Lương tâm kêu gọi
LƯƠNG TÂM KÊU GỌI
Tương Lai
Vào hai ngày 15 và 16 tháng 5.2009 tại Paris sẽ diễn ra phiên toà công luận quốc tế có tên gọi là “Toà án lương tâm nhân dân quốc tế ” do Hội Luật gia dân chủ quốc tế tổ chức 1. Riêng tên gọi của “phiên toà” cũng đã gợi lên nhiều ý nghĩa. Nó gọi dậy lương tâm của con người, của loài người. Ý nghĩa nhân văn của toà án công luận nằm ngay trong tên gọi có sức mạnh của lòng phẫn nộ đối với tội ác của chiến tranh, thúc giục hành động của mỗi con người có lương tri đang sống trên quả đất này. Người ngồi ghế chánh án sẽ là Chủ tịch Hội Luật gia dân chủ Quốc tế và Tổng thư ký của Hội là công tố viên tại phiên toà.
Gửi thư đến Toà án lương tâm nhân dân Quốc tế, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị lão tướng huyền thoại, chứng nhân của thời đại lịch sử đầy biến động dữ dội của Việt Nam và của thế giới từ đại chiến thế giới lần thứ nhất cho đến nay, người góp phần làm sụp đổ hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa thức dân cũ và rồi chủ nghĩa thức dân mới, đã lưu ý rằng : “ Nạn nhân chất độc da cam / dioxin là những người đau khổ nhất trong những người đau khổ ” khi chỉ ra “ Từ 1961-1971, quân đội Mỹ đã rải 80 triệu lít chất độc hóa học, có 366 kg dioxin xuống miền Nam Việt Nam. …Đã có 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm chất độc, trong đó có 3 triệu người là nạn nhân ”.
Toà án lương tâm, một khái niệm quen thuộc trong đời sống tinh thần của con người. Khái niệm ấy tuy trừu tượng nhưng lại rất gần gũi trong đời sống thường nhật của con người, vì đó cũng là một nét khu biệt giữa con người với con vật, bởi thế, người ta gọi lương tâm là một thuộc tính người. Cho nên, nếu toà án là biểu tượng tập trung sức mạnh của luật pháp thì lương tâm là biểu tượng tập trung của tính người, vừa là ý thức vừa là tình cảm của con người.
Aristot, nhà hiền triết cổ đại và Kant, nhà triết học lớn nhất của thời cận đại, đều xem lương tâm là yếu tố cốt yếu của lý trí thực hành. Vì thế, nếu ngạn ngữ phương tây có câu : sau khi công lý lên tiếng sẽ đến phiên lòng nhân ái, thì tại phiên toà này chắc cả hai đều diễn ra cùng một lúc. Hơn nữa, nếu toà án là biểu tượng tập trung của luật pháp, mà luật pháp là lĩnh vực của sự tất yếu, thì lương tâm lại thuộc về lĩnh vực đạo đức, một lĩnh vực của sự tự do. Khi cả hai lĩnh vực ấy kết hợp làm một, sức mạnh sẽ tăng lên gấp đôi để có thể đương đầu với những thế lực hiện tồn đang nhân danh pháp lý để đối chọi lại công lý và đaọ đức khi cả ba phiên toà của ba cấp Toà Án Mỹ đã bác bỏ đơn kiện của các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.
Điều này là dễ hiểu. Không phải lúc nào chính nghĩa cũng dễ dàng chứng minh sức mạnh của mình để đánh bại những thế lực hắc ám. Cái phi lý vẫn còn ngự trị đầy rẫy trên thế gian này. Chẳng phải chỉ từ vụ kiện này ! Đã từ rất lâu rồi, loài người từng chứng kiến những cái phi lý mà một trong những phi lý cấu thành tội ác là ma lực của đồng tiền vấy máu mà đại văn hào William Shakespeare từng tố cáo : “ đổi trắng thay đen, biến xấu thành tốt, biến kẻ gian thành người ngay, hèn hạ thành cao sang, già cả thành trẻ trung, khiếp nhược thành dũng cảm. Đó là cái gì, hỡi các đấng thần linh bất tử ? ”. Karl Marx trả lời : đó là lợi nhuận mà vì để có nó, “ người ta sẵn sàng bất chấp cả giá treo cổ ”. “ Đổi trắng thay đen, biến xấu thành tốt, biến kẻ gian thành người ngay ”, đó là điều dư luận Mỹ và nhân dân thế giới ngày càng thấy rõ qua các vụ kiện chất độc da cam.
