Một nền giáo dục hiện đại hoá
Một nền giáo dục hiện đại hoá
Phạm Toàn
Đây là một trải nghiệm
rồi trở thành một chân lý, nghĩ
rằng nhắc lại cũng không thừa : Nếu
chỉ cần thoả mãn nhu cầu một
năm, thì trồng lúa là tạm ổn ‒ nếu
cần thoả mãn nhu cầu mười
năm, thì nên trồng cây ‒ nếu
phải thoả mãn nhu cầu một trăm
năm, thì nhất thiết phải trồng
người. Việc trồng người, đến
lúc này, sẽ đứng trước ít
nhất ba chọn lựa : Làm một cách
tàm tạm ‒ làm
một cách hiện
đại
‒ làm
một cách nửa tàm
tạm, nửa hiện đại. Ta sẽ thấy
ngay rằng, cách làm ăn tàm
tạm
không bao giờ đồng nghĩa với chuyện “ lợi
ích trăm năm ”
cả. Còn
cách làm ăn nửa tàm tạm,
nửa
hiện đại cũng vậy. “ Trăm
năm
”
mà cứ đan đi giặm lại (tương
ứng với cải đi cách lại)
thì
không thuyết phục được ai hết.
Mà phải tiến hành công việc vì
lợi ích trăm năm ‒ công
cuộc giáo dục ‒ theo
mục tiêu hiện đại. Đó
là hướng đi hợp lý nhất.
Xã hội hiện đại hoá
Đến đây, nẩy sinh câu hỏi : Vậy hiện đại là gì ? Thế nào là một nền giáo dục hiện đại ? Và làm thế nào để có được một nền giáo dục hiện đại ? Nếu không thống nhất được khái niệm “ hiện đại ” thì công cuộc hiện đại hoá giáo dục trong công cuộc hiện đại hoá đất nước sẽ rơi vào một trong ba kiểu phí phạm : phí lời, phí tiền, phí sức.
Phí lời, khi đưa ra quá nhiều khẩu hiệu, quá nhiều lời kêu gọi, quá nhiều vẻ đẹp tu từ, nhưng chẳng đi đến đâu. Phí tiền, khi những món nợ cứ chất chồng song hành với việc than phiền không đủ tiền chi tiêu cho phát triển giáo dục. Và phí sức... Hãy nhìn chỉ một sự việc này thôi thì sẽ hiểu phí sức nghĩa là gì : 20 triệu học sinh gò lưng dùng ba cuốn sách đính chính để chữa chín mươi triệu bản sách giáo khoa. Việc đó mới xảy ra đầu năm học 2008-2009, rất dễ kiểm chứng.
Vậy, thế nào là “ hiện đại ” ?
Tiêu chuẩn duy nhất ‒ dấu hiệu duy nhất ‒ để xác định tính hiện đại trong xã hội là sự thay thế xã hội nông nghiệp bằng một xã hội công nghiệp. Nhưng còn khía cạnh sau đây thì có khi vẫn ít người chú ý tới : xã hội công nghiêp không thay thế cho xã hội nông nghịêp theo lối đột ngột, mà diễn ra trong tiến trình công nghiệp hoá dần dần. Trong tiến trình “ hoá thành công nghiệp ” ấy, cả một xã hội vẫn sản xuất nông nghiệp theo lối tiểu nông sẽ biến đổi, ngay cả nền nông nghiệp của mình cũng mang tính công nghiệp, để thành một nền nông nghiệp công nghiệp hoá.
Điều vô cùng quan trọng diễn ra trong tâm lý con người trong suốt tiến trình công nghiệp hoá đó. Có một chuyện mang tính chất tiểu tiết minh hoạ cho trạng thái tâm lý này : cách dùng cái ốc vít. Khi cái ốc vít được dùng để gá những bộ phận cứng như sắt thép thì con người dễ chấp nhận cách làm theo lối công nghịêp. Nhưng khi dùng ốc vít vặn vào vật mềm như gỗ, rất nhiều công nhân bảy chục năm sau khi ốc vít ra đời vẫn dùng búa đóng như đóng đanh !
Cách lao động đó không thuộc xã hội công nghiệp hoá, mà vẫn theo kiểu cách của xã hội nông nghiệp. Tương tự như vậy là hiện tượng công nhân khu công nghiệp hẳn hoi nhưng sau khi về quê ăn Tết thì “ vui xuân ” luôn và “ tút ” luôn.
