Bạn đang ở: Trang chủ / Việt Nam / Lỗi hệ thống

Lỗi hệ thống

- Phạm Toàn — published 07/12/2008 14:43, cập nhật lần cuối 07/12/2008 14:43
<<Thế mà, cứ nhìn cách dùng các loại công cụ pháp quyền và xã hội ở nước ta hiện nay thì rõ, chắc chắn là lỗi hệ thống lớn còn đầy rẫy. Nhưng đó lại là nội dung của một bài viết khác>>

Lỗi hệ thống
và những ảo tưởng chấn hưng
nền Giáo dục Việt Nam đương thời

Phạm Toàn


Lâu nay, trong các cuộc tranh luận về những nội dung xoay quanh việc cứu vãn (hoặc “chấn hưng”) nền Giáo dục Việt Nam đương thời, có một khái niệm lượn đi lượn lại mà chưa một lần được xác định rành rọt – lỗi hệ thống.

Những cơ quan và cá nhân có chức có trách đối với chuyện “hệ thống” thì chưa bao giờ nói đến “lỗi hệ thống”. Duy nhất một lần cách đây hơn hai năm, một vị rất cao chức sắp nghỉ việc có phát biểu đụng chạm đến thuật ngữ “lỗi hệ thống”. Đọc xong mẩu tin, thấy muốn cười thầm, “ông này không muốn yên thân đây!” Sau đó thấy ông khôn ngoan im bặt, coi như một lần lỡ lời, và không phát biểu gì thêm cả về “lỗi hệ thống” cũng như “lỗi lặt vặt”.

Khó mà thống kê cho hết những vấn đề nêu ra trên cả ngàn bài báo bàn về Giáo dục trong vòng mươi năm nay – một ý thức rất cao của người Việt Nam tự nguyện nhận trách nhiệm thay đổi công cuộc giáo dục rất cần thay đổi. Từ những bài đó, xin chọn ra mấy tác giả tiêu biểu đã xem xét vấn đề theo tiêu chuẩn tôi tạm đặt ra như sau: là người phát biểu liên tục phân tích sự kiện chứ không hăng hái ngẫu hứng nêu một hai ý kiến rồi thôi; là người đã xem xét vấn đề giáo dục dưới góc độ một hệ thống cho dù đã có hay còn thiếu một định nghĩa tường minh cho khái niệm “hệ thống” khi nói đến “lỗi hệ thống”; và nhất là người đó có đề xuất một hệ thống thay thế cho cái bị coi là không thích hợp. (Cần mở một ngoặc đơn ở đây: có những tác giả, nhất là Vũ Quang Việt, Hồng Lê Thọ, tuy viết khá nhiều bài về Giáo dục, song tôi vẫn mạn phép xếp bài của các vị vào mục “tư liệu tham khảo”; tôi không tin rằng tôi bị chính các tác giả đó phản đối).

Theo tiêu chuẩn đó mà trong bài viết này tôi có thể thử sơ kết những cách lý giải về “lỗi hệ thống” và cách đề xuất một hệ thống khác cho Giáo dục. Tôi chọn và điểm ý tưởng của những người trong cuộc, hiểu theo nghĩa là những người rõ ràng đã có một “tiền sử” nhập cuộc và có một thái độ nhập cuộc đầy tinh thần trách nhiệm. Vì thế, tôi sẽ chọn ra để điểm những quan niệm tương đối thành hệ thống của Hoàng Tụy, Nguyễn Xuân Hãn, Hồ Ngọc Đại, Phạm Minh Hạc, và dĩ nhiên sẽ phải điểm cả hệ thống Nguyễn Thiện Nhân coi như một “phễu lọc” các hệ thống, nhất là hai hệ thống Hồ Ngọc Đại và Phạm Minh Hạc.

Đó là cách chọn của tôi, mà lý do không chỉ để cho bài viết được khớp với dung lượng trang báo.


Hoàng Tụy

Có lẽ bài trên báo Tia sáng số ra ngày 2 tháng 2 năm 2007 là bài đủ sức tóm tắt được ý tưởng mang tính hệ thống của giáo sư Hoàng Tụy về Cải cách Giáo dục1. Gần như một tuyên ngôn hoàn chỉnh, giáo sư nêu trong năm mục nói năm ý lớn cần phải có cho một cuộc chấn hưng nền Giáo dục nước nhà: 1. Cần một tầm nhìn chiến lược. 2. Một lỗi hệ thống cần sửa. 3. Tư duy toàn cầu. 4. Trách nhiệm cộng đồng. 5. Tư duy tốc độ.

Còn đây là toàn văn ý tưởng của giáo sư về “lỗi hệ thống”:

2. Một lỗi hệ thống cần sửa. Không đâu cần bốn chữ cần kiệm liêm chính hơn trong lĩnh vực giáo dục, khoa học. Một nền giáo dục, khoa học đã thiếu vắng các đạo đức cơ bản ấy tất nhiên hoạt động không bình thường và sớm muộn lâm vào bế tắc. Khi đó chỉ bằng những điều chỉnh cục bộ theo cơ chế phản hồi trong điều hành không cứu nổi hệ thống, mà phải tìm cho ra các lỗi hệ thống và sửa các lỗi đó mới mong đưa được hệ thống ra khỏi khủng hoảng. Vậy cái lỗi hệ thống gì khiến cho giáo dục, khoa học của ta thiếu cần, thiếu kiệm và thiếu cả liêm, chính? Câu hỏi này đặt ra không chỉ cho giáo dục, khoa học mà cho cả bộ máy nhà nước ta. Chính vì cái lỗi hệ thống đó nên cuộc chiến chống tham nhũng cho đến nay vẫn chưa thành công.

Mấu chốt nằm ở nghịch lý lương/thu nhập: lương chỉ bằng một phần nhỏ thu nhập ngoài lương, thì đương nhiên người lao động giáo dục, khoa học phải dồn phần lớn tâm trí, khả năng để kiếm thu nhập ngoài lương, mà phần này thì phân phối tùy tiện, bất công, không có kiểm toán chặt chẽ, cho nên là nguồn gốc nhiều sự tiêu cực mà ai cũng biết. Vì sao nói đó là lỗi hệ thống? Vì nó chi phối, làm méo mó mọi quan hệ trong hệ thống. Đến mức bây giờ dù có tăng lương cho đủ sống mà không sửa cái lỗi hệ thống đó thì cũng chẳng thay đổi được tình hình. Thậm chí lỗi hệ thống đó đã sản sinh ra những quan hệ vận hành lâu ngày trở thành một phần cấu trúc của hệ thống nên ngay khi đã sửa lỗi đó rồi cũng phải đợi một thời gian và có thể phải sửa thêm một số lỗi hệ thống khác nữa mới đưa được hệ thống về hoạt động bình thường.