Vì lợi nhuận, các công ty Mỹ đã làm cái điều phi nhân tính đó. Thế nhưng, đáng xấu hổ hơn nữa lại là điều phi nhân tính ấy lại đang được những thế lực nhân danh công lý bao che. Họ đã khước từ những bằng chứng khoa học mà nhiều nhà khoa học thế giới, trong đó có các nhà khoa học Mỹ, đã đưa ra. Các cấp Toà án Mỹ vừa qua vẫn khăng khăng chất da cam chỉ là chất diệt cỏ, không thừa nhận chất da cam là chất độc hại đối với con người. Họ đang dày xéo lên lương tri của những nhà khoa học Mỹ và của đông đảo người Mỹ vốn tự hào về trình độ văn minh của đất nước họ đang được quảng bá trước thế giới về hình ảnh của tự do, về một “ giấc mơ Mỹ ” ! Cần nhớ rằng, tự do là khát vọng của con người, của loài người vốn đối lập như nước với lửa sự gây ra chết chóc và đau thương cho con người, tự do không làm ngơ trước nỗi đau của “ những người đau khổ nhất trong những người đau khổ ” như trong thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp vừa gửi đến Toà án.
Và thật là oái oăm khi hai trong “ những người đau khổ nhất ” ấy, những con người phải hứng chịu thảm hoạ của chất dioxin giết người kia lại là con trai và cháu nội của ngài Đô đốc Elmo Russell Zumwalt, Jr., Tư lệnh các lực lượng hải quân Mỹ từ 1970-1974 và là thành viên Hội đồng tham mưu trưởng quân đội Mỹ dưới thới Nixon ! Con trai của ngài Đô đốc, [Elmo Russell Zumwalt III] một sĩ quan hải quân Mỹ trong cuộc chiến tại Việt Nam đã chết vào năm 1988 ở tuổi 42 vì nhiễm chất độc da cam, và cháu nội của ông sinh ra bị chậm phát triển và mắc bệnh Down do bố đã bị nhiễm chất độc da cam ! Và bi kịch cũng lại là chính ngài đô đốc hải quân Mỹ ấy là người đã ký sắc lệnh rải chất diệt cỏ màu da cam xuông các khu rừng Việt Nam. Con trai ông đã chết vì chính chất độc được ông ký sắc lệnh thảm khốc ấy. Và đúng là “ lương tâm không có răng, nhưng nó cắn rứt ”. Sự cắn rứt lương tâm đã khiến ngài cựu đô đốc ấy trở thành một trong những người dẫn đầu các cựu chiến trong vụ kiện da cam những năm 1980 ở Mỹ.
Nhà sử học Larry Berman, tác giả của cuốn sách lừng danh Điệp viên hoàn hảo về vị tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn, hiện đang viết tiếp cuốn sách về chân dung đô đốc Zumwalt nói trên. Trả lời phóng viên báo Tuổi Trẻ, Larry Berman đưa ra những phát hiện mới : “ Khi đô đốc Zumwalt đưa ra quyết định về việc sử dụng chất độc da cam, ai là người đã nói dối ông ta ? Chính phủ Mỹ ? Các công ty hoá chất Mỹ ? Hay là cả hai ? Cho đến những ngày cuối cùng trước khi ra các quyết định, các thông tin mà ông ta được cung cấp đều nói rằng chất độc da cam chỉ gây hại đối với cây cối. Nhưng thực tế, người đàn ông đã dành cả sự nghiệp cống hiến cho đất nước ông cùng lý tưởng của ông đã bị lừa dối ”. Trong quá trình nghiên cứu, Larry Berman cũng phát hiện những cố gắng nhằm che đậy vấn đề chất độc da cam, che giấu mối liên hệ giữa chất độc da cam với dioxin và căn bệnh ung thư. Và rồi, như chúng ta đã biết, con trai ông đã chết vì chất độc da cam từ chính sắc lệnh rải chất độc này do cha mình ký. Cho nên, điều ông Zumwalt hứa với con trai trước khi chết là sẽ “ tìm ra chân tướng của sự thật ”.
Phải chăng đối diện với “ toà án lương tâm ”, cuốn sách My Father, my Son do cả hai cha con đô đốc Russell Zumwalt, Jr. cùng viết sẽ phơi bày trước thế giới điều mà nhà báo Larry Berman nói : “ Tôi tin rằng chất độc da cam là thứ vũ khí chết người nhất mà nước Mỹ từng dùng trong chiến tranh. Đó là thứ vũ khí độc hại hơn bất cứ thứ gì khác, tệ hại hơn cả bom B52, và hậu quả của nó vẫn còn dai dẳng đến hôm nay. Đó là thứ vũ khí tệ hại nhất từng được sử dụng ”. Larry Berman đã khẳng định chính Chính phủ Mỹ đã cố tình che giấu sự thật về chất độc da cam. Ông tuyên bố rằng ông đã có thêm nhiều tư liệu mới về vấn đề này về quyết định phun chất độc da cam và những nỗ lực che giấu sau đó cùng với các vụ kiện về chất độc này. Ông cho biết ông rất phẫn nộ khi biết Chính phủ thời Reagan đã tìm cách che giấu thông tin vì e sợ những khoản tiền bồi thường lớn. Và đó là một phần trong những lý do của lời nói dối đối với chính Đô đốc hải quân Zumwalt !
