Nạn cắt điện, mất điện ở Việt Nam
Nạn cắt điện mất điện ở Việt Nam
Đặng Đình Cung
Kỹ sư tư vấn
Mấy hôm nay mưa đã đến, những nhà máy thuỷ điện sẽ có thể cung cấp điện làm đời sồng kinh tế và sinh hoạt hàng ngày dễ dãi hơn. Nhưng đây chỉ là một giai đoạn ngơi ngớt trước những vụ cắt điện mất điện vào mùa hạn các năm tới.
Trong bài này chúng tôi xin trình bày nguyên nhân và hậu quả của nạn cắt điện mất điện và đề nghị một vài giải pháp.
Điện là một sản phẩm tiêu dùng cho tiện nghi và cũng là một nhân tố sản xuất. Chúng tôi sẽ phân biệt rõ hai công dụng này. Chúng tôi sẽ nhắc lại một số nhận xét và đề nghị kỹ thuật đã được trình bày trong hai bài đã đăng trên trạm www.diendan.orgi.
1. Nguyên nhân của nạn cắt điện mất điện
Một mạng phân phối điện có thể ngưng cung cấp điện khi cần bảo trì một hạng mục quan trọng của mạng, vì không có nhiên liệu để sản xuất điện hay vì không còn nước trong hồ thuỷ điện để quay ráo. Người ta gọi tình huống này là cắt điện. Thông thường thì công ty điện báo trước để người tiêu dùng chuẩn bị sinh hoạt cho phù hợp. Nhưng cũng có khi mạng phân phối ngưng cung cấp điện một cách bất chợt vì bỗng nhiên mất cân bằng. Người ta gọi tình huống này là mất điện. Theo những tin nhận được từ trong nước thì nạn cắt điện mất điện xảy ra quanh năm chứ không chỉ xảy ra vào mùa hạn.
(a) Nguyên nhân cơ cấu
Với tăng trưởng thu nhập cá nhân, người dân thành thị có thêm nhu cầu về tiện nghi đời sống chỉ có thể thoả mãn được bằng điện : soi sáng nhiều hơn bằng đèn điện, dùng quạt và máy điều hoà không khí, thổi cơm bằng nồi và lò bếp điện,... Những nhu cầu đó chính đáng vì điều kiện sinh sống ở thành thị bây giờ khác xưa. Chúng cũng đang được phổ biến ở thôn quê. Nhưng nhu cầu điện gia tăng chủ yếu do sự phát triển công nghiệp và các ngành dịch vụ.
Tính từ số liệu của Tổng cục Thống kê thì, từ mười năm nay, giá trị sản xuất công nghiệp tăng trung bình 14,5% mỗi năm và số lượt khách du lịch tăng trung bình 16,3% mỗi năm. Trong khi đó, tính từ số liệu của EIA (Energy Information Agency, Cơ quan Thông tin Năng lượng, Hoa Kỳ)ii, sản lượng điện được sản xuất chỉ tăng có 11,3% mỗi năm. Sản xuất điện không tăng kèm theo tăng trưởng kinh tế sinh ra nạn thiếu điện. Ngay vài năm sau khi có chính sách Đổi Mới, cung đã không đủ cầu và nạn cắt điện mất điện xảy ra mỗi năm mỗi trầm trọng hơn.
Năm 2006, công suất tất cả các nhà máy điện ở Việt Nam là 11.400 MW, trong đó, công suất các nhà máy thuỷ điện là 4.200 MW, nghĩa là 37% của tổng số công suất. Khả năng sản xuất thuỷ điện tuỳ thuộc vào thời tiết quanh năm. Tỷ số công suất thuỷ điện lớn như vậy làm cho thời tiết chi phối việc cung cấp điện, đặc biệt vào mùa hạn. Năm 2005, sản lượng tất cả các nhà máy điện ở Việt Nam là 51,3 TW h, trong đó, sản lượng từ các nhà máy thuỷ điện là 21,2 TW h, nghĩa là 41% của tổng sản lượng. Tỷ số sản lượng thuỷ điện lớn hơn tỷ số công suất cho thấy, khi vận hành hệ thống cung cấp điện, ngành điện Việt Nam đã làm cho nguồn cung cấp điện tuỳ thuộc vào thời tiết hơn nữa, đặc biệt vào những mùa hạniii. Từ vài năm nay, Bộ Công Thương đã ý thức được nguy cơ này và đã cho phép xây nhiều nhà máy nhiệt điện với công suất lớn. Trên nguyên tắc thì nạn cắt điện mất điện sẽ giảm. Nhưng, những công trình đang xây chưa có ảnh hưởng tích cực vì mới khởi công xây hay việc hoàn tất gặp nhiều khó khăn.
