Nguyễn Hữu Đang (1913-2007)
Nguyễn
Hữu Đang
(1913-2007)
Ông Nguyễn Hữu Đang đã từ trần ngày 8.2.2007 tại Hà Nội, thọ 94 tuổi. Lễ tang, do Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức, sẽ được cử hành sáng thứ bảy 10.2 tại Nhà lễ tang quân đội, 5 Trần Nhân Tông. Ông thuộc thế hệ "lão thành cách mạng", tên tuổi đã đi vào lịch sử Việt Nam thế kỉ XX với tư cách một nhà hoạt động văn hoá (Hội Truyền bá Quốc ngữ), cách mạng (Văn hoá Cứu quốc, thứ trưởng Bộ thông tin Tuyên truyền đầu tiên của chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà, người tổ chức Lễ đài Độc lập 2.9.1945) và lãnh đạo phong trào Nhân văn Giai phẩm (1956-1958). Sau vụ Nhân văn Giai phẩm, ông là người lãnh án tù nặng nhất (15 năm). Năm 1973 ra tù, ông bị quản chế nhiểu năm ở làng quê Thái Bình (xem bài của Phùng Quán cùng ngày 8.2.2007).
Nguyễn Hữu Đang sinh năm 1913 ở làng Trà Vy, huyện Vũ Tiên, Thái Bình. Năm 1929 tham gia Học sinh hội của Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội. Cuối năm 1930 bị bắt giam, nhưng toà án chỉ quản chế tại nguyên quán vì còn vị thành niên. 1932-36 : học trường Sư phạm Hà Nội.
1937-39 : tham gia Mặt trận Dân chủ Đông Dương, viết cho các báo Thời báo, Ngày mới của Mặt trận, Tin tức và Đời nay của Đảng cộng sản (cùng với các ông Trần Huy Liệu, Nguyễn Đức Kính, Phan Bôi, Đặng Xuân Khu tức Trường Chinh).
1938-45 : tham gia Hội Truyền bá Quốc ngữ, tổ chức và chủ trì Hội nghị giáo khoa toàn quốc (hè 1944).
1943-46 : gia nhập Đảng cộng sản Đông Dương (1943), tham gia sáng lập và lãnh đạo Hội Văn hoá Cứu quốc, tham gia Ban trị sự Tổng hội cứu đói.
1945 : tại Đại hội Tân Trào (tháng 8) được bầu vào Uỷ ban Giải phóng Dân tộc Việt Nam (tức là Chính phủ lâm thời khởi nghĩa). Trong Chính phủ lâm thời : thứ trưởng Bộ tuyên truyền, rồi thứ trưởng Bộ thanh niên. Trưởng ban tổ chức "Ngày Độc lập".
Thủ bút Nguyễn Hữu Đang (tư liệu Diễn Đàn)
1946-1954 : công tác tuyên truyền (Trưởng ban tuyên truyền xung phong trung ương của Tổng bộ Việt Minh), báo chí (báo Toàn dân Kháng chiến của Mặt trận Liên Việt), Trưởng ban Thanh tra Nha Bình dân học vụ.
1954-1958 : biên tập báo Văn Nghệ.
Cuối 1956 : biên tập Nhân Văn, cộng tác với Giai Phẩm (bản lí lịch viết tay năm 1993, ghi : "những hoạt động này là tự ý làm, ngoài công tác, vô tổ chức").
4-1958 : Bị bắt giam.
1960 : Bị kết án 15 năm tù
2.1973 : Sau Hiệp định Paris, được trả tự do, nhưng bị quản chế ở quê nhà Thái Bình (cùng năm 1973 này, những người bị bắt năm 1967-68 trong vụ "xét lại chống Đảng" cũng được trả tự do và cũng bị quản chế ít nhất 3 năm).
Trong thời gian 1960-73, Nguyễn Hữu Đang bị giam ở Hà Giang, gần sát biên giới Trung Quốc, nên không bao giờ nghe thấy tiếng máy bay Mĩ, và ông cũng không được thông tin gì về cuộc kháng chiến chống Mĩ.
1989 : Bắt đầu được "hồi phục" một phần. Từ năm 1990, hưởng lương hưu trí. Từ năm 1993 về sống ở Hà Nội. Tạp chí Xưa & Nay tổ chức về Ngày độc lập 2-9-1945, đề cao vai trò của ông Nguyễn Hữu Đang. Nhưng "vụ Nhân Văn" vẫn nằm trong vùng cấm.
Các thao tác trên Tài liệu