Bạn đang ở: Trang chủ / Việt Nam / Ngày "nhà báo cách mạng"

Ngày "nhà báo cách mạng"

- Hoà Vân — published 22/06/2008 23:42, cập nhật lần cuối 25/06/2008 14:35
Về bản chất của "báo chí cách mạng" Việt Nam. / Có đôi lời viết thêm (25.6)

Ngày "nhà báo cách mạng"


Hoà Vân
   

Ở Việt Nam hiện nay hàng năm người ta tổ chức "ngày nhà báo cách mạng" vào ngày 21.6. Nội dung "cách mạng" là thế nào thì chắc người ta còn bàn cãi nhiều, thế nào là "nhà báo" có lẽ cũng chỉ dễ đồng thuận hơn chút ít, nhưng "nhà báo cách mạng" theo cách hiểu hiện nay thì chẳng khó lắm để có thể vẽ nên chân dung:

"Bác" bảo câm là câm

"Bác" bảo nói thì nói.

Xin có thêm vài dòng nói rõ hơn, để tránh mọi hiểu lầm.

Trước hết, "Bác" đây không phải là cụ Hồ, người đã mồ yên mả đẹp gần 40 năm rồi, chẳng nên bị quấy nhiễu mãi. Nhưng hai cái ban, bộ (Tuyên giáo và Truyền thông-Thông tin) nắm quyền dạy dỗ và ban bảo các nhà báo phải làm gì thì luôn luôn lôi cụ ra làm con ngoáo ộp. Mấy cái dấu ngoặc kép cần thiết là vì vậy.

Còn hai cái vế tương phản kia? 

Thông thường, những người làm báo trên thế giới có chút kinh nghiệm thường tự tạo được cho mình một cái "ăng-ten" để cảm nhận thông tin nào là "quan trọng", nên hay không nên đưa ra, nhấn mạnh ở mức nào..., vì đó là thông tin mà xã hội mong được biết, liên quan tới những sự việc có thể có ảnh hưởng tới cuộc sống của một thành phần nào đó trong cộng đồng dân tộc, v.v. Hướng cái ăng-ten đó về đâu là một vấn đề giữa nhà báo và người chủ, mà nhiều ông/bà chủ các báo lớn trên thế giới và những nhà báo có bản lĩnh đã giải quyết theo chiều hướng một cuộc chơi hai bên cùng thắng (win-win): nhà báo sẽ là người cân nhắc chính, chỉ trong trường hợp đặc biệt, hãn hữu, người chủ mới can thiệp, và trong trường hợp đó, nhà báo có thể từ chức, với một phần thiệt hại vật chất và tinh thần được chính người chủ báo chi trả, bù đắp... Tất nhiên, đây chỉ là đại thể, đi vào chi tiết thì "ở trong còn lắm điều hay", nhưng không phải mục tiêu của bài viết này. 

Được như thế, một phần nhờ trình độ quản lý của những ông/bà chủ báo, trình độ chuyên nghiệp và văn hoá của các nhà báo, song không thể không nói đến lý do cơ cấu. Mỗi tờ báo là một thực thể riêng, ít nhiều (và nhiều hơn ít) độc lập với các tờ khác, do đó các chọn lựa khả dĩ phụ thuộc chính vào những tham số "địa phương", cục bộ, dễ điều khiển hơn [xin hiểu từ này theo nghĩa khoa học, phi chính trị]. Luật pháp bảo vệ tính độc lập của báo chí đối với quyền lực chính trị và quyền chọn lựa của người viết báo (viết hay không viết, viết gì, viết thế nào...). Những tranh chấp nếu không được giải quyết êm thắm sẽ được toà án xét xử độc lập. Mọi can thiệp, nếu có (thi thoảng cũng có!), của quyền lực chính trị, không phải luôn luôn mang lại hiệu quả như người can thiệp mong muốn, và nhiều khi chỉ mang tới những thiệt hại về uy tín chính trị cho người can thiệp, ảnh hưởng tiêu cực cho họ trong các cuộc bầu cử kế tiếp.

Ở hầu khắp thế giới, không có một "trung tâm quốc gia điều khiển ăng-ten", cả về bắt sóng và phát sóng, với đầy quyền uy, vượt trên pháp luật, như hai cái ban, bộ nói trên ở ta. 

Xin mở ngoặc nói thêm, thực tiễn báo chí VN đã thay đổi khá nhiều 20 năm qua so với trước đó. Lượng thông tin phong phú hơn, một số vấn đề kinh tế - xã hội được đề cập tới một cách thẳng thừng hơn..., dù những cấm kỵ chính trị vẫn còn đó. Nền kinh tế thị trường, dù có cái đuôi "định hướng xã hội chủ nghĩa", với các áp lực của quá trình phát triển của chính nó hay của việc "hội nhập" vào kinh tế thế giới, và với những "nhóm lợi ích" khác nhau hình thành ngay trong nội bộ của Đảng Cộng sản, đã có lúc nới lỏng được một số dây trói, cho phép báo chí phát triển năng động hơn. Nhiều bài báo moi ra những "tiêu cực", tham nhũng lớn ở các cấp cán bộ "trung-cao", tuy chưa hẳn dám đụng tới hoặc đụng được vào lớp nắm quyền lực cao hơn. Vụ xã hội đen Nam Căn, vụ PMU18, các vụ "ăn đất" của quan tham lại nhũng ở hầu như khắp các địa phương..., được dân chúng theo dõi, hỗ trợ các báo bằng nhiều "thư bạn đọc" cung cấp thêm thông tin cho nhà báo, tạo được một hiệu ứng nào đó, buộc nhà cầm quyền phải công khai thừa nhận tình trạng tham nhũng cực kỳ nghiêm trọng ở mọi cấp, và hứa hẹn những biện pháp mạnh mẽ. Vậy vấn đề không phải là không có những nhà báo tâm huyết, muốn "nói thẳng, nói thật" những hiện trạng xã hội mà họ nhìn, nghe thấy. Đóng ngoặc. 

