"Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm" sắp lên phim
“ Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm ” sắp lên phim
HAI
NGƯỜI HỌ ĐẶNG
VÀ MỘT BỘ PHIM
Thanh Thảo
Khoảng giữa tháng 10/2007, những “đúp” đầu tiên của bộ phim được dựng từ thần thái và cảm hứng của Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm sẽ được khởi quay tại… Mỹ. Chính xác là tại bang New Jersey và bang Texas với thư viện Lubock – nơi bản chính quyển Nhật ký đang được lưu giữ. Đã hai lần được gặp đạo diễn bộ phim này khi anh cùng đoàn làm phim vào Đức Phổ (Quảng Ngãi) để khảo sát và cũng là để “lấy cảm xúc”, tôi đã bước đầu cảm nhận được cách làm phim của đạo diễn.
Đặng Nhật Minh là cái tên quá quen thuộc của điện ảnh Việt Nam. Anh làm phim không nhiều, nhưng dường như bộ phim nào của anh cũng gây được không chỉ tiếng vang, mà còn là những ngân nga, ám ảnh, day dứt trong lòng người xem. Với điện ảnh, Đặng Nhật Minh đã vượt qua một quãng đường dài. Nhưng tới bộ phim sắp làm này của anh, tôi chợt cảm thấy lo lo. Không phải lo về kinh phí làm phim. Nhà nước đã cấp hơn nửa triệu USD – ngót 10 tỉ bạc cho bộ phim được chính thức đặt hàng này. So với 40 triệu USD kinh phí dành cho bộ phim Pinkville của Oliver Stone làm về vụ thảm sát Sơn Mỹ thì kinh phí bộ phim về Đặng Thuỳ Trâm của Đặng Nhật Minh chỉ bằng 1/80. Nhưng với phim Việt Nam, thì kinh phí như thế cũng vào hàng “top” rồi.
Phạm Thu Thuỷ, diễn viên sẽ thủ vai
bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm
Điều tôi lo, mà tôi nghĩ đạo diễn Đặng Nhật Minh cũng lo không kém, chính là áp lực khi bộ phim được dựng từ một quyển nhật ký bây giờ đã quá nổi tiếng không chỉ ở Việt Nam mà còn ở cả thế giới. Ngày 11/9 vừa qua, nhà xuất bản Random House đã đồng loạt phát hành Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm bản dịch tiếng Anh của Andrew X. Pham. Và đó là một sự kiện của xuất bản. Vì lập tức đã có đại diện xuất bản của 14 nước trên khắp thế giới mua bản quyền tiếng Việt và tiếng Anh quyển nhật ký này. Chỉ cách mấy ngày trước chuyến đi khảo sát lần thứ 2 của ê-kíp làm phim Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm, đạo diễn Mỹ lừng danh Oliver Stone cũng đã bay từ Mỹ qua Việt Nam và lặng lẽ tới Sơn Mỹ, chuẩn bị cho bộ phim thứ 4 về chiến tranh Việt Nam của mình (sau Trung đội, Sinh ngày 4/7, Trời và Đất) sẽ bấm máy vào đầu năm 2008. Gần như cùng lúc, ở hai địa danh thuộc tỉnh Quảng Ngãi chỉ cách nhau 50 km : Sơn Mỹ (Sơn Tịnh) và Phổ Cường (Đức Phổ) sẽ diễn ra hai sự kiện lớn của điện ảnh Việt Nam và Mỹ. Cả hai bộ phim của Oliver Stone và Đặng Nhật Minh đều có đề tài chiến tranh Việt Nam, đều lấy bối cảnh chiến trường Quảng Ngãi và nước Mỹ, đều có sự tham gia trực tiếp của những nhân vật Mỹ và Việt, đều có cùng mục tiêu là khát vọng hoà bình hoà giải của hai dân tộc Việt-Mỹ, nhưng sẽ đi hai con đường rất khác nhau.
Nếu bộ phim của Oliver Stone là cuộc tra vấn “mang tính hình sự” về sự thật vụ thảm sát Sơn Mỹ (còn gọi là vụ Mỹ Lai) do quân đội Mỹ tiến hành, cũng là sự tra vấn lương tâm người Mỹ trong hiện tại dù vụ thảm sát đã xảy ra 40 năm trước (1968-2008), thì bộ phim của Đặng Nhật Minh lại là sự khám phá từ bên trong vẻ đẹp tâm hồn của một người con gái “Việt Cộng”, người đã bằng cuộc sống của mình phụng hiến cho lý tưởng nhân đạo, cứu chữa những vết thương cho nhân dân, đồng đội, và bằng cái chết của mình thức tỉnh lương tâm ngay những kẻ thù của mình. Số phận kỳ lạ của cuốn nhật ký, phẩm chất cao cả của người viết nhật ký và chất nhân văn tuyệt vời của cuốn nhật ký đã khiến nó trở thành “chiếc cầu của hy vọng” nối tâm thức người Việt và người Mỹ.