(b) Nguyên nhân trạng huống
Cũng phải nói là thời tiết năm nay ở bên nhà khô và nóng khác thường.
Nhiều người đổ nạn cắt điện mất điện cho hai nhà máy nhiệt điện Hải Phòng và Quảng Ninh do các hãng Trung Quốc xây đáng lẽ đã phải đi vào hoạt động từ một năm nay. Công suất hai nhà máy điện này tổng cộng 3.900 MW, nghĩa là hơn một phần ba công suất đã được lắp đặt của tất cả các nhà máy điện của cả nước. Do đó, sự chậm trễ này làm thiệt hại lớn cho ngành điện và tất cả các ngành kinh tế.
Thái độ hung hăng của chính phủ Trung Quốc về Biển Đông làm nhiều người Việt chúng ta có tinh thần bài Hán và có chuyện gì không hay là đổ lỗi cho người Trung Quốciv. Việc những nhà máy nhiệt điện Hải Phòng và Quảng Ninh bị chậm trễ không có liên hệ gì với những múa may ngoại giao và quân sự của Trung Quốc. Thực ra thì phía Việt Nam cũng không oan gì và chúng ta phải tìm những giải thích khách quan hơn.
Một công trình bị chậm trễ hay thiếu chất lượng vì bất cứ lý do gì sẽ gây thiệt hại cho cả hai đối tác, chủ đầu tư cũng như nhà thầu. Vậy mọi nhà thầu đều mong muốn mau chóng kết thúc một hợp đồng đúng quy định của điều kiện sách. Ở Phi Châu, các nhà thầu Trung Quốc thường bàn giao những công trình hạ tầng giao thông vận tải đúng kỳ hẹn. Tại sao ở nước ta thì lại chậm trễ đến thế ?
Chúng tôi không biết chi tiết của sự việc nên chỉ nêu một số giả thuyết dựa trên những khó khăn thực hiện những dự án khác trong nước.
Một công trình công nghiệp phức tạp hơn những hạ tầng giao thông vận tải vì có thêm những hạng mục cơ khí, điện cơ và điện tử. Chất lượng những hạng mục này của Trung Quốc không nhất thiết được bảo đảm vì trình độ văn hóa công nghiệp các xí nghiệp Trung Quốc chưa đạt được đẳng cấp các quốc gia công nghiệp khác. Sau khi lắp ráp và thử nghiệm thì phát hiện sai sót, công trường xây dựng phải ngưng để sửa chữa làm cho thời biểu bị trượt.
Về phía chúng ta thì thiếu người có đủ kỹ năng để thi hành những hợp đồng thầu phụ. Điều này dẫn tới những vấn đề chất lượng lắp ráp thiết bị, công trình phải ngưng để hiệu chỉnh. Ngoài ra, nhà thầu phụ thường không có đủ nhân lực để cung cấp theo tiến độ của công trình làm cho các dự án tiến triển chậm hơn dự định. Những nhà máy Quảng Ninh lại xây theo dạng EPC, nghĩa là chìa khóa trao tay. Nếu loại suy từ nhiều dự án trong nước thì chủ đầu tư chắc đã ký hợp đồng xây dựng nhà máy trước khi được cam đoan sẽ có đầy đủ tài trợ. Nhà thầu Trung Quốc xây nửa chừng rồi ngưng vì phía Việt Nam không còn tài chính để thanh toán những hóa đơn của họv.
Vì những chậm trễ đó, giá vật liệu tăng theo thời gian làm chúng ta lại càng kẹt thêm về tài chính.