Người ta đổ cái tội vô kỷ luật công nghiệp đó cho phong tục, tập quán. Quả có thế ; vốn là nông dân nhiều đời chỉ quẩn quanh với đồng ruộng, nên cái giai cấp công nhân nửa mùa đó rất đỗi nhớ làng nhớ xóm, nhớ cái chốn tiểu nông êm ái cũ.
Phải có thời gian, và phải được giáo dục ‒ như một sự chuẩn bị “ trồng người ” và cả giáo dục thông qua kỷ luật lao động công nghiệp ‒ thì đến một lúc nào đó, mọi người sẽ có một lối sống và một lối tư duy như những người dân các nước công nghiệp khác.
Họ sống ở đâu cũng được, cứ có công ăn việc làm tốt và có đời sống hạnh phúc thì sống ở đâu cũng được. Họ không bắt chước Nguyễn Tuân sùi sụt “ thiếu quê hương ” rồi chen nhau mua vé về thăm quê, để được nhìn cảnh quê xưa cũng đang dần dần công nghiệp hoá.
Nhà trường hiện đại hoá
Một xã hội muốn hiện đại hoá nhất thiết phải đi bằng con đường công nghiệp hoá. Và công nghịêp hoá là cả một tiến trình lâu dài chứ không diễn ra một cách đột ngột như trong truyện thần tiên. Trong tiến trình công nghiệp hoá đó, mắt thường thấy mọc lên những xí nghiệp, mắt thường cũng thấy công việc “ thành thị hoá nông thôn ” không còn là khẩu hiệu như trong cương lĩnh của nhiều tổ chức chính trị - xã hội thế kỷ XX.
Nhưng đây mới là điều quan trọng trong tiến trình hiện đại hoá mà mắt thường khó nhận thấy : con người tạo ra hệ thống công nghiệp, và hệ thống công nghiệp vật chất, cụ thể đó cũng đào luyện trở lại con người thành những con người của nền công nghiệp.
Đó là một quá trình đôi bên ‒ nền công nghiệp và con người của nền công nghiệp ‒ cùng sinh thành lẫn nhau. Trong quá trình cùng sinh thành đó, xã hội thành một xã hội công nghiệp hiện đại hoá, và con người biến thành con người của nền công nghiệp hiện đại hoá.
Có hai tác nhân đào tạo ra con người công nghiệp hiện đại hoá. Tác nhân thứ nhất vận hành một cách tự nhiên, lối sống công nghiệp hiện đại hoá như một thói quen hình thành theo lối mưa dầm thấm lâu. Một tác nhân thứ hai là nhà trường.
Đó là lý do vì sao hồi đầu thế kỷ XX ta được thấy nở rộ các cuộc nghiên cứu tâm lý trẻ em với mấy cột mốc vô cùng đẹp đẽ. Năm 1905 với công cuộc của bác sĩ Binet điều tra đo nghiệm trẻ em trước khi vào học tiểu học, sau được vượt Đại Tây Dương và phát triển thành bộ đo nghiệm mẫu mực mang tên Binet-Simon. Năm 1910 với bản tuyên ngôn của Thorndike Đóng góp của tâm lý học cho giáo dục. Và từ năm 1920 trở đi là những công trình do Piaget tiến hành, thăm dò thực nghiệm vào cách học của trẻ em để tìm ra cách dạy các em.
Trong công cuộc trồng người đó, nếu cần lôi ra một dấu hiệu cơ bản, nếu cần quy định thành một nguyên lý về tính chất hiện đại của nhà trường, thì nó đây : một nhà trường hiểu biết sâu sắc trẻ em nhờ đó mà vừa tôn trọng trẻ em đồng thời vẫn dắt tay dẫn trẻ em vào công cuộc tự học, tự giáo dục của chính các em.
Cũng giống như trường hợp của người lớn cùng sinh thành với công cuộc công nghiệp hoá để hiện đại hoá đất nước, trẻ em cũng cùng sinh thành với nền giáo dục tạo cho các em năng lực sống và cùng sinh thành với công cuộc công nghiệp hoá để hiện đại hoá đất nước.
Đừng bao giờ có ảo tưởng tổ chức ngay một vài năm, thậm chí một vài chục năm, cho xong xuôi một nền giáo dục hiện đại. Suy nghĩ cách đó vừa là ảo tưởng lại vừa là không hiểu biết các quy luật vận động của xã hội.