Dù sao, giải tỏa cái nghịch lý lương/thu nhập là điều kiện tiên quyết để đảm bảo cần, kiệm, liêm, chính và do đó nâng cao chất lượng của hệ thống giáo dục, khoa học. Tôi dám cam đoan còn tồn tại nghịch lý đó thì giáo dục, khoa học còn hư hỏng. Mà giải tỏa cái nghịch lý đó hoàn toàn khả thi về tài chính, nhưng đương nhiên khó khăn tư tưởng khá lớn vì nó đụng chạm đến một bộ phận khá đông quan chức được hưởng lợi từ cách quản lý thiếu minh bạch này. Chung quy vấn đề là ta có thật sự muốn xây dựng một nền giáo dục, khoa học lành mạnh hay không, đó chính là câu hỏi phải trả lời trung thực2


Tôi thấy cần lưu ý đến điều giáo sư Hoàng Tụy viết về nguồn gốc của lỗi hệ thống, rằng mấu chốt nằm ở nghịch lý lương/thu nhập và rằng giải tỏa cái nghịch lý lương/thu nhập là điều kiện tiên quyết để đảm bảo cần, kiệm, liêm, chính và do đó nâng cao chất lượng của hệ thống giáo dục, khoa học.

Nếu được phép nói một lời nhận xét, tôi muốn nhận định rằng ý tưởng của giáo sư Hoàng Tụy về chấn hưng Giáo dục mang tính xã hội học – nghĩa là chú trọng quá vào những điều kiện “chạy vùng quanh nhà trường” – hơn là chú ý đến những điều kiện nội tại của bản thân cái Nhà trường rệu rã đang cần được mổ xẻ.

Nhân một trăm năm ngày sinh nhà dân tộc học Claude Lévi-Strauss, nhắc lại một ý của ông có thể cũng có ích cho ta trong vấn đề đang xét: “Phải nghiên cứu con người ở ngay trong chính bản thân con người: đừng hình dung những gì con người lẽ ra đã có thể làm hoặc nó cần phải làm, mà hãy nhìn vào cái gì con người ấy đang làm.3” Và ý đó cũng nhắc ta rằng chuyện Giáo dục nên được xem xét từ trong bản thân “ngôi nhà giáo dục”: có tăng lương gấp mười lần, nhưng không có cách dạy phù hợp với cách học của trẻ em thì vẫn còn có hiện tương dạy thêm và học thêm đang bị kết án, nhưng không nhằm mục đích kiếm tiền.

Những ý kiến của giáo sự Hoàng Tụy hết sức ôn hòa. Giáo sư không coi nền Giáo dục đương thời là phải “dỡ ra làm lại từ đầu”, mà vẫn thấy có thể “chấn hưng” được cơ đồ của nó! Song những ai phải chịu trách nhiệm về hoạt động giáo dục vẫn không “nể” các ý kiến của giáo sư Hoàng Tụy; không những không tiếp thu, họ cũng chẳng buồn trả lời nữa! Tôi lý giải hiện tượng đó là vì những ý tưởng của Hoàng Tụy tuy quý báu đấy song đã không chẩn đúng bệnh (hoặc do chật chội, quá nhiều con bệnh nằm chung chiếc giường bệnh “xã hội hóa”, nên đã chẩn nhầm sang người nằm bên cạnh chăng?)4


Nguyễn Xuân Hãn

Giáo sư Nguyễn Xuân Hãn tuổi cũng đã cứng, nhưng ông vẫn giữ phong cách như khi tự học trong hai năm hết chương trình đại học ở Liên Xô cũ: ông liên tục đeo bám công cuộc giáo dục, tranh thủ mọi diễn đàn để chẩn bệnh và đề xuất ý tưởng chữa chạy.

Giáo sư Nguyễn Xuân Hãn không nói rõ ý tưởng của ông về hệ thống và lỗi hệ thống, nhưng đọc ông, khó ai có thể hiểu lầm. Không mon men bên ngoài, Nguyễn Xuân Hãn đã đi thẳng vào bên trong Nhà trường, ông tập trung vào hai điều trong “hệ thống”: tài liệu giáo khoa và tiền bạc.

Nguyễn Xuân Hãn gắn những yếu kém hoặc sai phạm trong các bộ sách giáo khoa “cải cách” với yếu tố Tiền và Năng lực, và hai yếu tố đó lại nhằng nhịt với nhau. Trong bài Người phản biện” ngành giáo dục trên báo Người lao động ngày 2-10-2006, ta được thấy Nguyễn Xuân Hãn nhấn mạnh Độc quyền in sách còn tệ hại hơn cả sự ngu dốt. Ông tập trung “luận tội” các bộ sách giáo khoa “mới mà cũ” trên ý tưởng gọi bằng cái tội không có chương trình chính thức, không có sách giáo khoa chuẩn. Ông cho rằng, nếu Luật hóa việc thay sách giáo khoa, thì sự độc quyền tự “teo” luôn. Và mỗi khi kết thúc các ý bao giờ ông cũng quay về việc làm đầu tiên: lại vẫn là... ổn định chương trình và sách giáo khoa!5

Nói đi nói lại nhiều lần về sách giáo khoa vẫn thấy chưa đủ, ông còn tiếp tục moi ra “những sự thật về sách giáo khoa”, cho rằng “Sai của 2 lần làm sách vào 1981 và 2002 là cái sai từ hệ thống và sai từ gốc tư duy.”6

Giáo sư Nguyễn Xuân Hãn rất có công sưu tầm những số liệu liên quan đến tiền bạc. Ngày 2 tháng 7 năm 2007, trên báo Lao động, ông phản đối việc tăng học phí, và nói rõ “không tăng mà phải giảm!”, với lập luận như sau:

kinh phí Nhà nước cấp hàng năm từ 1998 đến nay đã tăng 6 lần, mặc dù số lượng học sinh, sinh viên không tăng đáng kể, khoảng 22 triệu em. Năm 1998 - 1999 kinh phí Nhà nước cấp cho Giáo dục Đào tạo là 11.754 tỉ đồng (gần 1 tỉ USD) thì năm 2007 này là 67.000 tỉ đồng (khoảng 4 tỉ USD).

Đó là chưa kể tiền vay của nước ngoài là 1.109 triệu USD, và đóng góp của dân. Tỉ lệ đóng góp giữa nhân dân và Nhà nước ở ta là 50/50, trong khi đó, tỉ lệ đóng góp cao nhất trên thế giới khoảng 20%. Cụ thể ở Mỹ 19%, Pháp 7%, Trung Quốc 12%. Năm 2005, đầu tư của Nhà nước cho giáo dục là 41.630 tỉ - 2.67 tỉ USD (chiếm 8,3% GDP) đã vượt cả đầu tư của Mỹ, chiếm 7,2% GDP.7

Trước câu hỏi của nhà báo:

Không tăng học phí, thậm chí có thể giảm và tăng gấp hai lần mức lương cho giáo viên và cán bộ trong ngành như Giáo sư thường phát biểu. Vậy kinh phí đó lấy ở đâu?

Nguyễn Xuân Hãn lý giải, nghi vấn mà khẳng định:

Giảm họp hành, lãng phí và ngừng các cuộc cải cách tốn kém triền miên, quản lý chặt chẽ nguồn ngân sách của Nhà nước và của dân, có thể giảm học phí trong toàn bộ hệ thống. Ổn định chương trình giáo dục, đầy đủ sách giáo khoa chuẩn, tài liệu không chỉ phổ thông lẫn đại học, chỉ cần một năm và kinh phí 100 tỉ đồng, như nhiều lần tôi đã khẳng định, chứ không phải chi hàng tỉ USD và làm hàng chục năm như hiện nay.

