Bạn đang ở: Trang chủ / Việt Nam / Mạn đàm về đại học Việt Nam

Mạn đàm về đại học Việt Nam

- Phạm Xuân Yêm — published 15/01/2011 18:00, cập nhật lần cuối 02/02/2011 16:21
Thật ra, giáo dục và khoa học của ta không chỉ tụt hậu mà đi lạc ra ngoài con đường chung của thế giới, hết sức 'không giống ai' và đó là nguồn gốc của mọi vấp váp, khó khăn khi hội nhập nếu không kịp chấn chỉnh."


Mạn đàm về Đại học Việt Nam


Phạm Xuân Yêm

Nguyên giám đốc nghiên cứu CNRS và Đại học Paris 6



Bài này viết ra như một tiếp nối nhỏ so với những gì mà GS Hoàng Tụy đã từ lâu phát biểu, đặc biệt câu sau đây1 trích trong Kỷ Yếu Sĩ phu Thời nay: Thật ra, giáo dục và khoa học của ta không chỉ tụt hậu mà đi lạc ra ngoài con đường chung của thế giới, hết sức 'không giống ai' và đó là nguồn gốc của mọi vấp váp, khó khăn khi hội nhập nếu không kịp chấn chỉnh."

1- Triết học không phải là một giáo điều

Đại cương, sinh viên ngành triết học được hướng dẫn về phương pháp suy luận và cách thức đặt vấn đề nhằm tìm hiểu sự thật trong cuộc sống nội tâm, cũng như khám phá ra những quy luật vận hành của xã hội, của vũ trụ nhân sinh. Triết học cũng trình bày cho sinh viên hiểu biết được lịch sử phát triển về tư tưởng và nhận thức của con người, nhờ vào những tìm kiếm nhẫn nại không ngừng của các triết gia tại Đông cũng như Tây phương, liên tục từ biết bao năm trường. Nói chung, môn triết học cung cấp cho chúng ta một chân trời luôn mãi mở rộng, một viễn tượng toàn cầu, một tầm nhìn thật là bao quát và thông thoáng. Đó là kim chỉ nam, tấm bản đồ giúp cho con người hướng thượng để đi tới mãi trong cuộc hành trình lâu dài của mỗi cá nhân, cũng như của toàn thể cộng đồng nhân lọai, mà không sợ bị lạc lối trong cái mê hồn trận của cuộc sống mỗi ngày một thêm phức tạp xáo động trong xã hội ngày nay.

Cũng như môn khoa học tự nhiên, triết học là cả một kho tàng kiến thức vô cùng phong phú và quý báu mà nhân lọai đã tích lũy được, trải qua bao nhiêu thế hệ tìm kiếm, phân tích và đãi lọc thành những sản phẩm tinh hoa của trí tuệ con người, không phân biệt sắc tộc, màu da hay khuynh hướng chính trị, học thuật và tôn giáo nào. Và như vậy, việc giảng dậy môn triết học không bao giờ chỉ tập trung, đóng khung chật hẹp vào một triết thuyết độc tôn duy nhất nào, mà trái lại cần phải giới thiệu cho các sinh viên tìm hiểu được nhiều trường phái triết học, các lý thuyết cổ xưa cũng như hiện đại của các nhà tư tưởng kiệt xuất của nhân loại từ Đông sang Tây, Bắc xuống Nam.

Xin trích dẫn mấy dòng ngắn ngọn sau đây2 về sự tương đồng cũng như khác biệt giữa khoa học và triết học:

Triết học nghiêm túc giống khoa học đích thực ở hai điểm:

1- đều dựa vào một số nguyên lý. Những nguyên lý này, ta chỉ có thể tán thành hay không, không chứng minh tuyệt đối, vĩnh viễn được. Do đó phát triển khoa học hay triết học đều đòi hỏi ý thức tự do và sáng tạo.