Vấn đề là cái cơ chế báo chí độc quyền mà Đảng dành cho mình, chối bỏ hoàn toàn đòi hỏi thượng tôn pháp luật, đòi hỏi minh bạch hoá mọi quyết định đối với báo chí. Các báo dù có "cơ quan chủ quản" khác nhau, đều phải răm rắp nghe theo một lệnh phát ra từ ban Tuyên giáo hay bộ Truyền thông đã được "chỉnh đốn" theo ý muốn của phe thắng trong cuộc đấu đá nội bộ để nắm "định hướng" các chính sách quốc gia, những định hướng mà các chiêu bài ý thức hệ như những chiếc lá nho không đủ che giấu các quyền lợi kếch sù đằng sau. Cái cơ chế mà những nhà lãnh đạo ít nhiều có óc cải cách, "đổi mới", có phần liên đới  trách nhiệm khi họ đã không kiên quyết đấu tranh chống lại - mà chỉ chăm chăm nghĩ tới các khía cạnh kinh tế trong nhiệm vụ của mình.

Mấy ví dụ gần đây nhất: chuyện mở rộng địa giới thủ đô (và không xa hơn bao lâu, chuyện Hoàng thành và toà nhà "quốc hội"), chuyện cấm nói tới cái chết của nguyên thủ tướng Võ Văn Kiệt trước khi trung ương có quyết định công bố. Và nhất là (vì đang nói chuyện báo chí), chuyện các nhà báo Nguyễn Văn Hải, Nguyễn Việt Chiến ở các tờ báo chính thống Tuổi Trẻ và Thanh Niên bị bắt hơn một tháng nay. Trước đó, là sự thay thế nhân sự trong báo Tuổi Trẻ, và nội dung thay đổi khá rõ trên tờ báo này (chẳng hạn, xem biểu đồ số bài có từ khoá "tham nhũng" đã bớt hẳn trong mấy tháng qua, trên Linh's blog). Tất cả cho thấy một sự nắm lại quyền "định hướng" báo chí, một cách thô bạo, trong chiều hướng đã được nhóm thắng thế trong bộ chính trị hiện nay (với sự hỗ trợ của các đồng chí phương bắc?) quyết định.  

"Ngày nhà báo", Tuổi Trẻ, Thanh Niên và các báo đồng loạt im, không nói gì nữa tới số phận của hai đồng nghiệp của mình, dù họ không hề bị quên (như người ta có thể đọc trên các blog của nhiều nhà báo, chẳng hạn, câu viết treo trên đầu blog của Bùi Thanh, phó tổng biên tập Tuổi Trẻ: "21-6: ngày nhà báo, đừng quên đồng nghiệp, đồng đội đang nằm trong tù !"). 

Im, không cả một dòng tin về diễn biến của quá trình xử lý họ ra sao, đang ở trạng thái nào, các luật sư đang làm gì để bảo vệ thân chủ... 

"Bác" đã bảo Câm. "Bác" chưa cho Nói.  Có cần phát triển hơn?

Ngày "nhà báo cách mạng", xin được nhắc lại bản chất đó của báo chí VN hiện nay. Và một lần nữa, xin để cụ Hồ yên nghỉ. 

H.V.

 

Đôi lời viết thêm

1. Bài báo này lên mạng được một hôm thì tác giả nhận được phản hồi sau đây từ một bạn đọc:

" Chỉ théc méc với tác giả ở mấy chữ này: "cụ Hồ, người đã mồ yên mả đẹp gần 40 năm rồi". Theo tui biết, cụ Hồ vẫn chưa được an táng nơi chốn quê nhà, như mong muốn của cụ. Ngày nào người ta còn đóng hộp cái xác phàm tội nghiệp kia để mà chiêu hàng (hù dọa nhau ?) thì mần sao mà "yên" với "đẹp" được đây ? "

Thật ra, theo Di chúc để lại, chủ tịch HCM mong muốn được hoả thiêu chứ không phải an táng nơi quê nhà. Tuy nhiên, câu hỏi bạn đặt ra không vì thế mà mất đi ý nghĩa của nó. Vậy xin chép đoạn thư trên vào đây để chuyển tới bạn đọc Diễn Đàn, như một lời nói rõ thêm, thay vì viết lại cái câu hình thức trên kia.

2. Diễn Đàn cũng vừa đưa lên mục "Thấy trên mạng" bài viết của ông Đỗ Quý Doãn, thứ trưởng bộ Thông tin - Truyền thông đăng trên Tạp chí Cộng sản nhân ngày "nhà báo cách mạng". Ngài thứ trưởng bộ 4T sau khi khẳng định lại "sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ đối với lĩnh vực này là hết sức sâu sát và kịp thời" [hoan hô sự "đoàn kết, nhất trí" trong lãnh đạo đảng!] , và phân phối các lời bảo ban, khen chê tới báo chí như đối với con cháu trong nhà, đã viết rõ:

"Bộ Thông tin và Truyền thông ngày càng chủ động, kịp thời hơn trong việc quản lý thông tin và cung cấp thông tin cho báo chí (H.V. nhấn mạnh), tạo điều kiện để báo chí thông tin kịp thời, chính xác, đúng pháp luật, đúng định hướng."

Miễn bình.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us