Giảm biên chế hành chính, đồng thời tăng lương gấp hai lần mức lương hiện nay. Liệu giải pháp này có khả thi? Chỉ xin kể kinh phí Nhà nước cấp năm 2007 đã là 4 tỉ USD, trong khi đó lương cho cán bộ GV trong toàn bộ hệ thống khoảng 1 tỉ USD/năm, vậy số còn lại đi đâu?8 

Ý tưởng của ông được nói rất tập trung khi ông tự ứng cử vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt nam, với “chương trình hành động” gói trong mấy điều sau:

Thứ nhất, chấn chỉnh việc thi cử, đánh giá và cấp phát, quản lý văn bằng theo các chuẩn mực quốc gia và quốc tế; ổn định chương trình giáo dục ở bậc phổ thông, bậc đại học và tổng thể cho toàn bộ nền giáo dục Việt Nam ( … ) (khắc phục tình trạng) “bội thực sách phổ thông” và “đói sách học chay” ở bậc đại học (mặc dù đã tiêu hàng tỷ USD) nhưng vẫn chưa có được chương trình và sách giáo khoa chuẩn.

Thứ hai, phải có quy hoạch tổng thể về đất đai cho trường công cũng như trường tư, để trường ra trường lớp ra lớp.

Thứ ba, giảm họp hành, lãng phí và cải cách triền miên (…) giảm biên chế hành chính, đồng thời tăng lương gấp hai lần mức lương hiện nay.

Thứ tư, tiêu chí và chuẩn mực khoa học quốc tế cần sớm được vận dụng vào Việt Nam, tăng lương cho những người có sản phẩm khoa học đích thực, để làm thay đổi tỷ lệ 70% người có bằng Tiến sĩ trở lên sang làm quản lý9.


Đem cách lập luận của Nguyễn Xuân Hãn đặt cạnh Hoàng Tụy, ta thấy cả hai vị giáo sư một trẻ hơn một già hơn song cả hai đều mạnh mẽ và sắc nhọn, ấy thế mà hai thầy vẫn không mảy may gây xúc động cho các loại giới chức. Hiện tượng này buộc ta phải nghĩ đến một cái lỗi hệ thống nào đó mà cả hai giáo sư vẫn chưa nêu ra được hết, và chắc là bài viết này sẽ có trách nhiệm bổ sung ở một đoạn bên dưới chăng?


Hồ Ngọc Đại sv Phạm Minh Hạc

Hai tác giả này gắn với nhau như định mệnh! Đến độ là, muốn phân tích ngắn gọn một người này, thì cách tốt nhất là đem so sánh người đó với cái “gương mặt khác” của anh ta. Trên tiêu đề tiểu mục này, tôi cố ý đặt ra một cách viết mới, lấy từ chữ versus viết tắt vs rồi đặt ra chữ sv mang hàm nghĩa là “so với”, “chọi với”, “đối lập với”. Như trong một cuốn sách mới công bố, tôi đã dùng phương pháp “đặt cạnh nhau” đó trong một đoạn dài viết liền mạch về Hồ Ngọc Đại và Phạm Minh Hạc, nhằm mô tả hai cách làm việc của hai con người đó như là hai hệ thống hoàn toàn đối chọi nhau. Sách in khó phổ biến rộng, nay nhờ diễn đàn của Diễn đàn để gửi mấy lời phải trái đến được với đông đảo bạn đọc hơn. Trong sách, tôi đã viết thế này:

Nửa cuối những năm 70 của thế kỷ trước, nước ta có hai tiến sĩ tâm lý học đầu tiên, được đào tạo hết sức có bài bản từ Liên Xô. Hai quả trứng cùng đưa vào một lò ấp. Nở ra thành hai vị mang hai cách làm ăn khác nhau mà đất nước đều cần. Khác nhau ra sao? Để giúp cho trí nhớ của mình, tôi vẫn thầm đặt tên cho hai ông, ông này thì vi mô, ông kia thì vĩ mô, hai ông đều vĩ đại!

Một ông Vi mô chủ trương đứng ra dạy trẻ em lớp 1. Có người hỏi:

  • Vì sao đồng chí lại làm như vậy?

  • Phải bắt đầu từ sự hiểu biết đứa nhỏ thì mới dạy chúng được.

  • Rồi sau đó làm gì nữa?

  • Tôi muốn nhận “thầu” cải cách giáo dục.

  • Thì mới bắt đầu cải cách giáo đục đó thôi?

  • Cuộc cải cách này sẽ thất bại.

  • Sao chưa làm đồng chí đã nói là sẽ thất bại?

  • Nhìn cách chuẩn bị một công việc thì biết sẽ cầm chắc thành công hay thất bại.

Cuối cùng thì đến hôm khai giảng năm học 1978-1979 ông cũng mở được 3 lớp Một đầu tiên của mình tại trường thực nghiệm Giảng Võ.

Cái trường cũng lạ, chẳng biết “lạ” như thế đã là cải cách hay chưa.

Khai giảng: không có diễn văn. Ông Vi mô giải thích: trẻ em không thích nghe diễn văn; vì thế không cần đến diễn văn ngày khai giảng; nếu cần làm vừa lòng người lớn thì tiến hành công việc diễn văn đó vào dịp khác; không nên phạm vào thời giờ của trẻ em – cái thời giờ tuyến tính đã đi nhanh như bóng câu qua cửa sổ, chẳng những thế, còn một đi là không bao giờ trở lại.

Khai giảng: nghèo quá, không có lấy chiếc ghế cho quan khách ngồi. Có cán bộ của trường xăng xái đi tìm ghế cho quan khách; ông Vi mô ngăn lại: trẻ em không có ghế đang phải đứng, thì người lớn cũng không được phép ngồi. Ở trường này, Trẻ em viết bằng chữ T hoa, tất cả vì Trẻ em.

Khai giảng: không có khẩu hiệu, ít ra thì cũng phải có “Tiên học Lễ, hậu học Văn” chứ! Ông Vi mô nói: trẻ em chưa đọc được, treo khẩu hiệu đó cho ai đọc? Thì cũng để người lớn đọc! Người lớn biết rồì, còn đọc cái đó làm gì? Trường này không lấy người lớn làm trung tâm, nó hành động theo lối lấy trẻ em làm trung tâm. Lần đầu tiên nghe nói đến một khẩu hiệu như thế ở Hà Nội!

Loay hoay mãi, đến năm 1985 thì được bà bộ trưởng Nguyễn Thị Bình cho triển khai thực nghiệm ra các tỉnh, nơi nào mời thì đến đó mà làm cùng với người ta. Thế rồi, khi sang những năm 1990, thì cái mẫu ông tạo ra ở Giảng Võ đã loang ra được 43 tỉnh và thành phố… Nhưng rồi sang đầu thế kỷ mới thì nó lại nhận được lệnh phải dừng lại!