2- trên cơ sở đó, đòi hỏi một kiểu suy luận khắt khe, chặt chẽ, nhất quán xuyên qua những bộ ngôn từ tương xứng. Thiếu ngôn ngữ khoa học, không thể tiếp thu và phát triển tư duy khoa học. Thiếu ngôn ngữ triết học “cho ra hồn”, không thể tiếp thu và phát triển tư duy triết.

Triết học và khoa học khác nhau ở hai điểm :

1 - Giá trị của lý thuyết khoa học được xác định bằng thử nghiệm : ứng dụng nó thì hành động đạt được kết quả đã dự đoán. Lý thuyết khoa học đúng hay sai là phải do thực nghiệm kiểm chứng được hay không.

2 -Giá trị của triết thuyết được xác định qua nghiệm sinh của con người ở đời. Có thể bỏ mạng mà vẫn đáng sống.

Cả hai đều cần thiết để làm người. Nếu chua thêm được tí ti văn nghệ trong cuộc sống thực thì tuyệt.

Vậy mà từ lâu rồi theo Trần Đức Thảo “ở Việt Nam không có triết học mà chỉ có chính trị”, đặt nội dung giáo dục ý thức hệ Marx-Lenin làm trọng tâm. Trẻ vào mẫu giáo đã nghe những bài hát chính trị. Người soạn sách giáo khoa nhiều khi cũng cố lồng chính trị vào, coi đó là một thành tích3. Việc giảng dạy môn triết học Marx-Lenin tại các trường ở Việt nam từ mấy chục năm nay là một hạn chế khiên cưỡng, sinh viên phải học tập duy nhất có một học thuyết mà không được tiếp cận trên cùng một bình diện cả một vườn hoa tư tưởng muôn màu muôn sắc của nhân lọai. Rõ ràng là triết học do Karl Marx khởi xướng từ trên 150 năm nay và sau đó bổ sung bởi Lenin đã và tiếp tục là một đóng góp đáng kể cho nhân lọai, tuy nhiên nó không phải là một đường lối tư tưởng duy nhất, tuyệt đối và vĩnh viễn. Như vậy, thì lại càng không thể đem học thuyết này mà áp đặt trên quần chúng học sinh, sinh viên, buộc thế hệ thanh niên phải chấp nhận nó như một giáo điều chính thức của quốc gia. Sự áp đặt như vậy nào có khác chi việc thiết lập một thứ quốc giáo độc quyền, độc tôn trên toàn thể dân tộc?

Qua sự trình bày trên, thiết nghĩ ta cần phải dứt khoát thay đổi lề lối và nội dung của việc giảng dạy môn triết học hiện nay. Cụ thể trong thời buổi hội nhập này là nên áp dụng các phương thức phổ quát trên thế giới, đó là hướng dẫn cho sinh viên nâng cao tầm nhận thức và trình độ hiểu biết rộng rãi, thấu đáo hơn mãi về lịch trình tiến triển của tư duy loài người từ xưa đến nay, thông qua những tìm kiếm vô cùng phong phú và kiên trì của biết bao lớp nhà tư tưởng ưu tú vĩ đại của nhân lọai. Chứ không phải chỉ đóng khung hạn hẹp trong bất kỳ một học thuyết duy nhất nào. Khác nào xưa kia thời quân chủ phong kiến hàng ngàn năm bên Đông Á, học thuyết cửa Khổng sân Trình đã thống trị tư duy thần dân. Cũng như Cơ đốc giáo với giả thuyết điạ tâm sai lầm bên Âu châu đã đưa Giordano Bruno lên dàn hỏa thiêu (1600) và Galileo Galilei (1633) phải quỳ gối tự chối bỏ tác phẩm đặt nền tảng cho Vật lý và Thiên văn hiện đại. Điển hình gần đây hơn là thời Stalin đã dùng quyền lực chính trị để áp đặt lý thuyết về di truyền của Lysenko, gây tai hại trầm trọng cho nền khoa học của Liên Xô vào giữa thế kỷ XX vậy. Cũng vậy giáo điều phát xít Đức đã đẩy lùi nền khoa học Âu châu trong bao năm.