Nhưng hai nhà máy nhiệt điện Hải Phòng và Quảng Ninh chỉ là một nửa nguyên nhân nạn cắt điện mất điện. Ngành điện lại còn sai lầm về vận hành những công suất sẵn có :
1. thay vì dự trữ nước để có thể quay ráo vào mùa hạn thì các nhà máy điện đã dùng tất cả nước chảy vào hồ chứa để sản xuất điện vào mùa lũvi,
2. nhà máy nhiệt điện Cà Mau, với 750 MW công suất lắp đặt, chạy cầm chừng vì thiếu khí nhiên liệu, nhà máy điện Uông Bí mở rộng, với 300 MW công suất lắp đặt, cũng vẫn chưa chạy ổn định,
3. không có chương trình bảo trì phòng ngừa cục bộ làm cho nhiều cơ sở sản xuất điện và mạng phân phối điện phải ngưng hoạt động vì hỏng hóc đúng vào mùa hạn,
4. khi bảo trì phòng ngừa, thay vì làm việc này vào mùa lũ, thì chọn ngưng sản xuất để bảo trì vào mùa hạn lúc cần đến tất cả công suất có thể vận động được.
(c) Trách nhiệm của Bộ Công Thương
Chúng tôi không khơi lại những quyết định quá xưa dẫn tới nạn cắt điện mất điện.
Ở nước ta có rất nhiều đối tác can thiệp vào việc cung cấp điện. Hậu quả là khi có vấn đề như là cắt điện mất điện thì không biết khiếu nại với ai. Do đó, có nhiều đối tác lộng hành vô trách nhiệm.
Vì sốt sắng thiết lập kinh tế thị trường nhưng không nắm rõ những định luật của kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, Bộ Công Thương đã :
1. xã hội hóa nghĩa vụ cung cấp điện, nghĩa là để mạnh ai nấy làm kể cả những đối tác không có đủ vốn hay/và không có kỹ năng nghiệp vụ,
2. tách Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thành nhiều công ty con có chức năng địa phương hy vọng những công ty này sẽ cạnh tranh lẫn nhau để làm giảm giá bán điện,
3. gán cho những tập đoàn ngoài ngành điện chức năng sản xuất điện,
4. không ban hành một biểu giá mua điện dài hạn làm cho EVN phải liên miên thương lượng và tranh cãi với những xí nghiệp khác dẫn tới tình trạng EVN không có điện để bán trong khi những xí nghiệp khác có thừa công suất,
5. và không kiểm soát hoạt động của ban giám đốc những tập đoàn và công ty tuỳ thuộc Bộ để họ đầu tư ngoài ngành chức năng và cấu xé nhau trên những thị trường không nhất thiết là thị trường năng lượngvii.
2. Hậu quả của nạn cắt điện mất điện
Những vụ cắt điện mất điện chỉ làm phiền phức người dân thường. Ở nước ta, mùa hạn cũng là mùa học thi. Có người nói thời chiến tranh không có điện để bật đèn bật quạt mà cũng vẫn phải học thi. Nhưng, bây giờ đâu còn chiến tranh nữa mà sự thi đua bằng cấp trở nên khắc nghiệt hơn xưa. Hồi chiến-tranh, chúng ta đâu có nhiều du-khách và nhà máy như bây giờ. Ngoài ra, ít ai nói tới những ca giải phẫu ở bệnh viện bị gián đoạn vì mất điện làm bệnh nhân tử vong.
Vì không tín nhiệm EVN, các cơ sở sản xuất và dịch vụ thường được trang bị bởi những ổ phát điện phụ trợ. Những tổ máy này ô nhiễm nhiều hơn và có hiệu suất thấp hơn và, suy ra, không khí đô thị đã ô nhiễm lại càng ô nhiễm thêm và giá thành của điện cao hơn giá thành những tổ máy công suất cả trăm mega watt của EVN. Sai biệt giữa giá thành của những ổ phát điện phụ trợ và giá bán thấp hơn của EVN (nhờ có hiệu suất cao hơn) làm cho giá thành sản phẩm và dịch vụ các xí nghiệp cao hơn cần thiết. Đó là chưa kể đến những cơ sở kinh doanh quá nhỏ, không có ổ phát điện phụ trợ, phải ngưng sản xuất và cho nhân viên tạm nghỉ việc. Tình trạng này làm cho những xí nghiệp kinh doanh kém hiệu quả và, suy ra, kinh tế nói chung tăng trưởng ít hơn khả năng tiềm tàng.
Báo chí trong nước đã phản ảnh những phiền phức của người dân và những thiệt hại cho kinh tế quốc dân rồi. Chúng tôi xin nêu thêm một số ác tính âm ỉ của nạn cắt điện mất điện.