Ta trở lại cái trường thực nghiệm Giảng Võ của ông Vi mô. Khi hình thù công việc đã lộ rõ dần ra, ấy là vào đầu những năm 1980, đến khi đó ông bắt đầu vừa mở trường dạy trẻ em từ lớp Một vừa viết sách và in sách lý luận. Cái mẫu ở Giảng Võ là lý luận ở dạng thức sống. Nay làm ở diện rộng, cần sách giải thích thay cho mình. Từ năm 1984, ông in mấy cuốn như sau: “Tâm lý học dạy học”, “Bài học là gì?”, “Giải pháp giáo dục”, “Kính gửi các bậc cha mẹ”, “Công nghệ Giáo dục”, “Cái và Cách”… Sách ông viết, nhiều người nói chúng như những câu chuyện thật thà, thân tình và hấp dẫn. Nhiều người lại bảo đó không phải là sách lý luận, chỉ vì chúng … không có vẻ gì là sách lý luận cả. Trong sách của ông lại còn can tội hay nói đùa nữa. Thế là không nghiêm túc! Ông cãi, Lenin viết sách lý luận còn văng tục thì sao? Nhiều người cho ông nói thế là báng bổ… Có người lại cho rằng giữa ông và đời sống có phần Nho giáo của tổ quốc Việt Nam vẫn còn một khoảng cách …


Còn một cách làm thứ hai của người đồng khoa và đồng nghiệp: ông này, ngoài những công việc hành chính, tổ chức (đều ở dạng Vĩ mô), bao nhiêu thời giờ còn lại ông tập trung cho việc viết sách lý luận (rành rành là có ý định vĩ mô dắt dẫn tất cả hệ thống).

Ông viết “Nhập môn tâm lý học”10 (1980) sách được tái bản nhiều lần, để dùng tại tất cả các trường sư phạm. Ông viết “Giáo dục và khoa học giáo dục” (năm 1986). Ông đã dịch bản luận văn tiến sĩ từ tiếng Nga ra tiếng Việt, đó là cuốn “Hành vi và hoạt động” (1989). Tất cả các thư viện đều có cuốn sách tái bản đến hai lần này. Phần thư mục cuối sách “Hành vi và hoạt động” thật đồ sộ: 297 mục. Khi đất nước đi vào giai đoạn đổi mới toàn diện, trong đó có đổi mới tư duy, ông kịp thời công bố “Góp phần đổi mới tư duy giáo dục” (1991). Liền đó là các công trình “Một số vấn đề tâm lý học đại cương” (1992), “Vấn đề con người trong công cuộc đổi mới” (1994), “Giáo dục con người hôm nay và ngày mai” (1995). Khi sự hội nhập bắt đầu đi vào chiều sâu, ông lo lắng cho nền văn hiến, do đã dự đoán trước nên đã chuẩn bị sẵn và đã kịp thời cho công bố cuốn “Phát triển văn hoá, giữ gìn bản sắc dân tộc, tiếp thu tinh hoa nhân loại” (1996). Liền đó ông còn tổng kết mọi việc đã làm trong cuốn “Mười năm đổi mới giáo dục” (1996). Ông không chỉ viết sách tổng kết các hoạt động thực tiễn, ông còn mở rộng đúc kết thành lý luận, nhằm hướng dẫn công cuộc “Phát triển giáo dục – phát triển con người phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá” (1996), có lúc như phải rẽ ngang giới thiệu “Tâm lý học Pi-a-giê” rồi “Tâm lý học Vư-gốt-xki” (1997), nhưng trước sau lại vẫn quay về lo lắng cho “Nền giáo dục Việt Nam, hiện trạng và triển vọng” (1997), …

Trong các hộp đựng phiếu mang tên ông ở tất cả các thư viện lớn nhỏ, còn có chừng hai chục đầu sách khác nữa bằng tiếng Việt hoặc bằng tiếng Anh, khi thì ông chủ biên đứng mũi chịu sào cho một nhóm, khi thì ông hì hụi viết lách một mình. Tính đến năm 2002 tổng cộng đầu sách đã lên tới con số 34, có sách viết bằng tiếng Việt hoặc dịch các thứ tiếng sang tiếng Việt…

Và gần đây nhất, vào năm 2002, khi loài người đã đặt chân bước dần vào thiên niên kỷ mới, thì ông liền có ngay một công trình lý thuyết, sách mới ra đã phải tái bản, công trình có tên là “Nền giáo dục Việt Nam trước ngưỡng cửa thế kỷ XXI”11

Song ta sẽ khó đánh giá hệ thống Phạm Minh Hạc nếu không đọc thêm trích đoạn phần giới thiệu mở đầu cuốn sách Tâm lý học Vygotsky (tập I) của ông:

Năm 1996 các nhà tâm lý học thế giới kỷ niệm 100 năm ngày sinh hai nhà tâm lý học kiệt xuất của thế kỷ XX: Lev Vygotsky và Jean Piaget. Hội Khoa học tâm lý-giáo dục Việt Nam đã liên hệ với CHLB Nga và Thuỵ Sĩ để phối hợp tổ chức một số hoạt động khoa học… [ . . . ] Kết quả từ phía Thuỵ Sĩ, Đại sứ quán Thuỵ Sĩ ở Hà Nội, nhất là ông đại sứ, Uỷ ban quốc gia Thuỵ Sĩ kỷ niệm 100 năm ngày sinh Piaget đã hết lòng cộng tác. [ . . . ] Từ phía Nga, rất tiếc, không bắt được liên lạc! Chúng tôi hết sức áy náy, không yên lòng, và suốt năm qua không nguôi ý nguyện làm bằng được công việc nói trên. Lục lọi tất cả tủ sách gia đình và tranh thủ mọi thời gian có thể có suốt ba tháng qua, đến hôm nay mới có tập sách này… [ . . .]

Phần thứ nhất gồm ba bài: bài “Lev Vygotsky nhà tâm lý học kiệt xuất của thế kỷ XX” tôi viết năm 1996 cùng khoảng thời gian với bài viết về Piaget để gửi đăng một vài tạp chí trong nước nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của hai ông. Bài “Thân thế và sự nghiệp” mới viết trong tháng 3 vừa qua, dựa theo cuốn sách “Lev Vygotsky” của Jarosepxki và một số tư liệu cũng như thông tin, cảm nhận của tôi thu thập từ trước tới nay. Bài thứ ba có cùng tên gọi của cuốn sách này là một chương luận án tiến sĩ tôi tiến hành nghiên cứu từ 1973 đến 1976 và bảo vệ thành công tháng 8-1977.

Phần thứ hai gồm ba bài tôi đọc và ghi chép tóm tắt hồi 1973-1976. Trong này có một số đoạn “…” là đoạn trích nguyên văn và nay tôi dịch từ tiếng Nga sang tiếng Việt. Các đoạn khác là tôi tóm tắt ý của tác giả, một số chỗ có ghi chú lời nhận xét, bình luận, cách tôi hiểu tác phẩm. Các đoạn này ghi phần lớn bằng tiếng Nga và có phần bằng tiếng Việt, bây giờ đọc lại, hiểu lại, có phần suy ngẫm và ít nhiều có liên hệ với các thành tựu tâm lý học trong mấy chục năm qua, viết ra bằng tiếng Việt cho có mạch văn để người đọc có thể đọc được. Ấy là hy vọng như thế! [. . . ]

Phần thứ ba gồm ba bài tôi dịch tác phẩm của Vygotsky, một bài dịch hồi 1975-1976, hai bài mới dịch năm nay. Ở đây không có sự lựa chọn: may mà có được như vậy là đưa vào tập sách này12.