Giống nhau và khác nhau
Trong công cuộc cùng sinh thành với đất nước, trẻ em và người lớn có một điểm giống nhau và một điểm khác nhau.
Điểm giống nhau giữa trẻ em và người lớn là cả hai đều phải bắt tay vào làm ra chính mình trong khi làm ra nền công nghiệp để hiện đại hoá đất nước (người lớn) hoặc làm ra nền giáo dục hiện đại hoá (trẻ em). Không có ai chỉ thông qua những “ trò vui lấy thưởng ” cùng những lời hò reo mà có thể làm nên công cuộc công nghiệp hoá hoặc làm ra nhà trường hiện đại hoá.
Cả người lớn và trẻ em đều phải mó tay vào làm và học ‒ làm thì học (tạm dịch cái đường lối learning by doing đang thời thượng bây giờ).
Trong công việc làm và học ‒ làm thì học ấy, trong công cuộc làm được tới đâu thì học được tới đó ấy, giữa người lớn và trẻ em có chỗ khác nhau căn bản : người lớn thì dùng công cụ có sẵn và trẻ em thì phải làm ra công cụ cho mình.
Công cụ có sẵn gửi trong cái công việc người lớn nắm giữ để công nghịêp hoá đất nước. Một người lớn không thể nói tôi yêu Tổ quốc, nhưng tôi không làm công việc gì hết. Trong công việc người lớn phải làm và chịu trách nhiệm ấy, có chứa đựng sẵn cái kỹ thuật cùng chuỗi công nghệ mang tính thời đại.
Một người lớn không thể nói tôi yêu công cuộc công nghịêp hoá để hiện đại hoá đất nước, nhưng tôi không tôn trọng quy trình kỹ thuật, tôi có quyền “ phá ” máy vì dốt kỹ thuật, tôi có quyền làm hỏng sản phẩm vì không tôn trọng công nghệ sản xuất.
Cái kỷ luật lao động công nghiệp hoá chính là thước đo mức độ người lớn đã cùng sinh thành tới đâu với công cuộc hiện đại hoá đất nước. (Một mở ngoặc cần thiết : dĩ nhiên cái kỹ thuật hoặc cái chuỗi công nghệ để người lớn bắt tay vào làm và học ‒ làm thì học không thể là kỹ thuật và công nghệ bẩn nhắm mắt nhập bừa bãi về để làm bẩn môi trường đất nước).
Trẻ em khác người lớn : các em tập làm ra công cụ. Và là những công cụ chuẩn cho một sự nghiệp hiện đại hoá. Thật ư ? Có thể như vậy chăng ? Thưa vâng, thật đó. Có thể và phải như vậy lắm. Miễn là ta thống nhất cách hiểu khái niệm công cụ nhà trường dạy cho trẻ em tự “ tay ” mình làm ra.
Đó là cả loạt công cụ trong tư duy của các em. Bộ công cụ học tập các em phải tạo ra ngay trong đầu các em, và đó phải là bộ công cụ hiện đại hoá. Ngay từ khi bước chân vào học lớp 1, ngay từ tiết học đầu tiên, các em đã phải bắt tay tạo ra bộ công cụ đó. Bộ công cụ học tập đó ở trẻ em lớp 1 cũng giống như của sinh viên trường đại học, với một chút khác biệt : hai bộ công cụ cùng chuẩn đó sẽ gia công trên những loại vật liệu khác nhau, thế thôi. Nhưng bất kể với vật liệu nào, thì công cụ tư duy của em bé lớp 1 và anh chị sinh viên đại học cũng không được chênh nhau.
Chỗ khó khăn khi thực hiện lý tưởng giáo dục nói trên là ở năng lực bất cập của nhà tổ chức. Chống độc quyền là cần thiết, xã hội hoá là cần thiết, để có nhiều phương án hiện đại hoá nhà trường ngay từ lớp 1. Trong cuộc thi đua này, những nhà trường “ hiện đại ” theo lối đi vay tiền về mua đồ dùng dạy học “ xịn ” chắc chắn sẽ thua những nhà trường hết sức tiết kiệm chỉ có những “ đồ dùng dạy học ” vô hình nằm bên trong tư duy con trẻ.
PHẠM TOÀN
Các thao tác trên Tài liệu