Một hợp đồng cung cấp điện phải bảo đảm ba chỉ số : công suất tối đa, điện áp, và chu kỳ. Khi cung cấp điện cho tư nhân thì công suất có thể từ 500 W đến 50 kW, điện áp là 220 V và chu kỳ là 50 Hz. Khi cung cấp cho cơ sở sản xuất hay dịch vụ thì công suất và điện áp tuỳ hợp đồng với công ty điện còn chu kỳ thì vẫn là 50 Hz. Khi mạng phân phối thiếu điện thì chu kỳ sẽ giảm. Nếu chu kỳ ở một địa phương dưới 49 Hz thì có nghĩa là mạng phân phối thiếu điện và phải cắt điện ở địa phương đó để bảo vệ cân bằng mạng phân phối điện quốc gia. Nếu tình trạng thiếu điện không được dự báo trước thì hệ thống điều hành mạng phân phối địa phương sẽ tự động cắt điện.
Những thiết bị gia dụng cũng như thiết bị sản xuất đều được thiết kế để chạy với một công suất, một điện áp, và một chu kỳ cố định. Nếu được cung cấp điện với những thông số khác thì hiệu suất sẽ không tối ưu và có khi thiết bị có thể bị hỏng. Dù sao một thiết bị chạy lâu ở ngoài những thông số thiết kế cũng sẽ chóng hỏng. Tình trạng tệ nhất là mất điện : một thiết bị chạy bằng điện bỗng nhiên bị mất điện có thể hỏng ngay hay ít ra sau này sẽ chạy ở trạng thái huỷ hại và mau hỏng. Đây cũng là một nguồn lãng phí tiềm lực quốc gia làm cho kinh tế vĩ mô tăng trưởng ít hơn tiềm năngviii.
Nạn cắt điện mất điện cũng còn tai hại về đầu tư nước ngoài. Những siêu dự án công nghiệp với vốn đầu tư nước ngoài thì không bị ảnh hưởng vì những cơ sở của họ đều có ít nhất một tổ máy phát điện đáp ứng tất cả những nhu cầu thông thường của họ. Nhưng những chủ đầu tư những dự án cỡ trung bình thì, sau khi nghiên cứu hiện địa, hoặc họ chấp nhận những trở ngại của nạn cắt điện mất điện hoặc họ rút sang nước khác. Chúng tôi không biết hậu quả tai hại đến bực nào. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ cần tính số những đơn xin đầu tư và lượng vốn đăng ký mới trong những mùa hạn và so với trung bình cả năm.
3. Một số giải pháp
(a) Biểu giá điện
Điện là một sản phẩm thiết yếu nên đòi hỏi về điện co giãn rất ít theo giá bán và không có giá thị trường mà chỉ có giá thành ở đầu kẹp dây nơi tiêu dùng. Ở phần này chúng tôi chỉ xin trình bày cơ cấu biểu giá điện theo những định luật kinh tế cơ bản về sản phẩm hay dịch vụ phúc lợi công cộngix.
Biểu giá điện phải được thiết lập như thế nào để cho xí nghiệp cung cấp điện có thu nhập ít nhất bằng tổng số giá thành ở tất cả các đầu kẹp dây. Nếu thu nhập khác với tổng số giá thành thì hiệu suất kinh tế toàn quốc sẽ giảm. Thực ra thì thu nhập có thể cao hơn tổng số giá thành một chút. Sai biệt với giá thành sẽ giúp xí nghiệp cung cấp điện đầu tư thêm vào những cơ sở và công trình mới để đáp ứng những nhu cầu tương lai.
Ngành điện có hai thị trường điện : thị trường tư nhân và thị trường các cơ sở sản xuất hay dịch vụ.
Đối với các cơ sở sản xuất hay dịch vụ, điện là một nhân tố sản xuất. Giá bán ở mỗi đầu kẹp dây phải bằng giá thành của xí nghiệp cung cấp điện hay cao hơn một chút. Nguyên tắc này phải được áp dụng đồng đều cho mỗi khách hàng. Phân biệt các ngành sản xuất, bơm nước tưới tiêu, các đối tượng hành chính, sự nghiệp (mà chúng tôi coi là các cơ sở sản xuất hay dịch vụ) và điện cho kinh doanh như trong biểu giá của EVNx thì sẽ gây ra tham nhũng (một đối tượng có thể tìm cách chuyển sang ngành khác để được hưởng biểu giá rẻ hơn) và làm giảm hiệu suất kinh tế toàn quốc.
