Bạn đang ở: Trang chủ / Việt Nam / Mùa Tết, nhớ lại những con đường...

Mùa Tết, nhớ lại những con đường...

- Nguyễn Hữu Động — published 08/02/2012 02:13, cập nhật lần cuối 09/02/2012 10:40
hồi kí


Mùa Tết, nhớ lại những con đường


Nguyễn Hữu Động



Ngày ký kết Hiệp định Paris tháng Giêng năm 1973, tôi đến Hội trường Kléber bằng xe điện ngầm. Hôm ấy, nhiệm vụ tôi là đi dịch cho đoàn Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam (CPCMLTCHMNVN).

Bài này, tác giả viết cho tạp chí Quê Hương (đã đưa lên mạng ngày 27.1.2012). Đây là bản do tác giả gửi cho Diễn Đàn, chúng tôi đăng lại toàn văn, chỉ xin minh chính về một chi tiết : sự kiện tác giả kể lại ở phần đầu không phải là ngày ký Hiệp định Paris (27.1.1973), mà là ngày họp Hội nghị quốc tế về Việt Nam (2.3.1973) cũng tại Hội trường Trung tâm Hội nghị Quốc tế còn gọi là Hotel Majestic ở đại lộ Kléber, Paris 16 (nay đang được biến thành một khách sạn "palace").

Hội nghị quốc tế này gồm, ngoài 4 phái đoàn đã ký kết Hiệp định Paris, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc (Kurt Waldheim), và phái đoàn của 8 nước (4 "tứ cường" ngoài Mĩ : Anh, Liên Xô, Pháp, Trung Quốc, và 4 nước thành viên của Ủy ban quốc tế giám sát việc thi hành Hiệp định là Ba Lan, Canada, Hungary và Indonesia). Các ngôn ngữ sử dụng trong ngày hội nghị quốc tế này là các ngôn ngữ chính thức ở Liên Hợp Quốc (Anh, Pháp, Nga, Trung) và tiếng Việt. Do đó, việc phiên dịch phải huy động đội ngũ phiên dịch chuyên nghiệp của LHQ và bốn phiên dịch viên nghiệp dư nói đến trong bài (bốn người này dịch các phát biểu của các ngoại trưởng người Việt sang tiếng Pháp, và dịch các phát biểu khác từ tiếng Pháp sang tiếng Việt). Sự cố nói đến trong bài xảy ra khi ông Trần Văn Lắm, ngoại trưởng VNCH, phát biểu bằng tiếng Pháp (thay vì tiếng Việt) khiến người phiên dịch của đoàn VNCH lúng túng.

NNG

Khi ra khỏi đường hầm rảo bước về chỗ anh chị em trong đoàn Việt Nam thì mấy tay cảnh sát Pháp chặn tôi lại và hướng tôi về phía đoàn của Việt Nam Cộng Hòa mà đoàn chúng tôi gọi là đoàn Sài Gòn. Đương tranh luận thì có một anh trong đoàn ta chạy ra, kéo tôi đi với anh. Thấy tôi có dáng bực tức anh cười và bảo : Chúng nó hiểu nhầm thôi, giận làm gì cho mất vui ngày Lịch sử này. Tại nó thấy cậu ăn mặc diện quá, có nghĩ đâu là Việt Cộng

Quả thật thì chúng tôi, những người Việt Nam sống tại Pháp và được tham gia và hoạt động của phái đoàn, có điều kiện kinh tế khá hơn anh chị em trong nước. Anh Nguyễn Ngọc Giao, thông dịch cho đoàn VNDCCH và tôi cùng là trợ giáo đại học Paris, anh Giao dạy toán, tôi dạy kinh tế. Nghề giáo, ở đâu cũng vậy, không phải là nghề nhiều tiền, tuy nhiên so với trong nước thì tụi tôi khấm khá hơn nhiều. Riêng phần tôi thì nhân dịp ông bà thân sinh sang Pháp chơi, các cụ cho tôi một bộ quần áo đo theo người chứ không phải mua ở cửa hàng, coi là quà cưới. Tôi mặc chính bộ complet ấy đi phục vụ Hội nghị, và từ đó xảy ra tranh cãi với cảnh sát và một trận cười trong đoàn. Ở thời xa xưa ấy, cán bộ ngoại giao ta đi công cán nước ngoài thường phải đến bộ Tài chính mượn quần áo và giầy, cái thứ giầy ra đến khí hậu khô khô một tí thì co lại, tối đến về nhà xoa chân phát mệt.

