Bạn đang ở: Trang chủ / Việt Nam / Người trách nhiệm chính về nạn mất an toàn thực phẩm

Người trách nhiệm chính về nạn mất an toàn thực phẩm

- Hoà Vân — published 06/04/2016 23:43, cập nhật lần cuối 06/04/2016 23:43

Chuyện mất an toàn thực phẩm


Ông Cao Đức Phát đã cho phổ biến
các loại hoá chất độc hại ra sao?


Hoà Vân


Câu nói của ông bộ trưởng bộ Nông nghiệp Cao Đức Phát trước Quốc hội ngày 1/4, “ Đa số thực phẩm của chúng ta là an toàn nhưng nhân dân không biết nên có cảm giác là tất cả không an toàn”1, đáng được mổ xẻ kỹ hơn là một phản ứng giận dữ2 nhất thời, để rồi sẵn sàng bỏ qua sau đó khi ông ấy đã ngỏ lời « xin lỗi »3. Không phải vì « thù dai », hay có định kiến nào với ông ấy. Đơn giản là vì tầm quan trọng của lĩnh vực ông ta đảm nhận, nông nghiệp, trong đó có lương thực – thực phẩm, và vì sự lặp lại đã quá nhiều lần trong mấy năm qua của những sự cố ngộ độc thực phẩm trên cả nước (xem khung).

Trước hết, cần nhắc lại câu trước của câu nói đó, tức phần biện luận của ông Phát :

Trong 5 tháng vừa qua, chúng tôi lấy gần 6.000 mẫu phân tích thì số mẫu có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép là 5,17%, số mẫu thịt có dư lượng thuốc kháng sinh, chất cấm vượt mức cho phép là 1,92%.”

Sau đó ông mới nói tiếp, “ Như vậy là đa số thực phẩm của chúng ta…”.

Có hai nhận xét có thể đưa ra ở đây.

Cái phần biện luận cực kỳ vô cảm ấy (chỉ cần vài con số quan liêu để nói thay thực tế của một lĩnh vực hết sức nhạy cảm : sức khoẻ của người dân ?), thực ra còn nói lên một sự thật khác : các quan chức trong bộ của ông đã chọn lựa chỉ đưa ra hai trong rất nhiều tiêu chí liên quan tới an toàn thực phẩm (« dư lượng thuốc bảo vệ thực vật » và « dư lượng thuốc kháng sinh, chất cấm » - mà cũng không cho biết cụ thể là những chất gì) và lờ đi những tiêu chí khác. Mẩu tin dưới đây, về một đợt kiểm tra trong tháng 1.2016 – tức trong khoảng thời gian « 5 tháng » của ông Phát - cho thấy những con số khác hẳn4 :

Thông tin từ Cục an toàn thực phẩm (Bộ Y tế), trong 1.900 mẫu thực phẩm được cơ quan này tiến hành lấy mẫu trên cả nước và kiểm tra nhanh trong dịp Tết Nguyên đán, có đến 550 mẫu, chiếm 29%, không đạt yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm, chủ yếu nhiễm hàn the, bị ôi, khét...”.

Khác tới mức mà người ta không khỏi đặt ra câu hỏi : những con số trên của Bộ Nông nghiệp có trung thực, hay đã được tô vẽ lại, như rất nhiều số « thống kê » mà các quan chức Nhà nước ta đưa ra từ trước đến nay, không chỉ để cho bức tranh trình ra với dân chúng được « đẹp » hơn mà chính là để che giấu những « lợi ích nhóm » rất cụ thể ? Chúng tôi sẽ trở lại dưới đây nghi ngờ này, liên quan tới cụm từ « thuốc bảo vệ thực vật », một cụm từ đủ quan trọng để ông bộ trưởng và các cấp dưới của ông thấy cần phải đưa ra những con số như trên.