Đối với tư nhân, điện là một sản phẩm tiêu dùng cho tiện nghi. Chúng ta có thể áp dụng nguyên tắc “giá bán ở đầu kẹp dây phải bằng giá thành của xí nghiệp cung cấp điện hay cao hơn một chút” một cách đồng đều cho mọi khách hàng. Nhưng biểu giá điện có thể dùng để cân bằng đôi chút sức mua của các thành phần xã hội bằng cách phân phát lại thu nhập cá nhân. Giá điện cho những hộ nghèo thấp hơn giá thành của xí nghiệp cung cấp điện và giá bán cho những hộ giầu cao hơn giá thành miễn là tổng số giá bán ở tất cả các đầu kẹp dây phải bằng tổng số giá thành của xí nghiệp cung cấp điện hay cao hơn một chút. Nguyên tắc này có thể được áp dụng một cách nghiêm minh khi tính biểu giá theo một thang tiêu thụ điện : những hộ nghèo có ít tiền hơn là những hộ giầu để mua và dùng những thiết bị tiêu thụ điện. Nhiều nước tư bản chủ nghĩa áp dụng nguyên tắc này và biểu giá của EVN cũng vậy. Vấn đề là khoảng cách giá điện giữa hai bậc thang tiêu thụ điện có đủ cao để phân phát lại thu nhập một cách tương xứng với xã hội chủ nghĩa hay không.
(b) Kết cấu thị trường cung cấp điện
Điện là một một sản phẩm phúc lợi công cộng như là công lý, an ninh, quốc phòng, y tế hay giáo dục. Điều này đã được Lê Nin xác định ngay từ những ngày đầu của cách mạng Nga. Vì lý do đó mà việc phân phối điện thuộc uy quyền của Nhà Nước và xí nghiệp cung cấp điện phải là một xí nghiệp quốc doanh. Ở nhiều nước tư bản chủ nghĩa, phân phối điện được Nhà Nước uỷ thác cho những xí nghiệp liên doanh hay hoàn toàn ngoài quốc doanh. Những nước chậm tiến, thiếu vốn và thiếu nhân lực chuyên môn, có thể kêu gọi những xí nghiệp chuyên về dịch vụ phúc lợi công cộng đầu tư theo dạng BO hay BOT. Nhưng dù là xí nghiệp tư, xí nghiệp bán công hay xí nghiệp công, thì những xí nghiệp đó đều phải tuân theo chỉ thị của chính phủ đặt lợi ích công cộng trên lợi ích xí nghiệp. Để đạt được mục đích này, các xí nghiệp cung cấp điện ký với chính phủ một hợp đồng dài hạn về biến đổi giá điện. Lẽ cốt nhiên, hợp đồng này phải có lợi cho cả hai bên.
Tối ưu kinh tế của các cá nhân và các xí nghiệp đổ đồng không phải là tối ưu kinh tế của toàn quốc. Tải điện cần đến đường dây và những trạm biến áp từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ. Khấu hao và chi phí vận hành những hạng mục này cộng với thất thoát điện do hiệu ứng Ohm chiếm một tỷ lệ lớn của giá thành điện tải đến đầu kẹp ở nơi tiêu thụ. Tổng chi phí tải điện từ đập Hòa Bình đến Phú Mỹ gần TP Hồ Chí Minh có thể bằng 25 đến 40 phần trăm giá thành. Vì lý do đó người ta coi điện là một sản phẩm không thể tải đi xa được. Đặc tính này tạo ra những vị thế độc quyền địa phương (local monopoly). Xã hội hóa ngành điện là một sai lầm trong bối cảnh thiếu tiềm năng về vốn và nhân lực như hiện nay. Phân chia thị trường cung cấp điện cho nhiều đối tác cạnh tranh nhau là không tận dụng hiệu ứng tay nghề và hiệu ứng tiết kiệm quy môxi.
Mọi cơ sở công nghiệp đều cần đến điện. Nếu nhu cầu điện đủ lớn để giá thành điện tự chế thấp hơn giá bán của xí nghiệp cung cấp điện thì cơ sở đó có thể được trang bị bởi một tổ phát điện riêng. Có khi cơ sở sinh ra phụ phẩm dưới dạng chất đốt. Chất đốt đó có thể dùng để sản xuất điện. Khi công suất tổ phát điện cao hơn nhu cầu của cơ sở thì xí nghiệp có thể bán điện có thừa cho một xí nghiệp cung cấp điện hay một xí nghiệp khác đang thiếu điệnxii. Nhưng sản xuất điện không phải là nghề chính của các xí nghiệp đó.
