tĩnh từ nào đúng hơn để ngưỡng mộ đóng góp khoa học của anh Khôi.
Trong một công trình "bác học" như vậy, trải rộng trên nhiều lĩnh vực như vậy, tất nhiên không phải bất cứ chỗ nào anh Khôi cũng được sự đồng ý nhất trí của mọi người. Chúng tôi, những người chỉ có kiến thức hẹp hòi trong một lĩnh vực nhất định nào đó, đôi khi cũng có một vài nhận xét khác anh trong lĩnh vực chuyên môn của mỗi người. Thêm nữa, khi anh Khôi nhìn thực tế trước mắt, dường như bút mực của anh không đủ sức thuyết phục như khi anh nhìn vào sách. Chuyện đời trước mắt, nhất là chuyện chính trị, vốn lăng nhăng, mà anh lại là người quá ngay thẳng, quân tử mực Tàu, không quen trí trá. Nhưng, nói cho cùng, đó chẳng phải là bệnh của trí thức, của tất cả chúng tôi, chúng ta?
Giáo sư Lê Thành Khôi
(ảnh Dominique de Miscault)
Riêng đối với tôi, rất chủ quan, tôi đặc biệt gần gũi với các tác phẩm cuối đời của anh, viết trong khoảng thời gian về hưu. Có lẽ vì đây là các tác phẩm văn chương, trong đó Lê Thành Khôi trữ tình hòa nhập tuyệt mỹ với Lê Thành Khôi trí tuệ. Nhưng, chắc chắn hơn, ở đây Lê Thành Khôi sống trọn vẹn với con người nho sĩ thầm lặng trong anh khi, từ Đông sang Tây, anh học chữ Hán, và khi, suốt đời, anh âu yếm nhìn lại nền văn hóa đã tạo ra anh với cái nhìn từ Tây về Đông, khám phá hơn, khách quan hơn, nhưng cũng minh triết hơn. Tôi học được rất nhiều nơi anh trong những tác phẩm này. Đôi khi, chẳng có gì cả, chỉ một câu, một đoạn, nhưng chân lý vốn thường như thế, chẳng nói gì nhiều. Ví dụ câu này trong Voyage dans la culture du Viêt Nam sau khi anh tả sương mù phủ xuống mái tranh và tiếng chuông chùa nhẹ rơi trong chiều tà:
"Ở đây, chẳng có gì gợi lên nguy nga tráng lệ, kiêu ngạo, chinh phạt hay vinh quang, tất cả dạy ta chừng mực và đơn sơ. Không có lâu đài to lớn đường bệ, không một đền đài danh tiếng nào nhắc lại cho con cháu những kỳ công của tổ tiên và sự có mặt của những vương triều chớp nhoáng. Chùa chiền và cung điện đều được xây dựng bằng gạch và gỗ mà khí hậu ẩm ướt, mặt trời, cây cỏ, và sâu mối dần dần phá hủy. Trong sự vô tư, bất cẩn đó, có một cái gì dường như một cung cách cố ý nhún nhường, một thái độ kính trọng trước cái chết, ý thức về số kiếp của con người, mà những công trình vật chất thì đi qua, mà hiển hách duy nhất nằm trong đầu óc. Ở đây, phép lạ lớn nhất là con người ..."
Nếu những người làm văn hóa ở ta biết rằng cái Đẹp, cái Hồn của ta nằm ở chỗ đơn sơ, khiêm tốn ấy, chắc không ai đua đòi ngây ngô theo cái lớn, cái cao, cái to nơi những văn minh khác. Anh Khôi nhắc lại thêm một lần nữa trong Quelques pas au sud des nuages :
"So sánh các chùa ở Vân Nam với các chùa ở Việt Nam, sự khác nhau đập vào mắt: ở Vân Nam, to lớn, nguy nga; ở Việt Nam, khiêm tốn, giản dị. Tôi thú nhận tôi cảm thấy rung động hơn với hai đặc điểm vừa nói và với sự hài hòa tỏa ra từ hai đặc điểm đó".