Nhưng trước đó, xin đưa ra nhận xét thứ hai về câu biện luận của ông Phát. Không chỉ lờ đi những tiêu chí khác cần phân tích khi nói về an toàn thực phẩm, câu biện luận ấy còn chứng minh rằng ông Phát hoàn toàn không đủ trình độ để giải quyết cái thực tế mà người dân phải đối diện hàng ngày trong bữa ăn của họ, một thực tế ông đã trực tiếp nghe một đại biểu quốc hội, ông Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) phản ảnh trong phiên họp chất vấn bộ trưởng Nông nghiệp ngày 17.11.2015 : « con đường từ dạ dày tới nghĩa địa của mỗi người chúng ta chưa bao giờ lại trở nên ngắn và dễ dàng đến thế »5. Hôm ấy, ông đã trả lời ông Vinh : « nguyên nhân chính của tình trạng này là do thường xuyên xuất hiện chất cấm trong chăn nuôi không phải là do thiếu quyết tâm của cơ quan điều hành. », và phân trần : « Lãnh đạo từ trung ương đến địa phương đều đã có những chỉ đạo rất quyết liệt, hàng loạt văn bản đã được ban hành. Tuy nhiên, từ việc ban hành đến triển khai, hướng dẫn sản xuất, kiểm tra giám sát tới hàng triệu hộ dân, hàng chục nghìn cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư và sản phẩm nông lâm thủy sản chưa thật sự sâu rộng để xử lý căn cơ ». Có nghĩa là, đối với ông, « quyết tâm của cơ quan điều hành » chỉ cần thể hiện qua việc ban hành « hàng loạt văn bản ». Bất kể ý nghĩa của chúng thế nào – các tiêu chí « bảo đảm an toàn » đã được đề ra, các cuộc kiểm tra, đo đạc cho thấy chúng ở trong vòng « kiểm soát », còn kết quả thực tiễn của chúng nếu không như ý muốn chẳng qua là vì các lý do khách quan (quá nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các thuốc bảo vệ thực vật, trong khi công nhân viên chức phụ trách quản lý chất lượng thì ít)… Các lý do này vẫn tồn tại, nhưng không ngăn cấm ông Phát hứa sẽ cải thiện được tình hình trong vòng vài tháng tới !

Trở lại vấn đề thuốc bảo vệ thực vật. Báo chí trong nước có rất nhiều bài nói về vấn đề này, những phóng sự cho thấy nông dân tưới rau vô tội vạ bằng những thuốc tưới bất chấp hàm lượng hoá chất độc hại trong đó. Nhưng, làm sao họ có đủ hiểu biết về các vấn đề khoa học phức tạp này, và quan trọng hơn, làm sao họ có thể cưỡng lại « thị trường » đầy dẫy những rau quả rẻ, chẳng sạch gì, nhập « lậu » tự do từ Trung Quốc, khi các thương lái có đầy ô dù, quyền thế để giúi vào tay họ những thứ thuốc « bảo vệ thực vật » độc hại đó, độc hại không chỉ vì chúng chứa những chất gây nguy hiểm cho sức khoẻ người tiêu thụ mà còn vì chúng gây ra tình trạng phụ thuộc của cây cỏ… ?

Trong một trao đổi riêng với chúng tôi, Giáo sư Võ Tòng Xuân cho biết :

Theo nhận xét của nhiều chuyên gia nông nghiệp, hiện nay trên thị trường Việt Nam có khoảng 1.500 loại hóa chất được phép nhập chính thức và nhập lậu qua nhiều ngã biên giới mà nhà nước không kiểm soát được. Trước tình trạng này, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Thông tư số 34/2015/ TT-BNNPTNT ngày 12/10/2015 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 03/2015/TT-BNNPTNT ngày 29/1/2015 về ban hành Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng, cấm sử dụng ở Việt Nam và công bố mã HS6 đối với thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng, cấm sử dụng ở Việt Nam. Thông tư 34 này có một lỗ hổng rất quan trọng để cho nông dân vẫn sử dụng hóa chất cấm một cách tự do, như những người chăn nuôi heo sử dụng chất tạo nạc tuy bị cấm. Lỗ hổng này chính ở Phụ Lục II của Thông tư 34 (Danh sách các loại thuốc bị loại khỏi Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng trên rau, quả, chè ở Việt Nam có 100 hóa chất rất độc hại nhưng chỉ cấm sử dụng trên rau, quả và chè, còn các cây trồng khác thì không cấm. Như vậy có nghĩa là 100 loại hóa chất này vẫn được cho nhập khẩu và lưu hành trên đất nước ta để dùng cho lúa, mía, bắp, khoai, v.v. Nông dân trồng rau, quả, và chè cũng có thể mua dùng vì tuy cấm nhưng có bán ở các đại lý thuốc BVTV. Quả thật, Thông tư 34 này đã  và đang tạo điều kiện cho các hóa chất độc hại đã bị cấm ở các nước tiên tiến được đem sang Việt Nam tiêu thụ một cách chính thức. (Những chỗ nhấn mạnh là do người viết bài).