Nguyễn Thiện Nhân

Chẳng vì sợ ai hết mà phải nói lời thú nhận này: tôi từng trông chờ rất nhiều ở ông Nguyễn Thiện Nhân khi ông sắp thay thế những gương mặt đã khiến tôi thất vọng để chèo chống cho con thuyền Giáo dục vừa mọp nát vừa chòng chành trước sóng to gió cả. Tôi hết sức thích thú khi đọc báo Tuổi Trẻ và thấy “một người dân ở Đà Nẵng” ký tên Quỳnh Anh gửi thư cho Bộ trưởng sắp nhậm chức, lời lẽ thì thô mộc, chữ trong thư lại còn viết tắt nữa, như thế này (trích):

nghe tin ông giữ cương vị bộ trưởng Bộ GD-ĐT, tôi vô cùng sung sướng, sung sướng vì tôi có quyền hi vọng chứ không chán chường, mặc kệ, như lâu nay khi nghĩ về giáo dục nước nhà. Lâu nay đã biết đến những hoạt động của ông với cương vị là phó chủ tịch UBND TP.HCM, tôi cảm thấy kỳ vọng vào vị trí mới của ông hiện nay.

Một sự cải tổ cấp thời có thể là điều không tưởng trong tình hình giáo dục hiện nay, nhưng ít ra tôi và có thể là nhiều người dân VN vẫn có quyền hi vọng vào một tương lai xán lạn của giáo dục VN. Mọi sự hi vọng tôi xin gửi gắm nơi ông13.

Dĩ nhiên tôi đã hăm hở đọc lá thư ông Nguyễn Thiện Nhân trả lời rất chóng vánh, cũng được công bố trên báo Tuổi Trẻ. Nhưng phải nói luôn là, giá như không có lá thư hồi âm thì tôi cũng vẫn còn hy vọng. Lá thư như một thìa canh nhỏ để nếm một nồi canh. Xin bạn cùng nếm:

Qua lá thư, tự thấy hiểu biết của tôi về thực trạng của giáo dục phổ thông còn hạn chế quá và cũng cảm thấy có điều gì đó hơi bi quan hay cách đánh giá nguyên nhân trong lá thư này có lẽ cần bàn sâu hơn.

Một ý lớn mà bạn đọc Quỳnh Anh muốn đề xuất là nhiều điều bất hợp lý hiện nay “chung qui cũng chỉ vì căn bệnh thành tích mà ra”. Tôi hiểu là bệnh thành tích của các thầy cô, các trường, các cấp lãnh đạo ngành giáo dục ở nơi này nơi kia. Tôi chưa có điều kiện để đánh giá bệnh thành tích này phổ biến đến đâu, nặng nề đến đâu vì không tham gia quản lý ở một trường hay sở GD-ĐT đã chín năm.

Cứ giả sử bệnh thành tích khá phổ biến ở nhiều địa phương, xu hướng không thấy giảm từ nhiều năm nay thì phải chăng chỉ có các thầy cô và hệ thống giáo dục là nguyên nhân, có lỗi? Theo tôi không phải. Còn có hàng triệu gia đình, hàng triệu người dân là “đồng tác giả”.

Trong khi dạy kinh tế học ở trường ĐH, tôi thường đưa ra một bài tập cho sinh viên: “Giải thích vì sao có buôn lậu?”. Buôn lậu là việc buôn bán mặt hàng cấm hoặc bị hạn chế, là buôn bán không qua kiểm soát của Nhà nước theo luật định và nhất là trốn thuế. Đây là việc làm phi pháp mà hỏi thì ai cũng biết.

Thế nhưng tại sao buôn lậu cứ tiếp diễn, nhiều nơi, thậm chí công khai chứ không có gì giấu giếm mọi người, không “lậu”? Lấy ví dụ buôn thuốc lá ngoại. Người đi buôn vì trốn thuế thì có thu nhập cao nên vì miếng cơm manh áo mà đi chọn con đường buôn lậu. Thuốc buôn lậu lại rẻ vì không có thuế.

Những người nghiện thuốc lá biết thuốc bán ngoài đường là thuốc lậu có mua không? Có, vì chất lượng khá mà giá lại rẻ. Còn có người mua thuốc lá lậu thì mới còn người bán và buôn lậu! Nếu tất cả người nghiện thuốc lá tẩy chay thuốc lá lậu, chỉ mua thuốc có dán tem, đóng thuế thì chắc chắn không thể có buôn lậu thuốc lá.

Như vậy nguyên nhân của tình trạng buôn lậu thuốc lá kéo dài mấy chục năm là vì có nhiều người buôn lậu và bán thuốc vì muốn kiếm tiền trái pháp luật trong khi luật pháp lại trừng phạt ít quá, nhẹ quá. Và đặc biệt là có hàng chục triệu người ủng hộ buôn lậu, ngày ngày mua thuốc lá buôn lậu để dùng.

Trở lại bệnh thành tích trong nhà trường phổ thông. Nếu chỉ các thầy cô, các trường ham muốn thành tích bằng kết quả thi cử cao, còn các em HS, các bậc phụ huynh chống lại bệnh thành tích, chống lại gian lận thi cử, xin điểm... thì thử hỏi bệnh thành tích có tồn tại với mức độ cao, còn dai dẳng hàng chục năm qua ở nhiều nơi không? Chắc chắn là không!14


Nếu ta để ý đến câu trả lời của giáo sư Nguyễn Thiện Nhân tại kỳ chất vấn mới đây trên diễn đàn Quốc Hội, liên quan đến chất lượng những trường đại học mới thành lập, ta sẽ thấy ông cũng nói đến “lỗi” của những người dân “thích học quá”, đã kích thích cho các trường đại học ngoài công lập dồn dập ra đời!

Ông Nguyễn Thiện Nhân rõ ràng có ưu điểm là rất quan tâm đến đạo đức nhà giáo. Mới nhận chức, ông đã đi thăm và tặng bằng khen cho “người đương thời” thầy giáo chống tiêu cực Đỗ Việt Khoa, ông giải quyết dứt điểm vụ “đổi tình lấy điểm” ở một trường cao đẳng; chỉ như vậy đủ phát đi tín hiệu ông thẳng tay với tiêu cực. Và đúng thế: chủ trương “nói không với tiêu cực” đúng là mang nhãn mác made by Nguyễn Thiện Nhân.

Chỉ có điều, người dân có hiểu biết vẫn không thấy ông chữa đúng lỗi hệ thống. Một mạng có chức năng «thông tin ra nước ngoài» ngày 17 tháng 11 năm 2007, chạy tít nhấn mạnh lời ông: "Thày cô không giữ mình, nên ra khỏi ngành", và tường thuật tiếp:

Ông Nhân khẳng định, đạo đức nghề nghiệp là vấn đề bức xúc của ngành. Năm ngoái, báo chí cũng đăng khoảng 10 trường hợp giáo viên có hành động trái đạo đức với học sinh. "So với 1 triệu giáo viên thì 10 trường hợp này không phải nhiều nhưng làm chúng tôi hết sức đau lòng và đặt vấn đề trở lại có lẽ vẫn còn những nơi báo không đăng nhưng thày cô vẫn chưa làm đúng cái tâm cái đức của mình", Bộ trưởng trăn trở.

Theo Bộ trưởng, cuộc vận động 2 không năm nay có điểm mới là nói không với vi phạm đạo đức nhà giáo và nói không với ngồi nhầm lớp. Vì vậy, ông cho rằng, thày cô nào không giữ được mình thì nên xin ra khỏi ngành trước, đừng ở lại ngành mà vi phạm đạo đức15.

