Bạn đang ở: Trang chủ / Việt Nam / Ngân hàng: ông hoàng không quần?

Ngân hàng: ông hoàng không quần?

- Vũ Quang Việt — published 05/03/2013 18:15, cập nhật lần cuối 05/03/2013 18:14
Nhân đọc cuốn The Bankers’ New Clothes (Quần áo mới của các nhà ngân hàng) của hai tác giả Anat Admati (giáo sư Đại học Stanford) và Martin Hellwig (giám đốc Viện Max Planck về hàng hoá tập thể).

Ngân hàng: ông hoàng không quần?


Vũ Quang Việt

2/3/2013


Vừa viết xong bài “Khủng hoảng và hệ thống tài chính tín dụng Phân tích ứng dụng với kinh tế Mỹ và Việt Nam” để đăng trên Thời Đại Mới, tôi lại thấy quyển sách The Bankers’ New Clothes (Quần áo mới của các nhà ngân hàng) của hai tác giả Anat Admati (giáo sư Đại học Stanford) và Martin Hellwig (giám đốc Viện Max Planck về hàng hoá tập thể) do nhà xuất bản Đại học Princeton ấn hành. Thay vì rút ra nét chính để đưa vào bài của mình, tôi viết riêng bài này để nêu lên những phê bình chính của hai tác giả trên về hoạt động của ngân hàng.

Ai cũng biết là vai trò ngân hàng là thu hút tiền gửi của khách hàng (chủ yếu là dân chúng) và để cho doanh nghiệp vay sản xuất (đặc biệt là đầu tư) và cho dân chúng vay tiêu dùng những món hàng lớn đặc biệt là nhà cửa. Thay vì doanh nghiệp phải hoàn toàn dựa vào vốn của mình để phát triển thì doanh nghiệp có thể vay vốn của rất nhiều người mà ngân hàng tập hợp lại. Ngân hàng làm trung gian và hưởng dịch vụ phí. Dân chúng ký gửi tiền vào ngân hàng vì tin rằng ngân hàng có khả năng đánh giá doanh nghiệp, bằng cách xem xét lịch sử phát triển, lý lịch hành xử của doanh nghiệp, tiềm năng của dự án đi vay và khả năng chi trả của doanh nghiệp rồi mới cho vay. Cũng thế ngân hàng đánh giá thu nhập của dân cư muốn vay mua nhà, lý lịch vay mượn cũng như khả năng chi trả của họ. Người ta bỏ tiền vào ngân hàng vì có sự tin cậy vào khả năng đánh giá cũng như tính ngay thẳng của nó.

Nếu những người chủ ngân hàng bỏ ra 3 đồng (gọi là vốn tự có), thu hút tiền gửi 97 đồng và họ cho vay 100 đồng thì như thế nếu nợ không đòi được là 4 đồng thì vốn tự có của các ông chủ ngân hàng coi như hơn mất sạch. Nếu dân chúng nghe tin ngân hàng có vấn đề, lũ lượt rút tiền thì ngân hàng mất khả năng chi trả và phá sản. Người bỏ tiền muốn rằng số tiền mình bỏ ra được nguyên vẹn. Các ngân hàng kêu gào chính phủ cứu trợ, như qua chương trình cứu trợ các tài sản có vấn đề (Troubled Aset Relief Program) năm 2008 mà chính phủ Mỹ phải bỏ ra 475 tỷ. Điều này khác hẳn các công ty phi tài chính. Giá chứng khoán xuống thì doanh nghiệp tự chịu. Doanh nghiệp phải bỏ vốn tự có rất lớn để kinh doanh qua việc phát hành cổ phiếu, vay mượn của doanh nghiệp ở Mỹ nói chung chỉ bằng 70% vốn tự có. Như thế theo hai giáo sư ngân hàng Mỹ sống dựa vào bù lỗ từ thuế của dân nhằm cứu ngân hàng khỏi phá sản vì sợ rằng sự phá sản của chúng sẽ đưa nền kinh tế đến khủng hoảng trầm trọng hơn.

Chỉ tính từ 1980 đã có rất nhiều cuộc khủng hoảng đã xảy ra ở nước Mỹ và trên thế giới. Ở Mỹ có 3 khủng hoảng lớn về ngân hàng: 1) khủng hoảng Ngân hàng Để dành và Cho vay (Saving and Loans Banks) ở Mỹ (747 trong số 3234 nhà băng) vì nhiều lý do trong đó có lý do chính là bịp bợm làm tốn chính phủ Mỹ 160 tỷ (tính từ 1986-1995); 2) sự phá sản của Long-Term Capital Management L.P. (LTCM) năm 1998; thực ra đây là phá sản của một công ty phi ngân hàng đầu tư vào các chứng khoán và loại phái sinh tài chính nhưng vì khoản lỗ 4,7 tỷ sợ có ảnh hưởng trực tiếp tới ngân hàng nên Ngân hàng Trung ương New York phải đứng ra tổ chức cứu trợ; và cuối cùng lớn nhất là 3) sự phá sản của hệ thống tài chính Mỹ năm 2007 như đã nói đến ở trên. Trên thế giới cũng đầy rẫy các cuộc khủng hoảng ngân hàng lớn từ Nhật (1986-2003), Venezuela (1994), Châu Á trong đó có Nam Hàn, Thái Lan, Mã Lai, Indonesia (1997), Nga (1998), Uruguay (2002), Argentina (1999-2002), và từ 2008 thì hàng loạt các nước bị khủng hoảng bao gồm Mỹ, Iceland, Irland, Anh, Bỉ, Ukraine, Nga, Spain, v.v.