Cũng từng đối diện với “ toà án lương tâm ” mà một trong ba nạn nhân chất độc da cam vượt quãng đường nửa vòng trái đất trong tình trạng sức khoẻ đáng lo ngại để dự với tư cách là nhân chứng tại “ Toà án lương tâm Quốc tế ”. Đó là ông Mai Giảng Vũ, người đã từng tham gia phi đoàn 221, sư đoàn không quân quân đội Sài Gòn đóng tại Biên Hoà, người đã từng bốn lần tham gia rải chất hồi ấy được gọi là chất khai quang ở Long An, Tây Ninh, Quảng Nam và Quảng Ngãi. Ông Vũ đã khóc khi thốt lên : “ tôi không ngờ những phi vụ rải chất khai quang mà tôi được thông báo là thuốc diệt cỏ đã gây hại lớn như vậy ”. Chính ba con trai của ông sinh từ 1970 đến 1975 đều đã mất ở tuổi 23-24 sau hơn 18 năm bị teo cơ, gầy mòn dần và rồi không đi lại được. Giờ đây, ông đang sát cánh với ông Hồ Ngọc Chu ở Quảng Ngãi, người chiến sĩ ở chiến trường Liên khu 5 và anh Phạm Thế Minh sinh năm 1975 tại Hải Phòng, con của hai bố mẹ đều là chiến sĩ quân giải phóng trên chiến trường miền Nam trước đây, đều là nạn nhân chất độc da cam, đã vượt chặng đường dài đến dự phiên toà. Quả thật chất độc khủng khiếp do máy bay Mỹ rải xuống đã không hề phân biệt người ở bên này hay ở bên kia chiến hào, không phân biệt ý thức hệ, tín ngưỡng tôn giáo, vùng miền nam bắc, thậm chí chính người đi thi hành nhiệm vụ khủng khiếp bị khoác cho cái áo hiền từ “ rải chất khai quang, diệt cỏ ” kia cũng đều gánh chịu những thảm hoạ khủng khiếp như nhau. Và lương tâm đang gắn kết họ lại với nhau để đấu tranh chống lại hành động vô lương tâm đang cố lấp liếm và bao che cho tội ác.
Tuy nhiên cũng cần hiểu rằng, lương tâm được đo bằng việc người ta có làm tất cả những gì có thế làm không. Vì rằng, chẳng có tình thế nào mà lại không có một lối thoát tốt nhất, một lối thoát tối ưu. Thước đo của tính tối ưu này là sự công bằng mà thế giới này đang dày công tìm kiếm. Sự công bằng mà vị Tổng thống thứ 44, ông Obama, từng thiết tha kêu gọi mà vừa rồi với việc nhìn lại 100 ngày ở cương vị là người nắm quyền lực cao nhất của nước Mỹ, công luận đã đánh giá tích cực cho việc làm của ông hướng tới mục tiêu cao cả đó. Liệu người ta có thế hoàn toàn tin tưởng ở lời hứa của vị Tổng thống muốn đem lại sự công bằng cho nước Mỹ, và chắc là không chỉ của riêng nước Mỹ. Đúng vậy, hãy nhắc lại lời Barack H. Obama : “ Chúng ta đã phải đợi rất lâu và hôm nay sự thay đổi đã đến với nước Mỹ. Nhưng con đường phía trước sẽ dài và chúng ta phải vượt qua dốc đứng. Chúng ta sẽ không thể tới đích trong một năm hay thậm chí trong một nhiệm kỳ. Nhưng chưa bao giờ tôi tràn đầy hy vọng hơn lúc này rằng nước Mỹ sẽ tới đích. Tôi hứa với các bạn rằng chúng ta sẽ tới được đích đó ”.