Đó là chuyện trả lời chất vấn năm 2007. Còn đây là chuyện trả lời chất vấn năm 2008 tại kỳ họp Quốc Hội tháng 11; và ta có nhận xét của Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Phú Trọng với ông:

"Với vốn hiểu biết rộng cho nên Bộ trưởng trả lời có nhiều thông tin phong phú và rất trôi chảy, rất "thuộc bài" nhưng chưa đi thẳng vào vấn đề lắm trong một số trường hợp, cho nên hơi dài và chưa trực diện vào những câu hỏi mà đại biểu QH nêu." 16


Công bằng mà nói, ông Nguyễn Thiện Nhân cực kỳ hồn nhiên và đôn hậu. Chẳng hạn khi nghe dư luận nói cặp học sinh nặng, ông không chú ý đến nghĩa bóng của sự “nặng”, ông cho điều tra bên trong cặp có những gì và cho cân cặp các em xem có nặng thật không.

Cũng công bằng mà nói, ta chỉ nên chăm chú đến ông Nguyễn Thiện Nhân như một nhân vật bắt buộc phải sửa chữa lỗi hệ thống trong nền Giáo dục đương thời do hai ba đời người tiền nhiệm để lại. Nặng nề nhất trong sứ mệnh ông Nguyễn Thiện Nhân là “chữa cháy” những gì để lại từ “hệ thống” của người tiền nhiệm liền kề, một di sản nặng nề mặc dù chẳng to tát, nổi bật chỉ là một nhiệm kỳ đi vay rất nhiều tiền của World Bank rồi để lại một bộ chương trình và sách mang mã số CT-2000 mà chỉ cần nhớ đến bộ “Sách E-bờ” và 3 tập sách đính chính ra đầu năm học 2008-2009 bắt học sinh cả nước tự chữa toàn bộ 99 triệu bản sách giáo khoa17, là đủ cho cả nước lắc đầu lè lưỡi.

Thế nhưng, đời người là hữu hạn, một hai nhiệm kỳ bộ trưởng lại càng hữu hạn. Nên chi cái lý khôn ngoan ở đời là tổ chức một điều tích cực thay vì chạy theo chữa chạy vô số điều tiêu cực. Hễ đủ sức làm ra một điều tích cực, thì tự thân những tiêu cực sẽ biến đi, làm ngay hôm nay chứ không trùng trình, làm cho hôm nay nhưng là cho cả mai sau, sứ mệnh của ông Nguyễn Thiện Nhân thực ra lại vẫn chỉ còn là một sự chọn lựa sáng suốt giữa hệ thống của Hồ Ngọc Đại và hệ thống Phạm Minh Hạc.

Đó là điều sẽ đem ra phân tích ngay dưới đây.


Hệ thống và lỗi hệ thống


a./ Nguyên lý vận hành.

Việc đầu tiên để định nghĩa một hệ thống là tìm đến cái nguyên lý chi phối sự vận hành của hệ thống đó. Nếu thiếu cái nguyên lý và cái cơ chế vận hành, thì tất cả các yếu tố dù đã nằm trong một cái gọi là “hệ thống” nào đó vẫn chỉ là những vật được vứt bỏ lộn xộn phải nằm chung với nhau như nằm chung trong thùng rác.

Hai hệ thống có thể giống nhau về bề mặt (tạo ra những sản phẩm như nhau) nhưng sẽ khác nhau hoàn toàn về bề sâu của nguyên lý vận hành.

Cùng làm ra sản phẩm như nhau, nhưng nguyên lý vận hành của cái lò vi sóng khác hoàn toàn cái chảo đốt nóng bằng lửa; một cái làm chín dần từ bên ngoài vào bên trong, còn lò vi sóng “đốt cháy” những phân tử nước từ bên trong ra bên ngoài.

Tương tự như vậy, trong giáo dục cũng có ít nhất hai nguyên lý vận hành khác nhau cho cùng một bề mặt là những cái nhà trường với học trò và giáo viên, với lớp học và sân chơi, với bảng điểm và bằng tốt nghiệp… Vượt lên khỏi cái bề mặt đó, ta sẽ thấy có hai nguyên lý vận hành, một nguyên lý lấy bục giảng của người dạy làm trung tâm và một nguyên lý lấy hoạt động của người học làm trung tâm.

Theo điều luật thứ nhất đó, và theo những điều mọi người đều chứng kiến từ cuối những năm 1970 – thời điểm hai vị tiến sĩ tâm lý học đầu tiên của Việt Nam bắt đầu “trổ tài”, ông Vĩ mô chỉ huy toàn bộ nền giáo dục cả nước, ông Vi mô chỉ huy một trường thực nghiệm – nguyên lý vận hành nền giáo dục theo hệ thống Hồ Ngọc Đại là Thầy thiết kế – Trò thi công (có lúc diễn đạt là Thầy tổ chức – Trò hoạt động).

Đó cũng là cái lý thuyết hoạt động mà ông Phạm Minh Hạc đã dầy công nghiên cứu, nhưng sau đó ông chỉ nhắc lại các hiểu biết đó trên nhiều cuốn sách, mà không hề bắt tay vào hoặc chỉ huy cấp dưới tạo ra môt sản phẩm khả dĩ trở thành cái mẫu “biểu diễn” được cho bàn dân thiên hạ soi.

Phạm Minh Hạc chống lại nguyên lý lấy học sinh làm trung tâm. Một người bạn sau khi coi bản nháp bài viết này đã bổ sung một chi tiết: giáo sư-viện sĩ Hạc từng nói “lấy học sinh làm trung tâm thì giáo viên vứt đi đâu?” Tác giả không kiểm chứng được chi tiết này; nhưng bỗng dưng tối 6 tháng 12 năm 2008, người bạn có mặt ở Hội nghị Lý luận Trung ương gọi điện kể giáo sư-viện sĩ Hạc chính thức chống lại điều đó. Ước gì được đọc biên bản cuộc họp kia, hoặc được đọc bài của giáo sư-viện sĩ Hạc phản đối bài viết này. (PT)

Hệ thống của Hồ Ngọc Đại từ một trường ở Giảng Võ, Hà Nội năm học 1978-1979, đến đầu thế kỷ 21 đã loang ra 43 tỉnh và thành phố. Đó là một sức sống có thật vận hành theo một nguyên lý được nói ra không ấp úng, không ngọng nghịu.

Hệ thống của Phạm Minh Hạc chưa hề có những phát ngôn về nguyên lý và cũng chẳng thấy có những địa chỉ khả dĩ chứng rõ được sức sống thật của nguyên lý.

Việc của giáo sư Nguyễn Thiện Nhân thực ra chỉ là chọn lựa giữa hai nguyên lý vận hành đó.


b./ Thực thi nguyên lý.


Nếu như điều đầu tiên tạo thành một hệ thống đúng là sự chọn lựa đúng một nguyên lý vận hành, thì định luật kéo theo sẽ là: một nguyên lý vận hành đúng phải được tổ chức thực thi đúng, nếu không, nó sẽ mắc lỗi hệ thống. Có nghĩa là, tiếp theo việc chọn lựa được một nguyên lý coi là đúng, thì phải có người thực hiện được cách vận hành hệ thống theo nguyên lý đã cho.

Nói cách khác, và trong phạm vi bài viết này, ta thử xem hệ thống Hồ Ngọc Đại và hệ thống Phạm Minh Hạc có ưu thế gì trong việc đào tạo giáo viên và cán bộ quản lý cho một công cuộc giáo dục mới.