EVN mua lại điện của Petrovietnam, Vinacomin hay một xí nghiệp nào khác là tận dụng tiềm lực của toàn quốc. Gán cho những xí nghiệp đó chức năng sản xuất điện phụ với EVN là một sai lầm có thể dẫn tới phá sản như Vinashinxiii. Petrovietnam, Vinacomin và EVN là những công ty vốn Nhà Nước. Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà Nước (SCIC) có chức năng quản lý vốn Nhà Nước và đại diện chính phủ ở những hội đồng quản trị các công ty có vốn Nhà Nước. Nếu quả thực Petrovietnam hay Vinacomin thừa vốn và EVN thiếu vốn thì chỉ cần một lệnh của chính phủ chuyển đến SCIC là vốn có thừa của hai tập đoàn này sẽ trở thành vốn của EVN dùng để EVN đầu tư vào những cơ sở cung cấp điện. Petrovietnam, Vinacomin và những xí nghiệp quốc doanh khác đã có nhiều lý do tranh chấp vô lý với EVN về giá dầu, giá khí đốt và giá than,... cần gì mà phải có những PV Power hay Vinacomin Power để cho phức tạp thêm.
Về kết cấu thị trường cung cấp điện, chúng tôi xin đề nghị :
1. EVN có nhiệm vụ thoả mãn tất cả những đòi hỏi về điện của tư nhân cũng như của tất cả các xí nghiệp phát biểu nhu cầu và thoả mãn tất cả những đòi hỏi chuyền tải điện của mình cũng như của những xí nghiệp khác.
2. EVN có độc quyền toàn quốc chuyền tải điện và cung cấp điện trên thị trường tư nhân. Độc quyền này không vi phạm guyên tắc tự do kinh doanh của WTO và không ngăn cản việc Việt Nam được tuyên bố là có kinh tế thị trường.
3. EVN cung cấp điện cạnh tranh với những xí nghiệp khác có chức năng sản xuất điện, chính hay phụ, trên những thị trường khác.
4. SCIC cung cấp vốn hay bảo đảm vay nợ của EVN để đầu tư vào những cơ sở công trình cung cấp điện.
Giá thành điện của EVN là tổng số giá điện EVN mua của các đối tác khác, khấu hao của các cơ sở công trình thuộc sở hữu EVN và chi phí vận hành những hạng mục đó chia cho tổng sản lượng điện của EVNxiv. Giá thành đó, phóng chiếu đến một thời gian dài, tỷ dụ năm năm, dùng làm cơ sở để lập biểu giá bán điện cho tư nhân và cơ sở để thương lượng giao dịch với các đối tác khác.
(c) Hệ thống cung cấp điện
Hệ thống cung cấp điện gồm những cơ sở sản xuất điện, mạng đường dây chuyền tải cao áp và những đường dây mạng điện từ trạm biến áp đến đầu kẹp dây nơi tiêu dùng.
Ba đặc điểm của ngành điện kiềm chế chiến lược xây dựng hệ thống cung cấp điện.
1. Những nhà máy điện càng lớn bao nhiêu thì, quy ra sản lượng, ô nhiễm và giá thành càng ít bấy nhiêu. Chúng ta sẽ xây những cơ sở sản xuất lớn nhất mà công nghệ và địa thế cho phép.
2. Như viết ở phần trên, điện là một sản phẩm không thể tải đi xa được. Chúng ta sẽ xây những cơ sở sản xuất ở những địa điểm gần những nơi tiêu thụ nhất nhưng thích hợp với an toàn và tôn trọng ô nhiễm.
3. Điện là một sản phẩm không thể tích trữ được. Trừ những biển đảo xa xăm ít dân cư, khi sản xuất điện chúng ta sẽ tránh không dùng những nguồn năng lượng tái tạo như là nhật năng và phong năng. Trên đất liền, nếu dùng thử những nguồn năng lượng này để nghiên cứu khoa học kỹ thuật thì những cơ sở sản xuất sẽ được tách ly khỏi mạng phân phối quốc gia và điện sinh ra sẽ dùng để bơm nước vào những hồ tích năngxv.