Từ Đông sang Tây, từ Tây về lại Đông, nhận xét của anh Khôi tinh tế trong từng chi tiết không những trong kiến trúc, trong di tích, trong phong cảnh, trong thiên nhiên, trong văn thơ, mà còn trong hội họa, mỹ thuật. Tôi ghi lại ở đây một chi tiết trong Un désir de beauté, khi anh so sánh bức tranh tĩnh vật nổi tiếng của Cézanne với tranh tĩnh vật của Tàu:
"Nơi Cézanne, màu sắc rực rỡ (nguyên tác : "Khi màu sắc phong phú thì hình thể đầy đặn"), màu trắng và màu lục của bình nước đối chọi với những màu đỏ, màu vàng của các trái táo, nét đậm bao quanh các vật đó làm nổi bật vóc dáng của chúng, cách bài trí mạnh mẽ, với đường ngang của chiếc tủ làm thăng bằng đưòng dọc của chiếc hộc và của cánh cửa. Bức tranh "đầy", nhưng chất thơ và vẻ bí mật thiếu vắng. Trái lại, thơ và bí mật hiển hiện cao độ trong các tranh tĩnh vật của Đông Á. Ví dụ danh tiếng nhất là bức tranh Sáu quả hồng của thiền sư Muqi (Mục Khê) (thế kỷ 13) vẽ bằng mực tàu khá đậm đặc, năm quả cùng một hàng, quả thứ sáu đứng một mình đàng trước. Chẳng có gì ngoài cái trống trơn chiếm trọn hơn bốn phần năm không gian. Ở đây, mực tàu chứng tỏ ưu thế trên màu sắc khi muốn gợi lên cái không thấy, cái vô hình".
Giữa Đông và Tây, khác nhau nhất có lẽ là cái nhìn triết lý ấy, trong thơ cũng như trong họa. Chẳng hạn chi tiết này, ít ai để ý:
" Điều mà người ta không bao giờ thấy ở phương Đông là những bức tranh săn bắn đẫm máu thường thấy trong những tranh tĩnh vật của châu Âu ở thế kỷ 17 và 18. Khát vọng giết chóc để mua vui mà những bức tranh đó gợi lên chỉ gây ghê tởm nơi mà Đạo giáo, Ấn Độ giáo và Phật giáo không nhìn con người như là sinh vật cao hơn các loài khác, tất cả đều có thể trao đổi hình dáng trong nhiều kiếp luân hồi, tất cả đều bình đẳng trong luồng sống của vũ trụ. [Trong các tranh Đông phương] các con thú được vẽ với một dáng điệu trìu mến, êm đềm: con hoẵng nằm gãi mũi với chân trong bức Sông Hằng trôi xuống ở Mahabalipuram (thế kỷ 7), con khỉ đang chăm con trong tranh Sosen, con hươu trong tuyết của Rosetsu, mấy chú chó con trong tranh Tetsuzan, con sóc trong Qi Bashi (Tề Bạch Thạch). Con cò trắng hiện ra giữa sương mù trong tranh Tanyu gợi lên một cảm xúc siêu hình. Con khỉ mon men vớt ánh trăng trong nước của Tsunenobu minh họa vô minh trong Phật giáo, lầm cái thấy là cái thực. Một cặp chim, một con ở trong lồng, một con ở ngoài nhìn vào với tất cả trìu mến tượng trưng cho tình nghĩa chung thủy vợ chồng. Chỉ có các con thú dữ là hung tợn, như bất cứ ở đâu : con ó là đề tài quen thuộc của tranh Nhật, con cọp là của Triều Tiên. Nhưng chẳng phải chúng nó cũng có quyền sống sao ? Đâu có phải chúng nó lựa chọn thành ó hay thành cọp ? Chỉ có con người trong Thánh kinh là tự cho mình quyền cai trị trên cá, trên chim, trên muông thú, trên cỏ, trên cây. Bởi vì đã được tạo ra theo hình ảnh Thượng đế của người ấy, con người tự cho mình quyền giết để mua vui ".
Mỗi chi tiết đều lý thú như vậy trong các tác phẩm tôi vừa kể, huống hồ toàn tác phẩm ? Tôi cố ý chỉ nói chi tiết là vì không thể nói hết kiến thức thông thái của anh Khôi trong toàn đại thể. Anh Khôi là nhà chiêm bái trong khắp các nền văn minh. Nhưng nơi chiêm bái cuối cùng của anh lại chính là nơi đã sinh anh ra. Là nơi đã sinh chúng ta ra. Đơn giản, dân gian ta nói: "Lá rụng về cội".
Cao Huy Thuần
Nguyên giáo sư Đại Học Lille và Picardie
Các thao tác trên Tài liệu