Liệu đó có phải là lời hứa của lương tâm của người đem lại sự thay đổi cho nước Mỹ ? Liệu có thể tin được rằng, rồi đây các chính quyền của Mỹ, trước hết là các cấp Toà án Mỹ có sự thay đổi đó không, cho dù “ con đường phía trước sẽ dài và chúng ta phải vượt qua dốc đứng ”. Hình như đã có những động thái khiến cho chúng ta cố gắng tin vào điều này khi mặc dầu Toà án tối cao Hoa Kỳ đã không chấp nhận vụ kiện này trong khi Quốc hội và Chính phủ Mỹ đã có những động thái ban đầu trong việc giải quyết hậu quả chất độc da cam / dioxin ở Việt Nam.
Phiên toà công luận quốc tế ủng hộ nạn nhân chất độc da cam diễn ra tại Paris trong hai ngày 15 và 16 tháng 5 năm sắp tới đúng là Toà án của lương tâm như tên gọi. Toà án lương tâm sẽ thức tỉnh lương tâm của nhiều người Mỹ ngày càng hiểu ra sự thật khiến cho lương tri của họ buộc họ phải có tiếng nói mạnh mẽ hơn. Chính tiếng nói của công luận sẽ có một sức mạnh ngày càng lan toả theo cấp số nhân, buộc cho những thế lực muốn lấp liếm và bao che cho tội ác phải chùn tay. Chúng ta tin rằng, lương tâm thức tỉnh không chỉ giữ gìn sự thanh thản trong tâm hồn của người Mỹ nói riêng và những con người sống trên trái đất này, mà còn là sự đối trọng với tội ác và sự bao che cho tội ác.
Để kết thúc bài viết vội này, xin trở lại với Kant, người đã gọi lương tâm là yếu tố cốt yếu của lý trí thực hành đã dẫn ra ở trên với sự khao khát của nhà triết học vĩ đại ấy muốn người đọc ông sẽ “ biến con đường nhỏ hẹp này thành đại lộ của tư duy, con đường mà hằng bao thế kỷ chưa khai phá được và hy vọng rằng sẽ hoàn tất trước khi kết thúc thế kỷ này ”. Thế kỷ XVIII của Kant (thật ra là cả thế kỷ XIX nữa vì Kant mất năm 1804) kết thúc mà khát vọng của Kant chưa thực hiện nổi. Liệu rồi trong thế kỷ XXI này, khát vọng ấy rồi cũng sẽ chỉ là “ lý tính thuần tuý ” hay sẽ biến dần thành hiện thực ? Thật ra, chúng ta hiểu rằng, lương tâm không bao giờ đòi hỏi con người làm nhiều hơn cái nó có nghĩa vụ phải làm và con người không bao giờ có nghĩa vụ phải làm nhiều hơn cái nó có thể làm. Và cũng đừng quên rằng, “ chúng ta sẽ không thể tới đích trong một năm hay thậm chí trong một nhiệm kỳ ”.
Cuộc chiến đấu cho công lý được thực hiện, cho cái thiện thắng cái ác sẽ là cuộc chiến đấu lâu dài và “ Toà án lương tâm nhân dân quốc tế ” mới là một cái mốc trên con đường dài nhưng là cái mốc hết sức có ý nghĩa. Phải làm cho nó có ý nghĩa đột phá.
Tương Lai
1 Toà án quốc tế công luận (Tribunal International d'Opinion) sẽ họp trong hai ngày 15-16.05.2009 tại Maison des Mines, 270 rue Saint-Jacques, Paris (5e). Chánh án là ông Jitendra Sharma, chủ tịch Hội quốc tế các luật gia dân chủ (AIJD), luật sư tại Toà án Tối cao Ấn Độ. Các thành viên khác : Bà Marjorie Cohn, giáo sư Luật quốc tế (Hoa Kỳ), Bà Claudia Morcom, thẩm phán danh dự (Hoa Kỳ), ÔÔ. Kader Asmal, nguyên bộ trưởng ANC (Nam Phi), Adda Bekkouche, nguyên thẩm phán, giảng dạy Luật quốc tế (Algérie), M. Guzman, thẩm phán (Chile).
Đồng tổ chức : Droit Solidarité, Association d'Amitié Franco-Vietnamienne, Association Internationale de Droit Humanitaire, Association Républicaine des Anciens Combattants, Collectif Vietnam Dioxine, Comité du Village de l'Amitié Vân Canh, Mouvement de la Paix.
Hội quốc tế các luật gia dân chủ :
AIJD, 21 rue Brialmont, 1210 BRUXELLES (Bỉ), mạng internet : aijd.free.fr ; văn phòng chủ tịch : Supreme Court, 17 Lawyers Chamber, NEW DELHI 115001 INDIA, Email : jsharma@del13;vsnl.net.in
Liên lạc tại Paris :
Roland Weyl, phó chủ tịch AIJD, lettre.aijd@club-internet.fr
Các thao tác trên Tài liệu