Những cuốn sách rất cao siêu trong hệ thống Phạm Minh Hạc không thể huấn luyện được đội ngũ giáo viên vốn được tạo ra từ rất nhiều nguồn, trong đó có cả nguồn “sư phạm gốc mít” như cách nói đùa (nghe nói là) của cố bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên.

Có thể lấy một dẫn chứng về sự cao siêu đó qua cách huấn luyện giáo viên lớp 1 sử dụng Sách học vần vẫn gọi nôm na là “sách o cờ” hoặc “sách con gà”, vì bài học đầu tiên nó dạy trẻ em rằng con gà gáy ra chữ o. Để hiểu tầm cao xa của sách này, giáo viên được học về thuyết tâm lý học gestalt qua cách lý giải giản lược hóa như sau: trẻ em cứ đọc trước rồi phân tích sau, đúng như cách chúng nhận diện ra mẹ mà chẳng cần biết tóc mẹ mầu gì, dài ngắn ra sao, áo mẹ mặc thế nào…

Học thuyết tâm lý gestalt có thể đúng đối với việc tiếp nhận toàn khối (rất gần với sự tiếp nhận tác phẩm nghệ thuật), vì thế nó cũng được hiểu là tâm lý học của cái “forme”. Áp dụng vào dạy ngôn ngữ, nó cũng rất có thể đúng với trẻ em nói ngôn ngữ có biến hóa hình thái (ngôn ngữ Ấn-Âu). Nhưng không nên, hoặc không thể đem tâm lý học gestalt áp dụng cho một công việc cần đến tư duy phân tích thực hiện bằng những thao tác phân tích như việc học ngữ âm tiếng Việt của trẻ em Việt Nam. Đó rành rành chỉ là một thói cao siêu không cần thiết do tính giáo điều đẻ ra trong lòng một hệ thống có nguyên lý vận hành đã xa lạ với thời hiện đại.

Cũng lấy dẫn chứng từ sách học tiếng Việt lớp 1 theo hệ thống Hồ Ngọc Đại, ta sẽ thấy một phương pháp đào tạo giáo viên và cán bộ theo cách khác hẳn. Hệ thống sư phạm của Hồ Ngọc Đại chống lại sự giảng giải nhồi nhét phát ra từ bục giảng. Nó coi kỷ luật ghi bằng chữ vàng của nghề dạy học mới là không được trao vào tay trẻ em những kết luận có sẵn. Làm cách gì để huấn luyện mới và huấn luyện lại đội ngũ giáo viên để ngay cả những nhà giáo sinh ra từ “gốc mít” cũng tự mình hiện đại hóa được? Việc tổ chức huấn luyện lại các giáo viên đó diễn ra thông qua việc làm, huấn luyện thẳng vào học cách thực hiện những việc làm của cả giáo viên lẫn học sinh gửi trong các “bản thiết kế” của Công nghệ Giáo dục (tên hệ thống tâm lý học Hồ Ngọc Đại tại Việt Nam).

Với các bản thiết kế này, thậm chí còn không cần đến sách giáo khoa in sẵn (càng không cần những sách mang danh tham khảo cùng những buổi dạy thêm và học thêm) vì Công nghệ Giáo dục coi sách giáo khoa là những điều thầy và trò cùng tìm ra trong tiết học. Các bản thiết kế này trao cho giáo viên những việc làm để họ giao cho học sinh thực hiện, kèm theo những hướng dẫn chi tiết, học sinh làm như thế nào thì coi là đúng và có thể chuyển sang giao việc tiếp theo, học sinh làm thế nào coi là sai và cách chữa ra sao trước khi giao sang việc làm khác. Theo cách làm này, một giáo viên trình độ bình thường nhất thì sau vài ba tháng cũng sẽ bắt đầu có tay nghề (theo môn học và bậc học của mình). Nhìn rộng ra, các bản thiết kế đào tạo tay nghề đó, một khi được đưa vào dạy chính thức ở trường sư phạm, đến lượt chúng sẽ giúp “thay máu” đội ngũ nhà giáo, thực hiện mơ ước từ bao nhiêu nhiệm kỳ bộ trưởng, đó là sư phạm phải đi trước một bước.

Việc của giáo sư Nguyễn Thiện Nhân thực ra chỉ là chọn lựa giữa hai cung cách đào tạo cán bộ và giáo viên thực thi một nguyên lý vận hành đã được chọn như thế đó.

c./ Điều chỉnh thực thi nguyên lý.

Cuộc sống luôn luôn tiến bước khiến cho ngay cả những nguyên lý đúng đắn nhất, được thực thi bởi những tay nghề được đào tạo thành thục nhất, cũng vẫn cứ phải được điều chỉnh theo sự biến động của chính cuộc sống.

Một trong những biểu hiện của tính chất động đó là trẻ em càng ngày càng có khả năng học sớm. Nhưng không thể thực hiện tính năng động đó bằng một chỉ thị sản phẩm của một ý chí tốt đẹp.

Trong thời đại mới, làm bất cứ việc gì cũng phải có lộ trình đã đành, những cái mới bao giờ cũng phải trải qua thực nghiệm để nhận được sự phê duyệt của cuộc đời thực – trong một Nhà trường kiểu mới, đó là sự phê duyệt của trẻ em.

Ta sẽ thấy dễ hiểu khi vào những năm 1970 Hồ Ngọc Đại nêu khẩu hiệu ở đơn vị mình: không có giám đốc, công việc là giám đốc; không có thanh tra, trẻ em là thanh tra… Lứa học sinh lớp 1 đầu tiên học một năm rưỡi mới đọc thông viết thạo; lứa học sinh Công nghệ Giáo dục cuối những năm 1990 và ở miền núi như Lao Cai, Thái Nguyên, Kôn Tum, Đắc Lắc, Lạng Sơn, những học sinh dân tộc thiểu số ở An Giang, Đồng Tháp, Quảng Bình… có thể đọc thông viết thạo chắc chắn trong vòng 5 tháng. Có được bước đi nhanh, ít ai nghĩ đó là nhờ có thực nghiệm chắc chắn in vitro tại Hà Nội, và sau đó, thực nghiệm lại tại các trung tâm địa phương, mà Sài Gòn, Huế, Hải Phòng, Lao Cai, Đắc Lắc là những địa chỉ tin cậy.

Hệ thống Phạm Minh Hạc, mà “hậu duệ” của nó là mấy cái Viện ở Hà Nội và ở mấy trường sư phạm, đều không có hệ thống thực nghiệm. Nếu có làm “thực nghiệm” thì cũng làm kiểu đối phó để một bộ sách ra đời cho “kín kẽ”, cung cách đối phó rành rành là làm vài ba lần, lấy vài ba con số, rồi ngừng. Cuộc sống rất sòng phẳng: nó vạch trần sự dối trá ở ngay trong “phong trào” dạy thêm, học thêm, chứ có ở đâu xa. Việc dạy thêm và học thêm hoàn toàn không do giáo viên nghèo đói, cũng không vì phụ huynh thích hàng lậu bên ngoài nhà trường, mà đó thực sự là một nhu cầu của người dân. Sao lại gọi đó là một nhu cầu? Chỉ vì một nhẽ thôi: con em họ học đấy mà không biết đến bao giờ là “học xong”, làm bài tập sai đấy mà không biết vì sao mình sai nên không tự chữa được, làm bài tập đúng đấy mà cũng không biết vì sao mình đúng để có thể tự học mãi mãi. Một hệ thống giáo dục phổ thông như thế, đầu vào cho đại học như thế, mà lại nằng nặc đòi có trường đại học đẳng cấp quốc tế thì thật là ngây thơ nếu không là ngây ngô hoặc là lòe bịp. Có điều là chuyện “quốc tế hóa” ấy sẽ xảy ra cách đây hai chục năm, mấy người đương nhiệm lúc này hai mươi năm sau vẫn còn đủ sức đứng trong cuộc đời mà chân không run và nhìn cuộc đời mà mắt không giàn giụa? Nhưng thế hệ sẽ phải trả món nợ đời hầu những người tiền nhiệm thì vẫn có đó…


Làm gì?