Thuỷ điện chỉ có thể đóng góp tối đa 80 TW h mỗi năm. Chúng tôi ước tính năm 2015, nghĩa là năm năm nữa, nhu cầu điện đã là khoảng 110 TW h và năm 2020 sẽ cần đến khoảng 160 TW hxvi. Dù muốn dù không phần lớn điện chúng ta tiêu thụ sẽ là nhiệt điện cổ điển và nhiệt điện hạt nhân. Thuỷ năng dần dần sẽ là phụ phẩm của nông lâm nghiệp và một nguồn điện thứ yếu dùng để điều chỉnh cân bằng mạng phân phối điện quốc gia.
Với triển vọng nhiên liệu hóa thạch sẽ khan hiếm và áp lực của biến đổi khí hậu, điện hạt nhân sẽ là nguồn điện chính. Nhưng chúng tôi rất bi quan về an toàn hạt nhân ở nước ta. Cho tới giờ này chính phủ mới chỉ có một văn bản về tổ chức an toàn hạt nhânxvii mà vẫn đặt mục tiêu sản xuất điện hạt nhân vào năm 2020. Ngoài ra chúng tôi không hiểu tại sao chính phủ lại giao trách nhiệm triển khai năng lượng hạt nhân cho một nhân vật đã thất bại ở tất cả những nhiệm vụ trước : nạo vét kênh Nhiêu Lộc, 300 tiến sĩ ở TP Hồ Chí Minh, 20.000 tiến sĩ ở Bộ Giáo dục Đào tạo, cải cách giáo dục,... Vậy, trước mắt chỉ có những nhà máy nhiệt điện cổ điển chạy bằng nhiên liệu hóa thạch. Để giảm thiểu ô nhiễm, ưu tiên là những nhà máy điện khí chu kỳ hỗn hợp, sau đó là điện than lưu thể hóa và sau cùng là những tổ phát điện diêzen. Phối hợp những nguồn nhiên liệu đó tuỳ ở giá nhiên liệu trên thị trường thế giới và tiềm lực các mỏ và nhà máy lọc dầu ở Việt Nam.
Kết luận
Nguyên nhân chính của tình trạng cắt điện mất điện là Bộ Công Thương thiếu người có tầm nhìn xa hơn là đối phó những khó khăn trước mắt và EVN thiếu cán bộ có tinh thần đồng đội muốn hợp tác sản xuất điện với những ngành khác như là ngành hoá, ngành than và ngành dầu khí.
Nếu chúng ta tiếp tục ì ạch xây và vận hành những nhà máy điện như hiện nay thì sẽ vĩnh viễn thiếu điện. Với một chính sách cung cấp điện thích nghi thì nạn thiếu điện sẽ tuần tự giảm cường độ để chấm dứt trong một chục năm nữa. Những giải pháp như là tái kết cấu ngành điện, lập một sàn giao dịch điện hay tăng giá điện nhiều người đã đưa ra đều vô hiệu vì chúng không làm tăng tiềm năng cung cấp điện.
Trước mắt chúng ta phải làm một số việc có hiệu ứng nhanh không thể chờ tháng tư năm tới mới làm :
1. thực hiện và hoàn tất tất cả những chương trình bảo trì phòng ngừa định kỳ trước mùa hạn tới, tốt nhất là trước tháng ba,
2. tháo gỡ những khó khăn gây ra chậm trễ xây dựng hai nhà máy điện Hải Phòng và Quảng Ninh và, nếu có, những nhà máy khác đang xây dựng.
Về dài hạn chúng ta phải :
1. lập và thực hiện một chương trình đào tạo nhân lực có khả năng chỉ huy việc xây dựng nhà máy và nhân lực có khả năng vận hành một nhà máy,
2. tận dụng những tiềm năng điện phụ phẩm của các ngành công nghiệp khác như là các ngành than, dầu khí và hóa chất,
3. và thiết kế một kế hoạch sản xuất điện đa nguồn với tầm nhìn nửa thế kỷ hay hơn nữa.
