Bạn đang ở: Trang chủ / Việt Nam / Lịch sử - Sự thật Lịch sử - Nỗi niềm Lịch sử

Lịch sử - Sự thật Lịch sử - Nỗi niềm Lịch sử

- Phạm Toàn — published 02/10/2010 10:02, cập nhật lần cuối 02/10/2010 10:02


Lịch sử – Sự thật lịch sử
– Nỗi niềm lịch sử


PHẠM TOÀN


Lịch sử là một thằng Câm, còn Khoa học Lịch sử (hoặc môn Sử học) tìm cách nói hộ thằng Câm vĩ đại kia những sự thật lịch sử – nhưng oái oăm thay, rất nhiều khi những “ sự thật lịch sử ” đó lại chỉ là một nửa sự thật, một nửa đã là khá, có khi thậm chí là một nửa phần trăm sự thật – và có khi còn là những “ sự thật ” bị bóp méo hoặc những “ phản sự thật ”.

Vì sao ? Vì cuộc sống của thằng câm trôi đi. Và cuộc sống ấy cùng những bài học lịch sử rút ra từ những sự thật hoặc nửa sự thật lịch sử thảy đều do những sử quan chuyên nghiệp hoặc không chuyện nghiệp ghi lại. Quyền lực của các “ sử quan ” đó rất ghê, đến độ nhà sử học Pháp Antoine Prost không ngần ngại cho rằng “ Các nhà sử học làm nên lịch sử ”, hoặc “lịch sử, đó là những gì các nhà sử học làm ra”.

Thí dụ sau đây tìm thấy trong lời giới thiệu Sử ký Tư Mã Thiên của học giả Phan Ngọc có thể minh họa cho ý kiến của Prost : Chức sử quan ngoài việc chép sử còn coi thiên văn, làm lịch, bói toán. Nghề viết văn, viết sử, xem sao, xem lịch thì cũng gần với bọn thầy bói, thầy cúng. Chúa thượng vẫn đùa bỡn nuôi như bọn con hát, còn thế tục vẫn coi thường. Tuy vậy, Tư Mã Đàm (cha của Tư Mã Thiên) vẫn thấy cái nghề của mình là cao quý vì ông biết nó có tác dụng to lớn đối với sự thịnh suy, hưng vong của một nước.

Và đây là một ca sử quan rất đáng cho ta suy nghĩ : “… khi Thôi Trữ giết vua Tề thì quan thái sử nước Tề viết : "Thôi Trữ giết vua của mình là Trang Công". Quan thái sử bị giết, người em lên thay vẫn viết như vậy nên bị giết luôn. Ngay lúc đó, người em thứ ba xin lên thay không thêm bớt một chữ. Thôi Trữ sợ không dám giết.”

Những sự thật lịch sử cả về phía nhân vật lịch sử lẫn người sử quan như vậy là những điều sử sách còn ghi lại được. Nhưng có biết bao nhiêu điều sử sách chịu không sao ghi lại nổi ? Câu hỏi này tự nó đã là câu trả lời.

Vì thế mà cuộc sống rất cần đến những nhà hoạt động văn học nghệ thuật – những con người chỉ có một sứ mệnh nói lên không phài là những sự thật lịch sử, mà nói lên những nỗi niềm lịch sử. Mỗi nghệ sĩ đó bao giờ cũng có những nỗi niềm riêng tư vô cùng mạnh mẽ khiến họ không thể chỉ giữ cho riêng mình, không thể không nói ra. Và một khi học nói nỗi niềm đó ra thì những tiếng nói họ cất lên lại có một sức mạnh hoàn toàn khác với những điều đã được kể ra từ của miệng các sử quan, kể cả các sử quan dẻo mồm nhất.