Tôi hoàn toàn không tin rằng cái Bộ Tham mưu Giáo dục hiện thời đủ sức làm xoay chuyển nền Giáo dục nước nhà.

Giáo sư Nguyễn Thiện Nhân thừa hưởng một gia tài quá đau khổ: sát cạnh ông không có người với năng lực công tác tối thiểu để dù chỉ chấp bút một bức thư giúp ông mà không bị dư luận nheo mũi cười18.

Tôi cũng không tin các vụ viện được đào tạo theo “mẻ ấp” tầm cỡ Phạm Minh Hạc lại đủ sức thực hiện nổi nguyên lý của hệ thống nhà trường tiên tiến lấy trẻ em làm trung tâm. Không làm được cụ thể, nhưng lại có tiền nên vẫn thích nói, gần đây nói xuông rất nhiều về “triết lý giáo dục”. Hãy nghe nhà văn Nguyên Ngọc:

Mấy hôm nay bỗng lại thấy xôn xao lên chuyện triết lý giáo dục. Có lẽ là vì vừa có cái hội thảo về chuyện triết lý giáo dục do một cơ quan nào đó của Bộ Giáo dục – Đào tạo tổ chức, mà quả thật nếu không có một bài báo tường thuật lại khá sơ sài thì chẳng ai biết nó diễn ra ở đâu, vì sao, để làm gì19

Hình như chỉ còn một con đường: hãy lắng nghe các chuyên gia. Nhưng xin đừng chỉ lắng nghe những lời họ nói, vì cũng có rất nhiều người chỉ có thể nói mà không tất yếu thực hành được như lời họ nói. Hãy mở rộng cánh cửa cho họ tạo ra những mẫu nhà trường từ phổ thông đến đại học theo tư tưởng và năng lực thể hiện tư tưởng họ. Những nhóm giáo dục nào có dự án phi lợi nhuận và có đường lối phát triển khả thi sẽ được đi lọt cái cánh cửa mở rộng đó. Mà nội dung mở rộng cánh cửa cũng chỉ gồm ba điểm đơn giản thế này thôi: một là, cho các dự án khả thi cái quyền mượn đất làm trường; hai là, cho họ có quyền soạn và in sách giáo khoa riêng; ba là, cho họ cái quyền phổ biến sách giáo khoa và phương pháp dạy học và phương pháp đào tạo giáo viên riêng tới những địa chỉ nào đặt hàng cho họ.


* * *

Phải nói luôn để bạn đọc không chê người viết bài này là tên ngốc: những đề nghị này sẽ không mảy may làm xúc động cái hệ thống lớn bao trùm lên ngành Giáo dục.

Tại sao?

Câu trả lời nằm trong việc vận dụng ba điều đã nói về hệ thống để nhận định về lỗi hệ thống.

Giả sử nguyên lý vận hành đất nước là “hiện đại hóa, công nghiệp hóa” là nguyên lý tuyệt đối đúng, thì vẫn còn đó việc đào tạo và đề bạt những con người thực thi nguyên lý và tiếp đó còn có vấn đề điều chỉnh việc thực thi nguyên lý trong quá trình triển diễn công cuộc công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.

Thế mà, cứ nhìn cách dùng các loại công cụ pháp quyền và xã hội ở nước ta hiện nay thì rõ, chắc chắn là lỗi hệ thống lớn còn đầy rẫy.

Nhưng đó lại là nội dung của một bài viết khác, bài này dài rồi.


Hà Nội, 5 tháng 12-2008

Phạm Toàn


1 Để tiện cho bạn đọc, xin vui lòng theo dõi toàn bộ bài viết theo đường dẫn này: http://www.fetp.edu.vn/inthenews/tiasang_02feb2007_1.htm

2 Tài liệu đã dẫn.

3 Trong diễn văn nhận chiếc ghế ở Viện Hàn Lâm Pháp ngày 27 tháng 6 năm 1974, Claude Lévi-Strauss nhắc lại ý tưởng của ông de Brosses, nói « (...) c’est dans l’homme même qu’il faut étudier l’homme: il ne s’agit pas d’imaginer ce qu’il aurait pu ou dû faire, mais de regarder ce qu’il fait. »

4 Xin đọc thêm: Gian nan công cuộc chấn hưng giáo dục (Vietsciences, 20-9-2007) http://vietsciences.org/vongtaylon/giaoduc/giannanconguocchanhunggd.htm

Tôi rất lo lắng cho giáo dục của ta (Vietsciences và Người đô thị số 14, tháng 11/2007) http://vietsciences.free.fr/vongtaylon/giaoduc/toiratlolang.htm trong bài này giáo sư nhấn mạnh một lần nữa rằng “Lương thấp: Lỗi hệ thống phải sửa trước hết”.

8 Như trên.

9 VnExpress lấy lại bài trên báo Tuổi Trẻ: http://www.vnexpress.net/GL/Xa-hoi/2006/04/3B9E8DDB/

10 Trong sách “vỡ lòng” tâm lý học này, tác giả đã viết như sau để kết án các nhà hành vi luận Mỹ: Cũng giống hầu hết các nhà hành vi khác, Skinner đem tất cả các kết luận rút ra từ các công trình nghiên cứu trên động vật (chuột, bồ câu) vận dụng vào lý giải tâm lý con người. [... ... ] Có lẽ trong những điều kiện nào đó, hoàn cảnh của con người ở xã hội Mỹ đã đưa các nhà khoa học tới cách suy nghĩ, cách nghiên cứu như vậy chăng? “Nhập môn tâm lý học”, Hà Nội, 1988, Giáo Dục, trang 60. (Xin lưu ý: giữ phép lịch sự, sách “Hợp lưu…” của tác giả không có chú thích này. PT)

11 Phạm Toàn, Hợp lưu các dòng tâm lý học giáo dục, Tri thức xuất bản, Hà Nội, 2008, trang 183-185.

12 Phạm Toàn, Như trên, trang 186-187.

18 Câu văn chết cười này mở đầu lá thư nhân ngày nhà giáo năm 2007 đã làm các trang blog đổ ra không biết bao nhiêu là … “ánh mặt trời”: Vậy là một năm đã lại trôi qua, khi ánh mặt trời của ngày 20 tháng 11 lại sắp làm rạng rỡ khuôn mặt và vóc dáng của hơn một triệu thầy cô giáo cả nước.

19 Bài đăng trên báo Tuổi Trẻ, đăng lại toàn văn trên Viet-studies http://www.viet-studies.info/NguyenNgoc_ChuyenTrietLyGiaoDuc.htm


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us