Người ký Thông tư 34 nói trên là ông Cao Đức Phát, bộ trưởng bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Nói cách khác, câu trả lời cho câu hỏi của nhiều người - mà nhà báo Nguyễn Mỹ Linh đã nêu lên thẳng thừng trong bài viết Thực phẩm bẩn, hãy gọi tên đúng cái ác, « Ai để thương lái nhập đồ hóa chất độc hại, độc dược vào Việt Nam mà không thể kiểm soát? »  chính là ông đấy, ông Cao Đức Phát ạ, không thể chỉ đổ lỗi cho các cấp dưới của ông – các Chi cục quản lý chất lượng ở các địa phương, được đâu.

Để thấy rõ hơn vai trò của ông Phát trong các quyết định liên quan tới việc cho phép nhập khẩu các hoá chất « dùng trong nông nghiệp », chắc vẫn cần nêu lên một ví dụ khác, về quyết định cho công ty Monsanto – sản xuất ra « thuốc diệt cỏ » Da cam - trở lại Việt Nam.

Năm 2010, bộ Nông nghiệp tổ chức một cuộc gặp gỡ với 4 doanh nghiệp nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ sinh học nông nghiệp (Monsanto, Dow Agrosciences, Syngenta và Bayer) nhằm trao đổi việc làm sao cho cây trồng biến đổi gien “đổ bộ” sớm nhất vào Việt Nam. Kết luận buổi gặp, ông Cao Đức Phát tuyên bố:

Người ta sợ ma vì không bao giờ nhìn thấy nó, một số người sợ cây trồng biến đổi gen cũng bởi chưa nhìn thấy nó bao giờ7. Phải đưa cây biến đổi gen trồng trong thực tế, để người ta nhìn mới thuyết phục nổi, xua đi những ám ảnh mà họ tự nghĩ ra về cây trồng biến đổi gen. Nếu có vướng mắc gì cứ báo cáo trực tiếp với tôi, mọi thủ tục giấy tờ chỉ 1-2 ngày chứ không được phép hồ sơ nằm một chỗ quá 1 tuần. Tốt nhất nếu được trồng thử trước Tết , còn không đến tháng 4, tháng 5. Tôi xin khẳng định quan điểm về cây trồng biến đổi gen, thủ tục quốc tế làm sao mình làm vậy. Chúng ta phải kế thừa chứ không nên làm lại những công đoạn mà các nước tiên tiến đã làm vì nếu thế khác gì dùng bàn tính để kiểm tra lại… máy tính điện tử. Các đồng chí cứ đưa bông, ngô, đậu tương, thậm chí cả lúa biến đổi gen, chúng tôi cũng hoan nghênh hết.”8

Năm năm sau, với nhiều thủ đoạn lừa mị khác, Monsato thực sự đã đặt chân vào Việt Nam, và (theo nhà báo Phương Dung, Dân Trí ngày 7.7.2015) :

khi được hỏi, một số nhà khoa học từ chối đưa ra những ý kiến phản biệt về thực phẩm và giống cây trồng biến đổi gen. Một vị còn thẳng thắn: “Bộ đã quyết thế rồi, có tác dụng rồi, chả còn gì để bàn nữa. Có muốn nói ngược cũng không được đâu!

Tuy vậy, theo một vị chuyên gia trong ngành, bỏ qua câu chuyện về tính an toàn của cây trồng biến đổi gen nhưng trước mắt vẫn phải đặt ra câu hỏi lớn về nguy cơ phụ thuộc giống vào một số ít những nhà cung cấp nước ngoài. Và sau vài năm tiếp theo, điều gì sẽ xảy ra nếu các nguồn giống biến đổi gen không thực sự cho hiệu quả cao trong khi các nguồn giống địa phương thì đã bị lai tạp và hỏng không sử dụng được?9 

Dù có “quên” đi vai trò của Monsanto trong chiến tranh Mỹ - Việt để chỉ nghĩ đến tương lai của nông nghiệp Việt Nam, làm sao có thể không thấy, qua ví dụ này, vai trò quyết định đầy tính độc đoán của ông Cao Đức Phát trong sự xâm nhập không kiểm soát của những hãng sản xuất và kinh doanh hoá chất dùng trong nông nghiệp. Cộng lại, làm sao có thể không nêu câu hỏi về động cơ lợi ích của một ông bộ trưởng mà các quyết định trong suốt nhiệm kỳ chính là nguyên nhân "căn cơ" nhất của sự thống trị thị trường của thực phẩm độc hại (cả phần sản xuất trong nước với những hoá chất "cấm mà không cấm" như nói trên, và phần nhập lậu từ Trung Quốc) dẫn tới sự mất an toàn thực phẩm ở mức cao chưa từng thấy.