Chúng ta hãy lắng nghe ý kiến sau đây4:

Tôi đề nghị chúng ta vẫn giữ học thuyết Marx-Lenin, nhưng chúng ta không chỉ biết và vận dụng duy nhất học thuyết Marx-Lenin, mà cần phải biết và vận dụng những học thuyết tinh hoa của nhân loại như chúng ta bắt đầu làm từ khi đổi mới. Từ đó Đảng ta mới phát huy được dân chủ, tự do trong Đảng, trong nhà nước và trong xã hội ta. Vì chỉ có dân chủ tự do mới có thể có điều kiện thật sự cho sự phát triển vững mạnh, mới có sức mạnh vô địch để vượt qua mọi khó khăn thử thách, bảo vệ được thành quả của Cách mạng và không ngừng đưa Cách mạng Việt Nam tiến lên phía trước cùng với bạn bè năm châu bốn biển ”.

Các nước tư bản họ cũng làm như vậy. Họ vẫn nghiên cứu và giảng dạy chủ nghĩa Mác-Lênin ở các trường đại học. “ Giữ học thuyết Marx-Lenin ” không phải để tôn sùng và mù quáng vâng theo mà có chăng chỉ để gạn đục khơi trong, để ôn cũ biết mới .

Muốn có dân chủ cần phải có sự phát triển tinh thần đa dạng, nhiều chiều, nghĩa là triết học cũng phải đa dạng, nhiều chiều, chứ không thể giáo điều theo một hướng hẹp; đi theo một hướng hẹp là tạo mảnh đất đánh mất dân chủ. Điểm son của triết lý giáo dục tiến bộ trên thế giới là sự bao dung, tôn trọng và bàn cãi tự do những tư tưởng, văn hóa, chính kiến, tín ngưỡng khác nhau, chúng bổ túc cho nhau. Tư duy độc lập, phê phán, phản biện, tự vấn không ngừng là những yếu tố quyết định của một nền giáo dục tiến bộ và phổ quát. Không thể áp đặt một hệ tư tưởng bất luận nào đó - cho dù ưu việt đến mấy trong một thời - lên sự nghiệp giáo dục đào tạo con người. Nó chỉ kìm hãm tư duy sáng tạo. Triết lý giáo dục công lập ở Pháp dựa trên hai nền tảng : nhà trường thế tục và cộng hòa. Nhà nước tôn trọng và trung lập đối với mọi tín ngưỡng, chính kiến, tư tưởng, nhân sinh quan, triết học. Nhà trường là nơi hòa trộn mọi thành phần, không phân biệt nguồn gốc, chủng tộc, giai cấp xã hội của học sinh.

2- Nhân sự giảng dạy và nghiên cứu

Đại học, nơi tụ hội những tinh hoa của xã hội, mặc nhiên có vai trò làm gương mẫu cho mọi sinh hoạt. Nó phải là một môi trường lành mạnh, đạo đức để phục hồi và củng cố niềm tin của tuổi trẻ. Sự nghiệp của đại học là khai sáng tư duy, là đào tạo chất lượng cao về tri thức tổng quan và chuyên ngành. Những tiêu cực như giả dối, nạn dỏm trong nhân sự phải tuyệt đối vắng mặt, thày ra thày, trò ra trò. Đó là điều kiện tiên quyết của nền giáo dục nói chung mà đại học cần mở đường. Người sinh viên phải được hưởng quyền nổi loạn trong học thuật. Họ có quyền tụ tập để tranh luận học thuật dưới mọi hình thức và về bất cứ chủ đề nào5.