Với tư chất bao giờ cũng khiêm nhường, thậm chí nhiều khi nhút nhát, các nghệ sĩ chẳng mấy khi dám nhận là họ nói hộ nỗi niềm của toàn xã hội – họ chỉ nói lên riêng một nỗi niềm của họ mà thôi. Song chính cái niềm riêng đó mới đụng chạm sâu sắc được tới những niềm chung (gửi trong tấm lòng các bạn đọc tiểu thuyết lịch sử, của bạn xem kịch và coi phim lịch sử, của bạn ngắm tượng đài lịch sử…). Đến lượt nó, cái quần chúng có văn hóa của một dân tộc sẽ tiếp nhận hai luồng ảnh hưởng tinh hoa: ảnh hưởng về lý trí từ các sử quan tử tế, và ảnh hưởng về tình cảm từ các nghệ sĩ chân chính và tài năng.

Song, cần nhắc lại yếu tố vừa được nhắc tới : các nghệ sĩ chân chính và có tài năng. Chỉ những nghệ sĩ chân chính và có tài năng mới cóp thể để lại những tác phẩm nghệ thuật mang đề tài lịch sử. Chỉ những nghệ sĩ chân chính mới có nỗi đau khiến họ phải đào sâu vào khoa học lịch sử chẳng kém một nhà sử học ưu tú nhất, song họ lại hơn đời ở một nỗi ưu tư nên họ mới làm ra được tác phẩm nghệ thuật có đề tài lịch sử – “ tác phẩm nghệ thuật với lịch sử như một cái cớ ” là một cách nói tuy khác nhưng không sai.

Võ Thị Hảo phải đau lắm một nỗi đau đàn bà trong nỗi đau triết nhân trước cuộc sống đương thời thì mới có được một câu chuyện lịch sử để một nhân vật họ Từ vốn dĩ con người đang còn thích báo ân báo oán thành một đấng từ bi. Nguyễn Xuân Khánh phải đau nỗi đau cải tổ đích thực của những nhân tài yêu nước thương dân đích thực thì mới dám ca tụng cả những tàn ác và những thất bại của một nhân vật cải tổ trong một đoạn ngắn lịch sử nước nhà. Hoàng Quốc Hải – xin lỗi anh, tôi chưa đọc bộ sách nằng cả chục kí của anh – song tôi hoàn toàn đoán biết anh phải là người đau đáu với đề tài một vị vua triều Lý đã hòa dòng máu bình dân vào dòng máu đã đặc quánh vì độc quyền độc trị của vương triều cũ để viết ra cả ngàn trang sách ấy.

Còn những kẻ làm phim vì tiền, vì danh tiếng – tiền và danh tiếng lại do ngoại bang ban cho, những kẻ như thế làm gì có sự chân chính và có tài năng để làm nên tác phẩm nghệ thuật mang tâm tư của kẻ nghệ sĩ chân chính và mang tài năng của kẻ nghệ sĩ làm đẹp ngay cả trong những vụng dại nhưng vẫn chất chứa đầy bản sắc dân tộc mình ?

Bạn thừa biết tôi vừa nhắc đến bộ phim quái đản đang bị dư luận xã hội lên án tính thiếu văn hóa của kẻ chi tiền và duyệt phim, cả lên án sự thiếu chân chính và thiếu tài năng của những “ tác giả ” mới móc từ cửa cống nào lên vậy ?

Phạm Toàn

NGUỒN : bản do tác giả gửi.


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Indochine: 70 ans après les Accords de Genève 21/11/2024 16:00 - 18:00 — BnF site François-Mitterrand, Quai François Mauriac, 75706 Paris Cedex 13 | Zoom
Yda: Un court-métrage Hanoi - Warszawa 29/11/2024 19:00 - 21:00 — Médiathèque Jean-Pierre Melville, 79 rue Nationale, Paris 75013, M° Olympiades
Les Accords de Genève, espoirs et désillusions au cœur de la guerre froide. De l’indépendance à la division du Vietnam 11/12/2024 16:30 - 18:00 — Bibliothèque François-Mitterrand, Quai François Mauriac - 75706 Paris Cedex 13
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us