Trong phiên họp QH ngày 17.11.2015, ông Phát nói: “trong việc quản lý, không thể chỉ nặng về kiểm soát, xử lý mà gốc của vấn đề là phải hướng dẫn, hỗ trợ nhân dân sản xuất các sản phẩm an toàn và người tiêu dụng nhận biết được chất lượng hàng hóa.”

Liệu có thể tin ở sự “hướng dẫn” của những người quản lý như ông?

Ở đại hội XII vừa rồi, ông Phát được "tái cử" vào Ban chấp hành Trung ương, và nếu không có gì thay đổi, sẽ được cử trở lại làm bộ trưởng bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn một nhiệm kỳ nữa.  



Hoà Vân


Mục An toàn thực phẩm trên Lao Động:


Gồm 26 trang từ tháng 3.2012 tới 2.4.2016, mỗi trang khoảng 10 bài. Dưới đây là một số tít bài:

02/04/2016. Ruốc biển nhuộm phẩn đỏ tung đi các nơi đầu độc người tiêu dùng.

04/02/2016. Khi "Tinh hoa quà Việt" tẩm đường "đầy tiền án tiền sự.  Thịt bò hoá ra là thịt heo tẩm dung dịch huyết bò pha hoá chất metabisulfite.

06/01/2016. Hãi hùng thực phẩm chức năng omega - " Trung Quốc "ăn mòn" miếng xốp.

05/06/2015. Clip: Hoảng hồn về chất độc hai cao gấp 3 lần cho phép trong dưa hấu.

10/07/2012. 83 người nhập viện do "bún độc"

05/07/2012. Ngộ độc thực phẩm, trên 180 công nhân nhập viện

13/11/2015. Hơn 50 công nhân Nam Định nhập viện sau bữa ăn trưa.

17/07/2015.  Vụ 45 cong nhân bị đau bụng, tiêu chảy tại TP. Hồ Chí Minh: Cty cung cấp thức ăn có hiều vi phạm an toàn thực phẩm.

v. v.


Chú thích:


1   Các báo đều đưa lại tuyên bố này, xem chẳng hạn trên Dân Trí 1/4.

2   Bài viết Ông quá coi thường dân thưa ông Phát của nhà báo Lê Thanh Phong trên báo Lao Động ngày 2/4 đã bị báo này gỡ bỏ sau khi ông Phát gọi điện thoại cho tổng biên tập báo đề nghị được ngỏ lời « xin lỗi nhân dân » vì đã phát biểu « không rõ ràng » hôm trước.

6   Mã HS là dịch từ tiếng Anh, « HS code », trong đó HS là viết tắt của Harmonized System, một hệ thống quốc tế mã hàng hoá trong trao đổi xuất - nhập cảng.

7   Bất chấp rất nhiều chứng từ về tác hại của các loài thuốc « bảo vệ thực vật » của các hãng này, và các hoạt động lobby đầy tính cả vú lấp miệng em của họ (mà mục tiêu, ai cũng hiểu, hoàn toàn là lợi nhuận. Có thể xem một ví dụ ở đây : Hạt giống tự tử, làm thế nào Monsato phá huỷ nông nghiệp), mà chỉ một số nước Tây Âu mới đủ sức kháng cự lại qua việc thông qua khái niệm « nguyên tắc cẩn tắc » (principe de précaution) để ngăn chặn sự tràn ngập của các chất biến đổi gien.

8   Tường thuật của báo Nông nghiệp Việt Nam ngày 22.1.2010, cơ quan chính thức của bộ. Từ « đồng chí » dùng trong bài chắc chắn nhà báo không dám lạm quyền nhét vào miệng thủ trưởng cao cấp nhất của mình (bài viết vẫn còn trên mạng, ở địa chỉ trên, khi chúng tôi viết bài này vào ngày 6.4.2016, 17g giờ Paris).
Xem thêm : Khi Monsanto dễ dàng trở lại VN (Tuổi Trẻ 25.5.2015).

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us