Đội ngũ nhân sự giảng dạy đại học cần phải có trình độ tiến sĩ theo tiêu chuẩn quốc tế, số lượng tiến sĩ đủ tiêu chuẩn này hiện nay quá nhỏ so với số sinh viên, hiện tượng thạc sĩ dạy cử nhân cần phải giảm đi đến mực tối thiểu. Chuyển giao tri thức chuyên môn cho sinh viên chỉ là một trong hai nhiệm vụ chính của giảng viên đại học, điều quan trọng không kém là nghiên cứu khoa học theo tiêu chuẩn quốc tế để cập nhật thường xuyên tri thức chuyên môn, đào sâu tăng trưởng kiến thức và tìm tòi sáng tạo. Tiến sĩ chỉ là điều kiện cần nhưng chưa đủ để thành giảng viên đại học, chức vụ này đòi hỏi một thời gian ‘sau tiến sĩ ‘(postdoc) khá gian nan để đạt tới sự độc lập chín chắn trong quá trình giảng dạy và khám phá, mở rộng trao đổi với các môi trường khác nhau để sàng lọc, đua tranh lành mạnh nhưng gay gắt. Tiêu chuẩn quốc tế được hiểu theo nghĩa sau đây:

(a) công trình khảo cứu khoa học đăng trên các tạp chí đẳng cấp quốc tế (hầu hết bằng tiếng Anh mà ISI thu thập). Trong hàng chục ngàn tạp chí của ISI, có nhiều cái cũng chỉ vừa phải về chất lượng, vậy có lẽ nên linh động hơn, đừng thái quá về vai trò quyết định của ISI. Trong mỗi ngành chuyên môn, ai cũng rõ cấp bậc nọ kia (xếp loại theo impact factor cao là một thí dụ) của các tạp chí để tự mình chọn mặt gửi vàng đến các tạp chí với hệ thống bình duyệt và phản biện nghiêm túc. Mỗi ngành nghề chuyên hẹp chỉ có chừng vài chục tạp chí đủ chất lượng cao mà ta cần tập trung vào đó.  (b) số lần trích dẫn (hay/và H index) các công trình khoa học bởi đồng nghiệp khắp thế giới, (c) sách giáo trình cao học phát hành bởi các nhà xuất bản uy tín (d) báo cáo trong hội nghị quốc tế và sự giao lưu thường xuyên với các cơ quan giảng dạy-nghiên cứu trên thế giới, (e) sự nghiệp đào tạo các nghiên cứu sinh và tiến sĩ, (f) đối với các ngành khoa học ứng dụng, văn bằng sáng chế và cộng tác với các công ty kỹ nghệ mang lợi nhuận cho cơ quan.

Ðó là ít nhiều hành trang thông thường của nhân viên giảng dạy-nghiên cứu của một đại học chuẩn mực quốc tế mà nền đại học Việt Nam cần đạt tới. Qua các tiêu chí  (a) - (f), ta thấy rõ sự liên kết chặt chẽ giữa nghiên cứu và giảng dạy, sự thăng chức thăng ngạch trong mỗi hàm nên tùy thuộc chủ yếu vào các công trình nghiên cứu khoa học. Cũng như ở nhiều nước phát triển cao, tổng số giờ giảng dạy trong một năm của giáo sư đại học ở Pháp chỉ có khoảng 130 giờ để thấy rõ tầm quan trọng mà họ phải bỏ hết thời gian còn lại làm nghiên cứu. Vì thế họ mang tên gọi là nhân viên giảng dạy-nghiên cứu (enseignant-chercheur).