Cách đây mấy ngày khi email cho tôi, đạo diễn Đặng Nhật Minh đã rất băn khoăn về những giây phút cuối đời của chị Trâm, nhất là ở hai câu thơ viết ngày cuối cùng (20/6/1970) của quyển nhật ký : “ Bây giờ trời biển mênh mông / Bác ơi có thấu tấm lòng trẻ thơ ”. Anh muốn tôi thử đặt mình vào vị trí chị Trâm xem lúc ấy tâm trạng mình thế nào. Và tôi đọc lại những dòng nhật ký cuối cùng của chị Trâm : “ Không, mình không còn thơ dại nữa, mình đã lớn, đã dày dạn trong gian khổ nhưng lúc này đây sao mình cảm thấy thèm khát đến vô cùng bàn tay chăm sóc của một người mẹ mà thật ra là một bàn tay của một người thân hay tệ hơn chỉ là một người quen cũng được.Hãy đến với mình, nắm chặt bàn tay mình trong lúc cô đơn, truyền cho mình tình thương, sức mạnh để vượt qua những chặng đường gian khổ trước mắt.” Chị Trâm đã viết những dòng cuối cùng ấy trong lúc cô đơn nhất, những dòng chữ chảy tràn ra giấy không cần trau chuốt câu cú. Và tôi có cảm giác chị vừa viết vừa khóc. Dù đã quá từng trải trong chiến tranh, dù ánh mắt đầy kiên nghị của chị đã nói lên tính cách chị, nhưng lúc ấy chị Trâm đang sống với hai xung động tưởng như ngược chiều : sự năng nổ quyết liệt của hành động, những quyết định can đảm một cách cứng rắn, và ngược lại, là nỗi cô đơn, sự tủi thân, những yếu đuối quá thường tình của một con người, của một người con gái khát thèm hơi ấm của tình yêu thương, sự chia sẻ. Của bất cứ ai cũng được, chứ không dám mong đó là mẹ mình, người mình yêu, hay người thân của mình. Tâm trạng đó là rất thật, vấn đề là đạo diễn sẽ truyền tâm trạng này vào cho diễn viên của mình ra sao, và diễn viên đóng vai chị Trâm sẽ cảm nhận thế nào những xung động không dễ dàng cắt nghĩa ấy.
Tôi tin Đặng Nhật Minh sẽ làm được điều này : chị Trâm và “bản ngã thứ hai” của chị là cuốn nhật ký sẽ sống một cách đa chiều, sẽ “ sống được nơi tưởng chừng cạn nước / mà lặng lẽ nở hoa ”. Đó là cách sống của cây xương rồng trên cát trắng miền Trung, là cách sống của những người trí thức đã tình nguyện hiến mình cho cuộc kháng chiến, cho nhân dân mình như chị Trâm. Đó cũng chính là cách thế để đạo diễn thực hiện bộ phim này, một bộ phim được nhà nước tài trợ nhưng phải được làm như cách một nhà làm phim độc lập từng làm. Nghĩa là phải nén chịu tối đa, chắt bóp tối đa, năng động tối đa để mỗi thước phim là mỗi phần tâm huyết của những người làm phim gửi trọn vào đó. Tôi lại tin anh Minh có thể làm được điều này. Tự viết kịch bản và kiêm đạo diễn, chăm chút đến từng trường đoạn, cẩn trọng cân nhắc đến từng chi tiết, Đặng Nhật Minh cho ta thấy sau vẻ ngoài hiền hoà của mình là một sự khắt khe của một tín đồ đối với nghệ thuật. Những chi tiết dù rất nhỏ, từ chiếc đồng hồ đeo tay, chiếc bút máy của chị Trâm dùng viết nhật ký đều được đạo diễn tìm hỏi rất kỹ càng. Không như nhiều bộ phim chiến tranh của đạo diễn Việt Nam lâu nay, lần này chúng ta sẽ không phải xem các nhân vật “Việt Cộng” trong phim mặc những bộ quân phục “mới toanh” hoặc mang những đôi dép đôi giày mà ngày chiến tranh những chiến sĩ chúng ta không hề mang. Tránh mọi phản cảm từ những chi tiết nhỏ nhất là điều tâm niệm của đạo diễn phim Đặng Thuỳ Trâm. Cho tới khi thực sự chào đời, mọi lời “nói trước” về một tác phẩm thực ra cũng chỉ là nói… chơi. Nhưng có những tâm nguyện cần nói trước. Những lần gặp gỡ đạo diễn Đặng Nhật Minh, tôi đã cảm nhận được những tâm nguyện của anh. Và tự tôi cũng bộc bạch những tâm nguyện của mình về bộ phim này, bộ phim mà tôi nghĩ là rất quan trọng không chỉ với sự nghiệp điện ảnh của Đặng Nhật Minh, mà còn với tất cả những ai đã từng đọc Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm và vô cùng yêu mến tác giả cũng như tác phẩm này.
Các thao tác trên Tài liệu