Về Hội nghị Paris, tôi chỉ nhớ hôm ấy, cabin dịch rất nóng và ngộp. Thường thì có hai phiên dịch, ngày ấy có bốn người, một của đoàn VNCH, một của đoàn CPCMLT, và hai của đoàn VNDCCH. Tất cả đều là nghiệp dư. Hai anh trong đoàn VNDCCH giỏi hơn chúng tôi nhiều khi dịch từ tiếng Pháp ra tiếng Việt. Tôi và anh thông dịch VNCH nói tiếng Pháp thì khá, nhưng dịch từ tiếng Pháp ra tiếng Việt thì rất yếu. Có một lúc, anh phiên dịch đoàn VNCH không dịch kịp lời phát biểu tiếng Pháp của đoàn anh, quay sang nhờ anh Giao dịch hộ. Với thái độ rất nghề nghiệp, anh Giao nhận lời. Chiều đó, khi tan Hội nghị, một anh nhắc anh Giao là khi đoàn VNCH nói đến chính phủ VNCH, tại sao không sửa lại là chính quyền Sài Gòn (như văn kiện của ta thường dùng) ? Anh Giao chỉ lắc đầu và bảo : Thật ra đó là phản xạ của người dịch, không sửa những điều mình đang dịch.

Từ hai câu chuyện trên, bộ quần áo sang hơn cả quần áo của trưởng đoàn, "Tây con" (cách gọi đùa của Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình) đi phục vụ Hội nghị, tôi cũng đã nhiều lần suy nghĩ đến các nẻo đưỡng dẫn dắt chúng tôi đến với cuộc kháng chiến của dân tộc. Tháng qua, nhân dịp phương Tây đánh dấu 50 năm can thiệp của Mỹ vào Việt Nam, tôi có đăng một bài nói lên tâm tư này trong tạp chí điện tử openDemocracy và được chính anh Giao dịch lại và đăng lại trong tạp chí điện tử Diễn Đàn. Dưới đây xin trích lại những đoạn chính để bạn đọc hiểu thêm về những người, tuy sống xa Tổ quốc, vẫn là một bộ phận của cộng đồng dân tộc.

Đối với những anh chị em cùng thế hệ với tôi, cuộc đời trưởng thành – cuộc đời mà mỗi người phải chịu trách nhiệm về chính mình – là cuộc đời bị chiến tranh chế ngự, tới mức không còn phân biệt được cuộc sống và chiến tranh, một cuộc đời trong đó, mọi suy nghĩ, hay không suy nghĩ, đều dính dấp đến chiến tranh. Nói khác đi, chiến tranh không phải là cái dấu ngoặc giữa hai thời gian hòa bình. Chiến tranh là chính cuộc sống... Trong lứa bạn bè học sinh trung học của tôi (trường Yersin), thì những người mà gia đình có khả năng đều theo học ở các trường đại học Pháp, Anh, Úc hay Mỹ, nhất là ngay từ năm 1960, khi mà các bên khẩn trương chuẩn bị chiến tranh. Những ai không có phương tiện thì chỉ còn một con đường là nhập ngũ. Thế hệ của tôi, hồi ấy, tôi không nhớ có ai gia nhập hàng ngũ kháng chiến, lúc đó người ta gọi là Việt Cộng (nói giọng Nam Bộ thì thành… Diệt Cộng).

Chiến tranh từ những năm 61-65 bắt chúng tôi phải ý thức hơn nữa về thời cuộc và kết luận là giờ chọn lựa đã điểm, một sự chọn lựa không nhất thiết là đoạn tuyệt triệt để, nhưng phải phù hợp với những gì mà chúng tôi coi là những giá trị cơ bản. Cuộc chiến tranh đang diễn ra trước mắt chúng tôi không chỉ là cuộc giao tranh giữa hai lực lượng đối nghịch. Với khía cạnh huynh đệ tương tàn, dù đó không phải là tính chất cơ bản, cuộc chiến tranh đã đảo lộn cuộc đời chúng tôi, thay đổi nếp sống, thay đổi những giá trị truyền thống cũng như tương lai của chúng tôi, một tương lai ngày càng bất trắc. Ngày nay nhìn lại, có thể nói rằng cuộc chiến tranh ấy, với chuỗi dài những khổ đau mất mát (mất đi những người thân, và mất đi cả những ảo tưởng), đã cưỡng bức, đã ném chúng tôi vào cuộc toàn cầu hóa.

Trong gia đình tôi, chính trị là một cuộc chơi giữa bạn bè, đồng minh hay đối thủ, nhưng là một thú chơi nhàn tản của giới thượng lưu. Quan niệm ấy cũng có cái hay vì nó cho phép nhìn chính trị với một khoảng cách nhất định, xa lạ với đam mê chính trị, và mở ra khả năng nhìn người nhìn việc với tinh thần khoan dung mãi về sau này tôi mới cảm nhận được giá trị, sau những năm làm việc cho Liên Hiệp Quốc. Cũng phải nói thêm là sự thiếu vắng đam mê kiểu "phe phái ăn thua đủ" này, một phần là do nếp giáo dục (để cho tình cảm lấn át tràn lan là một điều bị coi là hết sức dở) phần nữa là vì bản thân dòng họ của chúng tôi cũng chia hai phe. Anh em họ, chú bác tôi nhiều người đã cầm súng chiến đấu, ở bên này hay bên kia. Cuộc chiến tranh kéo dài suốt mấy thập niên, não trạng đối đầu dường như cũng lắng xuống, nhường chỗ cho sự cảm thông, chấp nhận duyên nghiệp theo quan niệm của đạo Phật.