Chương trình dài hạn đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế (bằng cách tuyển chọn sinh viên tài năng gửi đi soạn cao học, tiến sĩ và hậu tiến sĩ ở các nước khoa học tiền tiến) một đội ngũ mới giảng viên đại học để tiếp nối dần thế hệ trước, phải là ưu tiên hàng đầu của nền đại học. Đội ngũ nhân viên giảng dạy cần được coi là trọng tâm của mọi sinh hoạt trong đại học, ban quản lý chỉ có nhiệm vụ duy nhất là hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi sao cho được tối ưu hai sự nghiệp chính của giảng viên là chuyển giao tri thức và nghiên cứu khám phá. Ngoài ra vai trò quan trọng của hai môn Triết học Mác-Lê và Lịch sử Đảng chiếm khoảng 15% học trình của các ngành khoa học tự nhiên là điều hoàn toàn khác lạ với tiêu chuẩn quốc tế. Nên coi môn trước nằm trong kiến thức chung của triết học nhân loại và môn sau trong lịch sử  thăng trầm quốc gia. Trong hồ sơ các sinh viên trong nước sang ghi tên du học về ngành khoa học tự nhiên, hai môn kể trên có hệ số tính điểm khá cao chẳng thua các hệ số về toán, lý, hoá, sinh, ngoại ngữ. Ở các nước phát triển, không đâu có hai môn bắt buộc này trong học trình của các ngành khoa học tự nhiên. Nhiều bạn bè trên thế giới đã mất công sức giải bầy với đồng nghiệp và bộ máy hành chính của đại học mình khi họ xét hồ sơ tuyển chọn sinh viên Việt Nam sang du học. Ðể so sánh công bằng với sinh viên các nước khác trong việc tuyển chọn vào đại học, hai môn ‘không khoa học tự nhiên’ này bị loại bỏ tự động, làm lãng phí thời gian tiền của.

Rồi chuyện học hàm học vị nhiêu khê của hệ thống giáo dục hiện nay; nhiều người có học vấn thật bị đứng vào chỗ văn hoá giả tạo, và ngược lại. Chức giáo sư, phó giáo sư đại học cần phải hiểu theo những tiêu chuẩn phổ quát quốc tế, đó chỉ là chức vụ để giảng dạy-nghiên cứu với trách nhiệm cụ thể trong các đại học, chứ không phải là phẩm hàm quí tộc hình thức để quản lý hay hoạt động ngoài môi trường đại học. Nguyên tắc để xác nhận hai khả năng giảng dạy-nghiên cứu nói trên cần giản dị, minh bạch, không gây khó khăn bởi những thủ tục hành chính xa lạ với chất lượng nghiêm túc.

Ngoài vấn đề đội ngũ giảng dạy ra, quy chế tự chủ và tự do trong môi trường học thuật, chính sách đãi ngộ và đồng lương tương xứng, hướng nghiên cứu và phương pháp đào tạo, mở rộng cộng tác với các cơ quan và chuyên gia nước ngoài là những điều vô cùng quan trọng cần thực hiện để đảm bảo cho sự thành công của đại học chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc tế. Sự liên kết mật thiết giữa Đại học và Viện Khoa học & Công nghệ (VAST) nên phát huy tận lực, cơ chế hành chính của hai cơ quan cần điều hòa ra sao để hai bên cùng có lợi trong sự nghiệp nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu. Đó là điều mà các nước khoa học tiền tiến đã từ lâu thực hiện.

Tăng cường và xây dựng nhanh chóng cơ sở vật chất, phòng làm việc thường trực của nhân viên giảng dạy-nghiên cứu, thư viện phong phú với sách giáo trình và tạp chí khoa học quốc tế, máy tính và truy cập internet, cư xá cho sinh viên thuê giá rẻ, học bổng trợ cấp sinh viên chăm chỉ tài năng mà gia cảnh thiếu thốn.