Theo qui định trước đây ở Mỹ, hệ số vốn đơn giản (vốn tự có chia cho tài sản) chỉ là 5% và theo qui định mới Basel III của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (Bank for International Settlements) ở Thụy sĩ sau cuộc khủng hoảng kinh tế 2008, hệ số vốn được tăng lên là 7% (nhưng mãi đến năm 2019 mới phải thực hiện). Các ngân hàng đều có một tiếng nói chung là chống lại việc tăng hệ số vốn, và cho rằng như thế là làm mất khả năng cho vay của họ và làm thiệt hại đến sự phát triển của nền kinh tế. Họ bày ra nhiều cách như việc đưa độ rủi ro của từng loại tài sản để tính hệ số vốn. Cơ bản là nhằm giảm giá trị tài sản nằm ở mẫu số để có thể tăng hệ số. Họ muốn từng loại tài sản phải được tính theo trọng số rủi ro khi tính tổng tài sản (risk weighted assets), vì cho rằng có tài sản không có độ rủi ro như dự trữ ở ngân hàng trung ương, 20% rủi ro như trái phiếu nhà nước, 50% rủi ro nếu cho vay mua nhà có thế chấp. Với cách tính như thế, thực chất hệ số vốn trên chỉ tương đương với 3% nếu như không tính đến độ rủi ro. Có thể nói là các ông chủ ngân hàng bằng nhiều lập luận phức tạp và bác học tựu trung cũng chỉ nhằm giảm tiền vốn tự có phải bỏ ra càng ít càng tốt, và đẩy cho xã hội trả giá cho những sai lầm của họ. Tất nhiên xã hội nào cũng biết thế nên tìm mọi cách đặt ra luật lệ và các cơ chế kiểm soát chặt chẽ ngân hàng. Ngược lại nhóm lợi ích ngân hàng bằng mọi cách vận động để có càng ít kiểm soát càng tốt qua số tiền bỏ ra ủng hộ các ứng cử viên trong các cuộc chạy đua chức vụ vào quốc hội hay hành pháp.

Như vậy là hai tác giả này đã nêu rõ ra lý do cơ bản gây ra sự phá sản của ngân hàng và trong nhiều trường hợp tạo ra khủng hoảng tài chính và kinh tế kéo dài, đó là vì vốn tự có quá thấp. Tuy nhiên, vốn tự có quá thấp không phải là điều luôn xảy ra trong mọi thời đại. Vào thế kỷ 19, các ngân hàng đều có vốn tự có khoảng 40-50% tổng tài sản. Rõ ràng là nếu ngân hàng dùng vốn của người khác để làm giầu nên họ dễ hành động bất chấp rủi ro. Nếu mất tiền là mất tiền của người khác chứ không phải của cổ phần viên. Đối với họ nhà nước là kẻ cứu rỗi cuối cùng. Vai trò cứu chuộc của Ngân hàng Trung ương sau cuộc đại khủng hoảng năm 1929 được coi là nghiễm nhiên. Càng ngân hàng lớn thì lại càng bất chấp rủi ro vì họ nghĩ rằng nhà nước không thể để họ chết.

Có lẽ đây là lần đầu tiên có hai nhà kinh tế nhìn lại vấn đề về hệ số vốn như trên. Hai ông không đặt ra hệ số đáng có. Nhưng đây là những điều đáng làm ta suy nghĩ về giải pháp khống chế ngân hàng nhằm giảm khả năng khủng hoảng.

Trở lại vấn đề Việt Nam, hệ số vốn hiện nay chỉ khoảng 4-6% hoặc thấp hơn và thấp xa so với hệ số 11,5% của hệ thống Mỹ và 13% của hệ thống Philippines. Không những thế, tỷ lệ dự trữ bắt buộc tại Ngân hàng Trung ương cũng rất thấp, chỉ từ 1-3% (3% áp dụng cho loại ký gửi dưới 1 năm). Tỷ lệ tiền ký gửi dự trữ này là nhằm hạn chế mức cho vay của ngân hàng nhưng ở mặt khác có thể coi là giữ thanh khoản để chi trả cho khách hàng nếu cần. Tỷ lệ dự trữ bắt buộc ở Việt Nam rất thấp so với Trung Quốc có tỷ lệ dự trữ là 20,5%, Hồng Kông là 18%, Brazil là 21%, và Mỹ có ba mức là 0%, 3% và 10% tùy giá trị tài khoản ký gửi cao tới mức nào.

Vì những dễ dãi ở Việt Nam đặc biệt là Luật Tín dụng cho phép ngân hàng thương mại đầu tư chứng khoán, buôn vàng, kinh doanh xây dựng, mua công ty và ngược lại cho công ty phi tài chính mở ngân hàng đã là lý do giải thích tại sao rất nhiều chủ ngân hàng từng là dân gần như khố rách ở Việt Nam đã nhanh chóng trở nên giầu có vì chủ yếu họ dựa vào quan hệ để có giấy phép lập ngân hàng và tha hồ phù phép. Nếu có nợ xấu tới mức phá sản, họ nhìn vào vai trò của nhà nước cứu giúp bằng đồng tiền thuế, nhưng chủ yếu là máy in tiền của nhà nước.

Vũ Quang Việt


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us