Khi từ Lausanne chuyển sang học ở Pháp, tôi đi một cách tự nhiên đến phong trào yêu nước. Diễm phúc của tôi là trong phong trào ấy, tôi đã được gặp và kết thân với những đầu óc ưu tú nhất của giới Việt Nam ở nước ngoài. Nhờ họ, tôi có dịp suy nghĩ về nền văn hóa « tự phát » mà tôi mang trong người, về cái bản sắc dân tộc thường được coi là bất di bất dịch mà thực ra vẫn thiên biến vạn hóa, theo dòng lịch sử, theo từng hoàn cảnh. Điều chắc chắn, là trong sự phong phú muôn vẻ của giới tham gia phong trào này, tôi củng cố một lần nữa niềm tin vào những quyết định của mình. Niềm tin ấy, cho đến ngày hôm nay vẫn nguyên vẹn, là không có sự chọn lựa nào khác.

Đất nước kêu gọi, và chúng tôi đã đáp lời hưởng ứng. Tự nhiên như người ta hít thở để sống. Trong bạn bè chung quanh tôi, ai ai cũng an nhiên phục vụ đất nước như vậy. Và khi có dịp quan sát phía đối diện, những người mà chúng tôi coi là đối phương vì họ là đồng minh của ngoại bang, ở nhiều người tôi cũng thấy có thái độ tương tự. Cố nhiên, quan niệm về chiến tranh chính nghĩa và phi nghĩa giữa chúng tôi và họ, khác nhau. Nhưng sự khác biệt không có gì lớn trong quan niệm về hoàn thành nhiệm vụ.

Một thí dụ nhỏ. Ông anh họ tôi, đại tá, ông anh rể tôi, đại tá, là thành viên của đoàn VNCH. Hai anh thỉnh thoảng cũng đến tôi ăn cơm. Và không tranh luận về những công việc của từng người.. Ngày nay nhìn lại và suy nghĩ về những cuộc gặp gỡ bên lề cuộc hội nghị có ý nghĩa trọng đại đối với đất nước, thì kết luận đầu tiên mà tôi rút ra là : xét cho cùng, gia đình, văn hóa, lịch sử và sự thương mến lẫn nhau, tóm lại một chữ là : dân tộc, vượt qua mọi hàng rào chiến tranh. Ai đó từng nói là thương hại người nào phải chọn lựa giữa tình bạn và tình yêu tổ quốc. Thú thực là tôi không hiểu thấu sự thương hại đó, bởi yêu nước cũng là yêu sự cao cả của đất nước, mà thử hỏi có gì cao cả hơn là lòng khoan dung hào hiệp ?

Rút ra từ cuộc đời, từ những công vụ ở nhiều nơi trên thế giới, tôi cảm nhận là rốt cuộc, sự đam mê vì dân chủ, với tất cả hàm ý công lý, tự do và bình đẳng (một hình thái khác của công lí) của khái niệm dân chủ, chỉ tồn tại và chỉ có thể tồn tại như là sản phẩm của đam mê vì độc lập, tự chủ, những quyền cơ bản mà ngày nay dân tộc của chúng tôi đã giành được. Dân tộc này có lịch sử của nó và tôi là một thành phần của dân tộc, của lịch sử dân tộc, với những giấc mơ và những cơn ác mộng. Một khi đã chấp nhận điều cơ bản đó rồi, người ta cũng có thể tự đảm nhiệm như một người kháng chiến, hay như một người chống lại cuộc kháng chiến ấy, như một thành viên có kỉ luật của cuộc kháng chiến và đồng thời như một người trí thức sáng suốt thấy rõ những ràng buộc của hiện thực thế giới. Sự hài hòa của cuộc sống, là biết chấp nhận quá khứ -- không thể nào thay đổi được nữa – và chuẩn bị tương lai, bất khả xác định nhưng còn để mở, bởi vì tương lai từng lúc vẫn tùy thuộc vào quyết định của chúng ta.

Những con đường dẫn tới kháng chiến, những con đường hướng về đất nước đã nuôi dưỡng chúng tôi, đã cho chúng tôi ước mơ, đã làm chúng tôi đau đớn, có vô số những con đường ấy. Chọn con đường nào là tùy những trải nghiệm cá nhân, tuỳ những cuộc gặp gỡ ngẫu nhiên, hay những "vi quyết định" của mỗi người. Ba mươi năm nam sau chiến tranh, tôi không chắc là các vết thương đều đã được hàn gắn, đã lành lặn. Nhưng tôi chắc chắn rằng, ít nhất tôi tin tưởng, thiết tha, rằng những con đường ấy còn rộng mở cho mọi người, và mọi người, bên này hay bên kia, bạn bè hay đồng minh, hãy dấn thân để tìm thấy sự an lạc và nảy nở phát huy cho chính mình.

Mexico, mùa Tết

Nguyễn Hữu Động

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us