Với hàng ngàn vạn tuổi trẻ trong và ngoài nước đang thành công tốt đẹp trong nhiều lãnh vực trên trường quốc tế, chúng ta tin tưởng rằng khi có môi trường thuận lợi, con người Việt còn có thể vươn cao hơn nữa. Thí dụ tượng trưng, trong các cựu sinh viên sang du học ở Pháp khoảng hơn mươi năm nay gần đây, một số đã trở thành giảng sư các Đại học hay nghiên cứu viên của Trung tâm Quốc gia Khảo cứu Khoa học (CNRS). Ðó là tiềm năng chất xám quý báu của dân tộc ta, chất xám ấy lại mang thêm một đặc điểm nữa mà hiếm các quốc gia khác có được, đó là sự phong phú đa dạng của các thành phần đến từ nhiều chân trời văn hóa khác nhau nhưng bổ túc cho nhau, từ Ðông qua Tây Âu, từ Bắc đến Nam Mỹ, Đông Bắc đến Tây Nam Á, Úc, được thử thách chọn lọc theo tiêu chuẩn quốc tế. Lại thêm biết bao tài năng, đặc biệt với thế hệ thứ hai, nằm trong cộng đồng ba triệu người Việt ở nước ngoài sinh hoạt trên khắp năm châu.

Thực ra vấn đề xuất cảng rồi sớm muộn trở thành giao lưu chất xám đã xảy ra từ lâu rồi ở các nước lân cận Việt Nam. Do lòng gắn bó với cội nguồn, môi trường hoạt động thoải mái thoáng đãng và chính sách đãi ngộ thích ứng ở các nước đó, phần đông các nhân tài đã trở về cố hương đóng góp cho sự phát triển kỳ diệu của nước họ, trong đó các đại học và viện công nghệ mang tầm quốc tế giữ vai trò không nhỏ.

Người viết tâm tình với lòng tin là nền đại học Việt Nam không thể không đạt tới chuẩn quốc tế, vấn đề chỉ là thời gian khoảng mươi năm. Nó đến sớm hay muộn là ở trong tay chúng ta từ chính quyền đến người dân hữu trách, và lời chúc đầu năm là chúng ta sẽ thành công nhanh hơn và trội hơn ước tính.


Phạm Xuân Yêm


Nguồn: Bài viết cho Kỷ yếu 200 năm Humboldt (HN 2011).

Trích dẫn : 

1 Kỷ Yếu Sĩ phu Thời nay, nxb Tri Thức (2008), trang 161

2 Phan Huy Đường, Tạp chí Tia Sáng (2010), http://amvc.free.fr/PHD/LangThangChuNghia/TrietHoc-KhoaHoc.htm

3 Trong cuốn giáo trình “Nhiệt động lực học và Vật lý thống kê, nxb Đại học Quốc gia Hanoi (1996), ngay ở trang 11, tác giả, một nhà vật lý, viết: Như Lenin đã chỉ rõ “ Khái niệm nhân quả của con người …”, điều chẳng liên đới chút nào đến toàn bộ nội dung cuốn sách.

4 Nguyễn Văn An, nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên trưởng Ban Tổ chức TƯ Đảng, nguyên Chủ tịch Quốc hội qua những trả lời phỏng vấn “ Tuần Việt Nam ” ngày 12 tháng 12 năm 2010.

5 Phạm Anh Tuấn, Khi tâm hồn con người bị tước đoạt, tham luận trong hội thảo “Sự xuống cấp văn hóa và đạo đức trong xã hội ngày nay” do Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh tổ chức ngày 27.11.2010 tại Hà Nội

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Indochine: 70 ans après les Accords de Genève 21/11/2024 16:00 - 18:00 — BnF site François-Mitterrand, Quai François Mauriac, 75706 Paris Cedex 13
Yda: Un court-métrage Hanoi - Warszawa 29/11/2024 19:00 - 21:00 — Médiathèque Jean-Pierre Melville, 79 rue Nationale, Paris 75013, M° Olympiades
Les Accords de Genève, espoirs et désillusions au cœur de la guerre froide. De l’indépendance à la division du Vietnam 11/12/2024 16:30 - 18:00 — Bibliothèque François-Mitterrand, Quai François Mauriac - 75706 Paris Cedex 13
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us