Đặng Đình Cung
Chú thích :
i
“Năng lượng, phát triển bền vững và Việt Nam” đăng ở
địa chỉ Internet
http://www.diendan.org/khoa
hoc ky thuat/nang luong phat trien ben vung va viet nam/
và
http://www.diendan.org/khoa
hoc ky thuat/nang luong phat trien ben vung va viet nam 1/
ii Trạm Internet của Tổng cục Thống kê là www.gso.gov.vn và trạm của EIA là www.eia.doe.gov.
iii Chúng tôi không tìm thấy số liệu về công suất và sản lượng điện trên các trạm Internet của Tổng cục Thống kê và của Tập đoàn Điện lực Việt Nam nên phải dùng số liệu của EIA. Nhưng cơ quan Nhà Nước này không công bố số liệu mới hơn về ngành điện là những năm 2005 và 2006.
iv Chúng tôi phân biệt rõ người Trung Quốc, người thuộc quốc tịch Trung Quốc, và người Hoa, một dân tộc của quốc gia Việt Nam.
v
Để bảo vệ giả thuyết này, chúng tôi xin lấy thí dụ nhà máy Nhơn
Trạch 2. Sáng 28.11.2010, Tập đoàn Dầu Khí Quốc gia Việt Nam
(PVN) và công ty Siemens của Đức ký kết hợp đồng bảo trì sửa chữa dài
hạn thiết bị chính cho Nhà máy điện chu trình hỗn hợp Nhơn Trạch 2 (xã
Phước Khánh, huyện Nhơn Trạch). Sáng ngày 27.6.2010, Chủ tịch nước
Nguyễn Minh Triết phát lệnh khởi công xây dựng công trình. Nhưng phải
chờ đến ngày 10 .8.2010 mới ký hợp đồng tài trợ tín dụng cho dự án. Bạn
đọc có thể tham khảo những bài sau đây :
“Nhà
máy điện Nhơn Trạch 2 sử dụng công nghệ tiên tiến thế giới”
"Khởi
công xây dựng Nhà máy điện Nhơn Trạch 2"
“Tài
trợ 470 triệu USD cho dự án nhiệt điện Nhơn Trạch II”
vi
Xin đề nghị bạn đọc tham khảo bài “Thuỷ
điện và Việt Nam”
vii
Chuyện hy hữu nhất có lẽ là tranh chấp giữa EVN và Tập đoàn Bưu chính
viễn thông (VNPT) về giá thuê cột điện. Bạn đọc có thể tham khảo “EVN
vẫn 'quyết chiến' với VNPT về giá thuê cột điện”.
viii Xin đề nghị bạn đọc tham khảo những bài báo đăng trong nước từ đầu tháng năm đến cuối tháng bảy năm nay.
ix
Khi đang kháng chiến chống phát xít Đức hay bị giam ở các trại tù binh
Đức một số kỹ sư và nghiên cứu sư Pháp đã phác hoạ một mô hình kinh tế
mà chúng ta có thể coi là “kinh tế thị trường với định hướng
xã hội chủ nghĩa”. Sau Đệ nhị Thế chiến, các vị đã khai triển
những định luật để có cơ sở khoa học tái thiết nước Pháp theo mô hình
này. Chúng tôi xin giới thiệu những sách vỡ lòng của chúng
tôi :
Claude ABRAHAM và Andre THOMAS : “Microeconomie –
Decisions optimales dans l'entreprise et dans la nation”,
Dunod, 1970
Pierre MASSE và Pierre BERNARD : “Les dividendes du
progres”, Seuil, 1969
Pierre MASSE : “Le Plan ou l'anti hasard”,
Hermann, 1991
xii Tỷ dụ một nhà máy đường sinh ra bã mía dùng để sản xuất hơi trong quy trình sản xuất đường. Hơi còn thừa có thể dùng trong một tua–bin hơi để sinh ra điện. Nhà máy dùng một phần điện đó. Phần còn lại có thể bán cho các nhà máy láng giềng có nhu cầu.
xiii “Xin
dung tha cho ngành đóng tàu”.
xiv Chúng tôi xin không vào chi tiết phương pháp tình giá thành. Bạn đọc có nhu cầu có thể tham khảo những sách giáo khoa về kế toán chi phí (cost accounting).
xv
Bạn đọc có thể tham khảo điều kiện khai thác phong năng ở nước ta trong
bài “Năng
lượng gió và Việt Nam”
xvi
“Năm
2035 sẽ có 37 lò phản ứng hạt nhân ?”.
xvii
Quyết định 446/QĐ TTg ngày 07 IV 2010 : “Về việc
thành lập, tổ chức và hoạt động của Hội đồng An toàn hạt nhân quốc gia”.
Các thao tác trên Tài liệu